Bệnh sùi mào gà: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Bệnh sùi mào gà là bệnh lây truyền qua đường tình dục rất thường gặp. Bệnh có thời gian diễn tiến kéo dài nhiều tháng đến nhiều năm. Điều đáng lưu ý là hiện tại vẫn chưa có phương pháp nào giúp điều trị bệnh triệt để và vẫn còn nhiều người chưa nhận biết đầy đủ các thông tin về bệnh dẫn đến chưa biết cách phòng ngừa bệnh hiệu quả. Bài viết ngày hôm nay, YouMed xin trình bày những thông tin hữu ích về nguyên nhân, biểu hiện bệnh, phương pháp điều trị và cách dự phòng bệnh.

Bệnh sùi mào gà là gì?

Bệnh sùi mào gà là bệnh nhiễm trùng, một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục và do một loại vi rút có tên là Human Papiloma Virus gây ra.

Khi bị nhiễm vi rút, người bệnh sẽ có những biểu hiện tổn thương chủ yếu ở niêm mạc cơ quan sinh dục, hậu môn và ở miệng đối với những người có hành vi quan hệ tình dục bằng miệng (oral sex).

Nguyên nhân gây bệnh sùi mào gà?

Bệnh sùi mào gà: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
Bệnh sùi mào gà

Nguyên nhân chính gây bệnh sùi mào gà là do một loại vi rút có tên là Human Papiloma Virus. Vi rút này không có vỏ bao bên ngoài nên nó rất ổn định và đề kháng với điều trị, vì thế chưa có biện pháp có thể điều trị dứt điểm được bệnh.

Hiện nay có khoảng 100 loại vi rút khác nhau, trong đó khoảng 40 loại gây bệnh ở đường sinh dục. Trong các loại gây bệnh đường sinh dục thì cần lưu ý đến 4 tuýp là HPV tuýp 6 và 11 gây mụn cóc sinh dục là chủ yếu, trong khi đó HPV tuýp 16 và 18 gây ung thư sinh dục là chủ yếu.

Liên quan đến đường lây truyền của sùi mào gà

Bệnh chủ yếu lây qua đường tình dục nên các hành vi quan hệ tình dục không an toàn làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Đối tác mắc bệnh có thể dễ dàng lây nhiễm cho bạn tình khi không sử dụng biện pháp bảo vệ.

Vi rút HPV hiện diện ngay tại các tổn thương sùi mào gà, do vậy khi tiếp xúc da, niêm mạc với các sùi mào gà này có thể bị lây nhiễm vi rút và mắc bệnh.

Các yếu tố như vệ sinh kém, bộ phận sinh dục ẩm ướt, hệ miễn dịch bị suy giảm, quan hệ tình dục sớm hay có nhiều bạn tình… sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút xâm nhập và gây bệnh.

Triệu chứng của sùi mào gà?

Bệnh có thời gian ủ bệnh và diễn tiến trong một thời gian dài từ nhiều tháng đến nhiều năm. Người bệnh nhiễm vi rút có thể không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào trong khoảng thời gian dài.

Bệnh sùi mào gà: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
Biểu hiện đặc trưng của bệnh là các sùi mào gà với hình ảnh sùi như bông cải.

Ở nam giới, các sùi mào gà thường nổi ở dương vật, bìu, rãnh quy đầu hay mặt trong bao quy đầu. Ở nữ giới, các sùi mào gà thường nổi ở âm hộ, âm đạo, cổ tử cung.

Ngoài ra sùi mào gà cũng có thể xuất hiện ở mu, bẹn, hậu môn ở cả hai giới.

Đối với các đối tượng có hành vi quan hệ tình dục bằng miệng, các sùi mào gà có thể hiện diện trong khoang miệng của người bệnh.

Các sùi mào gà thường không đau. Trường hợp hiếm, người bệnh có thể cảm thấy ngứa, đau hay chảy máu tại các sùi.

Ngoài ra phụ nữ mắc bệnh có thể bị tiết dịch âm đạo bất thường do viêm nhiễm.

Bác sĩ sẽ chẩn đoán sùi mào gà như thế nào?

Chẩn đoán sùi mào gà dựa vào các yếu tố gợi ý, thăm khám và xét nghiệm.

Yếu tố gợi ý

Người bệnh đã từng mắc các bệnh lây truyền qua bệnh tình dục khác như lậu, giang mai, HIV

Bạn tình hay đối tác mắc sùi mào gà hay các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.

Thăm khám

Hiện diện các tổn thương sùi mào gà đặc trưng ở cơ quan sinh dục, hậu môn hay khoang miệng.

Xét nghiệm

Chỉ cần thăm khám bằng cách nhìn tổn thương là có thể đủ để xác định sùi mào gà. Tuy nhiên trong các trường hợp khó khăn như các sùi có hình dạng không đặc trưng như to, cứng, loét, chảy máu hay các sùi không đáp ứng điều trị thì cần phải sinh thiết để xác định chắc chắn bệnh.

Bệnh sùi mào gà có thể tự khỏi không?

Bệnh sùi mào gà không thể tự khỏi. Khi nghi ngờ mắc bệnh người bệnh cần đến khám chuyên khoa da liễu để được bác sĩ chẩn đoán chính xác và có các phương pháp điều trị thích hợp.

Điều trị bệnh sùi mào gà như thế nào?

Nguyên tắc điều trị bệnh sùi mào gà

Điều trị sớm nhằm loại bỏ sang thương sùi và các tổn thương nghi ngờ là ung thư.

Không có phương pháp nào là tối ưu nhất cho tất cả bệnh nhân. Việc chọn lựa phương pháp điều trị nào là tùy thuộc vào kích thước, số lượng, vị trí của các sùi cùng với hoàn cảnh và điều kiện kinh tế của người bệnh.

