Viêm tinh hoàn có thể gây vô sinh hay không?

Tinh hoàn đau, sưng to, tiểu đau, buốt, tiểu nhiều lần là những triệu chứng của viêm tinh hoàn sẽ mang lại nhiều sự khó chịu, bất tiện cho người bệnh. Hơn thế nữa, là nổi lo về sự ảnh hưởng đến khả năng sản sinh tinh trùng của tinh hoàn, liệu viêm tình hoàn có thể gây vô sinh? Hãy cùng nhau tìm hiểu về bệnh lý vừa mang lại nhiều ái ngại cũng như lo lắng này nhé.

1. Giới thiệu

Viêm tinh hoàn đơn thuần trên thực tế là một bệnh lý không thường gặp. Bệnh lý này thường bị diễn tiến bởi viêm mào tinh, khi viêm mào tinh nặng dần, sẽ lan đến tinh hoàn gây viêm tinh hoàn.

Ở trường hợp viêm tinh hoàn đơn thuần, nguyên nhân chủ yếu là virus, cụ thể là virus quai bị (Mumps virus). Do có rất nhiều trường hợp viêm tinh hoàn là một biến chứng của viêm mào tinh. Gọi chung là viêm mào tinh – tinh hoàn, nên bài viết cũng sẽ lược qua về viêm mào tinh để các bạn đọc hiểu thêm về 2 bệnh lý này.

Viêm tinh hoàn có thể gây vô sinh hay không?

2. Cấu trúc và chức năng cơ bản của tinh hoàn 

Tinh hoàn có 2 loại cấu trúc là ống sinh tinh và tế bào kẽ. Ống sinh tinh có chức năng tạo ra tinh trùng, và tế bào kẽ giúp tiết ra các hormon sinh dục. Hormon sinh dục sẽ giúp người đàn ông có râu, cơ bắp phát triển… thể hiện ra ngoại hình của một nam giới.

Sau khi các ống sinh tinh tạo ra tinh trùng, tinh trùng sẽ đi vào mào tinh hoàn để đến ống dẫn tinh. Dựa theo hình ảnh trên, ta thấy rõ mào tinh hoàn nằm ở phía sau và trên so với tinh hoàn, lớp tinh mạc là cấu trúc ở phía trước nhất nếu không bao gồm da bìu.

Viêm tinh hoàn có thể gây vô sinh hay không?
Cấu trúc của tinh hoàn

3. Viêm mào tinh cấp (acute epididymitis)

Cùng với xoắn tinh hoàn, xoắn phần phụ tinh hoàn thì viêm mào tinh là một trong những nguyên nhân thường gặp ở bệnh nhân bị đau vùng bìu. Viêm mào tinh cấp có thể gặp ở tất cả độ tuổi. Tuy nhiên thường nhất là ở độ tuổi 18 – 35, có khả năng vì đây là độ tuổi hoạt động sinh dục ở nam mạnh mẽ nhất.

Nguyên nhân:

  • Nhiễm trùng
  • Bệnh tự miễn
  • Chấn thương.

Hầu hết các trường hợp viêm tinh hoàn là do nhiễm trùng. Vi trùng sẽ đi ngược dòng từ lỗ tiểu, đến ống dẫn tinh và mào tinh. Để định hướng nguyên nhân của viêm mào tinh do vi trùng, ta xếp loại như sau:

Đối với nhóm bệnh nhân nam thường xuyên quan hệ tình dục (độ tuổi 18 – 35), đặc biệt là nhóm quan hệ tình dục không dùng bao cao su, viêm mào tinh dễ dàng xảy ra. Vi khuẩn chủ yếu gây ra viêm mào tinh lúc này là Chlamydia trachomatis và lậu cầu khuẩn (Nesseria gonorrhoeae).

Viêm tinh hoàn có thể gây vô sinh hay không?
Viêm mào tinh – tinh hoàn: Một diễn tiến trễ của viêm mào tinh

Ở nhóm bệnh nhân trên 35 tuổi có triệu chứng tiểu khó, cũng như nhóm bệnh nhân là đồng tính nam (quan hệ qua hậu môn), thì vi khuẩn chủ yếu gây ra viêm mào tinh là E.coli. Nhóm trẻ em <14 tuổi, có thể xuất hiện viêm mào tinh do viêm mạch Henoch Scholein. Đây là một bệnh lý miễn dịch ở trẻ em với các biểu hiện:

  • Nổi ban da, thường là ½ người dưới.
  • Tiểu máu.
  • Sưng bìu (do viêm mào tinh).
  • Đau bụng quặn từng cơn.
  • Sưng đau khớp.
Viêm tinh hoàn có thể gây vô sinh hay không?
Sưng đau bìu do viêm mào tinh vô khuẩn cũng thuộc nhóm triệu chứng điển hình của Henoch Scholein

Thuốc đôi khi cũng có thể gây viêm mào tinh. Amiodarone (một loại thuốc chống rối loạn nhịp nhanh) đã gây ra viêm mào tinh ở một vài trường hợp. Ngoài ra, trong điều kiện môi trường nước ta, có thể xuất hiện lao mào tinh (viêm mào tinh do lao).

