Nhiễm ceton acid do đái tháo đường và những điều bạn cần biết

Nhiễm ceton acid là một trong những biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường. Đây là mối quan ngại của y học do tình trạng này có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nhiễm ceton acid tiểu đường và các cách xử trí phù hợp.

Nhiễm ceton acid tiểu đường là gì và nguyên nhân gây bệnh

Nhiễm ceton acid tiểu đường (hay nhiễm toan ceton) xảy ra khi cơ thể sản xuất quá nhiều acid trong máu. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là do sự thiếu hụt insulin. Thông thường, insulin giữ vai trò vận chuyển glucose đi đến các tế bào, giúp cung cấp năng lượng cho các cơ quan. Song khi cơ thể không sản xuất đủ lượng insulin, chất béo sẽ bị phân hủy để tạo thành năng lượng bổ sung. Quá trình này làm tích tụ acid trong máu và dẫn đến nhiễm toan ceton.

Ngoài ra, nhiễm ceton acid cũng có thể được gây ra bởi những yếu tố sau:

  • Bệnh nhân bị nhiễm trùng khiến cơ thể sản xuất các hormone như adrenaline hoặc cortisol, làm ảnh hưởng đến hoạt động của insulin.
  • Liều insulin không phù hợp hoặc bệnh nhân không tuân thủ dùng thuốc.
  • Rối loạn thể chất hoặc vừa trải qua phẫu thuật.
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc như corticoid, thuốc chẹn beta hoặc thuốc lợi tiểu.
  • Đau tim, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
  • Ảnh hưởng của các bệnh nội tiết như cường giáp, cường năng tuyến thượng thận, u tủy thượng thận,…
  • Lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia, ma túy.

Những dấu hiệu nhận biết

Theo các bác sĩ, nhiễm ceton acid tiểu đường ít có các triệu chứng lâm sàng điển hình. Tuy nhiên, một số biểu hiện sau đây có thể quan sát được ở người bệnh.

  • Tăng số lần đi tiểu.
  • Luôn cảm thấy khát nước hoặc đói bụng.
  • Luôn mệt mỏi, uể oải, không muốn vận động.
  • Da và niêm mạc khô.
  • Mạch nhanh hơn bình thường, có biểu hiện tụt huyết áp.
  • Có thể gặp tình trạng lơ mơ và hôn mê.
  • Dễ đau bụng, buồn nôn hoặc ói mửa.
  • Nhịp thở nhanh và nông. Hơi thở đôi khi có mùi táo thối do aceton tỏa ra.

Chuyên gia y tế khuyến khích bạn nên tự kiểm tra lượng đường huyết và mức ceton tại nhà. Nếu thấy những nồng độ này bất thường, bạn nên nhanh chóng liên hệ với bác sĩ. Ngoài ra, nếu có nhiều hơn một triệu chứng hoặc lượng đường huyết cao hơn 300 mg/dL, bạn cần gọi cấp cứu ngay lập tức.

Nhiễm ceton acid do đái tháo đường và những điều bạn cần biết
Người bị nhiễm toan ceton dễ bị buồn nôn

Chẩn đoán nhiễm ceton acid tiểu đường

Nhiễm ceton acid tiểu đường có thể khiến bệnh nhân tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, việc nhận biết bệnh từ sớm hỗ trợ rất lớn cho quá trình điều trị. Y học chẩn đoán nhiễm toan ceton dựa trên các phương pháp sau:

  • Xét nghiệm máu nhằm đo mức độ glucose, mức ceton và axit trong máu.
  • Điện giải đồ.
  • Tổng phân tích nước tiểu.
  • Chụp X-quang.
  • Điện tâm đồ: để đo hoạt động điện của tim.

Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh dựa trên các kết quả xét nghiệm sau đây:

  • Glucose máu > 13.9 mmol/L.
  • Bicarbonat (huyết tương) <15 mEq/L.
  • pH máu động mạch < 7.2
  • Xuất hiện các thể ceton acid trong máu và nước tiểu.
Nhiễm ceton acid do đái tháo đường và những điều bạn cần biết
Để chẩn đoán nhiễm toan ceton, bác sĩ có thể chỉ định đo nồng độ đường huyết

Cách xử trí khi bị nhiễm ceton acid

Để làm giảm mức độ nguy hiểm của nhiễm ceton acid tiểu đường, việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp và kịp thời là rất cần thiết. Hiện nay, y học có các lựa chọn điều trị bao gồm bù dịch, tiêm insulin và bổ sung các chất điện giải.

Bù dịch

Ở bệnh nhân nhiễm toan ceton, lượng dịch mất trung bình là 4 – 5 lít. Do đó, người bệnh cần được truyền dung dịch NaCl 0.9% để bổ sung lượng dịch đã mất. Tốc độ truyền dịch sẽ được điều chỉnh để phù hợp với thể trạng từng người. Trong một số trường hợp, dung dịch NaCl có thể được thay bằng dung dịch glucose 5%.

