Sốt tinh hồng nhiệt: Những điều có thể bạn chưa biết!

Sốt tinh hồng nhiệt là một bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ em. Hiện nay, sự phát triển của kháng sinh giúp cho bệnh ít nghiêm trọng hơn so với trước đây. Tuy nhiên, nếu bệnh không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm tại tim, thận và những bộ phận khác của cơ thể, thậm chí gây tử vong. Vậy làm sao có thể hạn chế được khả năng mắc bệnh? Trong bài viết sau đây, YouMed sẽ cùng bạn tìm hiểu những thông tin cần thiết về bệnh cũng như giải đáp cho câu hỏi trên.

Sốt tinh hồng nhiệt là gì?

Sốt tinh hồng nhiệt là một bệnh do vi khuẩn gây nên. Bệnh thường gặp ở những người trước đó bị viêm họng hoặc chốc lở, gây ra bởi một số chủng liên cầu khuẩn nhóm A. Chính các vi khuẩn này tạo chất độc gây phát ban bệnh. Những ban này được tạo thành từ các đốm nhỏ, màu đỏ hồng và bao phủ toàn bộ cơ thể.

Sốt tinh hồng nhiệt: Những điều có thể bạn chưa biết!
Nổi ban toàn cơ thể

Bất cứ ai cũng có thể bị bệnh sốt tinh hồng nhiệt. Mặc dù vậy, trẻ em từ 5 đến 15 tuổi là đối tượng mắc bệnh thường gặp nhất. Bệnh hiếm gặp ở trẻ dưới 3 tuổi vì vẫn còn kháng thể chống độc tố nhận được từ mẹ. Ngoài ra, nguy cơ bệnh ở người lớn thường là do có tiếp xúc gần với người bị bệnh. Nam và nữ có tỉ lệ mắc sốt tinh hồng nhiệt như nhau.

Thời gian trước đây, bệnh từng rất phổ biến, thậm chí gây tử vong và tạo thành dịch. Sự phát triển cũng như điều trị sớm kháng sinh trên bệnh nhân nhiễm liên cầu đã ngừa được nhiều trường hợp sốt tinh hồng nhiệt và các biến chứng lâu dài.

Nguyên nhân gây bệnh sốt tinh hồng nhiệt là gì?

Nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A là nguyên nhân gây nên bệnh. Khi nhiễm bệnh, các vi khuẩn này thường tập trung ở mũi và họng. Những người bị bệnh có thể dễ dàng lây sang người khác thông qua việc ho hoặc hắt hơi. Lúc này, vô số các giọt nước bọt nhỏ mang vi khuẩn được tạo ra. Mọi người có thể bị lây nhiễm trong các trường hợp sau:

  • Hít phải các giọt nước bọt chứa vi khuẩn.
  • Chạm tay vào bề mặt vật dính những giọt nước bọt của người bệnh sau đó đưa tay lên mũi, miệng.
  • Ăn uống bằng vật dụng chung với người bệnh.
  • Chạm vào trực tiếp các tổn thương da.

    Sốt tinh hồng nhiệt: Những điều có thể bạn chưa biết!
    Sốt tinh hồng nhiệt lây qua con đường giọt bắn

Do việc tiếp xúc gần gũi với người bệnh là yếu tố nguy cơ phổ biến nhất nên bất cứ nơi nào thường tụ tập đông người sẽ tăng khả năng lây lan, bao gồm nhà trẻ, trường học, trại tập huấn quân sự…

Ngoài ra, không phải tất cả người bệnh đều xuất hiện triệu chứng nhưng họ vẫn có khả năng lây cho người khác. Theo thống kê, khoảng 15 – 20% trẻ em ở độ tuổi đi học thuộc nhóm người lành mang mầm bệnh. Trong trường hợp cùng một gia đình có 2 trẻ nhiễm liên cầu khuẩn nhưng chỉ có 1 trẻ tiến triển thành sốt tinh hồng nhiệt, là do cơ thể nhạy cảm với độc tố của vi khuẩn mới phát bệnh.

Sốt tinh hồng nhiệt biểu hiện như thế nào?

