Viêm bàng quang chỉ cần điều trị kháng sinh sẽ khỏi?

Nếu bạn đang có cảm giác đi tiểu rát buốt, hay đi tiểu thường xuyên. Kèm theo sốt và đau tức vùng bụng dưới. Nước tiểu của bạn thay đổi màu, đặc biệt là nước tiểu màu đỏ. Nếu bạn đang gặp tình trạng như trên thì có thể bạn đang mắc bệnh viêm bàng quang. Hãy cùng YouMed tìm hiểu viêm bàng quang thông qua bài viết dưới đây để nắm được hướng điều trị nhé.

1.     Viêm bàng quang là gì?

Viêm bàng quang là thuật ngữ để diễn tả việc bàng quang bị viêm. Và nguyên nhân thường gặp của viêm là nhiễm trùng. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra viêm mà không nhiễm trùng.

Nhiễm trùng bàng quang là một thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng viêm do vi khuẩn tại bàng quang, và có thể được gọi là nhiễm trùng đường tiết niệu hay nhiễm trùng tiểu. Nhiễm trùng bàng quang có thể gây ra triệu chứng đau và khó chịu. Không những thế, bệnh có thể diễn tiến nặng và nhiễm trùng lây lan đến thận của bạn.

Một số ít trường hợp, bệnh xảy ra sau khi sử dụng một số loại thuốc, hay xạ trị. Hoặc do sử dụng ống thông tiểu lâu ngày, sử dụng các dung dịch vệ sinh phụ nữ, cũng có thể là biến chứng do một bệnh khác gây ra.

Phương pháp điều trị thông thường là sử dụng kháng sinh. Một số trường hợp đặc biệt khác cần có phương pháp đặc hiệu để điều trị triệt để.

Rối loạn đi tiểu và đau bụng dưới là những triệu chứng thường gặp

2.     Nguyên nhân

Hệ tiết niệu của bạn bao gồm các cơ quan: 2 quả thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Tất cả các cơ quan này có nhiệm vụ loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể bạn. Thận có chức năng lọc các chất thải trong máu và điều chỉnh nồng độ nhiều chất quan trọng. Các ống nối từ thận đến bàng quang được gọi là niệu quản, dẫn nước tiểu đến bàng quang. Tại bàng quang, nước tiểu được lưu trữ cho đến khi được thải ra khỏi cơ thể qua niệu đạo.

Viêm bàng quang do vi khuẩn

Nhiễm trùng tiểu thường xảy ra khi có sự xâm nhập của vi khuẩn bên ngoài vào cơ thể thông qua đường tiểu và phát triển tại đây. Và đa số các trường hợp là do vi khuẩn E. coli gây ra.

Viêm bàng quang do vi khuẩn có thể xảy ra ở phụ nữ sau khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, những phụ nữ hay con gái chưa quan hệ tình dục vẫn có khả năng bị do vi khuẩn bởi vì vùng sinh dục ở nữ giới thường là nơi sinh sống của nhiều vi khuẩn có khả năng gây bệnh.

Viêm bàng quang không do vi khuẩn

Mặc dù, đa số các trường hợp viêm thường do vi khuẩn gây ra, vẫn có một số tác nhân khác có thể khiến bàng quang bị viêm. Dưới đây là một số tác nhân thường gặp:

  • Viêm bàng quang mô kẽ. Nguyên nhân gây ra tình trạng viêm mãn tính này vẫn chưa được xác định rõ ràng. Đa số các trường hợp là phụ nữ. Và rất khó để chẩn đoán cũng như điều trị tình trạng này.
  • Viêm bàng quang do thuốc. Một số thuốc, đặc biệt là thuốc hóa trị như cyclophosphamide và ifosfamide, có thể gây ra viêm.
  • Viêm bàng quang do phóng xạ. Điều trị bệnh bằng phương pháp phóng xạ vào vùng chậu có thể trực tiếp tác động lên các tế bào tại bàng quang và gây ra tình trạng viêm vô trùng.
  • Viêm bàng quang do dị vật. Đặt thông tiểu quá lâu có thể đưa vi khuẩn vào trong bàng quang và cũng làm tổn thương bàng quang. Cả hai tác động này đều có thể gây ra tình trạng viêm của bàng quang.
  • Viêm bàng quang do chất hóa học. Một số cá nhân có cơ địa quá nhạy cảm với một số chất nhất định. Các chất này có trong các sản phẩm như xà phòng tắm, dung dịch vệ sinh phụ nữ hay thuốc diệt tinh trùng, và có thể gây ra tình trạng dị ứng trong bàng quang và tiến triển thành viêm.
  • Viêm bàng quang do những nguyên nhân khác. Đôi khi có thể xảy ra như một biến chứng của một bệnh lý nào đó. Như đái tháo đường, sỏi thận, bệnh lý tuyến tiền liệt hay chấn thương tủy sống.

