Bệnh phóng xạ và những điều cần biết

Bệnh phóng xạ hay còn gọi là hội chứng bức xạ cấp tính hoặc ngộ độc phóng xạ. Bệnh gây ra do cơ thể phải nhận một lượng lớn chất phóng xạ trong một khoảng thời gian ngắn (cấp tính). Tùy theo lượng bức xạ mà cơ thể hấp thụ sẽ quyết định mức độ tổn thương của cơ thể ra sao. Việc tìm hiểu về nguyên nhân và cách xử trí khi đối mặt với bệnh là thật sự cần thiết.

1. Triệu chứng của bệnh phóng xạ cấp tính

Mức độ nặng của bệnh phóng xạ cấp tính phụ thuộc vào lượng bức xạ cơ thể đã hấp thụ. Lượng hấp thụ bao nhiêu tùy thuộc vào cường độ của năng lượng bức xạ, thời gian phơi nhiễm và khoảng cách giữa cơ thể và nguồn phóng xạ.

Các dấu hiệu và triệu chứng cũng bị ảnh hưởng bởi bộ phận tiếp xúc , chẳng hạn như toàn bộ hoặc một phần cơ thể. Mức độ nghiêm trọng của bệnh phóng xạ cũng phụ thuộc vào mức độ nhạy cảm của các mô bị ảnh hưởng, ví dụ, hệ thống tiêu hóa và tủy xương rất nhạy cảm với bức xạ.

Dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của bệnh

Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của bệnh phóng xạ thường là buồn nôn và nôn. Khoảng thời gian khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện đến lúc bắt đầu phơi nhiễm là một trong những yếu tố để xác định cơ thể đã hấp thụ bao nhiêu bức xạ.

Nếu cơ thể đã tiếp xúc nhẹ, có thể mất vài giờ đến vài tuần thì mới bắt đầu có dấu hiệu và triệu chứng. Nhưng với phơi nhiễm nghiêm trọng, các dấu hiệu và triệu chứng có thể bắt đầu từ vài phút đến vài ngày sau khi tiếp xúc.

Các triệu chứng thường gặp

  • Buồn nôn và nôn
  • Tiêu chảy
  • Đau đầu
  • Sốt
  • Chóng mặt và mất phương hướng
  • Yếu cơ và mệt mỏi
  • Rụng tóc
  • Nôn ra máu và đi ngoài ra chảy máu
  • Nhiễm trùng
  • Huyết áp thấp.
Bệnh phóng xạ và những điều cần biết
Biểu hiện rụng tóc

2.Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh phóng xạ cấp tính?

Bức xạ là năng lượng được giải phóng từ các nguyên tử dưới dạng sóng hoặc hạt nhỏ của vật chất. Bệnh phóng xạ do tiếp xúc với lượng phóng xạ cao. Chẳng hạn như lượng phóng xạ do vụ nổ nhà máy hạt nhân, hay tai nạn công nghiệp.

Các nguồn bức xạ liều cao có thể gây ra từ:

  • Tai nạn nhà máy hạt nhân
  • Vụ tấn công vào nhà máy hạt nhân
  • Thiết bị phóng xạ cầm tay bị phát nổ
  • Trong các vụ thử vũ khí hạt nhân.

Bệnh phóng xạ xảy ra khi bức xạ năng lượng cao làm hỏng hoặc phá hủy tế bào trong cơ thể. Các khu vực của cơ thể dễ bị tổn thương nhất với bức xạ năng lượng cao là các tế bào trong niêm mạc đường ruột, bao gồm cả dạ dày và các tế bào sản xuất tế bào máu của tủy xương.

3. Biến chứng của bệnh phóng xạ cấp tính

Mắc bệnh phóng xạ có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần ngắn hạn và dài hạn. Chẳng hạn đau buồn, sợ hãi và lo lắng với các vấn đề như:

  • Sau khi trải qua một vụ nổ hạt nhân
  • Đám tang bạn bè hoặc gia đình đã qua đời do vụ nổ hạt nhân
  • Đối phó với nỗi lo về các bệnh do vụ nổ hạt nhân gây ra, khả năng gây tử vong
  • Lo lắng về nguy cơ ung thư do tiếp xúc với bức xạ.

4. Các biện pháp phòng ngừa bệnh phóng xạ

Trong trường hợp có vụ nổ hạt nhân xảy ra, hãy theo dõi đài phát thanh, kênh truyền hình để nắm những hướng dẫn hành động bảo vệ người dân từ chính quyền địa phương. Các phương án hành động được đề xuất sẽ tùy thuộc vào tình huống. Người dân sẽ được yêu cầu giữ nguyên vị trí hoặc sơ tán khỏi khu vực ảnh hưởng.

