Sữa dành cho người tiểu đường và những sự thật bạn cần biết

Từ rất lâu, chúng ta đã được nghe về những lợi ích của sữa. Đây là một loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho một chế độ ăn cân bằng dưỡng chất. Nhưng liệu sữa có phải là một lựa chọn an toàn để sử dụng cho người bệnh đái tháo đường? Các loại sữa dành cho người tiểu đường trên thị trường có thật sự tốt cho người bệnh? Đây là một chủ đề thường hay bị hiểu sai và còn rất nhiều điều không chính xác lưu truyền trong dân gian. Trong bài viết sau đây, mời quý bạn đọc cùng Bác sĩ Nguyễn Vũ Nhật Phong tìm hiểu các loại sữa, sữa dành cho người tiểu đường, cũng như những ảnh hưởng của chúng lên đường huyết và cách sử dụng các loại sữa đúng cách cho người bệnh tiểu đường nhé.

Tổng quan về sữa và bệnh tiểu đường

Tổng quan về các loại sữa

Tất cả chúng ta, cho dù có bị tiểu đường hay không, đều cần sử dụng một số sản phẩm từ sữa (hoặc các sản phẩm thay thế không phải từ sữa như các sản phẩm từ các loại hạt, đậu nành) như sữa bột, sữa nước, sữa tươi và sữa chua… mỗi ngày. Các loại sản phẩm này đều chứa protein và vitamin, và là một nguồn canxi quan trọng, giúp giữ cho xương và răng của bạn chắc khỏe.1

Tuy nhiên, dù là loại chế phẩm nào, chúng ta cũng cần hiểu một điều rằng, tất cả các loại sản phẩm trên đều chứa carbohydrates với số lượng ít hay nhiều tùy loại, ngay cả khi được dán nhãn “không đường” (ví dụ: sữa tươi không đường, sữa chua không đường…). Bởi vì bản thân các loại sữa đều chứa lactose (một loại đường trong sữa), và sẽ chuyển hóa thành glucose khi hấp thu vào cơ thể.2

Hiểu về đái tháo đường

Để hiểu rõ hơn về tác động của sữa đối với người bệnh đái tháo đường. Trước hết chúng ta cùng xem lại một số khái niệm về bệnh lý này. Đái tháo đường có nhiều loại. Thông thường nhất, chúng ta thường gặp 2 loại như sau:3 4

Đái tháo đường type 1

Với đái tháo đường type 1, đây là một loại đái tháo đường do nguyên nhân tự miễn. Khi tế bào β tụy bị một loại tự kháng thể tấn công, gây phá hủy và mất chức năng tiết insulin của các tế bào này. Bệnh thường khởi phát ở lứa tuổi thiếu niên. Nhưng cũng có thể xảy ra ở mọi độ tuổi.

Bệnh có thể được kiểm soát bằng tiêm insulin hằng ngày nhưng không thể phòng ngừa. Khi bị đái tháo đường type 1, người bệnh cần phải tiêm insulin nền và insulin trước mỗi bữa ăn để chuyển hóa carbohydrates ăn vào (đường, tinh bột, chất xơ…). Vì vậy, việc tính toán lượng carbohydrates ăn vào mỗi ngày khá quan trọng để tính liều insulin cần thiết tiêm trước mỗi bữa ăn.

Đái tháo đường type 2

Với đái tháo đường type 2, tuyến tụy người bệnh có thể tiết không đủ insulin, hoặc do cơ thể bệnh nhân có tình trạng đề kháng insulin (tích tụ mỡ, thừa cân, béo phì…) dẫn đến lượng insulin trong cơ thể dù có đủ nhưng lại không thể chuyển hóa được đường trong máu. Bệnh này thường diễn tiến từ từ và thường có thể phòng ngừa được với lối sống lành mạnh… Đối tượng có một trong các yếu tố nguy cơ sau đây có nguy cơ cao bị đái tháo đường type 2:

  • Trong gia đình có người thân trực hệ (cha, mẹ, anh, chị, em ruột) bị đái tháo đường.
  • Tiền sử bị đái tháo đường thai kỳ hoặc hội chứng buồng trứng đa nang.
  • Lớn tuổi.
  • Béo phì, thừa cân.
  • Lối sống tĩnh tại, ít vận động.

Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ trong lúc mang thai, dù không bị đái tháo đường trước đó. Tình trạng này thường sẽ trở về bình thường sau khi sinh. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý vì người mẹ sẽ tăng nguy cơ bị đái tháo đường type 2 sau này.

Tóm lại, dù người bệnh bị type đái tháo đường nào, việc kiểm soát lượng carbohydrates ăn vào mỗi ngày đều quan trọng. Đường và đặc biệt là đường trong sữa (lactose) là một loại carbohydrates, cần được tính toán trong khẩu phần ăn mỗi ngày của bạn để thiết lập một chế độ ăn phù hợp.

Ngoài ra, người bệnh đái tháo đường cũng có thể có hàm lượng cholesterol và triglycerides cao trong máu. Đây là những dạng mỡ máu, có khả năng làm xơ vữa mạch máu, và gây ra những bệnh nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim… Vì vậy, chú ý đến hàm lượng chất béo bão hòa và không bão hòa trong chế độ ăn cũng là một việc quan trọng đối với người bệnh đái tháo đường.

Dinh dưỡng có trong các sản phẩm từ sữa

Các sản phẩm từ sữa là nguồn cung cấp calci, protein và vitamin tuyệt vời cho cơ thể. Tuy nhiên, nó cũng chứa nhiều chất béo và carbohydrates, những loại cơ chất có nguy cơ cao làm xấu đi các vấn đề của người bệnh tiểu đường. Sau đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về thành phần dinh dưỡng có trong các loại sản phẩm từ sữa sau.

Sữa dành cho người tiểu đường và những sự thật bạn cần biết
Sữa và các sản phẩm từ sữa đều chứa một hàm lượng đường nhất định

Sữa là sản phẩm phức tạp chứa các thành phần dinh dưỡng sau đây:5

  • Protid: dưới dạng colloid (dạng keo), bao gồm casein, lactoalbumin, lactoglobulin.
  • Lipid: dưới dạng nhũ tương:
    • Acid béo trong sữa gồm khoảng 60-70% là acid béo bão hòa (palmitic, myristic, stearic, butyric, caproic), 30-40% là acid béo không bão hòa (acid oleic, linoleic và alpha-linolenic).
  • Chất khoáng và glucid dưới dạng dung dịch:
    • Chất khoáng: sữa chứa nhiều calci (120 mg/100 gram sữa) và phosphor (95 mg/100 gram sữa). Tỉ số calci/phosphor trong các loại sữa thay đổi trong khoảng 1-1.4 gram, rất tốt cho cơ thể sử dụng. (Tỉ số Ca/P >0.7 cần thiết cho cơ thể sử dụng tốt).
    • Glucid: lactose trong sữa là đường đôi, khi bị thủy phân sẽ phóng thích glucose và galactose, gây tăng đường huyết. Đây cũng là loại glucid có thể lên men chuyển thành acid lactic trong yaourt.

Trong 100 gram sữa bò chứa khoảng:5

  • Protid: 3.9 gram.
  • Glucid: 4.8 gram.
  • Lipid: 4.4 gram.
  • Muối khoáng: 0.6 gram.
  • Vitamin A, vitamin B1, vitamin B2, vitamin B6, vitamin C, vitamin D, vitamin PP, vitamin E.
  • Diastase (enzym giúp phân hủy tinh bột) và sắc tố: chứa lượng rất ít.

Đa số các loại sữa thông thường sẽ có hàm lượng chất béo không tốt cho người bệnh đái tháo đường. Vì vậy, nếu có thể, nên chọn những loại sữa ít béo, sữa tách béo (skimmed milk) sẽ giảm nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch hơn. Nhưng cần chú ý, dù vậy, tất cả các loại sữa kể trên đều vẫn chứa carbohydrates, gây tăng đường huyết.

