Thông tin về phục hồi chức năng vẹo cột sống

Vẹo cột sống là tình trạng thường gặp. Nếu không điều trị vẹo cột sống có thể diễn tiến ngày càng nặng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Thế thì, vẹo cột sống khi nào cần điều trị? Có những phương pháp điều trị gì? Phục hồi chức năng vẹo cột sống mang lại lợi ích như thế nào? Có thể phòng ngừa vẹo cột sống được hay không? Để trả lời những câu hỏi trên, mời các đọc giả theo dõi bài viết dưới đây của BS.CKI Lâm Thị Xuân Nguyệt.

Định nghĩa vẹo cột sống

Vẹo cột sống được định nghĩa là sự sai lệch đường thẳng đứng bình thường của cột sống, bao gồm cột sống vẹo sang bên và xoay của các đốt sống trong đoạn vẹo. Thông thường, vẹo cột sống được chẩn đoán khi cột sống có góc vẹo sang bên ít nhất 10° trên phim X – quang thẳng kết hợp với sự xoay của thân đốt sống.1

Trong trường hợp, cột sống chỉ vẹo sang một bên mà không đi kèm sự xoay của các đốt sống thì được gọi là vẹo cột sống không cấu trúc (vẹo cột sống chức năng).2 Ở những người vẹo cột sống không cấu trúc, đường cong sẽ bị mất đi khi cúi gập người và không có tổn thương cấu trúc tại cột sống.

Thông tin về phục hồi chức năng vẹo cột sống
Hình ảnh vẹo cột sống

Nguyên nhân của vẹo cột sống

Vẹo cột sống có thể được phân loại theo 3 nhóm nguyên nhân sau: tự phát, bẩm sinh hoặc thần kinh cơ.3

Vẹo cột sống tự phát4

Chẩn đoán khi loại trừ tất cả các nguyên nhân khác và chiếm khoảng 80% tổng số trường hợp.

Vẹo cột sống tự phát được chia thành các phân nhóm sau:

  • Vẹo cột sống ở trẻ sơ sinh: phát triển ở độ tuổi 0 – 3 tuổi và tỷ lệ hiện mắc là 1%.
  • Vẹo cột sống ở tuổi nhi đồng: phát triển ở độ tuổi 4 – 10 tuổi, chiếm 10 – 15% các trường hợp cong vẹo cột sống tự phát ở trẻ em. Các đường cong vẹo không được điều trị có thể gây ra các biến chứng tim phổi nghiêm trọng và các đường cong từ 30 độ trở lên sẽ có xu hướng tiến triển, 95% bệnh nhân này cần được phẫu thuật.
  • Vẹo cột sống ở tuổi vị thành niên: phát triển ở độ tuổi 11 – 18 tuổi, chiếm khoảng 90% các trường hợp cong vẹo cột sống tự phát ở trẻ em.

Vẹo cột sống bẩm sinh

  • Kết quả từ dị dạng phôi thai của một hoặc nhiều đốt sống và có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào của cột sống.
  • Các bất thường ở các đốt sống sẽ gây ra cong vẹo cột sống và các biến dạng khác nhau của cột sống là do một vùng của cột sống dài ra với tốc độ chậm hơn các vùng còn lại.
  • Hình dạng và vị trí của các bất thường xác định tốc độ tiến triển cong vẹo cột sống khi trẻ lớn lên.
  • Vì những bất thường này xuất hiện ngay từ khi mới sinh, nên vẹo cột sống bẩm sinh thường được phát hiện ở độ tuổi nhỏ hơn so với vẹo cột sống tự phát..

Vẹo cột sống thần kinh cơ

  • Vẹo cột sống thần kinh cơ là vẹo cột sống thứ phát sau các bệnh thần kinh hoặc cơ.
  • Ví dụ các bệnh lý thần kinh – cơ: bệnh lý bại não, chấn thương tủy sống, loạn dưỡng cơ, hội chứng Ehlers – Danlos, bệnh Charcot – Marie – Tooth, teo cơ tủy sống và nứt đốt sống…
  • Loại vẹo cột sống này thường tiến triển nhanh hơn so với chứng vẹo cột sống tự phát và thường phải điều trị bằng phẫu thuật.
  • Chấn thương và nhiễm trùng cột sống cũng có thể góp phần gây ra vẹo cột sống
  • Ngoài ra, một số bệnh lý di truyền khác cũng có triệu chứng vẹo cột sống như hội chứng Marfan và hội chứng Down.5