Yếu tố nguy cơ

Một số người có nhiều khả năng bị nhiễm trùng tiểu hay nhiễm trùng tiểu tái phát hơn bình thường. Phụ nữ là một trong những nhóm nguy cơ như vậy. Lý do để giải thích cho sự khác biệt này là về mặt giải phẫu cơ thể. Phụ nữ có niệu đạo ngắn hơn nhiều so với nam giới. Điều này làm giảm khoảng cách để vi khuẩn di chuyển từ môi trường ngoài vào đến bàng quang.

Yếu tố nguy cơ thường gặp ở phụ nữ

Nhóm phụ nữ có nguy cơ cao nhất mắc nhiễm trùng tiểu, gồm các yếu tố dưới đây:

  • Phụ nữ đang hoạt động tình dục. Quan hệ tình dục có thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo.
  • Sử dụng các biện pháp ngừa thai. Phụ nữ có sử dụng màng ngăn tránh thai làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiểu. Đặc biệt, màng tránh thai có chứa chất diệt tinh trùng làm tăng nguy cơ lên nhiều lần. 
  • Đang mang thai. Sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng bàng quang hơn bình thường.
  • Đang trải qua thời kỳ mãn kinh. Tương tự như khi đang mang thai, thay đổi nội tiết tố là tác nhân làm tăng nguy cơ.

Viêm bàng quang chỉ cần điều trị kháng sinh sẽ khỏi?
Phụ nữ là đối tượng rất dễ mắc viêm bàng quang, đặc biệt là do vi khuẩn

Những yếu tố thường gặp ở cả nam và nữ

  • Rối loạn dòng nước tiểu. Những bệnh lý như sỏi bàng quang, hay tăng sinh tuyến tiền liệt ở nam giới làm rối loạn dòng chảy của nước tiểu, điều này có thể là yếu tố làm gia tăng nguy cơ bệnh.
  • Rối loạn hệ miễn dịch. Tình trạng này có thể xảy ra trên một số bệnh nhân nhất định, như bệnh đái tháo đường, nhiễm HIV và đang điều trị ung thư. Một hệ miễn dịch bị suy giảm làm gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Và có thể gặp một số trường hợp viêm do virus.
  • Sử dụng thông tiểu thời gian dài. Những ống thông tiểu cần thiết cho một số bệnh nhân mắc bệnh mãn tính hay lớn tuổi. Tuy nhiên, giữ thông tiểu trong một thời gian dài làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng bàng quang cũng như tổn thương bàng quang do dị vật.

Ở nam giới với sức khỏe và hệ miễn dịch tốt, thì tình trạng viêm bàng quang rất hiếm gặp.

3.     Triệu chứng

Bệnh thường có các dấu hiệu và triệu chứng sau:

  • Tăng số lần đi tiểu.
  • Cảm giác bỏng rát khi đi tiểu.
  • Đi tiểu thường xuyên nhưng chỉ bài xuất một lượng ít nước tiểu.
  • Tiểu ra máu, nước tiểu có màu đỏ hoặc hồng.
  • Nước tiểu có mùi lạ, khó chịu.
  • Cảm giác đau, tức, khó chịu vùng bụng dưới.
  • Sốt nhẹ.

Ở trẻ nhỏ, việc đái dầm xảy ra vào ban ngày có thể là một dấu hiệu của bệnh. Tuy nhiên, đái dầm vào ban đêm thì thường ít liên quan tới viêm bàng quang – nhiễm trùng tiểu.

Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ

Hãy đến bệnh viện hoặc phòng khám ngay nếu bạn có các dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng đang lây lan đến thận của bạn, bao gồm các dấu hiệu dưới đây:

  • Đau lưng hoặc đau hông lưng.
  • Sốt cao và ớn lạnh
  • Buồn nôn và nôn.

Nếu bạn đi tiểu gấp, tiểu buốt, tiểu nhiều lần hoặc đau kéo dài trong nhiều giờ hoặc lâu hơn, hay nếu bạn để ý thấy xuất hiện máu trong nước tiểu, nước tiểu đổi màu, hãy gọi cho bác sĩ và đi khám ngay. Nếu bạn từng được chẩn đoán nhiễm trùng tiểu trước đây, và bạn đang trải qua các triệu chứng giống với lần nhiễm trùng tiểu trước, hãy gọi cho bác sĩ. Và cũng hãy gọi cho bác sĩ, nếu các triệu chứng xuất hiện trở lại sau khi bạn kết thúc điều trị thuốc kháng sinh. Có thể, bạn cần được kê toa với một loại thuốc khác.

