Đau xơ cơ ở thiếu niên: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Đau xơ cơ là một rối loạn đặc trưng bởi đau cơ lan rộng. Ngoài ra, bệnh còn kèm theo triệu chứng mệt mỏi, rối loạn về giấc ngủ và tâm trạng. Các nhà nghiên cứu tin rằng đau xơ cơ ở thiếu niên sẽ khuếch đại cảm giác đau bằng cách tác động lên quá trình xử lý tín hiệu đau tại não. Để biết thêm thông tin về căn bệnh này, YouMed xin gửi đến bạn đọc bài viết dưới đây.

1. Tổng quan về đau xơ cơ ở thiếu niên

Nhiều người thường cho rằng đau xơ cơ chỉ xảy ra ở người lớn. Tuy nhiên, đau xơ cơ cũng có thể xuất hiện ở trẻ em và thanh thiếu niên. Ước tính rằng đau xơ cơ khởi phát ở tuổi thiếu niên ảnh hưởng từ 2% đến 6% trẻ em đang đi học, chủ yếu là nữ. Bệnh thường được chẩn đoán ở độ tuổi từ 13 đến 15.

2. Triệu chứng của đau xơ cơ ở thiếu niên

Đôi khi, các triệu chứng xuất hiện sau chấn thương, phẫu thuật, nhiễm trùng hoặc căng thẳng tâm lý nặng nề. Trong các trường hợp khác, các triệu chứng tích tụ dần theo thời gian mà không có sự kích thích nào.

Các triệu chứng ở trẻ em bị đau xơ cơ, bao gồm:

  • Đau lan rộng. Đau xơ cơ thường được mô tả là một cơn đau âm ỉ, liên tục và kéo dài ít nhất ba tháng. Để được coi là lan rộng, cơn đau phải xảy ra ở cả hai bên cơ thể, lẫn trên và dưới eo.
  • Đau đầu. Đau đầu thường xuyên xảy ra ở đa số bệnh nhân bị đau xơ cơ.
  • Rối loạn giấc ngủ. Những đứa trẻ thường chỉ ngủ được vài giờ dù chúng cực kỳ mệt mỏi. Kể cả khi ngủ, nhiều người vẫn khó ngủ thẳng giấc và bị thức giấc vào ban đêm.
Đau xơ cơ ở thiếu niên: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Dù rất mệt nhưng trẻ không thể ngủ được
  • Mệt mỏi. Những người bị đau xơ cơ thường cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy, mặc dù họ cho biết đã ngủ trong một thời gian dài. Giấc ngủ thường bị gián đoạn bởi cơn đau. Nhiều bệnh nhân bị đau xơ cơ có các vấn đề về giấc ngủ, chẳng hạn như hội chứng chân không yênchứng ngưng thở khi ngủ.
  • Những vấn đề khác. Nhiều người bị đau xơ cơ cũng có thể bị đau bụng, than phiền rằng bị suy giảm nhận thức và bị trầm cảm, lo âu.

3. Nguyên nhân nào gây đau xơ cơ ở thiếu niên?

Các bác sĩ không biết rõ nguyên nhân nào gây ra bệnh đau xơ cơ. Tuy nhiên, bệnh có thể liên quan đến nhiều tác nhân, bao gồm:

  • Di truyền. Vì đau xơ cơ có xu hướng di truyền trong gia đình, nên có thể có một số đột biến di truyền nhất định khiến bạn dễ mắc bệnh này hơn.
  • Nhiễm trùng. Một số bệnh nhiễm trùng xuất hiện làm khởi phát hoặc trầm trọng thêm bệnh đau xơ cơ.
  • Sang chấn về thể chất hoặc tâm thần. Rối loạn căng thẳng sau sang chấn có liên quan đến bệnh đau xơ cơ.

Tại sao bệnh này gây đau?

Các nhà nghiên cứu tin rằng kích thích dây thần kinh lặp đi lặp lại khiến não bộ của người bệnh đau xơ cơ bị thay đổi. Sự thay đổi này liên quan đến việc gia tăng bất thường một số chất dẫn truyền tín hiệu đau trong não. Ngoài ra, các thụ thể cảm giác đau của não dường như hình thành ký ức về cơn đau và trở nên nhạy cảm hơn. Điều đó đồng nghĩa là chúng có thể phản ứng quá mức với các tín hiệu đau.