Các dấu hiệu của vẹo cột sống và ảnh hưởng của nó đến người bệnh

Có một số dấu hiệu gợi ý bị cong vẹo cột sống bao gồm:2

  • Cột sống/lưng bị cong sang một bên.
  • Tư thế, dáng đi bị nghiêng vẹo.
  • Một bên vai nâng cao hơn bên còn lại.
  • Quần áo mặc không được vừa vặn hoặc không đối xứng.
  • Đau cơ cục bộ do co thắt hoặc do viêm, đau các khớp cột sống do chịu tải lâu ngày dẫn đến thoái hóa.
  • Giảm tầm vận động cột sống: giảm độ linh hoạt để thực hiện động tác cúi gập.
  • Vấn đề về hô hấp, tim mạch: khó thở do khung sườn xoắn vặn chèn ép phổi và giảm khoảng trống lồng ngực gây cản trở chức năng bơm máu của tim.

Trong một nghiên cứu, khoảng 23% bệnh nhân bị chứng vẹo cột sống tự phát có biểu hiện đau lưng tại thời điểm chẩn đoán ban đầu.6 10% trong số những bệnh nhân này được phát hiện có một bệnh lý nền kết hợp như trượt đốt sống, rỗng tủy sống, dính cứng tủy sống, thoát vị đĩa đệm hoặc khối u cột sống.6 Nếu bệnh nhân bị vẹo cột sống tự phát có khó chịu ở lưng nhiều, thì nên đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân gây đau khác.

Suy giảm chức năng phổi là mối quan ngại chính trong vẹo cột sống nặng tiến triển. Do những thay đổi về hình dạng và kích thước của lồng ngực, vẹo cột sống tự phát có thể ảnh hưởng đến chức năng phổi. Các báo cáo gần đây về xét nghiệm chức năng phổi ở những bệnh nhân bị vẹo cột sống tự phát từ nhẹ đến trung bình cho thấy chức năng phổi cũng bị suy giảm.7

Có một vấn đề thường dễ bị bỏ qua nhưng có thể là một yếu tố quan trọng đối với những người bị vẹo cột sống, đặc biệt là đối tượng vị thành niên. Đó là vấn đề tự ti, mặc cảm. Ở độ tuổi này, những đứa trẻ hay chú ý cái đẹp và muốn hòa nhập với bạn bè. Đôi khi trẻ sẽ bị căng thẳng và chán nản khi trông mình khác biệt, quần áo không vừa vặn, phải đeo nẹp lưng dễ bị mọi người chú ý hoặc việc đeo nẹp gây khó chịu và hạn chế hoạt động.

Tóm lại, vẹo cột sống không những gây trở ngại về thẩm mỹ mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng. Vì vậy, nếu có các dấu hiệu nghi ngờ vẹo cột sống cần đến bác sĩ để khám bệnh, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Phương pháp điều trị vẹo cột sống

Hiện nay, vẹo cột sống có thể chỉ cần theo dõi hoặc điều trị bằng nẹp, tuy nhiên một số trường hợp sẽ cần được phẫu thuật. Điều trị vẹo cột sống tùy thuộc vào tuổi, giới tính, nguyên nhân, hình dạng vẹo cột sống, vị trí vẹo, mức độ vẹo và độ trưởng thành xương.

Như đã đề cập, vẹo cột sống sẽ được chẩn đoán khi góc vẹo được đo trên phim X – quang (góc Cobb) từ 10 độ trở lên. Vẹo cột sống mức độ nhẹ là từ 10 – 25°, trung bình là 25 – 45°, nặng là trên 45°.9 Độ trưởng thành xương thường được đo lường thông qua độ cốt hóa mào chậu của xương cánh chậu (độ Risser). Độ Risser có giá trị từ 0 đến 5, độ 0 là chưa cốt hóa, độ 5 là cốt hóa hoàn toàn.