Bảng sau đây so sánh thành phần năng lượng, chất béo và carbohydrates giữa sữa thông thường và các loại sữa giảm/ít/không béo. Đơn vị trong bảng là trên 100 ml sữa. Nhưng cần lưu ý, thông thường khi tính bằng đơn vị ly/cốc, 1 ly/cốc chứa khoảng 240 ml sữa. Vì vậy, chúng ta nên quy đổi chính xác để tính vào khẩu phần ăn của mình.1

Loại sữa Kcal/100ml Chất béo/100ml Chất béo bão hòa/100ml Carbohydrate/100ml Đường/100ml Muối/100ml
Sữa nguyên kem 64 3.6 2.3 4.7 4.7 0.1
Sữa ít béo (Semi-skimmed milk) 50 1.8 1.1 4.8 4.8 0.1
Sữa 1% béo 43 1 0.7 4.9 4.9 0.1
Sữa tách béo 35 0.1 < 0.1 5 5 0.1

Thành phần đường có trong các loại sữa tại Việt Nam

Ngoài các thành phần kể trên, carbohydrates hay lượng đường trong sữa cũng là một thành phần rất quan trọng, cần được để tâm đối với người bệnh đái tháo đường.

Điều cần nhớ là mọi loại sữa đều có chứa đường và đều có khả năng gây tăng đường huyết. Cách tốt nhất để xem lượng đường chứa trong các loại sữa, mỗi người trong chúng ta (kể cả người bệnh hay không có bệnh) nên học thói quen xem thành phần dinh dưỡng có trên bao bì từng loại.2 Sau đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một số loại sữa có trên thị trường Việt Nam.

Sữa dành cho người tiểu đường và những sự thật bạn cần biết
Thông tin dinh dưỡng có trong 1 loại sữa, chú ý hàm lượng chất béo (fat) và carbohydrates

1. Sữa đặc có đường

Ngay từ tên gọi, chúng ta cũng có thể nhận thấy đây là loại sữa có thành phần chứa khá nhiều đường. Thật vậy, trong 100 gram sữa đặc chứa tới khoảng 55 gram đường.

Đặc biệt hơn nữa, chỉ số đường huyết của loại sữa này cũng khá cao. Do đó, khi bạn uống vào sẽ làm lượng đường trong máu tăng nhanh. Vì vậy, người bệnh đái tháo đường cần đặc biệt lưu ý tránh các loại sữa này.

2. Sữa tươi có đường

Một hộp sữa tươi có đường thông thường dung tích 180 ml có chứa khoảng 14 gram đường.

3. Sữa tươi ít đường

Một hộp sữa tươi ít đường với dung tích 180 ml có chứa khoảng 12 gram đường, không khác biệt nhiều so với loại sữa tươi có đường thông thường.

4. Sữa tươi không đường

Dù có tên gọi là sữa tươi không đường, nhưng người bệnh cần lưu ý, chúng vẫn chứa đường trong thành phần của mình. Thật vậy, một hộp sữa tươi không đường dung tích 180 ml vẫn chứa khoảng 7 gram đường, bằng 1 nửa so với sữa tươi có đường thông thường.

Đây là loại sữa có tên gọi gây nhầm lẫn cho rất nhiều người bệnh đái tháo đường. Nhiều người thường nghĩ rằng, sữa tươi không đường không có đường thật sự. Với niềm tin như vậy, người bệnh đái tháo đường thường uống loại sữa này và nghĩ rằng nó không gây tăng đường huyết, và uống với lượng tùy thích. Nhưng không phải vậy, đây chỉ là cách nhà sản xuất muốn dán nhãn rằng, đây là loại sữa không được bổ sung đường vào trong lúc sản xuất. Vì thế, khi uống loại sữa này, bạn vẫn có thể có nguy cơ bị tăng đường huyết.

