9 điều cần biết về bệnh viêm loét dạ dày: Căn bệnh ngày càng phổ biến

Viêm loét dạ dày từ lâu đã là một trong những bệnh phổ biến nhất ở nước ta. Khi đời sống ngày càng phát triển, nhịp sống hối hả kèm với áp lực công việc khiến cho bệnh lý viêm dạ dày càng trở nên phổ biến. Vậy viêm loét dạ dày là gì, triệu chứng của nó ra sao, cách điều trị, phòng ngừa cũng như chế độ ăn cho người viêm loét dạ dày như thế nào? Chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.

1. Viêm loét dạ dày là gì?

Trong chúng ta, không ít người từng trải qua cảm giác đau đớn khi bị những vết loét ở niêm mạc miệng (lở miệng). Viêm loét dạ dày là một tình trạng tương tự.

Những vết loét xuất hiện ở niêm mạc (màng lót trong cùng) dạ dày và ở phần đầu của ruột non, khiến cho niêm mạc bị bào mòn và các lớp ở thành dạ dày bị lộ ra. Điều này gây ra cảm giác khó chịu cho chúng ta khi tiếp xúc với thức ăn hoặc dịch dạ dày.

9 điều cần biết về bệnh viêm loét dạ dày: Căn bệnh ngày càng phổ biến
Viêm loét dạ dày đang dần trở nên khá phổ biến

Nếu vết loét nhỏ, trong giai đoạn đầu, thì nó có thể tự lành mà không cần điều trị. Tuy nhiên, đối với phần lớn vết loét dạ dày khi đã có triệu chứng, bạn cần đến gặp bác sĩ để được đánh giá một cách toàn diện và đưa ra những phương án điều trị hiệu quả nhất.

>> Những điều cần quan tâm khi đi khám bệnh này là gì? Tìm hiểu trong bài viết Hỏi bác sĩ như thế nào khi đi khám viêm loét dạ dày?

2. Chế độ ăn trong viêm loét dạ dày

Nên ăn:

  • Sữa, trứng: có tác dụng trung hoà dịch vị.
  • Các thực phẩm có nhiều đạm dễ tiêu: thịt, cá…
  • Rau củ quả tươi.
  • Các loại tinh bột ít mùi vị như cơm, bánh mì, cháo, khoai…
  • Các loại dầu thực vật.
  • Nghệ vàng và mật ong cũng là những phương thuốc truyền thống giúp trị và phòng viêm loét dạ dày.

Không nên ăn:

  • Các loại thịt nguội chế biến sẵn như: xúc xích, lạp xưởng…
  • Các loại thức ăn dai, cứng.
  • Thức ăn cay, nóng, chua.
  • Các loại nước có gas.
  • Trà, cà phê đậm đặc.
  • Ngừng uống bia rượu.
  • Bỏ thuốc lá.

3. Những ai có nguy cơ cao bị viêm loét dạ dày?

Như chúng ta có thể đã biết, trong dạ dày có chứa dịch vị, một loại axit rất mạnh, giúp phân cắt và tiêu hoá các loại thức ăn. Trong điều kiện bình thường, cơ thể chúng ta có nhiều cơ chế để bảo vệ dạ dày chống lại tác dụng bào mòn của dịch vị. Khi cơ chế bảo vệ này suy yếu hoặc khi cơ thể tiết ra quá nhiều dịch vị, chúng ta sẽ có nguy cơ bị viêm loét dạ dày. Vậy những yếu tố nào được cho là nguy cơ? Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ thường gặp.

  • Thường xuyên hút thuốc lá và uống rượu bia: Thuốc lá có chứa hơn 200 chất có hại cho cơ thể. Có những chất khiến cho cơ chế bảo vệ dạ dày bị suy yếu, làm dạ dày dễ bị viêm loét hơn. Rượu có thể làm vết loét có sẵn chậm lành, hoặc kích thích tiết axit hình thành những vết loét mới.
  • Căng thẳng thần kinh: Các căng thẳng kéo dài sẽ khiến cho cơ thể kích hoạt một loạt các cơ chế, trong đó có tình trạng tăng tiết axit ở dạ dày, khiến cho dạ dày dễ bị viêm loét hơn.
  • Thói quen ăn uống sinh hoạt không điều độ: Việc sinh hoạt cá nhân không điều độ như thức khuya, bỏ bữa ăn sáng hay là ăn uống không đúng giờ giấc, thói quen ăn khuya, lười vận động… không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn là yếu tố dẫn đến bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng.
9 điều cần biết về bệnh viêm loét dạ dày: Căn bệnh ngày càng phổ biến
Người thường hút thuốc rượu bia có nguy cơ cao nhiễm viêm loét dạ dày

4. Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày là gì?

Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (hay HP): Phần lớn chúng ta có thể đã nghe về vi khuẩn HP. Hãy cùng tìm hiểu một vài điều về vi khuẩn HP.

  • Vi khuẩn HP là nguyên nhân chính ảnh hưởng trực tiếp gây ra viêm loét dạ dày.
  • Vi khuẩn HP có thể lây lan qua đường ăn uống không hợp vệ sinh ở các quán ăn…
  • Sau khi xâm nhập vào cơ thể, HP sẽ tiết ra các độc tố làm suy yếu khả năng bảo vệ của cơ thể chống lại axit, gây ra các vết loét.
  • Tỉ lệ nhiễm HP ở người dân Việt Nam có thể lên đến 70%.

Thường xuyên sử dụng thuốc các loại thuốc có tác dụng giảm đau, kháng viêm:

  • Đây là nguyên nhân thứ hai gây viêm loét dạ dày sau nhiễm HP.
  • Phần lớn gặp ở người lớn tuổi khi sử dụng thuốc giảm đau lâu ngày để điều trị các bệnh lí như viêm khớp… Khiến cho cơ thể mất cơ chế bảo vệ chống lại axit và hình thành các vết loét.

Một số bệnh lý khác và do di truyền.

5. Triệu chứng

Đau vùng trên rốn:

  • Đây là triệu chứng thường gặp nhất và là nguyên nhân khiến chúng ta cảm thấy khó chịu nhất.
  • Chúng ta có thể cảm thấy cảm giác cồn cào, nóng rát âm ỉ, đôi khi đau quặn ở vùng bụng trên rốn, nhất là sau khi ăn xong khoảng 2 – 3 tiếng, hoặc khi chúng ta đói bụng.
  • Cơn đau cũng thường xuất hiện vào lúc nửa đêm, về sáng làm cản trở giấc ngủ.

Đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn:

  • Khi dạ dày tổn thương làm hoạt động tiêu hoá bị trì trệ, thức ăn chậm đi ra khỏi đường tiêu hoá gây ra những triệu chứng đầy bụng, khó tiêu hay buồn nôn.
  • Nôn có thể khiến chúng ta thấy dễ chịu hơn. Đôi khi, trong những trường hợp có chảy máu dạ dày, chúng ta có thể nôn kèm máu. Đây là triệu chứng báo động, cần đi khám để được điều trị ngay lập tức.

Ợ nóng, khó chịu vùng ngực.

Tiêu phân đen, tiêu máu đỏ:

  • Ở những trường hợp nặng, khi ổ loét đã ăn sâu vào dạ dày làm cho dạ dày chảy máu rỉ rả vào đường tiêu hoá.
  • Khi lượng máu ít, máu có thể được tiêu hoá và chúng ta đi tiêu ra phân màu đen, dính, mùi tanh.
  • Trong những trường hợp hiếm, chảy máu lượng nhiều, chúng ta có thể tiêu ra máu đỏ.
  • Đây là những triệu chứng báo động. Chúng ta cần khám bác sĩ ngay lập tức khi phát hiện những triệu chứng này.
9 điều cần biết về bệnh viêm loét dạ dày: Căn bệnh ngày càng phổ biến
Triệu chứng viêm loét dạ dày

6. Các biến chứng

6.1. Chảy máu dạ dày

  • Khi các vết loét lớn và sâu, ăn vào các mạch máu có thể gây ra tình trạng chảy máu ở dạ dày. Có thể là lượng nhỏ rỉ rả, ít gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và có thể hồi phục sau đó. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp máu chảy với lượng lớn và dai dẳng làm suy yếu sức khoẻ và có thể nguy hiểm tới tính mạng.

  • Cần chú ý các triệu chứng nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc tiêu máu để phát hiện sớm nhất biến chứng này.

6.2. Ung thư dạ dày

Các vết loét dai dẳng, nếu không được điều trị triệt để sẽ tiến triển thành ung thư dạ dày.

7. Các xét nghiệm giúp phát hiện viêm loét dạ dày và tình trạng nhiễm HP

7.1. Nội sọi dạ dày

  • Đây là cách tốt nhất để phát hiện viêm loét dạ dày.
  • Qua nội soi, các bác sĩ có thể đánh giá một cách chính xác tình trạng của dạ dày, tình trạng vết loét để đưa ra phương án điều trị tối ưu.
  • Bên cạnh đó, nội soi dạ dày có thể giúp bác sĩ can thiệp điều trị trực tiếp trong một số trường hợp thấy điểm chảy máu do vết loét gây ra.
  • Nội soi còn giúp chẩn đoán nhiễm HP.

