Lạc nội mạc tử cung: Chẩn đoán và điều trị

Lạc nội mạc tử cung là một trong những bệnh lý phụ khoa thường gặp. Là bệnh lý lành tính nhưng với triệu chứng đau bụng kinh dai dẳng, lạc nội mạc tử cung gây nhiều khó chịu cho chị em phụ nữ. Nghiêm trọng hơn, bệnh còn gây biến chứng vô sinh – hiếm muộn. Bài viết sau sẽ giúp bạn đọc NT BacGiang hiểu hơn về cách chẩn đoán và điều trị lạc nội mạc tử cung.

1. Lạc nội mạc tử cung là gì?

Lạc nội mạc tử cung là lớp nội mạc tử cung và mô đệm tùy hành bị “lạc trôi” đến cư trú ở những nơi khác. Những lớp mô lạc chỗ này chịu tác động của hormone estrogen và có sự biến đổi theo chu kì giống như lớp nội mạc bình thường.

Hiện nay chưa biết được nguyên nhân chính xác gây ra lạc nội mạc tử cung. Giả thuyết được nhiều chuyên gia chấp nhận là do hiện tượng trào ngược máu kinh. Các dòng máu này đem những tế bào nội mạc đến cấy ghép lên các cơ quan khác. Lạc nội mạc tử cung thường xảy ra ở buồng trứng, vòi trứng, phúc mạc – lớp màng bao quanh các cơ quan trong ổ bụng – và các cơ quan khác của vùng chậu. Biến chứng đáng ngại nhất của bệnh thường là hiếm muộn – vô sinh.

Lạc nội mạc tử cung: Chẩn đoán và điều trị

2. Lạc nội mạc tử cung có triệu chứng gì?

Những triệu chứng thông thường của lạc nội mạc tử cung bao gồm:

  • Đau bụng kinh (thống kinh).
  • Đau khi giao hợp.
  • Đau khi đi đại tiện hay đi tiểu tiện.
  • Chảy máu kinh lượng nhiều.
  • Những triệu chứng khác. Mệt mỏi, tiêu chảy hay táo bón, khó tiêu hay buồn nôn, đặc biệt xuất hiện trong những ngày hành kinh.
  • Vô sinh – hiếm muộn.

Bạn có thể tìm hiểu thêm: Lạc nội mạc tử cung có nguy hiểm không?

Lạc nội mạc tử cung: Chẩn đoán và điều trị
Đau bụng kinh hay đau vùng chậu mạn là triệu chứng thường gặp của lạc nội mạc tử cung. Nguồn ảnh: patch.com

3. Lạc nội mạc tử cung được chẩn đoán như thế nào?

Khi đến khám vì đau bụng kinh hay đau vùng chậu mãn tính, bác sĩ sẽ khai thác các triệu chứng để chẩn đoán chính xác hơn. Hãy cung cấp cho bác sĩ về vị trí, mức độ và thời gian xảy ra các cơn đau cũng như các triệu chứng khác. Ngoài ra, bác sĩ có thể sẽ hỏi thêm về tính chất chu kì kinh nguyệt và kế hoạch sinh con của bạn.

3.1 Thăm khám vùng chậu

Thăm khám vùng chậu giúp bác sĩ phát hiện các dấu hiệu bất thường như tử cung có kích thước to, các khối u hay nang ở phần phụ.

Lạc nội mạc tử cung: Chẩn đoán và điều trị
Nguồn ảnh: mayoclinic.com

3.2 Siêu âm

Phương tiện hình ảnh này dùng sóng siêu âm để quan sát hình dạng, những bất thường của tử cung, vòi trứng và vùng chậu. Một thiết bị gọi là đầu dò siêu âm sẽ đưa vào âm đạo nếu siêu âm qua ngả âm đạo hoặc quét trên bụng nếu siêu âm bụng. Xét nghiệm này giúp bác sĩ phát hiện và gợi ý phân biệt các cấu trúc nang ở vùng chậu.

3.3 Cộng hưởng từ vùng chậu (MRI)

MRI dựng lại hình ảnh chi tiết của các cơ quan vùng chậu. MRI cung cấp thông tin về vị trí, kích thích của lạc nội mạc tử cung, từ đó giúp bác sĩ lên kế hoạch phẫu thuật (nếu cần).

3.4 Nội soi ổ bụng

Trong khi bệnh nhân được gây mê, bác sĩ sẽ đặt một camera qua một lỗ nhỏ trên thành bụng để tìm mô lạc nội mạc tử cung.