Đặc biệt, nam giới thường rất hiếm khi gặp tình trạng viêm bàng quang và cần đến gặp bác sĩ để được khám và chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh.

Biến chứng

Nếu bệnh được chẩn đoán sớm và điều trị đúng, sẽ hiếm gây ra biễn chứng. Nhưng nếu không được điều trị, bệnh có thể gây ra những biến chứng rất nghiêm trọng. Dưới đây là một số biến chứng có thể gây ra:

  • Nhiễm trùng lan đến thận. Nhiễm trùng bàng quang không được điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng thận, bệnh được gọi là Viêm đài bể thận. Viêm đài bể thận có thể gây ra những tổn thương vĩnh viễn trên thận của bạn. Trẻ nhỏ và người lớn tuổi là những đối tượng có nguy cơ cao nhất bị tổn thương thận. Vì trên những đối tượng này, các triệu chứng của bệnh thường bị bỏ sót hay nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
  • Xuất hiện máu trong nước tiểu.
    •  Đối với bệnh này, nước tiểu của bạn có thể chứa một số tế bào máu, nhưng bạn sẽ không nhận ra, mà chỉ có thể thấy thông qua kính hiển vi (tiểu máu vi thể). Và vấn đề tiểu máu vi thể này sẽ được giải quyết sau khi điều trị. Nếu như sau khi điều trị khỏi bệnh viêm bàng quang, nhưng bạn vẫn tiểu máu vi thể, thì có thể bác sĩ của bạn sẽ mời bác sĩ chuyên khoa để xác định vấn đề của bạn là gì.
    •  Nếu bạn nhìn thấy nước tiểu của mình chuyển sang màu đỏ, thì có thể là tiểu máu đại thể, tuy nhiên, tình trạng này thường hiếm xảy ra do vi khuẩn thông thường. Nhưng lại là dấu hiệu thường thấy trên những bệnh nhân viêm bàng quang do hóa trị hoặc bức xạ.

4.     Chẩn đoán

Nếu bạn có các triệu chứng của viêm bàng quang, hãy đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể. Ngoài hỏi về các triệu chứng, dấu hiệu của bạn và tiền căn y khoa, bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm nhất định, bạn có thể tham khảo một số xét nghiệm dưới đây để biết thêm thông tin:

  • Xét nghiệm nước tiểu tổng quát. Đối với những trường hợp nghi ngờ, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn lấy mẫu nước tiểu. Thông qua mẫu nước tiểu của bạn, bác sĩ có thể xác định có vi khuẩn, máu hay mủ không. Nếu mẫu nước tiểu của bạn bất thường, bác sĩ sẽ yêu cầu cấy nước tiểu để tìm vi khuẩn.
  • Nội soi bàng quang. Để tiến hành xét nghiệm này, bác sĩ sẽ đưa một ống nội soi có gắn camera và đèn vào niệu đạo rồi tới bàng quang của bạn. Qua đó, bác sĩ có thể tìm thấy những dấu hiệu viêm và có thể là nguyên nhân gây viêm. Trước khi rút ống ra, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô từ bàng quang của bạn để xét nghiệm. Nhưng nếu đây là lần đầu tiên bạn bị viêm bàng quang, thì việc lấy mẫu mô thường không cần thiết.
  • Chẩn đoán hình ảnh. Một số xét nghiệm hình ảnh thường không cần thiết trong đa số trường hợp. Tuy nhiên, nếu không tìm thấy bằng chứng của nhiễm trùng, thì các xét nghiệm này có thể giúp ích.

Viêm bàng quang chỉ cần điều trị kháng sinh sẽ khỏi?
Xét nghiệm nước tiểu là xét nghiệm đơn giản, dễ thực hiện và có giá trị

5.     Điều trị

Điều trị viêm bàng quang do vi khuẩn thường khởi đầu bằng kháng sinh. Những trường hợp không do nhiễm trùng, bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân để điều trị cho bạn.

Điều trị nhiễm trùng bàng quang

Kháng sinh là thuốc đầu tay để điều trị viêm bàng quang do vi khuẩn. Kháng sinh nào sẽ phù hợp với bạn phụ thuộc vào thời gian bệnh và số lần tái phát kèm theo các bệnh nền bạn đang mắc và đặc biệt là vi khuẩn gây ra bệnh của bạn.

Nhiễm trùng bàng quang lần đầu. Các triệu chứng của bạn thường sẽ giảm sau vài ngày đầu sau điều trị kháng sinh. Tuy nhiên, bạn cần tiếp tục uống thuốc 5 – 7 ngày, tùy vào mức độ nặng của bệnh.

Nhiễm trùng tái phát/tái nhiễm. Nếu bạn từng bị nhiễm trùng bàng quang, bác sĩ có thể kê đơn cho bạn với số ngày dài hơn hoặc có thể mời chuyên khoa tiết niệu đến để đánh giá bệnh và tổng trạng của bạn.