Chúng ta cần nhớ rằng, sữa tươi không đường trên thị trường vẫn có đường trong thành phần của nó.

5. Sữa bổ sung calci

Trên thị trường có nhiều loại sữa bổ sung calci, chúng ta cũng cần chú ý, các loại sữa trên vẫn chứa đường. Trong 1 hộp nhỏ dung tích 125 ml loại sữa trên có chứa khoảng 10.5 gram đường. Tức là hàm lượng đường nhỉnh hơn một chút so với trong sữa tươi có đường bên trên.

6. Sữa chua có đường

Trong một hộp sữa chua có đường thông thường dung tích 100 ml có chứa khoảng 15 gram đường.

7. Sữa chua không đường

Tương tự như sữa tươi không đường, sữa chua dù được gọi là không đường nhưng vẫn có đường trong thành phần của nó.

Một hộp sữa chua không đường dung tích 100 ml có chứa khoảng 5 gram đường.

Như vậy, một lần nữa chúng ta thấy rằng, đây có thể là sai lầm của nhiều người khi cho rằng, sữa chua không đường sẽ không chứa đường, và có thể ăn bao nhiêu tùy thích. Điều đó có thể làm cho đường huyết của bạn tăng cao dù có dùng thuốc đầy đủ.

8. Sữa bổ sung dinh dưỡng

Trong 1 lon sữa bổ sung dinh dưỡng (ví dụ sữa Ensure) dung tích 237 ml, thành phần của nó có chứa khoảng 32 gram đường theo công bố của nhà sản xuất.

Nếu chúng ta dùng sữa bột pha ra theo công thức chuẩn do nhà sản xuất đề nghị: 6 muỗng để pha ra 1 ly sữa, thì 1 ly sữa như vậy chứa khoảng 34 gram đường theo công bố của nhà sản xuất.

Đây là loại sữa dành cho người bệnh nặng, cần bổ sung nhiều dinh dưỡng, năng lượng, và không phù hợp với người bệnh đái tháo đường

9. Sữa chuyên biệt cho người bệnh đái tháo đường

Đối với một số loại sản phẩm được giới thiệu dành cho người bệnh đái tháo đường, thường được người dân gọi với tên là “sữa dành cho người bị đái tháo đường” hay “sữa tiểu đường”, chúng vẫn chứa đường và không có công dụng “chữa khỏi” đái tháo đường như nhiều người lầm tưởng.

Đây cũng là một trong những quan niệm sai lầm của người bệnh đái tháo đường khi cho rằng, đây là một loại sữa không chứa đường, và có tác dụng bình thường hóa đường huyết. Nhưng thực tế không phải như vậy, 1 lon sữa pha sẵn dung tích 220 ml loại kể trên có chứa khoảng 24 gram đường. Và nếu dùng loại dạng bột pha ra theo công thức chuẩn, 1 ly sữa như vậy chứa khoảng 21 – 27 gram đường tùy loại, tương đương với khoảng hơn nửa chén cơm.

Do đó, khi uống loại sữa này, lượng đường trong máu của bạn vẫn sẽ tăng lên giống như khi bạn ăn các loại thực phẩm khác, chứ không có tác dụng hạ đường huyết như nhiều người vẫn nghĩ.

Ưu thế của loại sữa này so với các loại sữa thông thường khác là vẫn đảm bảo các thành phần dưỡng chất, có bổ sung chất xơ, đủ năng lượng thay thế các bữa ăn, đặc biệt là có chỉ số đường huyết thấp – GI < 55 (GI là chỉ số cho biết lượng đường trong máu sẽ tăng nhanh hay chậm, chỉ số GI của 1 sản phẩm càng cao thì đường huyết sau ăn sản phẩm đó càng tăng nhanh), tỉ lệ các dưỡng chất phù hợp với khuyến cáo về chế độ ăn dành cho người bệnh đái tháo đường (thành phần bột đường, đạm, béo, cholesterol, sodium).5

Vì vậy, khi uống loại sữa này, đồng nghĩa với việc bạn đã dùng một lượng năng lượng, bột đường tương đương với một bữa ăn. Chính vì thế, nếu bạn đã uống loại sữa này, và ăn thêm một bữa ăn khác cùng lúc. Việc này đồng nghĩa với việc bạn ăn một khẩu phần ăn gấp đôi thông thường. Dẫn đến lượng đường tăng cao trong máu.