Việc bù nước sẽ được kéo dài cho đến khi người bệnh giảm tình trạng nôn ói và có thể ăn bằng miệng.

Tiêm insulin

Nguyên nhân chủ yếu gây nhiễm toan ceton vẫn là do thiếu hụt insulin. Do đó, bệnh nhân nhiễm ceton acid tiểu đường cần được bù insulin. Một số nguyên tắc thường được áp dụng như sau:

  • Tiêm insulin tĩnh mạch với liều khởi đầu từ 0.1 – 0.15 IU/kg/giờ.
  • Liều lượng insulin của bệnh nhân sẽ được kiểm soát chặt chẽ.
  • Khi các biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân đã tốt lên, bác sĩ có thể đổi sang tiêm insulin dưới da.

Ở nhiều trường hợp, việc sử dụng insulin không có hiệu quả là do người bệnh không tuân thủ dùng thuốc. Bệnh nhân nên nghe theo hướng dẫn và thông báo với bác sĩ nếu thường xuyên quên dùng thuốc.

Nhiễm ceton acid do đái tháo đường và những điều bạn cần biết
Tiêm insulin là phương pháp điều trị nhiễm ceton acid

Bổ sung các chất điện giải

Vấn đề thường gặp ở người nhiễm ceton acid tiểu đường là rối loạn điện giải. 50% các bệnh nhân gặp phải tình trạng hạ kali máu. Do đó, bác sĩ sẽ chỉ định bù kali trong những trường hợp sau:

  • Kali máu từ 3.5 đến 5.5 mmol/L: bù 20 mmol Kali/lít dịch truyền.
  • Kali máu < 3.5 mmol/L: bù 40 mmol Kali/lít dịch truyền.
  • Tuyệt đối không sử dụng insulin tĩnh mạch nếu nồng độ Kali máu dưới 3.3 mmol/L.

Phòng ngừa nhiễm ceton acid tiểu đường

Nhiễm ceton acid là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của đái tháo đường. Do đó, bạn nên ghi nhớ những lời khuyên sau đây để phòng tránh tình trạng này.

  • Bạn nên tự theo dõi nồng độ glucose huyết và ceton tại nhà, lý tưởng nhất là 3 -4 lần/ngày.
  • Cần nắm rõ những dấu hiệu của nhiễm ceton acid tiểu đường và đi khám ngay nếu bạn có các biểu hiện trên.
  • Nếu bạn bị nhiễm trùng, chấn thương hoặc vừa trải qua phẫu thuật, bạn nên liên hệ bác sĩ để được xét nghiệm và tư vấn điều trị.
  • Cần cố gắng tuân theo liệu trình dùng thuốc, không tự ý giảm liều hoặc bỏ thuốc kể cả khi đang mắc 1 bệnh khác.
  • Nên xây dựng lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học và tập thể dục đều đặn.

Nhiễm ceton acid tiểu đường là nỗi lo của nhiều người do bệnh có thể dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm của biến chứng này sẽ được giảm đi đáng kể nếu bạn tuân thủ điều trị, tái khám thường xuyên và theo dõi đường huyết, ceton hằng ngày. Ngoài ra, nếu thấy cơ thể có biểu hiện bất thường, hãy nhanh chóng liên lạc với bác sĩ để được tư vấn điều trị.

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Những ngày cuối kinh nguyệt quan hệ có sao không? Có an toàn không?
Mỗi phụ nữ đều có chu kỳ kinh nguyệt riêng. Trong suốt chu kỳ này, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi về hormone gây  ảnh hưởng đến tâm trạng, sức khỏe
Hình ảnh tin tức Ngâm chân cho bà bầu: 4 cách làm nước ngâm chân và lưu ý cần nhớ
Theo các chuyên gia, việc ngâm chân cho bà bầu với nước ấm và một số thảo dược vào mỗi tối có thể giúp đôi chân được thư giãn, giảm phù và tăng cường
Hình ảnh tin tức Cường giáp kiêng ăn gì? Thận trọng với 7 thực phẩm thường gặp
Cường giáp là bệnh thường gặp ở phụ nữ với nhiều biến chứng nguy hiểm như rung tâm nhĩ, loãng xương, suy tim sung huyết, đột quỵ… Do đó, điều quan
Hình ảnh tin tức Hé lộ 4 dấu hiệu nhận biết phụ nữ lâu ngày không quan hệ
Đối với phụ nữ, quan hệ tình dục không chỉ mang đến những cảm xúc thăng hoa mà còn tác động tích cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Thế nhưng,
Hình ảnh tin tức Thuốc huyết áp uống ngày 2 lần được không?
Huyết áp cao là bệnh mạn tính cần phải điều trị suốt đời để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như bệnh tim, đột quỵ, giảm thị lực, bệnh thận mạn tính