Yếu tố nguy cơ:

  • Quan hệ tình dục không bao cao su.
  • Tiểu khó, bí tiểu.
  • Dị dạng niệu dục.
  • Hoạt động thể thao mạnh, liên tục.
  • Lái xe máy hoặc xe đạp thường xuyên.

Triệu chứng:

  • Bệnh nhân bị viêm mào tinh thường vào viện vì lý do bìu sưng và đau nhiều.
  • Triệu chứng này thường khởi phát trong 1 – 2 ngày, với triệu chứng nặng dần.
  • Ngoài ra, bệnh nhân bị viêm mào tinh thường có tiểu rát, buốt, tiểu khó, tiểu lắt nhắt.
  • Nhiều người còn có thêm triệu chứng chảy mủ ở lỗ tiểu.

Khi khám, tinh hoàn bệnh nhân sưng, ấn đau, thường có màu đỏ, và hầu hết trường hợp chỉ bị một bên. Trong giai đoạn sớm, viêm chủ yếu ở phần mào tinh hoàn, tức là phần phía sau, trên tinh hoàn.

Khi bệnh nhân đến trễ hơn, hiện tượng viêm sẽ lan toả toàn bộ tinh hoàn cùng bên, gây ra viêm mào tinh – tinh hoàn. Lúc này rất khó để phân biệt bệnh nhân bị viêm mào tinh dẫn đến viêm tinh hoàn hay là viêm tinh hoàn từ lúc ban đầu.

Bác sĩ sẽ quan tâm về một số vấn đề:

  • Triệu chứng sưng đau bìu của bạn có xảy ra một cách mãnh liệt, nhanh chóng không?
  • Ngoài sưng đau bìu, thì bạn đi tiểu có bị rát, buốt, lắt nhắt nhiều lần không?
  • Gần đây vào buổi sáng bạn có thấy lỗ tiểu mình bị chảy dịch, mủ hay không?
  • Bạn có vừa mới bị bệnh quai bị không.
  • Nếu không có thì liệu những lần quan hệ tình dục của bạn có an toàn?
  • Những khó khăn lúc bạn đi tiểu trước khi bị sưng tinh hoàn là gì?
  • Bạn có phải ngồi xe máy (xe đạp) liên tục trong thời gian dài hay không?
  • Thuốc bạn đang dùng là gì?
  • 3 – 4 tuần nay bạn có từng phải thực hiện thủ thuật y khoa gì qua đường tiểu không? (Thường là đặt thông tiểu – ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra lỗ niệu đạo ở dương vật).
  • Bạn có từng được chẩn đoán mắc bệnh lao hay không?

Tất cả những câu hỏi trên nhằm vào vài mục đích sau:

  • Liệu bạn có bị xoắn tinh hoàn hay không? Đây là vấn đề đáng lưu tâm nhất khi bệnh nhân đến khám ban đầu, vì xoắn tinh hoàn là một bệnh lý cần mổ cấp cứu. Việc nhận diện sớm xoắn tinh hoàn có thể giúp bệnh nhân bảo tồn tinh hoàn, vì nếu trễ, cắt bỏ tinh hoàn là bắt buộc.
  • Đây là viêm mào tinh hay viêm tinh hoàn?
  • Nếu là viêm mào tinh, thì nguyên nhân gây ra viêm mào tinh là gì?
  • Nếu viêm mào tinh là do vi trùng gây ra, thì tác nhân nào là thủ phạm hoặc được nghi ngờ nhiều nhất?

Xét nghiệm:

  • Soi nhuộm mủ đường tiểu:

Nhân viên y tế sẽ gây tê, giảm cảm giác vùng dương vật, sau đó lấy một que phết lấy mủ trong lỗ tiểu để tìm ra thủ phạm. Trong khoảng 2/3 trường hợp sẽ là nhóm vi trùng đường ruột nếu bệnh nhân không có nguy cơ của quan hệ tình dục không bao cao su.

  • Cấy nước tiểu:

Nếu không có mủ ở đường tiểu, nhân viên y tế sẽ dùng nước tiểu của bạn để tìm vi khuẩn gây bệnh.

  • Siêu âm:

Thường không cần thiết, nhưng cũng có vai trò nhất định trong chẩn đoán biến chứng hoặc loại trừ xoắn tinh hoàn.