Thông tin về phục hồi chức năng vẹo cột sống
Đo góc Cobb trong vẹo cột sống

Phương pháp theo dõi

Hầu hết những người bị vẹo cột sống là ở mức độ nhẹ và sẽ không cần điều trị bằng nẹp hoặc phẫu thuật. Trẻ em bị cong vẹo cột sống nhẹ cần tái khám thường xuyên (mỗi 4 – 6 tháng) để theo dõi độ vẹo của cột sống cho đến khi xương trưởng thành. Ở người lớn có vẹo cột sống, được khuyến cáo chụp Xquang mỗi 5 năm một lần để kiểm tra, trừ khi triệu chứng tiến triển nặng.10

Phương pháp nẹp

Khi xương vẫn đang phát triển ở những trẻ bị vẹo cột sống mức độ trung bình, bác sĩ có thể đề nghị dùng nẹp.4 Tuy nhiên, mang nẹp sẽ không chữa khỏi hoàn toàn vẹo cột sống hoặc đảo ngược được quá trình vẹo, nẹp thường giúp ngăn chặn mức độ vẹo tiến triển thêm.11 12

Loại nẹp phổ biến nhất được làm bằng nhựa và có đường viền để phù hợp với cơ thể, ví dụ: nẹp Milwaukee, Boston…

Hầu hết nẹp được đeo cả ngày lẫn đêm. Hiệu quả của nẹp tăng lên theo số giờ đeo mỗi ngày. Trẻ em đeo nẹp thường có thể tham gia vào hầu hết các hoạt động và có ít hạn chế. Nếu cần, trẻ có thể tháo nẹp để tham gia các môn thể thao hoặc các hoạt động thể chất khác.

Nẹp được ngừng sau khi xương ngừng phát triển. Điều này thường xảy ra:

  • Khoảng hai năm sau khi con gái bắt đầu hành kinh.
  • Khi con trai cần cạo râu hàng ngày.
  • Khi không có thay đổi gì về chiều cao.

Nhìn chung, hầu hết các vẹo cột sống bẩm sinh không dễ điều chỉnh và do đó có khả năng kháng trị với nẹp. Vì lý do này, việc sử dụng nẹp chủ yếu nhằm mục đích ngăn chặn sự tiến triển thêm các đường cong vẹo cột sống thứ phát sau đường cong bẩm sinh. Trong những trường hợp này, nẹp có thể được áp dụng cho đến khi xương trưởng thành.

Thông tin về phục hồi chức năng vẹo cột sống
Nẹp Milwaukee

Phương pháp phẫu thuật11

Vẹo cột sống nặng thường tiến triển theo thời gian. Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật vẹo cột sống để giảm mức độ nghiêm trọng của vẹo cột sống và ngăn bệnh trở nên xấu hơn. Loại phẫu thuật vẹo cột sống phổ biến nhất là hàn cột sống. Trong hàn cột sống, hai hoặc nhiều đốt sống được hàn dính với nhau, vì vậy chúng không thể di động riêng lẻ.

Các mảnh xương hoặc vật liệu giống xương được đặt giữa các đốt sống. Các nẹp, móc, vít hoặc dây kim loại dùng để giữ cột sống thẳng và đứng yên trong khi hàn cột sống. Nếu tình trạng cong vẹo cột sống tiến triển nhanh khi còn nhỏ, bác sĩ phẫu thuật có thể lắp một thanh nẹp có thể điều chỉnh độ dài khi trẻ lớn lên. Thanh tăng trưởng này được gắn vào phần trên và dưới của đoạn cong cột sống và thường được kéo dài ba đến sáu tháng một lần.

Ngoài ra còn có phương pháp nắn thân đốt sống. Quá trình này có thể được thực hiện thông qua các vết mổ nhỏ. Các đinh vít được đặt dọc theo mép ngoài của đường cong của cột sống và một sợi dây được luồn qua các đinh vít. Khi dây được thắt chặt cột sống sẽ thẳng ra. Khi trẻ lớn lên, cột sống có thể sẽ thẳng ra nhiều hơn nữa.

Các biến chứng của phẫu thuật cột sống có thể bao gồm chảy máu, nhiễm trùng, đau hoặc tổn thương thần kinh. Hiếm khi có biến chứng không lành xương hoặc cần phẫu thuật lại.