Sốt tinh hồng nhiệt thường bắt đầu bằng cơn sốt đột ngột kèm theo đau họng. Bệnh nhân cũng có thể ớn lạnh, buồn nôn, nôn hoặc đau bụng…

Ngoài ra, sốt tinh hồng nhiệt có những triệu chứng đặc trưng, bao gồm:

  • Phát ban: xuất hiện sau 24 – 48 giờ từ lúc bệnh diễn ra. Mặt, cổ, nách và háng là các vị trí đầu tiên phát ban, sau đó lan ra khắp cơ thể. Ban đầu, ban có dạng các nốt nhỏ màu đỏ, đều nhau và trơn bóng. Khi tổn thương trên da ngày càng lan rộng, vùng da nhìn vào giống vết cháy nắng và sờ có cảm giác như giấy nhám.

    Sốt tinh hồng nhiệt: Những điều có thể bạn chưa biết!
    Mặt, cổ, nách và háng là các vị trí đầu tiên phát ban

  • Đường màu đỏ (đường Pastia): các nếp gấp của cơ thể, đặc biệt ở nách, khuỷu tay và háng. Tại đây, các mạch máu mỏng có thể vỡ và tạo nên các đường đỏ hơn những vị trí phát ban còn lại. Những đường này thường tồn tại thêm 1 – 2 ngày sau khi các ban khác biến mất.
  • Mặt đỏ bừng: gương mặt thường đỏ ửng nhưng có thể có vùng nhạt màu quanh miệng.
  • Dâu lưỡi: ở giai đoạn sớm, thường thấy trên lưỡi có lớp phủ màu trắng và sưng nhẹ. Lâu dần, lưỡi sưng đỏ, gập ghềnh như quả dâu tây. Ngoài ra, họng và amidan có thể rất đỏ, đau gây khó chịu khi nuốt.

Sốt tinh hồng nhiệt: Những điều có thể bạn chưa biết!
Lưỡi sưng đỏ, gập ghềnh như quả dâu tây

Đối với người bệnh không được điều trị, sốt đỉnh điểm vào ngày 2 của bệnh, sau đó dần trở lại bình thường trong 5 – 7 ngày. Ngược lại, khi bệnh được dùng kháng sinh thích hợp, sốt sẽ hết trong 12 – 24 giờ. Khoảng sau một tuần, ban đỏ bắt đầu mờ dần và bong tróc da. Những vùng như nách, háng và quanh đầu ngón tay – ngón chân có thể bị bong da kéo dài tới 6 tuần.

Bệnh sốt tinh hồng nhiệt gây hậu quả như thế nào?

Tuy hiếm gặp, nhưng khi vi khuẩn lây lan sang các cơ quan khác của cơ thể, những biến chứng vẫn có thể xảy ra, bao gồm:

  • Áp xe quanh amidan.
  • Sưng hạch bạch huyết cổ.
  • Nhiễm trùng tai, da.
  • Viêm phổi.
  • Sốt thấp khớp (thấp tim).
  • Viêm cầu thận.
  • Viêm tủy xương.

Việc chẩn đoán và điều trị phù hợp có thể ngăn ngừa hầu hết các biến chứng trên. Ngược lại, sốt tinh hồng nhiệt không được điều trị có thể gây tử vong.

Chẩn đoán sốt tinh hồng nhiệt ra sao?

Bệnh được chẩn đoán chủ yếu dựa vào đặc điểm diễn tiến bệnh, các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng. Bên cạnh đó, các xét nghiệm sau cũng góp phần hỗ trợ:

  • Xét nghiệm nhanh liên cầu hoặc nuôi cấy vi khuẩn với bệnh phẩm được lấy từ vùng hầu sau hoặc amidan. Riêng việc nuôi cấy sẽ tốn nhiều thời gian nhưng kết quả chính xác hơn và không cần thiết làm ở người lớn.
  • Định lượng kháng thể kháng dexoyribonuclease B và antistreptolysin-O (ASLO).