Nội soi ổ bụng cung cấp thông tin về vị trú, mức độ và kích thước của mô lạc nội mạc tử cung. Bác sĩ cũng có thể sinh thiết – lấy một mẫu mô bệnh để xét nghiệm. Đôi khi nếu thuận lợi, bác sĩ có thể điều trị bằng cách cắt bỏ lạc nội mạc tử cung trong 1 lần nội soi.

Lạc nội mạc tử cung: Chẩn đoán và điều trị
Siêu âm qua ngả âm đạo.

4. Điều trị

Thông thường có hai cách điều trị cho nang lạc nội mạc tử cung: dùng thuốc hay phẫu thuật. Lựa chọn phương pháp nào phụ thuộc vào độ nặng của triệu chứng và kế hoạch sinh con trong tương lai. Nếu không có biến chứng, bác sĩ thông thường sẽ điều trị bằng thuốc để kiểm soát triệu chứng. Nếu không đáp ứng điều trị ban đầu, có thể lựa chọn phương pháp phẫu thuật.

4.1 Thuốc giảm đau

Thông thường, điều trị sẽ được bắt đầu với các thuốc giảm đau không cần kê đơn, như thuốc kháng viêm non – steroid (NSAIDs) hay …. để giảm các cơn đau bụng kinh. Bác sĩ cũng có thể đề nghị dùng viên tránh thanh kết hợp để giảm đau và điều hòa kinh nguyệt nếu bạn chưa dự định có thai.

4.2 Liệu pháp hormones

Thuốc chứa hormone đôi khi hiệu quả trong việc giảm các cơn đau bụng kinh. Sự tăng giảm hormones theo chu kì khiến cho nội mạc tử cung dày lên và bong tróc vào những ngày hành kinh. Thuốc chứa hormones làm cho lớp nội mạc mỏng bớt, giúp giảm lượng máu kinh và giảm kích thước các mô lạc chỗ. Thuốc cũng giúp giảm trào ngược máu kinh, ngăn chặn sự cấy ghép những mô lạc nội mạc tử cung mới.

Liệu pháp hormone không giúp điều trị dứt điểm lạc nội mạc tử cung. Triệu chứng có thể tái phát sau khi bạn ngừng thuốc.

Các liệu pháp sử dụng hormone bao gồm:

  • Liệu pháp tránh thai hormone. Thuốc tránh thai kết hợp, vòng tránh thai và que tránh thai có thể giúp kiểm soát các hormone theo chu kì. Nhiều bệnh nhân sau điều trị cảm thấy lượng hành kinh mỗi tháng ít hơn. Sử dụng liệu pháp hormone – đặc biệt đều đặn và định kì – cũng có thể giúp giảm các cơn đau vùng chậu.
  • Thuốc đối vận và đồng vận GnRH. GnRH là một loại hormone được tiết ra ở vùng hạ đồi, tác động lên các hormone sinh dục theo chu kì. Thuốc này giúp ngăn chặn hormone kích thích buồng trứng và giảm lượng estrogen. Do đó thuốc làm lớp nội mạc tử cung co lại và mất kinh nguyệt tạm thời. Có thể cần thêm liều thấp estrogen để giảm các triệu chứng như bốc hỏa, khô hạn và loãng xương. Chu kì kinh nguyệt và khả năng mang thai sẽ hồi phục sau khi ngừng thuốc.
  • Liệu pháp progestin. Rất đa dạng, như vòng tránh thai chứa levonorgestrel (vòng Minera); que cấy tránh thai (que Implanon) hay thuốc tiêm chứa progestin tác dụng dài và viên uống. Progestin giúp ngăn chặn sự phát triển của nội mạc tử cung, do đó làm giảm triệu chứng của lạc nội mạc tử cung.
  • Chất ức chế men aromatase. Những thuốc chứa chất này giúp làm giảm lượng estrogen trong cơ thể. Bác sĩ có thể kết hợp các loại thuốc hormone với nhau để điều trị lạc nội mạc tử cung.
Lạc nội mạc tử cung: Chẩn đoán và điều trị
Sử dụng các thuốc hormones có thể giúp cải thiện các triệu chứng. Nguồn ảnh: theconversation.com

4.3 Phẫu thuật bảo tồn

Đối những bệnh nhân vẫn còn kế hoạch sinh con, phẫu thuật giải quyết các mô lạc nội mạc tử cung mà vẫn giữ lại tử cung và buồng trứng gọi là phẫu thuật bảo tồn. Phẫu thuật này có thể giải quyết các cấu trúc nang lạc nội mạc tử cung lớn ở buồng trứng, hỗ trợ điều trị hiếm muộn. Tuy nhiên, bệnh vẫn có khả năng tái phát và triệu chứng đau do lạc nội mạc tử cung sâu vẫn sẽ còn sau phẫu thuật.