Đây chỉ nên được xem là một loại thực phẩm thay thế cho 1 bữa ăn, nhưng cần lưu ý về khả năng tăng nhanh đường huyết sau khi dùng. Nếu được, bạn nên theo dõi đường huyết trước và sau 2 giờ khi dùng, để đánh giá khả năng gây tăng đường huyết của loại sữa này đối với cơ thể. Vì mỗi người sẽ có một đáp ứng khác nhau.

Sữa dành cho người tiểu đường và những sự thật bạn cần biết
Người bệnh nên kiểm tra đường huyết trước và sau bữa ăn để biết loại sữa đó có phù hợp với mình hay không

10. Các loại sữa hạt

Ngoài ra, trên thị trường còn có một số loại sữa được làm từ hạt thực vật. Một cốc (1 cup, tương đương khoảng 240 ml) sữa chuẩn các loại vẫn chứa đường, tùy loại như sau (nếu không bổ sung đường nhân tạo):2

  • Sữa hạnh nhân: chứa 1.52 gram carbohydrates.
  • Sữa đậu nành: 4.01 gram carbohydrates.
  • Sữa hạt lanh (Flax milk): 1.02 gram carbohydrates.
  • Sữa gạo: 22 gram carbohydrates (hàm lượng đường khá cao).
Sữa dành cho người tiểu đường và những sự thật bạn cần biết
Sữa hạnh nhân (không thêm đường nhân tạo) là loại sữa hàm lượng đường thấp có thể thay thế sữa bò

Ảnh hưởng của các loại sữa lên đường huyết

Từ nội dung trên, chúng ta có thể thấy tất cả các loại sữa kể cả sữa không đường, và sữa dành cho người đái tháo đường, đều có chứa đường và có khả năng gây tăng đường huyết.

Trong đó, sữa đặc có đường và loại sữa bổ sung dinh dưỡng/năng lượng có lượng đường cao, và nên tránh đối với người bệnh đái tháo đường.

Các loại sữa khác có khả năng gây tăng đường huyết chậm hơn so với sữa đặc có đường. Nhưng khi dùng lại có xu hướng gây tăng đường huyết nhanh hơn so với khi ăn bữa ăn thông thường (tùy đối tượng).

Người bệnh đái tháo đường có đường huyết kiểm soát chưa tốt nên tránh tự ý dùng các loại sữa; kể cả sữa không đường hoặc sữa dành cho người đái tháo đường. Trước khi sử dụng các loại sữa trên thị trường, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ Nội tiết – Đái tháo đường, hoặc bác sĩ Dinh dưỡng đáng tin cậy để tránh bị tăng đường huyết hơn nữa do dùng sai cách.

Cách sử dụng các loại sữa đúng cách

Nhằm hạn chế việc sử dụng các loại sữa sai cách dẫn đến tăng đường huyết, ảnh hưởng việc điều trị tiểu đường. Sau đây là một số gợi ý giúp người bệnh tiểu đường sử dụng các loại sữa đúng cách và an toàn. Cần lưu ý rằng, thể trạng và tình trạng của mỗi người bệnh là khác nhau. Vì vậy, tốt nhất người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị của mình trước khi sử dụng các loại sữa.

Sữa đặc có đường

Đây là loại sữa thường được dùng để pha cà phê sữa, hoặc để bổ sung vị ngọt cho các loại thức uống. Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, đây là loại thực phẩm cần tránh ở người bệnh đái tháo đường.