Nơi trú ẩn tại chỗ

Nếu bạn được khuyên giữ nguyên vị trí, hãy làm những điều như sau:

  • Đóng và khóa tất cả các cửa ra vào, cửa sổ
  • Tắt quạt, điều hòa không khí và các thiết bị sưởi ấm mang không khí từ bên ngoài vào
  • Mang vật nuôi vào trong nhà
  • Di chuyển đến tầng hầm hoặc một phòng bên trong
  • Theo dõi thường xuyên tin tức địa phương
  • Ở lại ít nhất 24 giờ.

Di tản

Nếu được khuyên di tản, hãy làm theo hướng dẫn được cung cấp bởi chính quyền địa phương. Cố gắng giữ bình tĩnh và di chuyển nhanh chóng, bên cạnh đó, mang các đồ dùng cần thiết như:

  • Đèn pin
  • Đài phát thanh di động
  • Pin
  • Bộ đồ sơ cứu y tế
  • Thuốc cần thiết, nếu có bệnh đang điều trị
  • Thực phẩm chế biến sẵn, như thực phẩm đóng hộp và nước đóng chai
  • Dụng cụ mở hộp bằng tay
  • Tiền mặt và thẻ tín dụng
  • Quần áo.

5. Chẩn đoán bệnh phóng xạ cấp tính như thế nào?

Khi một người đã phơi nhiễm hoặc chưa chắc chắn phơi nhiễm với liều phóng xạ cao do tai nạn hoặc cuộc tấn công. Nhân viên y tế sẽ thực hiện một số bước sau để xác định liều bức xạ mà người đó đã hấp thụ. Thông tin này rất cần thiết để xác định mức độ nghiêm trọng, phương pháp điều trị và tiên lượng khả năng sống sót của người bệnh. Các thông tin quan trọng để xác định liều hấp thụ bao gồm:

  • Khoảng tiếp xúc. Chi tiết về khoảng cách từ nguồn phóng xạ và thời gian phơi nhiễm có thể giúp đưa ra ước tính sơ bộ về mức độ nghiêm trọng của bệnh phóng xạ
  • Nôn và các triệu chứng khác. Khoảng thời gian giữa bắt đầu phơi nhiễm phóng xạ và thời điểm khởi phát nôn là một yếu tố sàng lọc khá chính xác để ước tính liều bức xạ hấp thụ. Thời gian trước khi bắt đầu dấu hiệu này càng ngắn thì liều bức xạ càng cao. Mức độ nghiêm trọng và thời gian của các dấu hiệu và triệu chứng khác cũng có thể giúp nhân viên y tế xác định liều hấp thụ
  • Xét nghiệm máu. Các xét nghiệm máu được lặp lại thường xuyên trong nhiều ngày cho phép nhân viên y tế tìm kiếm tế bào bạch cầu đang chống lại bệnh tật và những thay đổi bất thường trong ADN của các tế bào máu
  • Thiết bị đo phóng xạ (Dosimeter) dùng để đo liều bức xạ hấp thụ
  • Một thiết bị như bộ đếm Geiger có thể được sử dụng để xác định vị trí cơ thể có các hạt phóng xạ
  • Loại bức xạ.

Theo dõi

Các xét nghiệm máu cần được lặp lại thường xuyên trong nhiều ngày. Điều này cho phép nhân viên y tế tìm kiếm tế bào bạch cầu đang chống lại bệnh tật. Đồng thời theo dõi những thay đổi bất thường trong ADN của các tế bào máu.

6. Điều trị bệnh phóng xạ như thế nào?

Mục tiêu điều trị cho bệnh phóng xạ cấp tính là để ngăn ngừa ô nhiễm phóng xạ lan rộng. Ngoài ra, điều trị các chấn thương đe dọa tính mạng như bỏng và chấn thương; giảm triệu chứng và kiểm soát cơn đau.

Khử nhiễm

Biện pháp này liên quan đến việc loại bỏ các hạt phóng xạ bên ngoài bằng cách cởi bỏ quần áo và giày. Điều này giúp loại bỏ khoảng 90% ô nhiễm. Tắm rửa bằng nước và xà phòng để loại bỏ các hạt phóng xạ ở trên bề mặt da.

Khử nhiễm có tác dụng ngăn chặn các chất phóng xạ lan rộng hơn. Đồng thời làm giảm nguy cơ ô nhiễm bên trong do hít phải, nuốt phải hoặc vết thương hở.

Bệnh phóng xạ và những điều cần biết
Khử nhiễm phóng xạ

Điều trị tủy xương bị tổn thương

Người bệnh sẽ được sử dụng một loại protein gọi là nhân tố kích thích thích bạch cầu hạt. Protein này thúc đẩy sự phát triển của các tế bào bạch cầu chống lại tác động phóng xạ với tủy xương. Ngoài ra, thuốc được sử dụng điều trị gồm filgrastim (Neupogen), sargramostim (Leukine) và pegfilgrastim (Neulasta). Chúng dùng để làm tăng khả năng sản xuất tế bào bạch cầu và giúp ngăn ngừa nhiễm trùng có thể xảy ra. Nếu cơ thể bị tổn thương nghiêm trọng đến tủy xương, người bệnh cũng có thể được truyền hồng cầu hoặc tiểu cầu.

