Năm bước tự khám vú ở nhà

Tự khám vú là một quá trình bạn tự theo dõi và tự cảm nhận vú đều đặn và thường xuyên. Quá trình này kết hợp với các xét nghiệm khác trở thành quy trình tầm soát ung thư vú hiệu quả. Tự khám vú là kiến thức mà mỗi chị em phụ nữ đều nên trang bị để bảo vệ sức khỏe và vẻ đẹp của mình. Nếu bạn còn chưa biết tự khám vú như thế nào là đúng, hãy theo dõi bài viết này nhé.

1. Tự khám vú là gì?

Tự khám vú, là quá trình thường xuyên tự kiểm tra vú, có thể là một phần quan trọng trong phát hiện sớm ung thư vú. Quá trình này bao gồm nhìn và sờ 2 bên vú ở nhiều tư thế để tự cảm nhận được vú những lúc “bình thường”. Tự khám vú – giúp bạn hiểu được hình dạng và cảm nhận bình thường của vú. Từ đó, dễ dàng phát hiện ra nếu có bất kì thay đổi so với những lần khám bình thường trước đó.

Phần lớn các thay đổi phát hiện được khi bệnh nhân tự khám vú là lành tính. Tuy vậy vẫn có tỷ lệ nhỏ là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng, ví dụ như ung thư vú. Khi bạn nhận thấy có bất kì thay đổi nào ở vú so với bình thường hay một bên vú khác lạ so với bên còn lại, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa.

Năm bước tự khám vú ở nhà

2. Tại sao cần tự khám vú?

Có nhiều tình trạng có thể dẫn đến sự thay đổi ở vú, trong đó có ung thư vú. Ung thư vú phát hiện ở giai đoạn sớm có khả năng điều trị thành công rất cao. Khi không có một xét nghiệm nào có thể tìm ra mọi ung thư vú ở giai đoạn sớm, chúng tôi tin rằng tự khám vú ở nhà kết hợp với tầm soát đúng cách sẽ làm tăng tỷ lệ phát hiện bệnh.

Một tỷ lệ khá cao những phụ nữ đến khám với dấu hiệu đầu tiên của ung thư vú là tự sờ đụng một khối ở vú. Do đó, tuy không phải luôn là cách tốt nhất để phát hiện ung thư vú, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng tự khám vú nên là một phần của tầm soát ung thư. Và tự khám vú đều đặn kết hợp với các xét nghiệm tầm soát khác tạo nên quy trình tầm soát ung thư hiệu quả.

==> Xem thêm bài viết: Khối u ở vú.

3. Năm bước khám vú

Thời điểm khám vú tốt nhất là 7 ngày sau khi hành kinh, khi đó mô vú ít căng nhất. Đối với phụ nữ đã mãn kinh, hãy chọn một ngày trong tháng mà bạn dễ nhớ nhất để khám, ví dụ như ngày đầu tháng hay cuối tháng.

Để dễ dàng và không bỏ sót tổn thương, các chuyên gia khuyên rằng nên nhìn và sờ vú ở nhiều tư thế. Có nhiều cách khám vú khác nhau, hãy chọn cách mà bạn thấy dễ nhớ và thuận tiện nhất. Chúng tôi gợi ý một quy trình năm bước để bạn tham khảo và thực hành. 

Bước 1: Bắt đầu bởi quan sát vú của bạn trong gương với tư thế lưng và vai thẳng , hai tay chống hông.

Quan sát hai vú với các điểm sau:

  • Kích thước, hình dạng và màu sắc da vú có bình thường không?
  • Hai vú có đều nhau, có phần nào méo mó hay sưng không?

Nếu bạn có 1 trong những thay đổi sau đây, hãy đi khám bác sĩ:

  • Thay đổi trên bề mặt vú: da vú bị co rúm, chỗ lồi lên hoặc chỗ lõm vào.
  • Thay đổi núm vú: núm vú bị thụt vào trong.
  • Sưng, đỏ, nổi mẩn hay đau vú.