Có thể kết hợp nhiều phương pháp với nhau để đạt hiệu quả điều trị cao hơn.

Các phương pháp điều trị bệnh sùi mào gà

Thuốc bôi

  • Bác sĩ sẽ kê toa các loại thuốc bôi lên các tổn thương sùi như Podo.filox, immiquimod, sinecatechin.
  • Người bệnh cần xác định được sùi mào gà để tự bôi thuốc tại nhà. Lưu ý, cần bôi thuốc lên đúng vị trí của sùi và tránh bôi nhầm vị trí khác.
  • Người bệnh phải thực hiện bôi thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để đạt được hiệu quả.

Áp lạnh

  • Phương pháp này dùng nhiệt độ thấp để phá hủy các sùi mào gà.
  • Hạn chế của phương pháp này là gây đau, hoại tử và nổi mụn nước vùng được áp lạnh.

Trichloroacetic acid (TCA) và Bichloroacetic acid (BCA)

Phương pháp này sử dụng các acid Trichloroacetic hay acid Bichloroacetic để hủy các sùi mào gà.

Hạn chế của phương pháp này là có thể gây tổn thương ở các khu vực xung quanh nếu không điều chỉnh liều lượng acid và cần phải thực hiện lặp lại hàng tuần để đạt được hiệu quả điều trị.

Phẫu thuật

Các phương pháp cắt bỏ, laser CO2 hay đốt điện có thể loại bỏ nhanh và ngay lập tức các tổn thương sùi mào gà.

Tuy nhiên hạn chế của phương pháp này là nguy cơ chảy máu khi thực hiện phẫu thuật, không đảm bảo được rằng các tổn thương không tái phát trở lại.

Điều trị bệnh sùi mào gà bao lâu thì khỏi?

Thông thường các sùi mào gà sẽ khỏi sau 3 tháng điều trị. Nên lựa chọn phương pháp khác thay thế khi các triệu chứng không biến mất hay thuyên giảm sau 6 tuần điều trị đối với phương pháp trước đó. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị bao gồm sự tuân thủ điều trị và sức đề kháng của người bệnh.

Phòng ngừa bệnh sùi mào gà như thế nào?

Bệnh sùi mào gà: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
Tin vui là đã có vắc xin phòng ngừa vi rút HPV

Hiện tại không có phương pháp điều trị bệnh sùi mào gà dứt điểm nên cách tốt nhất là thực hiện những biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả.

Vắc xin HPV giúp phòng bệnh sùi mào gà, ung thư cổ tử cung và các u nhú ở bộ phận sinh dục.

Hiện nay, tại Việt Nam có 2 loại vắc xin, một loại giúp phòng ngừa 2 tuýp (16,18) và loại còn lại giúp phòng ngừa 4 tuýp (6, 11, 16, 18).

Đối tượng có thể được tiêm phòng  là nữ giới từ 9-26 tuổi, chưa hoặc đã có quan hệ tình dục. Tuy nhiên, vắc xin cũng có hiệu quả đối với nam giới, mặc dù chưa được chỉ định thực hiện tiêm chủng ở nước ta.

Lịch tiêm ngừa gồm 3 mũi. Mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 2 tháng. Mũi thứ ba cách mũi thứ hai 6 tháng.

Hiệu quả bảo vệ bệnh của vắc xin có thể kéo dài trong khoảng 30 năm.

Thực hiện hành vi quan hệ tình dục an toàn, không quan hệ tình dục bừa bãi và sử dụng các biện pháp bảo vệ như bao cao su.

Khi nghi ngờ mắc bệnh, nam giới nên đến khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Kết luận

Bệnh sùi mào gà là một bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến trong dân số. Khi mắc bệnh hay nghi ngờ mắc bệnh, mọi người nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Ngoài ra, vì hiện tại chưa có phương pháp điều trị bệnh triệt để nên cách tốt nhất là áp dụng các biện pháp phòng tránh lây nhiễm hiệu quả để hạn chế đến mức tối thiểu nguy cơ mắc bệnh sùi mào gà.

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Có nên dùng que thử viêm nhiễm phụ khoa không? Cách sử dụng hiệu quả
Viêm âm đạo là vấn đề phổ biến ở phụ nữ thuộc nhiều độ tuổi khác nhau. Vì cảm thấy ngại ngùng khi đi khám phụ khoa, nhiều chị em phụ nữ đã truyền tai
Hình ảnh tin tức Gan nhiễm mỡ độ 1 có nguy hiểm không?
Gan là một cơ quan quan trọng trong cơ thể mà bạn không thể sống thiếu. Đây là lý do tại sao việc bảo vệ gan lại rất quan trọng, đặc biệt là khi bạn
Hình ảnh tin tức Những ngày cuối kinh nguyệt quan hệ có sao không? Có an toàn không?
Mỗi phụ nữ đều có chu kỳ kinh nguyệt riêng. Trong suốt chu kỳ này, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi về hormone gây  ảnh hưởng đến tâm trạng, sức khỏe
Hình ảnh tin tức Ngâm chân cho bà bầu: 4 cách làm nước ngâm chân và lưu ý cần nhớ
Theo các chuyên gia, việc ngâm chân cho bà bầu với nước ấm và một số thảo dược vào mỗi tối có thể giúp đôi chân được thư giãn, giảm phù và tăng cường
Hình ảnh tin tức Cường giáp kiêng ăn gì? Thận trọng với 7 thực phẩm thường gặp
Cường giáp là bệnh thường gặp ở phụ nữ với nhiều biến chứng nguy hiểm như rung tâm nhĩ, loãng xương, suy tim sung huyết, đột quỵ… Do đó, điều quan