Biến chứng:

  • Hiếm khi xảy ra, bao gồm:
  • Nhồi máu tinh hoàn (do viêm tắc mạch máu nuôi tinh hoàn).
  • Abcess tinh hoàn.
  • Viêm mào tinh mạn tính.
  • Vô sinh.

Điều trị:

Hầu hết viêm mào tinh hoàn cấp là do vi trùng, do đó tuỳ thuộc vào tác nhân mà bác sĩ sẽ có những hướng điều trị cho riêng bạn.

Điều trị đặc hiệu: Kháng sinh: Giúp tiêu diệt vi khuẩn gây viêm mào tinh.
  • Đối với đối tượng viêm mào tinh cấp không liên quan đến quan hệ tình dục. Các loại kháng sinh chống lại trực trùng và cầu trùng đường ruột được ưu tiên điều trị trước khi có kết quả cấy vi khuẩn.
  • Đối với đối tượng viêm mào tinh cấp nghi ngờ do quan hệ tình dục không mang bao cao su, bác sĩ sẽ có thuốc điều trị đặc hiệu cho các tác nhân này. Ngoài ra, trong trường hợp này, việc chẩn đoán và điều trị bệnh cho bạn tình của bệnh nhân là vô cùng cần thiết, do viêm phần phụ do các tác nhân này có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bệnh nhân sau này.
Điều trị nâng đỡ:

Chuồm lạnh, sử dụng thuốc giảm đau, mặc quần lót ôm chặt bìu, nằm nghỉ tại giường. Mục tiêu của những điều trị này là giảm đau và giảm sưng mào tinh – tinh hoàn cho bệnh nhân.

4. Viêm tinh hoàn cấp (Acute Orchitis)

Viêm tinh hoàn có thể gây vô sinh hay không?
Viêm mào tinh và tinh hoàn

Như đã nhắc, viêm tinh hoàn cấp đơn độc không thường gặp. Viêm tinh hoàn cấp khác biệt với viêm mào tinh cấp ở 2 điểm:

  • Con đường lây nhiễm chủ yếu là đường máu (từ các mạch máu ở thừng tinh). Lúc này các tác nhân gây viêm sẽ đi từ một vị trí khác trên cơ thể, vào máu rồi mới đến tinh hoàn.
  • Tác nhân gây viêm tinh hoàn cấp chủ yếu nhất là virus. Và Quai bị là virus được nhắc đến nhiều nhất, cũng như là tác nhân gây ra viêm tinh hoàn đơn độc trong hầu hết trường hợp. Ta thường gọi trường hợp này là viêm tinh hoàn do Quai bị, hoặc có thể là Viêm tinh hoàn do virus.

Triệu chứng:

Sưng đau tinh hoàn thường xuất hiện sau 4 – 6 ngày sưng tuyến mang tai. Tuy nhiên viêm tinh hoàn có thể biểu hiện mà không có viêm tuyến mang tai trước đó. Khi viêm tinh hoàn đơn thuần do quai bị, thì 70% trường hợp chỉ bị một bên. Viêm tinh hoàn bên còn lại xảy ra trong khoảng 1 – 9 ngày sau đó trong 30% trường hợp.

Viêm tinh hoàn có thể gây vô sinh hay không?
Viêm tuyến mang tai

Mức độ sưng và đau bìu rất thay đổi, có thể chỉ khó chịu nhẹ, sưng ít, nhưng cũng có thể đau rất nhiều, sưng to, kèm theo buồn nôn và nôn, sốt cao. Khi khám ngoài thấy sưng to, nóng đỏ vùng tinh hoàn, còn có thể sờ thấy mào tinh hoàn và ống dẫn tinh sưng to. Triệu chứng sẽ giảm dần trong 4 – 5 ngày nếu nhẹ. Lên đến 3 – 4 tuần trong các trường hợp nặng.

Trong các nghiên cứu cũ, 25% các trường hợp viêm tinh hoàn do quai bị 2 bên sẽ bị vô sinh. Tuy nhiên các nghiên cứu gần đây bác bỏ chuyện đó. Rất ít trường hợp viêm tinh hoàn do quai bị gây vô sinh. Ngoài Quai bị, nhiễm Coxsackie B virus cũng có thể gây ra viêm tinh hoàn.

Trường hợp viêm tinh hoàn do vi trùng:

Hay còn có tên gọi khác là viêm mủ tinh hoàn. Hầu hết có kèm theo viêm mào tinh, và các vi khuẩn đường ruột là nguyên nhân chủ yếu. Bệnh nhân thường có biểu hiện bệnh rất nặng:

  • Lừ đừ, mệt mỏi.
  • Sốt cao.
  • Rất đau, khó chịu và sưng vùng bìu bị ảnh hưởng.