Điều trị và cách phòng ngừa bệnh sốt tinh hồng nhiệt

Điều trị

Kháng sinh được dùng để điều trị sốt tinh hồng nhiệt. Trong đó, penicillin hoặc amoxicillin được khuyến cáo là lựa chọn hàng đầu. Nếu bệnh nhân dị ứng với penicillin thì bác sĩ sẽ lựa chọn kháng sinh khác thay thế, chẳng hạn như erythromycin. Điều quan trọng là người bệnh cần tuân thủ các hướng dẫn điều trị mà bác sĩ đề ra và không tự ý ngưng thuốc mặc dù tình trạng bệnh đã khá hơn.

Ngoài ra, các điều trị hỗ trợ kèm theo tùy trường hợp bệnh, bao gồm:

  • Paracetamol dùng khi có sốt, đau đầu hoặc đau họng.
  • Thuốc kháng histamin và dưỡng ẩm da để giảm ngứa do phát ban.
  • Cắt ngắn móng tay cho trẻ em để ngăn việc gãi làm trầy da.
  • Ăn thức ăn mềm và uống nhiều nước.

Sốt thường cải thiện trong vòng 12 – 24 giờ sau khi dùng kháng sinh và hầu hết bệnh nhân hồi phục sau 4 – 5 ngày. Tuy nhiên, các biểu hiện ngoài da có thể kéo dài trong vài tuần. Người bệnh cần được cách ly tại nhà, sau đó có thể trở lại đi học, đi làm khi không còn sốt và đã uống kháng sinh ít nhất 24 giờ.

Các cách phòng ngừa

Ai cũng có khả năng bị sốt tinh hồng nhiệt nhiều hơn một lần. Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh. Tuy nhiên, các biện pháp sau đây sẽ giúp bạn bảo vệ bản thân và những người xung quanh:

  • Cách quan trọng nhất là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây.

>> Bạn có thể tham khảo thêm: Mẹo làm nước rửa tay khô đơn giản tại nhà theo đúng chuẩn chuyên gia.

Sốt tinh hồng nhiệt: Những điều có thể bạn chưa biết!
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây
  • Khi ho hoặc hắt hơi, bạn cần che miệng và mũi bằng khăn giấy là tốt nhất hoặc dùng tay áo.
  • Vứt khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác.
  • Không dùng chung vật dụng như ly nước, đĩa ăn… với người bệnh. Các vật này vẫn an toàn để sử dụng sau khi đã được rửa sạch.
  • Cho người bệnh cách ly tại nhà, tránh tiếp xúc với người khác.

Sốt tinh hồng nhiệt có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, sự thăm khám và điều trị kịp thời sẽ đẩy lùi được bệnh. Do đó, để chúng ta có thể sớm tìm đến sự chăm sóc của bác sĩ, nhận biết được các biểu hiện bệnh là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh chính là yếu tố hàng đầu giúp bạn hạn chế khả năng mắc bệnh.

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Bệnh tăng tiểu cầu có phải là ung thư máu không?
Ung thư máu là một bệnh lý nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được điều trị sớm. Bệnh này liên quan đến việc quá trình sản xuất các tế bào
Hình ảnh tin tức [Giải đáp thắc mắc] Nhịp tim 117 có nguy hiểm không?
“Nhịp tim 117 có nguy hiểm không?” là một câu hỏi quen thuộc mà nhiều người quan tâm khi gặp phải tình trạng nhịp tim bất thường. Trên thực tế, để
Hình ảnh tin tức Uống chanh mật ong có giảm mỡ máu không?
Mỡ máu cao hiện là một trong những tình trạng đáng báo động bởi không chỉ người lớn tuổi mà nhiều người trẻ cũng đang gặp phải. Mỡ máu cao gây ra
Hình ảnh tin tức Lỡ quan hệ khi mang thai tuần đầu có sao không?
Bạn thường nghe các chị em bầu bí mách nhau nên hạn chế chuyện chăn gối trong thời gian đầu thai kỳ. Thế nhưng, vì chưa biết được bản thân “cấu bầu”
Hình ảnh tin tức Xét nghiệm NIPT có cần nhịn ăn không? Cần lưu ý những gì?
Xét nghiệm NIPT là một xét nghiệm sàng lọc trước sinh giúp phát hiện sớm các dị tật của thai nhi. Vậy, mẹ bầu làm xét nghiệm NIPT có cần nhịn ăn như

Sản phẩm đã xem