Vì vậy, bạn có thể thay thế chúng bằng các chất tạo vị ngọt nhân tạo khác thay thế. Dù vậy, các nghiên cứu về chất tạo vị ngọt cho kết quả không nhất quán. Do đó, để thận trọng, không nên dùng các chất này cho phụ nữ có thai. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy chất tạo vị ngọt như aspartam có thể làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột, ảnh hưởng đến hành vi ăn uống.5

Các loại sữa khác

Đối với các loại sữa khác, bao gồm tất cả loại sữa còn lại (sữa tươi có đường, sữa tươi không đường, sữa dành cho người đái tháo đường…), người bệnh nên lưu ý:

  • Uống với lượng vừa phải để đảm bảo rằng tổng lượng chất bột đường của cả ngày, bằng với lượng được bác sĩ hoặc chuyên viên dinh dưỡng của bạn khuyến cáo. Ví dụ: nếu bác sĩ khuyên bạn nên ăn mỗi bữa 1 chén cơm và bạn vẫn muốn uống sữa dành cho người đái tháo đường. Bạn cần nhớ tới lượng đường có trong 1 lon sữa kể trên tương đương với nửa chén cơm. Vì thế, bạn có thể ăn nửa chén cơm rồi sau đó uống 1 lon sữa dành cho người bệnh đái tháo đường, để đảm bảo lượng bột đường tương đương với lượng được bác sĩ khuyến cáo. Tuy nhiên, cần chú ý rằng vẫn có thể đường huyết của bạn sẽ tăng nhanh hơn so với việc ăn một bữa ăn thông thường.
  • Tránh suy nghĩ rằng sữa không đường hoặc sữa dành cho người tiểu đường không làm tăng đường huyết.
  • Nên dùng chung với bữa ăn, tránh uống thành nhiều cử ngoài bữa chính trong ngày.
  • Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ Nội tiết – Đái tháo đường hoặc bác sĩ Dinh dưỡng của bạn trước khi quyết định chọn một loại sữa nào đó vào khẩu phần hằng ngày.
  • Có thể dùng các loại thực phẩm khác với sữa, có hàm lượng dinh dưỡng tương tự, nhưng ít hoặc không chứa carbohydrate để tránh bị tăng đường huyết.
Sữa dành cho người tiểu đường và những sự thật bạn cần biết
Người bệnh tiểu đường nên hỏi ý kiến tư vấn từ bác sĩ điều trị của mình trước khi sử dụng các loại sữa

Các sản phẩm từ sữa thay thế khác1

Ngoài sữa, chúng ta còn có thể lựa chọn các loại sản phẩm từ sữa khác thay thế, với hàm lượng khoáng chất và protein tương tự.

Pho mát

Pho mát cũng là một nguồn cung cấp calci, phosphor và protein dồi dào cho cơ thể. Mà hàm lượng đường lại thấp hơn so với sữa (tùy loại pho mát).

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là hàm lượng chất béo và muối trong pho mát lại khá cao. Vì vậy, người bệnh cũng chỉ nên ăn với lượng vừa đủ. Khẩu phần được khuyến nghị 1 ngày là 30g/1oz – tương đương với kích thước của một hộp diêm.

Các loại pho mát như cheddar, leicester, gloucester, lancashire, brie, pho mát xanh (blue cheese) và edam đều chứa nhiều chất béo, thường từ 20 – 40 g chất béo trên 100 g. Cần lưu ý rằng, thực phẩm có hơn 17,5 g chất béo trên 100 g được coi là thực phẩm giàu chất béo.

Pho mát cũng có thể chứa nhiều muối (hơn 1,5 gram muối trên 100 gram thực phẩm được coi là có lượng muối cao). Điều này có thể dẫn đến tăng huyết áp, không tốt cho sức khỏe của bạn.