7.2. Các xét nghiệm chẩn đoán HP

  • Nội soi dạ dày.
  • Xét nghiệm tìm vi khuẩn bằng hơi thở.
  • Xét nghiệm phân tìm vi khuẩn HP.
  • Xét nghiệm máu tìm kháng thể kháng HP.

8. Điều trị

Bệnh viêm loét dạ dày có thể điều trị khỏi và không để lại di chứng gì một cách dễ dàng nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Nếu để bệnh chuyển sang giai đoạn dai dẳng, tái đi tái lại nhiều lần thì khả năng điều trị dứt điểm sẽ khó khăn hơn. Do đó, cần đến khám bác sĩ sớm nhất có thể khi bắt đầu có triệu chứng để được thăm khám toàn diện và có kế hoạch điều trị hiệu quả nhất.

Các điều trị hiện nay gồm:

  • Ngưng các thuốc kháng viêm giảm đau nếu các thuốc này là nguyên nhân gây ra vết loét.
  • Các loại thuốc băng niêm mạc dạ dày để bảo vệ dạ dày khỏi dịch vị.
  • Các loại thuốc làm giảm tiết dịch vị.
  • Phác đồ tiệt trừ vi khuẩn HP: Thường sử dụng phác đồ 4 thuốc.

>> Bạn có thể xem thêm: Thuốc Pantoloc (pantoprazole) là thuốc gì? Những lưu ý trong điều trị viêm loét dạ dày.

Một điều cần lưu ý khi điều trị viêm loét dạ dày do HP: Đây là một loại vi khuẩn với tình hình đề kháng phức tạp và đòi hỏi điều trị lâu dài. Do đó, bệnh nhân phải tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị và tái khám đánh giá thường xuyên để chắc chắn đã tiệt trừ HP, tránh tình trạng kháng thuốc và chuyển sang tình trạng bệnh dai dẳng.

9. Phòng tránh viêm loét dạ dày

  • Không hút thuốc lá.
  • Uống rượu bia với mức độ vừa phải.
  • Hạn chế sử dụng các loại thuốc giảm đau, hoặc phải được sự tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng.
  • Thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm, rửa tay sạch và hạn chế ăn ở ngoài hàng quán.
  • Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, cân đối.
  • Duy trì và thực hiện một lối sống lành mạnh: Ăn đúng bữa, hạn chế thức khuya.

Viêm loét dạ dày rất thường gặp trong đời sống hiện nay. Tuy hiếm nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống cũng như công việc. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp những kiến thức cơ bản giúp chúng ta có được lối sống lành mạnh để phòng ngừa bệnh, cũng như nhận ra những triệu chứng sớm của viêm loét dạ dày để có kế hoạch điều trị sớm nhất có thể.

>> Đâu là những thực phẩm tốt cho người mắc bệnh này? Đừng bỏ qua: Viêm loét dạ dày nên ăn gì?

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Giải đáp: Nồng độ prolactin cao có khả năng sinh con được không?
“Nồng độ prolactin cao có khả năng sinh con được không?” là thắc mắc của không ít chị em đang trong hành trình “săn rồng con” nhưng chưa mãi chưa có
Hình ảnh tin tức Có nên dùng que thử viêm nhiễm phụ khoa không? Cách sử dụng hiệu quả
Viêm âm đạo là vấn đề phổ biến ở phụ nữ thuộc nhiều độ tuổi khác nhau. Vì cảm thấy ngại ngùng khi đi khám phụ khoa, nhiều chị em phụ nữ đã truyền tai
Hình ảnh tin tức Gan nhiễm mỡ độ 1 có nguy hiểm không?
Gan là một cơ quan quan trọng trong cơ thể mà bạn không thể sống thiếu. Đây là lý do tại sao việc bảo vệ gan lại rất quan trọng, đặc biệt là khi bạn
Hình ảnh tin tức Những ngày cuối kinh nguyệt quan hệ có sao không? Có an toàn không?
Mỗi phụ nữ đều có chu kỳ kinh nguyệt riêng. Trong suốt chu kỳ này, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi về hormone gây  ảnh hưởng đến tâm trạng, sức khỏe
Hình ảnh tin tức Ngâm chân cho bà bầu: 4 cách làm nước ngâm chân và lưu ý cần nhớ
Theo các chuyên gia, việc ngâm chân cho bà bầu với nước ấm và một số thảo dược vào mỗi tối có thể giúp đôi chân được thư giãn, giảm phù và tăng cường