Phục hồi chức năng vẹo cột sống

Vai trò của phục hồi chức năng cho vẹo cột sống vô căn không phẫu thuật ở tuổi vị thành niên còn nhiều tranh cãi. Hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng tập vận động riêng lẻ sẽ không tác động đến sự tiến triển của vẹo cột sống cấu trúc. Tuy nhiên, nếu kết hợp một chương trình tập luyện có chọn lọc cùng với dùng nẹp thì sẽ có lợi ích trong điều trị.5

Hơn nữa, các bài tập thể chất có tác động tích cực đến chức năng hô hấp, sức mạnh, thăng bằng tư thế và các bài tập này cũng rất hữu ích trong việc giảm thiểu những khiếm khuyết và khuyết tật chuyên biệt cho người bị vẹo cột sống vô căn.

Phương pháp Schroth

Phương pháp Schroth là một trong những phương pháp phục hồi chức năng vẹo cột sống.13 Nó sử dụng các bài tập được điều chỉnh cho từng bệnh nhân để đưa cột sống bị vẹo về vị trí tự nhiên nhất có thể. Mục tiêu của các bài tập Schroth là chống xoay, kéo dài và ổn định cột sống trong một không gian ba chiều. Phương pháp này tập trung vào:

  • Khôi phục sự đối xứng của các nhóm cơ 2 bên cột sống và sự thẳng trục của cơ thể.
  • Hít thở vào phần lõm của lồng ngực.
  • Giúp người bệnh tự ý thức về tư thế của họ.
Thông tin về phục hồi chức năng vẹo cột sống
Bài tập trong phương pháp Schroth

Các tư thế trong phương pháp:15

  • (A) nắn chỉnh cột sống ngực.
  • (B) nắn chỉnh cột sống thắt lưng.
  • (C) ngồi nắn chỉnh cơ bản.
  • (D) bài tập tự điều chỉnh trước gương.
  • (E) treo cơ thể.
  • (F) nắn chỉnh cột sống thắt lưng.
  • (G) nâng khung chậu sang bên.
  • (H) kéo dãn bên yếu.
  • (I) nắn chỉnh cột sống ngực khi ngồi trên ghế.
  • (J) tăng sức mạnh cho cơ lưng và kéo dãn bên.

Bài tập SEAS

Ngoài phương pháp Schroth còn có các bài tập khác đã được chứng minh là hiệu quả trong phục hồi chức năng vẹo cột sống, ví dụ như bài tập SEAS (Scientific Exercises Approach to Scoliosis).

  • Bài tập SEAS có hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ tiến triển của vẹo cột sống so với chăm sóc thông thường và giúp hạn chế cho chỉ định nẹp. Có bằng chứng cho rằng SEAS có hiệu quả trong việc giảm biến dạng cột sống so với các nhóm đối chứng.14
  • Theo Viện Cột sống Khoa học Ý (ISICO), các bài tập SEAS dựa trên việc tự chỉnh sửa chủ động (ASC), được chỉ dẫn riêng cho từng bệnh nhân.15
  • ASC giúp đạt được điều chỉnh tối đa có thể, sau đó kết hợp với các bài tập ổn định bao gồm kiểm soát thần kinh vận động, huấn luyện cảm thụ bản thể và thăng bằng.
  • Các bài tập cũng được đưa vào các hoạt động sống hàng ngày của họ.
  • Tiếp cận SEAS liên quan đến việc cha mẹ cùng tham gia với trẻ cùng với phương pháp tiếp cận nhận thức – hành vi để tối đa hóa sự tuân thủ điều trị.

Bài tập Klapp

Bài tập Klapp là một chương trình phục hồi chức năng khác. Phương pháp này được xây dựng với mục đích điều chỉnh độ cong của cột sống bằng cách kéo dãn và tập mạnh cơ lưng.

Bài tập thở

Bài tập thở kết hợp với các di động chủ động lồng ngực cũng rất quan trọng trong chương trình phục hồi chức năng vẹo cột sống. Bởi vì vẹo cột sống mức độ nặng có thể gây áp lực lên đường thở và phổi làm cho người bệnh hít thở khó khăn. Nếu có nguy cơ cao bị rối loạn chức năng hô hấp (do áp lực của cột sống) thì người bệnh cần được phẫu thuật.