Sau đây là bảng tham khảo một số loại phô mát và hàm lượng dinh dưỡng của chúng:

Loại pho mát Kcal/100g Béo/100g Béo bão hòa/100g Carbohydrate/100g Đường/100g Muối/100g
Stilton 410 35 23 1.7 0.7 2.0
Cheddar 416 34.9 21.7 0.1 0.1 1.8
Brie 352 30.7 20.7 1.7 0.7 1.0
Edam 318 23.7 15.8 0.1 0.1 2.5
Lighter cheddar (ít béo) 311 21.8 14.9 0.1 0.1 1.8
Half-fat cheddar (một nửa béo) 273 15.8 9.9 0.1 0.1 1.7
Light cream cheese (Pho mát kem ít béo) 152 11 7.2 5.1 5.1 0.8
Natural cottage cheese (6% fat) 110 6.1 3.7 4.6 2.3 0.6
Quark 68 0.3 0.2 3.8 3.8 0.1

Yogurt hoặc phô mai tươi

Các loại yogurt và phô mai tươi có nhiều loại đa dạng về hàm lượng chất béo. Vì vậy, bạn nên chú ý đọc nhãn có ghi thành phần béo và carbohydrates có chứa trong các sản phẩm trên. Và ưu tiên chọn các sản phẩm hàm lượng béo thấp và đường thấp.2

Cần lưu ý rằng, đối với các sản phẩm có hàm lượng béo thấp, nhà sản xuất có xu hướng thêm đường vào để bù lại mùi vị và độ rắn của sản phẩm sau khi tách béo.

Một hũ phô mai tươi hay yogurt có đường, trọng lượng 150 gram, loại nhập khẩu từ nước ngoài có thể được thêm vào 20 gram đường, cộng thêm với 6 – 12 gram lactose, đường trong sữa tự nhiên có sẵn. Như vậy, hàm lượng đường tổng cộng sẽ rất cao.

Lựa chọn được khuyên dùng là yogurt tự nhiên (natural yogurt) hoặc yogurt Hy Lạp ít béo (low-fat Greek yogurt), có chứa hàm lượng đường thấp.

Tóm lại, sữa và các sản phẩm từ sữa, hay thậm chí sữa dành cho người tiểu đường luôn có chứa đường và đều có nguy cơ làm tăng đường huyết của người bệnh. Dù có sử dụng sản phẩm sữa dạng nào đi nữa, chúng ta cần chú ý đọc nhãn thành phần dinh dưỡng của chúng (carbohydrates, sugar, fat). Điều này giúp chúng ta có thể tính toán và chia vào khẩu phần ăn hằng ngày của mình cho phù hợp. Tối ưu nhất thì người bệnh vẫn nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thực phẩm từ sữa nào.

Nguồn: youmed.vn

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Những ngày cuối kinh nguyệt quan hệ có sao không? Có an toàn không?
Mỗi phụ nữ đều có chu kỳ kinh nguyệt riêng. Trong suốt chu kỳ này, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi về hormone gây  ảnh hưởng đến tâm trạng, sức khỏe
Hình ảnh tin tức Ngâm chân cho bà bầu: 4 cách làm nước ngâm chân và lưu ý cần nhớ
Theo các chuyên gia, việc ngâm chân cho bà bầu với nước ấm và một số thảo dược vào mỗi tối có thể giúp đôi chân được thư giãn, giảm phù và tăng cường
Hình ảnh tin tức Cường giáp kiêng ăn gì? Thận trọng với 7 thực phẩm thường gặp
Cường giáp là bệnh thường gặp ở phụ nữ với nhiều biến chứng nguy hiểm như rung tâm nhĩ, loãng xương, suy tim sung huyết, đột quỵ… Do đó, điều quan
Hình ảnh tin tức Hé lộ 4 dấu hiệu nhận biết phụ nữ lâu ngày không quan hệ
Đối với phụ nữ, quan hệ tình dục không chỉ mang đến những cảm xúc thăng hoa mà còn tác động tích cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Thế nhưng,
Hình ảnh tin tức Thuốc huyết áp uống ngày 2 lần được không?
Huyết áp cao là bệnh mạn tính cần phải điều trị suốt đời để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như bệnh tim, đột quỵ, giảm thị lực, bệnh thận mạn tính