Điều trị nhiễm bức xạ bên trong

Một số phương pháp điều trị có thể làm giảm tổn thương cho các cơ quan nội tạng do các bức xạ hạt gây ra. Nhân viên y tế chỉ sử dụng các phương pháp điều trị này nếu chắc chắn người bệnh đã tiếp xúc với một loại phóng xạ cụ thể. Những phương pháp bao gồm:

  • Kali iodide. Đây là một dạng không hoạt động của iốt. Iốt là chất rất cần thiết cho hoạt động bình thường của tuyến giáp. Nếu cơ thể tiếp xúc nhiều với bức xạ này, tuyến giáp sẽ hấp thụ đồng vị phóng xạ iod (Radioactive iodine) và các radioiodine cuối cùng được loại bỏ khỏi cơ thể thông qua nước tiểu. Nếu dùng kali iodide, nó có thể lấp đầy “chỗ trống” trong tuyến giáp và ngăn chặn sự hấp thụ chất phóng xạ iod. Kali iodide không phải là thuốc chữa bệnh và có hiệu quả nhất nếu dùng trong vòng một ngày sau khi tiếp xúc với đồng vị phóng xạ iod .

  • Prussian xanh không hòa tan (Radiogardase) là một loại thuốc nhuộm có khả năng liên kết với các hạt của các nguyên tố phóng xạ như Caesium và thallium. Các hạt phóng xạ sau đó được bài tiết qua phân. Điều trị này giúp tăng tốc độ loại bỏ các hạt phóng xạ và làm giảm lượng phóng xạ mà tế bào có thể hấp thụ.
  • Diethylenetriamine pentaacetic acid (DTPA). DTPA liên kết với các hạt của các nguyên tố phóng xạ plutonium, americium và curium. Các hạt phóng xạ này sau đó được cơ thể thải qua đường nước tiểu, do đó làm giảm lượng phóng xạ hấp thụ.

Điều trị hỗ trợ nâng đỡ

Bên cạnh các điều trị chính ở trên, người bệnh sẽ phải cần thêm các điều trị hỗ trợ. Nhằm nâng đỡ tổng trạng và điều trị các vấn đề khác do nhiễm phóng xạ như:

  • Nhiễm khuẩn
  • Đau đầu
  • Sốt
  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn và nôn
  • Mất nước
  • Bỏng
  • Loét.

Kế hoạch chăm sóc cuối đời

Đối với những người bệnh đã hấp thụ lượng phóng xạ rất lớn thì sẽ có rất ít cơ hội phục hồi. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, người bệnh có thể tử vong trong vòng hai ngày hoặc hai tuần. Do đó, đối với những trường hợp này, người bệnh sẽ được sử dụng thuốc để kiểm soát cơn đau, buồn nôn, nôn, tiêu chảy và chăm sóc tâm lý.

Nhiễm phóng xạ là một tình trạng nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng và sức khỏe. Do đó tìm hiểu về bệnh và biết cách phòng tránh là một điều cần thiết. Trên đây, Youmed đã cung cấp cho bạn những điều cần biết về bệnh phóng xạ. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo. Hãy đến cơ sở y tế nếu bạn rơi vào tình huống trên.

Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang

Leave your comment

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Có nên dùng que thử viêm nhiễm phụ khoa không? Cách sử dụng hiệu quả
Viêm âm đạo là vấn đề phổ biến ở phụ nữ thuộc nhiều độ tuổi khác nhau. Vì cảm thấy ngại ngùng khi đi khám phụ khoa, nhiều chị em phụ nữ đã truyền tai
Hình ảnh tin tức Gan nhiễm mỡ độ 1 có nguy hiểm không?
Gan là một cơ quan quan trọng trong cơ thể mà bạn không thể sống thiếu. Đây là lý do tại sao việc bảo vệ gan lại rất quan trọng, đặc biệt là khi bạn
Hình ảnh tin tức Những ngày cuối kinh nguyệt quan hệ có sao không? Có an toàn không?
Mỗi phụ nữ đều có chu kỳ kinh nguyệt riêng. Trong suốt chu kỳ này, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi về hormone gây  ảnh hưởng đến tâm trạng, sức khỏe
Hình ảnh tin tức Ngâm chân cho bà bầu: 4 cách làm nước ngâm chân và lưu ý cần nhớ
Theo các chuyên gia, việc ngâm chân cho bà bầu với nước ấm và một số thảo dược vào mỗi tối có thể giúp đôi chân được thư giãn, giảm phù và tăng cường
Hình ảnh tin tức Cường giáp kiêng ăn gì? Thận trọng với 7 thực phẩm thường gặp
Cường giáp là bệnh thường gặp ở phụ nữ với nhiều biến chứng nguy hiểm như rung tâm nhĩ, loãng xương, suy tim sung huyết, đột quỵ… Do đó, điều quan