>> Lứa tuổi thiếu niên cũng đối mặt với rất nhiều vấn đề về cơ khớp. Bạn đã nghe về viêm khớp tự phát thiếu niên? Hãy đọc trong bài viết Viêm khớp tự phát thiếu niên: Bẩm sinh hay di truyền?

Đau xơ cơ ở thiếu niên: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Kích thích thần kinh lặp đi lặp lại làm tăng cảm giác đau

4. Các yếu tố khiến người bệnh dễ mắc bệnh đau xơ cơ

Một số yếu tố nguy cơ của bệnh đau xơ cơ, bao gồm:

  • Giới tính. Đau xơ cơ thường xuất hiện ở nữ giới.
  • Tiền sử gia đình. Bạn có khả năng bị đau xơ cơ nếu người thân của bạn cũng mắc bệnh này.
  • Bệnh thấp khớp. Nếu bạn bị thấp khớp, chẳng hạn như viêm đa khớp dạng thấp hoặc lupus, bạn có thể dễ bị đau xơ cơ hơn.

5. Đau xơ cơ sẽ gây những biến chứng gì cho bệnh nhân?

Đau và thiếu ngủ do đau xơ cơ sẽ cản trở khả năng hoạt động ở trường hoặc ở nhà. Sự thất vọng do bệnh gây nên cũng có thể dẫn đến trầm cảm và lo lắng.

Đau xơ cơ ở thiếu niên: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Đau xơ cơ ở thiếu niên gây ảnh hưởng đến tâm lý trẻ

6. Chẩn đoán bệnh đau xơ cơ

Để chẩn đoán bệnh đau xơ cơ ở thiếu niên, bác sĩ sẽ dựa trên các triệu chứng, tiền sử đau kéo dài, đau toàn thân và các triệu chứng kèm theo (mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, đau đầu và trầm cảm). Ngoài ra, bác sĩ sẽ thăm khám để tìm các điểm đau và loại trừ những chẩn đoán khác. Thông thường, xét nghiệm của bệnh nhân đau xơ cơ sẽ bình thường hoặc âm tính.

Mặc dù các tiêu chí của Hội Thấp khớp Mỹ ACR (American College of Rheumatology) về bệnh đau xơ cơ không được thiết kế riêng cho trẻ em, nhưng các tiêu chí này vẫn thường được dùng cho cả trẻ em và thiếu niên.

Mặt khác, tiêu chuẩn của Yunus và Masi sẽ dành riêng cho bệnh đau xơ cơ ở thiếu niên. Chẩn đoán được dựa trên sự hiện diện của tất cả các tiêu chuẩn chính kết hợp với 3 trong số 10 tiêu chuẩn phụ.

Tiêu chuẩn chính

  • Đau nhức cơ ít nhất ba vùng trên cơ thể và kéo dài ít nhất ba tháng.
  • Không có tình trạng hoặc nguyên nhân khác gây nên (chẳng hạn như viêm khớp hoặc chấn thương).
  • Xét nghiệm bình thường.
  • Có 5 điểm đau.

Tiêu chuẩn phụ

  • Lo lắng hoặc căng thẳng mãn tính.
  • Mệt mỏi.
  • Thiếu ngủ, ngủ không ngon.
  • Đau đầu mãn tính.
  • Hội chứng ruột kích thích.
  • Sưng mô mềm.
  • Cơn đau thay đổi tùy theo hoạt động thể chất.
  • Tê.
  • Cơn đau thay đổi tùy theo thời tiết.
  • Cơn đau thay đổi khi lo lắng hoặc căng thẳng.

Xét nghiệm máu

Mặc dù không có xét nghiệm nào được dùng để xác định bệnh đau xơ cơ, nhưng bác sĩ vẫn có thể đề nghị xét nghiệm để loại trừ các tình trạng khác, chẳng hạn như viêm khớp thiếu niên. Đây là bệnh có triệu chứng tương tự như bệnh đau xơ cơ. Những xét nghiệm máu bao gồm:

  • Tổng phân tích tế bào máu.
  • Tốc độ lắng hồng cầu.
  • Chức năng tuyến giáp.
Đau xơ cơ ở thiếu niên: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Bác sĩ có thể cho xét nghiệm máu với bệnh đau xơ cơ ở thiếu niên

7. Điều trị bệnh đau xơ cơ

Sự kết hợp điều trị của những bác sĩ thuộc các chuyên khoa khác nhau đã được chứng minh là có hiệu quả nhất trong điều trị đau xơ cơ ở thiếu niên.