Năm bước tự khám vú ở nhà

Bước 2: Giơ hai tay lên đầu, quan sát và tìm những dấu hiệu như bước 1.

Bước 3: Trong khi nhìn vào gương, hãy tìm các dấu hiệu chảy dịch ở 2 bên núm vú. Dịch chảy ra có thể là dịch trong, dịch sữa, dịch vàng đặc hay máu.

Năm bước tự khám vú ở nhà

Bước 4: Ở bước này, hãy khám hai bên vú ở tư thế nằm.

Sử dụng tay trái để khám vú bên phải và ngược lại. Để các ngón tay sát và ngang bằng nhau, khám vú bằng phần thịt các đầu ngón tay. Chuyển động theo vòng tròn, ấn nhẹ và miết da từng vùng một cho đến khi hết bầu vú. Sờ cả vùng nách để tìm các khối hạch. Khi khám, cần chú ý không bỏ sót vùng nào của vú.

=> Có thể khám vú theo trình tự sau để chắc chắn là đã bao phủ cả vú:

  • Hình nan hoa từ núm vú ra xung quanh: Bắt đầu từ phần núm, mở rộng ra xung quanh theo hình nan hoa với vòng tròn lớn dần cho đến khi chạm đến bờ ngoài của vú.
  • Khám vú từ trên xuống dưới, từ trái qua phải. Di chuyển các đầu ngón tay lên xuống tuần tự, theo từng hàng, từ ngoài vào trong. Cách tiếp cận này có vẻ dễ dàng hơn với nhiều phụ nữ.

Cảm nhận các khối mô từ nông đến sâu của vú. Với mô da và mô mỡ gần da, sử dụng lực ấn nhẹ. Với mô tuyến vú ở giữa, sử dụng lực ấn trung bình và ấn sâu với mô cơ ở dưới cùng. Khi chạm đến lớp mô cơ, bạn có thể cảm nhận được xương sườn.

Năm bước tự khám vú ở nhà

Bước 5: Cuối cùng, cảm nhận vú khi bạn đang đứng hay đang ngồi. Tương tự như bước 4, sử dụng phần thịt của các đầu ngón tay để sờ nắn vú từ trong ra ngoài, từ lớp sâu đến lớp nông. Nhiều người cho rằng cách tốt nhất để tự khám vú là khi da ướt và trơn. Do đó, họ thường kết hợp quy trình khám vú trong lúc tắm.

Năm bước tự khám vú ở nhà

4. Làm sao để tự khám vú trở thành một phần trong tầm soát?

4.1 Tự khám vú đều đặn

Nếu bạn tự khám vú càng đều đặn, bạn sẽ hiểu rõ và sẽ cảm nhận được ngay nếu như vú có bất kì thay đổi nào. Hãy cố gắng tạo thói quen khám vú tại nhà ít nhất mỗi tháng một lần. Bạn sẽ quen với hình dạng và cảm nhận của vú lúc bình thường, và dễ dàng phát hiện khi có bất thường. Quá trình tự khám vú để trở thành một phần của tầm soát ung thư vú cần phải thực hiện đều đặn và thường xuyên.

4.2 Theo dõi các bất thường khi bạn phát hiện

Có thể vẽ một sơ đồ nhỏ ghi lại những bất thường hay vị trí, kích thước những khối mà bạn sờ thấy được. Điều này sẽ giúp bạn ghi nhớ sự bình thường của vú, qua nhiều lần theo dõi. Sẽ không đáng lo ngại nếu khối mà bạn sờ thấy xuất hiện không thường xuyên, lúc có lúc không theo chu kì kinh nguyệt.