Phẫu thuật hầu hết là qua đường nội soi ổ bụng – bác sĩ sẽ rạch vài lỗ nhỏ trên thành bụng để đưa dụng cụ phẫu thuật. Vài trường hợp đặc biệt hơn có thể không nội soi được mà phải rạch bụng truyền thống.

Sau phẫu thuật, bác sĩ có thể vẫn tiếp tục điều trị thuốc để giảm tái phát và giảm các triệu chứng đau.

4.4 Phẫu thuật cắt tử cung và phần phụ

Phẫu thuật này cắt bỏ tử cung, 2 vòi trứng và 2 buồng trứng, hiệu quả với những trường hợp lạc nội mạc tử cung ở phần phụ. Tuy nhiên, nếu còn sót mô lạc nội mạc tử cung ở vị trí khác thì triệu chứng vẫn tái diễn. Hơn nữa, cắt bỏ buồng trứng sẽ dẫn đến mãn kinh sớm, hậu quả là tăng nguy cơ các bệnh tim mạch và loãng xương. Do đó, phương pháp này thường được áp dụng ở những phụ nữ đã mãn kinh hoặc ở những người tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.

Phẫu thuật cắt bỏ tử cung đôi khi được dùng để điều trị triệu chứng liên quan lạc nội mạc tử cung như chảy máu kinh nặng, đau bụng kinh ở những phụ nữ đã đủ con. Vì giữ lại buồng trứng nên phẫu thuật này không gây ra mãn kinh sớm.

Lạc nội mạc tử cung: Chẩn đoán và điều trị
Có thể lựa chọn phẫu thuật để điều trị lạc nội mạc tử cung.

4.5 Điều trị hiếm muộn

Lạc nội mạc tử cung có thể có biến chứng hiếm muộn. Nếu bệnh nhân khó có thai, cần thiết phải cùng bác sĩ chuyên khoa lên kế hoạch điều trị hiếm muộn phù hợp. Bác sĩ sẽ khảo sát toàn cơ quan sinh dục của cả mẹ và bố để xác định nguyên nhân. Điều trị có thể từ những bước đầu như kích thích buồng trứng cho đến thụ tinh trong ống nghiệm.

Lạc nội mạc tử cung là bệnh lý thường gặp với triệu chứng đau bụng kinh dữ dội và đau vùng chậu dai dẳng. Hiện nay đã có nhiều phương pháp giúp điều trị lạc nội mạc tử cung. Nếu bạn còn bất kì lo lắng nào, hãy trao đổi với bác sĩ sản phụ khoa để được tư vấn và điều trị hiệu quả nhé!

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Làm sao hết nhạt miệng khi mang thai? Giải pháp nào cho mẹ bầu?
Đắng miệng, nhạt miệng khi mang thai là những triệu chứng phổ biến xảy ra ở các chị em bầu bí. Điều này có thể khiến nhiều mẹ bầu chán ăn, không có
Hình ảnh tin tức Thai máy có nhói bụng không? Tại sao bị nhói bụng khi mang thai?
Việc cảm nhận được thai máy là một trong những trải nghiệm thú vị nhất của các mẹ bầu. Vậy thai máy có nhói bụng không? Bà bầu bị nhói bụng khi mang
Hình ảnh tin tức Khám phụ khoa là khám những gì? Chị em nên khám phụ khoa ở đâu?
Khám phụ khoa định kỳ là bước quan trọng trong việc phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản ở phụ nữ. Song nhiều chị em vẫn chưa
Hình ảnh tin tức 35 tuổi có tiêm ngừa ung thư cổ tử cung được không?
Tiêm ngừa ung thư cổ tử cung thường được khuyến nghị cho trẻ từ 12-13 tuổi để bảo vệ và ngăn ngừa ung thư cổ tử cung trước khi có quan hệ tình dục lần
Hình ảnh tin tức Nên đeo bao cao su lúc nào khi quan hệ? Cách đeo bao cao su đúng cách
Sử dụng bao cao su để ngừa thai và bảo vệ bản thân khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục là một phương pháp phổ biến. Nhưng nên đeo bao cao su