Nhiễm trùng bệnh viện. Các tác nhân vi khuẩn gây nhiễm trùng trong bệnh viện thường rất khó điều trị. Vì đây là những chủng vi khuẩn kháng thuốc cao, rất ít kháng sinh có thể điều trị được. Việc điều trị rất khó khăn đối với các bác sĩ điều trị cũng như các chuyên gia.

Điều trị viêm bàng quang mô kẽ

Nguyên nhân gây viêm bàng quang mô kẽ vẫn chưa được xác định chính xác, cho nên vẫn chưa có phác đồ điều trị cho bệnh này. Các bác sĩ thường dựa vào từng bệnh nhân cụ thể mà kê toa cũng như theo dõi bệnh.

Điều trị các thể viêm bàng quang không do nhiễm trùng khác

Nếu cơ thể bạn nhạy cảm với một chất hóa học nào đó có chứa trong các sản phẩm như xà phòng tắm, thuốc diệt tinh trùng, hãy ngưng sử dụng, và có thể các triệu chứng của bạn có thể giảm và giúp ngăn ngừa các đợt bệnh tiếp theo.

6.     Phòng ngừa

Dưới đây là một số lời khuyên dành cho bạn để giảm nguy cơ bệnh tái phát:

  • Uống nhiều nước. Việc uống nhiều nước rất quan trọng cho sức khỏe của bạn nói chung và bệnh nói chung. Đặc biệt là những bệnh nhân đang trong quá trình hóa trị hay xạ trị, nhất là những ngày đầu tiên điều trị.
  • Đi tiểu thường xuyên. Nếu bạn cảm thấy mắc tiểu, và có thể đi tiểu thì hãy đi ngay, đừng chần chừ. Việc nhịn tiểu kéo dài cũng là một trong những yếu tố gia tăng bệnh liên quan đến đường tiểu.
  • Vệ sinh hậu môn từ trước ra sau, sau khi đi vệ sinh.
  • Rửa, vệ sinh da vùng âm đạo và hậu môn cách nhẹ nhàng. Hãy làm điều này mỗi ngày và đặc biệt, hạn chế sử dụng các chất tẩy rửa nồng độ cao. Vì làn da ở những vị trí này thường mỏng và dễ bị kích thích.
  • Hãy đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục.
  • Tránh sử dụng các dung dịch khử mùi hay bất kỳ dung dịch gì lên vùng sinh dục. Vì những sản phẩm này có thể gây kích ứng niệu đạo và bàng quang của bạn.

Viêm bàng quang chỉ cần điều trị kháng sinh sẽ khỏi?
Uống nhiều nước là cách phòng bệnh hiệu quả

Việc chẩn đoán và điều trị viêm bàng quang không có gì khó khăn tại phòng khám. Và việc điều trị kịp thời rất có lợi trong việc ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng. Cũng như giúp chẩn đoán những bệnh lý tiềm ẩn nếu bạn bị viêm bàng quang tái đi tái lại. Vì vậy, hãy đi khám tại bệnh viện hoặc phòng khám để được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh và kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Văn Huấn

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức 3 cách sơ cứu ngộ độc thực phẩm đơn giản bạn cần biết
Ngộ độc thực phẩm (hay trúng thực) là tình trạng ngộ độc cấp xảy ra do ăn hoặc uống phải các loại thực phẩm bị ô nhiễm do vi sinh vật hay thực phẩm có
Hình ảnh tin tức Giải đáp: Nồng độ prolactin cao có khả năng sinh con được không?
“Nồng độ prolactin cao có khả năng sinh con được không?” là thắc mắc của không ít chị em đang trong hành trình “săn rồng con” nhưng chưa mãi chưa có
Hình ảnh tin tức Có nên dùng que thử viêm nhiễm phụ khoa không? Cách sử dụng hiệu quả
Viêm âm đạo là vấn đề phổ biến ở phụ nữ thuộc nhiều độ tuổi khác nhau. Vì cảm thấy ngại ngùng khi đi khám phụ khoa, nhiều chị em phụ nữ đã truyền tai
Hình ảnh tin tức Gan nhiễm mỡ độ 1 có nguy hiểm không?
Gan là một cơ quan quan trọng trong cơ thể mà bạn không thể sống thiếu. Đây là lý do tại sao việc bảo vệ gan lại rất quan trọng, đặc biệt là khi bạn
Hình ảnh tin tức Những ngày cuối kinh nguyệt quan hệ có sao không? Có an toàn không?
Mỗi phụ nữ đều có chu kỳ kinh nguyệt riêng. Trong suốt chu kỳ này, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi về hormone gây  ảnh hưởng đến tâm trạng, sức khỏe