4.3 Kết hợp với các xét nghiệm tầm soát theo ý kiến của bác sĩ

Đừng quên khám phụ khoa tổng quát và kết hợp với các xét nghiệm tầm soát ung thư. Đặc biệt với các phụ nữ có nguy cơ cao ung thư vú như gia đình có mẹ hay chị gái bị ung thư vú, phụ nữ không sinh con,… Nhiều chuyên gia cho rằng nên bắt đầu tầm soát ung thư vú từ năm 30 tuổi (hoặc sớm hơn theo ý kiến của bác sĩ).

Năm bước tự khám vú ở nhà
Khám vú đều đặn ít nhất mỗi tháng 1 lần. Nguồn ảnh: nationalbreastcancer.org

5. Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy hẹn gặp với bác sĩ chuyên khoa ung bướu hoặc phụ khoa nếu bạn gặp một trong những tình trạng sau:

  • Một khối hay một vùng cứng ở vùng vú trên ngoài gần nách.
  • Sờ thấy khối cứng ở nách (hạch nách).
  • Những thay đổi về hình dạng hay cảm nhận ở vú, bao gồm một vùng mô dày lên hay nhô lên khác biệt với vùng vú xung quanh.
  • Vùng da vú bị lõm vào, bị co rúm, gồ ghề hay lồi lõm bất thường.
  • Núm vú bị thụt vào trong.
  • Sưng, nóng, đỏ hay đau ở vú.
  • Ngứa, tróc da, sưng đau hay nổi mẩn ở vú.
  • Tiết dịch vú bất thường: chảy máu hay mủ núm vú.

Bác sĩ sẽ khám vú và đề nghị các xét nghiệm bổ sung như siêu âm, nhũ ảnh hay sinh thiết để chẩn đoán các thay đổi này là gì.

Năm bước tự khám vú ở nhà

Tự khám vú sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cơ thể của mình và sớm nhận ra những thay đổi. Để bảo vệ sức khỏe và sắc đẹp của người phụ nữ, đừng quên năm bước khám vú và thực hiện đều đặn  ít nhất mỗi tháng một lần. Trao đổi ngay với bác sĩ nếu có những dấu hiệu đáng lo lắng hay khi vú có bất kì thay đổi bất thường nào. Nếu bạn thấy hữu ích, hãy chia sẻ các bước khám vú này cho mẹ, cho chị em gái và những người bạn thân thiết nhé. NT BacGiang thương chúc các chị em phụ nữ luôn khỏe mạnh và xinh đẹp.

Tác giả: Bác sĩ Lê Mai Thùy Linh

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Giải đáp: Nồng độ prolactin cao có khả năng sinh con được không?
“Nồng độ prolactin cao có khả năng sinh con được không?” là thắc mắc của không ít chị em đang trong hành trình “săn rồng con” nhưng chưa mãi chưa có
Hình ảnh tin tức Có nên dùng que thử viêm nhiễm phụ khoa không? Cách sử dụng hiệu quả
Viêm âm đạo là vấn đề phổ biến ở phụ nữ thuộc nhiều độ tuổi khác nhau. Vì cảm thấy ngại ngùng khi đi khám phụ khoa, nhiều chị em phụ nữ đã truyền tai
Hình ảnh tin tức Gan nhiễm mỡ độ 1 có nguy hiểm không?
Gan là một cơ quan quan trọng trong cơ thể mà bạn không thể sống thiếu. Đây là lý do tại sao việc bảo vệ gan lại rất quan trọng, đặc biệt là khi bạn
Hình ảnh tin tức Những ngày cuối kinh nguyệt quan hệ có sao không? Có an toàn không?
Mỗi phụ nữ đều có chu kỳ kinh nguyệt riêng. Trong suốt chu kỳ này, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi về hormone gây  ảnh hưởng đến tâm trạng, sức khỏe
Hình ảnh tin tức Ngâm chân cho bà bầu: 4 cách làm nước ngâm chân và lưu ý cần nhớ
Theo các chuyên gia, việc ngâm chân cho bà bầu với nước ấm và một số thảo dược vào mỗi tối có thể giúp đôi chân được thư giãn, giảm phù và tăng cường