Sử dụng thuốc

Sử dụng thuốc có thể giúp giảm đau do đau xơ cơ và cải thiện giấc ngủ. Nghiên cứu về việc sử dụng thuốc trong bệnh đau xơ cơ ở thiếu niên vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, một số thuốc đã cho thấy hiệu quả khi sử dụng ở người lớn và cũng đã được áp dụng cho trẻ em, và đôi khi chúng cũng có hiệu quả. Một số lựa chọn phổ biến, bao gồm:

  • Thuốc chống trầm cảm. Duloxetine (Cymbalta) và milnacipran (Savella) có thể giúp giảm đau và mệt mỏi do đau xơ cơ. Một số thuốc chống trầm cảm khác được kê đơn và dường như có thể kiểm soát được giấc ngủ. Các thuốc đó bao gồm: amitriptyline và fluoxetine (Prozac).
  • Thuốc giảm đau. Thuốc giảm đau không kê đơn bao gồm acetaminophen (Tylenol), ibuprofen (Advil, Motrin IB) hoặc naproxen sodium (Aleve). Chúng có thể giúp giảm triệu chứng đau do bệnh gây nên. Một số loại thuốc giảm đau khác đôi khi cũng được kê đơn như: Tramadol (Ultram, Conzip).
  • Thuốc chống động kinh. Thuốc này tuy thường dùng trong chống động kinh nhưng cũng thường hữu dụng trong việc giảm một số loại đau. Gabapentin (Neurontin, Gralise) và pregabalin (Lyrica) đôi khi được kê đơn cho người lớn để làm giảm các triệu chứng đau xơ cơ. 

Liệu pháp nhận thức hành vi

Liệu pháp nhận thức hành vi là một phương pháp can thiệp đã được nghiên cứu kỹ lưỡng trong việc điều trị chứng đau mãn tính ở trẻ em. Ngoài ra, liệu pháp này còn được phát hiện là có thể giúp giảm thiểu tình trạng mất khả năng và trầm cảm. Liệu pháp này tập trung vào việc giúp những bệnh nhân bị đau xơ cơ kiểm soát cơn đau bằng cách sử dụng các kỹ năng thích ứng.

Đau xơ cơ ở thiếu niên: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Liệu pháp này đã cho thấy những tác dụng tích cực

Đối với trẻ em và thiếu niên bị đau xơ cơ, ba mẹ thường sẽ tham gia các buổi học liệu pháp nhận thức hành vi. Thông qua đó, họ sẽ biết cách hướng dẫn và hỗ trợ trẻ sử dụng các kỹ năng ứng phó với bệnh tại nhà.

Qua bài viết trên, YouMed mong gửi đến bạn đọc những thông tin bổ ích. Hãy đưa trẻ đi khám ngay khi có những triệu chứng bất thường để kịp thời chẩn đoán và điều trị. Điều đó sẽ rất quan trọng trong việc cải thiện kết quả điều trị và chất lượng cuộc sống của trẻ!

Bác sĩ Nguyễn Văn Huấn

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Giải đáp: Nồng độ prolactin cao có khả năng sinh con được không?
“Nồng độ prolactin cao có khả năng sinh con được không?” là thắc mắc của không ít chị em đang trong hành trình “săn rồng con” nhưng chưa mãi chưa có
Hình ảnh tin tức Có nên dùng que thử viêm nhiễm phụ khoa không? Cách sử dụng hiệu quả
Viêm âm đạo là vấn đề phổ biến ở phụ nữ thuộc nhiều độ tuổi khác nhau. Vì cảm thấy ngại ngùng khi đi khám phụ khoa, nhiều chị em phụ nữ đã truyền tai
Hình ảnh tin tức Gan nhiễm mỡ độ 1 có nguy hiểm không?
Gan là một cơ quan quan trọng trong cơ thể mà bạn không thể sống thiếu. Đây là lý do tại sao việc bảo vệ gan lại rất quan trọng, đặc biệt là khi bạn
Hình ảnh tin tức Những ngày cuối kinh nguyệt quan hệ có sao không? Có an toàn không?
Mỗi phụ nữ đều có chu kỳ kinh nguyệt riêng. Trong suốt chu kỳ này, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi về hormone gây  ảnh hưởng đến tâm trạng, sức khỏe
Hình ảnh tin tức Ngâm chân cho bà bầu: 4 cách làm nước ngâm chân và lưu ý cần nhớ
Theo các chuyên gia, việc ngâm chân cho bà bầu với nước ấm và một số thảo dược vào mỗi tối có thể giúp đôi chân được thư giãn, giảm phù và tăng cường