Có bằng chứng về hiệu quả của chương trình phục hồi chức năng hô hấp ở trẻ em bị cong vẹo cột sống.16 Người ta kết luận rằng việc phục hồi chức năng hô hấp có tác dụng tích cực trong việc tăng cường chức năng phổi của trẻ em bị vẹo cột sống. Các can thiệp bao gồm:

  • Kỹ thuật giáo dục hô hấp (thông khí cơ hoành, di động lồng ngực, thông khí khi nghỉ ngơi và trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày) để di động và phòng ngừa co cứng lồng ngực và cơ hô hấp.
  • Dẫn lưu tư thế, rung để hút chất nhầy và giảm sức cản của đường thở.
  • Các kỹ thuật thư giãn để đảm bảo rằng bệnh nhân sẽ kiểm soát hô hấp tốt hơn.

Phòng ngừa vẹo cột sống

Thực tế, không có cách nào để ngăn ngừa vẹo cột sống. Vì vậy, hãy quên những tin đồn mà bạn có thể đã nghe, chẳng hạn như chấn thương thể thao thời thơ ấu gây ra vẹo cột sống. Tương tự như vậy, nếu trẻ đang đi học phụ huynh có thể lo lắng về trọng lượng của sách giáo khoa mà trẻ mang theo. Thế nhưng, đeo balo nặng có thể gây đau lưng, vai và cổ nhưng điều này không dẫn đến cong vẹo cột sống.5

Những lo ngại về tư thế xấu thì như thế nào? Cách một người đứng hoặc ngồi không ảnh hưởng đến khả năng bị cong vẹo cột sống.10 Nhưng khi bị vẹo cột sống có thể gây ra tình trạng nghiêng vẹo đáng kể làm cho các tư thế ngồi, đứng, đi trở nên bất thường. Vì vậy, nếu trẻ có tư thế ngồi xấu hoặc không thể đứng đi thẳng thì nên nghi ngờ trẻ đã gặp vấn đề ở cột sống.

Tóm lại, vẹo cột sống có thể diễn tiến nặng dần theo thời gian. Vì vậy, nếu có các dấu hiệu vẹo cột sống cần đưa trẻ đến khám bác sĩ sớm để chẩn đoán và điều trị kịp thời. Điều trị có thể là theo dõi, mang nẹp hoặc phẫu thuật tùy vào từng bệnh nhân. Ở người bị vẹo cột sống, chương trình phục hồi chức năng góp phần hỗ trợ điều trị, cải thiện sức cơ, thăng bằng, ổn định cột sống, duy trì hô hấp và hạn chế khiếm khuyết chức năng. Tuy nhiên các bài tập cần được bác sĩ phục hồi chức năng và nhà vật lý trị liệu hướng dẫn và điều chỉnh theo từng bệnh nhân để đạt được hiệu quả tối ưu. Mong rằng bài viết “Thông tin về phục hồi chức năng vẹo cột sống” của BS.CKI Lâm Thị Xuân Nguyệt sẽ có ích cho bạn!

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức 3 cách sơ cứu ngộ độc thực phẩm đơn giản bạn cần biết
Ngộ độc thực phẩm (hay trúng thực) là tình trạng ngộ độc cấp xảy ra do ăn hoặc uống phải các loại thực phẩm bị ô nhiễm do vi sinh vật hay thực phẩm có
Hình ảnh tin tức Giải đáp: Nồng độ prolactin cao có khả năng sinh con được không?
“Nồng độ prolactin cao có khả năng sinh con được không?” là thắc mắc của không ít chị em đang trong hành trình “săn rồng con” nhưng chưa mãi chưa có
Hình ảnh tin tức Có nên dùng que thử viêm nhiễm phụ khoa không? Cách sử dụng hiệu quả
Viêm âm đạo là vấn đề phổ biến ở phụ nữ thuộc nhiều độ tuổi khác nhau. Vì cảm thấy ngại ngùng khi đi khám phụ khoa, nhiều chị em phụ nữ đã truyền tai
Hình ảnh tin tức Gan nhiễm mỡ độ 1 có nguy hiểm không?
Gan là một cơ quan quan trọng trong cơ thể mà bạn không thể sống thiếu. Đây là lý do tại sao việc bảo vệ gan lại rất quan trọng, đặc biệt là khi bạn
Hình ảnh tin tức Những ngày cuối kinh nguyệt quan hệ có sao không? Có an toàn không?
Mỗi phụ nữ đều có chu kỳ kinh nguyệt riêng. Trong suốt chu kỳ này, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi về hormone gây  ảnh hưởng đến tâm trạng, sức khỏe