Đau có thể lan đến vùng bẹn. Lúc này bệnh nhân đau nhiều, có thể kèm theo buồn nôn, nôn. Khi khám, bìu sưng to, nhiều dịch do dịch viêm từ tinh hoàn tiết ra, dịch này nằm dưới da bìu và tinh mạc, khó sờ thấy tinh hoàn, ấn hơi đau (do nhiều dịch nên khó sờ được).

Biến chứng:

  • Thường gặp hơn viêm mào tinh cấp
  • Nhồi máu tinh hoàn.
  • Áp xe tinh hoàn.
  • Điều trị các biến chứng này chủ yếu là phẫu thuật.

5. Một số kiến thức về virus quai bị

Quai bị (mumps) là virus lây lan qua đường hô hấp do người bệnh ho, hắt hơi lây sang người xung quanh. Hoặc lây lan qua dụng cụ sử dụng chung mà không rửa tay bằng xà phòng. Điều trị quai bị chủ yếu là để giảm triệu chứng cho bệnh nhân.

Vaccin phòng chống quai bị được tích hợp thành MMR (phòng sởi – quai bị – rubella). Cần tiêm vaccin 2 lần trong đời, vào 12 – 15 tháng tuổi và 4 – 6  năm tuổi. Nếu chưa chích đủ hoặc không nhớ là mình chích đủ hay không, bạn nên đi chích bổ sung.

Những đối tượng không nên chích ngừa quai bị:

  • Dị ứng với MMR vaccin khi chích lúc 1 tuổi.
  • Dị ứng với gelatin hoặc neomycin.
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc chuẩn bị có thai trong 1 tháng tới.
  • Bệnh nhân suy giảm miễn dịch (do hoá trị, nhiễm HIV/AIDS hoặc dùng Corticoid kéo dài).

Viêm mào tinh, viêm mào tinh – tinh hoàn, hay viêm tinh hoàn đều là các bệnh lý gây nhiều khó chịu cho bệnh nhân. Hiểu thêm về các bệnh lý này giúp ta đúc kết được một vài kiến thức sau để phòng ngừa và nhận biết viêm mào tinh, tinh hoàn:

  • Nên quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su, và một vợ một chồng.
  • Không nên ngồi xe máy, xe đạp quá lâu và liên tục.
  • Chích ngừa quai bị đầy đủ 2 mũi (12 – 15 tháng tuổi và 4 – 6 tuổi), nếu chưa thì chích ngừa bổ sung ngay.
  • Khi bị sưng, đau bìu, bạn cần đến ngay bác sĩ để được khám và điều trị.
  • Loại trừ xoắn tinh hoàn là việc cần thiết nhất khi bệnh nhân có sưng, đau bìu đến khám.
  • Viêm tinh hoàn do quai bị hiếm khi dẫn đến vô sinh. Viêm tinh hoàn do vi trùng có thể gây vô sinh nếu điều trị chậm trễ.
  • Các biến chứng do viêm mào tinh, tinh hoàn hiếm xảy ra, tuy nhiên nếu không điều trị kịp thời thì phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn là khó tránh.

Bác sĩ Nguyễn Đoàn Trọng Nhân

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Huyết áp 140/90 mmHg có cao không, nguy hiểm không và khi nào cần uống thuốc?
Huyết áp là một trong các chỉ số sức khỏe được nhiều người quan tâm. Tình trạng huyết áp cao hay huyết áp thấp là tùy người, tùy từng độ tuổi và có
Hình ảnh tin tức 3 cách sơ cứu ngộ độc thực phẩm đơn giản bạn cần biết
Ngộ độc thực phẩm (hay trúng thực) là tình trạng ngộ độc cấp xảy ra do ăn hoặc uống phải các loại thực phẩm bị ô nhiễm do vi sinh vật hay thực phẩm có
Hình ảnh tin tức Giải đáp: Nồng độ prolactin cao có khả năng sinh con được không?
“Nồng độ prolactin cao có khả năng sinh con được không?” là thắc mắc của không ít chị em đang trong hành trình “săn rồng con” nhưng chưa mãi chưa có
Hình ảnh tin tức Có nên dùng que thử viêm nhiễm phụ khoa không? Cách sử dụng hiệu quả
Viêm âm đạo là vấn đề phổ biến ở phụ nữ thuộc nhiều độ tuổi khác nhau. Vì cảm thấy ngại ngùng khi đi khám phụ khoa, nhiều chị em phụ nữ đã truyền tai
Hình ảnh tin tức Gan nhiễm mỡ độ 1 có nguy hiểm không?
Gan là một cơ quan quan trọng trong cơ thể mà bạn không thể sống thiếu. Đây là lý do tại sao việc bảo vệ gan lại rất quan trọng, đặc biệt là khi bạn