Mang thai khi lớn tuổi: Nguy cơ và lợi ích

Không thể phủ nhận, xã hội càng phát triển, phụ nữ càng kết hôn muộn, sinh con muộn. Thực tế, ngày càng nhiều phụ nữ chọn sự nghiệp hơn là sinh con. Thậm chí, không ít người mới bắt đầu làm mẹ ở tuổi ngoài 40? Liệu điều đó có thật sự tốt? Hãy cùng YouMed tìm hiểu mang thai khi lớn tuổi có những thuận lợi và nguy cơ gì?

1. Vì sao nhiều phụ nữ lựa chọn sinh con muộn?

Dường như, thuở mà “Đến năm 18, thiếp đà 5 con” đã trôi đi rất xa. Phụ nữ ngày nay độc lập, tự tin. Họ cẩn trọng hơn khi lập gia đình và có công việc của riêng mình. Không ít phụ nữ chọn phát triển sự nghiệp hơn là sinh con. Thực tế, sau khi có em bé, họ thường được cho là ít tập trung vào công việc. Mẹ bỉm ít được bổ nhiệm cho những dự án quan trọng. Thậm chí, họ chấp nhận lùi bước an phận chăm sóc con cái. Chọn sinh con, đối với nhiều phụ nữ, cũng là chọn một khoảng chững trong sự nghiệp của mình. Chính vì vậy, sinh con ngoài 30 ngày càng phổ biến.

2. Sinh con khi lớn tuổi có nguy cơ gì?

2.1. Giảm khả năng thụ thai

Ở phụ nữ, sau 30 tuổi khả năng thụ thai bắt đầu suy giảm nhẹ. Từ 35 trở đi, buồng trứng bắt đầu suy giảm nhanh về cả số lượng và chất lượng. Đến sau 40 tuổi, khả năng sinh sản của phụ nữ còn thấp, khó có thai tự nhiên. Từ 43 tuổi trở đi, khả năng có thai tự nhiên của phụ nữ rất thấp, hiếm phụ nữ nào có thai tự nhiên sau 45 tuổi. Lí do là vì số lượng và chất lượng trứng giảm.

Mang thai khi lớn tuổi: Nguy cơ và lợi ích
Khả năng thụ thai giảm theo tuổi.
Số lượng trứng giảm

Về góc độ sinh lí, xuất phát điểm mang thai là do trứng được thụ tinh. Bé gái chào đời với khoảng 1 triệu noãn (trứng chưa trưởng thành). Một triệu noãn này sẽ được dùng dần trong suốt cuộc đời. Do chỉ bị tiêu hao mà không được tạo mới, nên dự trữ buồng trứng giảm dần theo thời gian. Vì vậy, phụ nữ càng lớn tuổi, số lượng trứng càng ít, càng khó thụ thai.

Chất lượng trứng giảm

Không chỉ số lượng, chất lượng trứng cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi độ tuổi. Tỉ lệ noãn bất thường tăng dần theo tuổi gây giảm khả năng có thai, tăng khả năng sảy thai và tăng các bệnh lí bẩm sinh ở trẻ. Ngược lại, nữ trẻ thường có chất lượng trứng tốt hơn, khả năng mang song thai, đa thai cũng cao hơn.

2.2. Bộ máy sinh sản hoạt động kém đi khi lớn tuổi

Theo thời gian, phụ nữ lại hay nảy sinh các vấn đề của bộ máy sinh sản như có u xơ cơ tử cung, lạc nội mạc tử cung vào buồng trứng hay vào cơ tử cung khiến cho cấu trúc lần chức năng của tử cung không còn phù hợp cho việc thụ thai, nuôi thai.

Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc sẽ làm cho các ống dẫn trứng bị dày lên với mô sẹo. Nếu bạn mắc phải tình trạng này, bệnh sẽ nặng hơn hơn khi bạn lớn tuổi hơn. Sự tổn thương ống dẫn trứng cũng làm cho nguy cơ thai ngoài tử cung tăng cao hơn.

U xơ tử cung

Phổ biến ở phụ nữ trên 30 tuổi. U xơ có thể gây ra vấn đề về sinh sản cho nhiều mẹ bầu. Ngoài ra, việc thừa cân cũng gây khó khăn hơn khi mang thai.

Mang thai khi lớn tuổi: Nguy cơ và lợi ích
U xơ tử cung là mối lo ngại nếu mang thai khi lớn tuổi.

2.3. Mang thai khi lớn tuổi dễ có biến chứng trong thai kì và sinh nở

Đái tháo đường thai kì

Khi mang thai, một số phụ nữ gặp vấn đề về lượng đường trong máu tăng cao. Tình trạng này gọi là đái tháo đường thai kì. Phụ nữ mang thai trên 40 tuổi có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường lên tới 74%. Vấn đề quan trọng nhất của đái tháo đường thai kì là khả năng nó có thể gây ra các kết cục sản khoa bất lợi cho cả mẹ và con.

Mang thai khi lớn tuổi: Nguy cơ và lợi ích
Yếu tố nguy cơ của đái tháo đường thai kì là mẹ mang thai khi lớn tuổi.
Các vấn đề của gây ra cho con
  • Tần suất xảy ra thai to tăng cao. Thai to trong đái tháo đường thai kì có thể bị đột tử trong tử cung.
  • Em bé có thể chậm tăng trưởng trong tử cung do suy chức năng nhau.
  • Ở mẹ có tiểu đường thai kì, các cơ quan của thai như phổi, gan, hệ thần kinh, trục tuyến yên-tuyến giáp… thường chậm đạt đến mức trưởng thành. Hệ quả là thai dễ rơi vào các tình trạng nguy hiểm sau sanh như suy hô hấp cấp, hạ canxi huyết, tăng bilirubin
  • Hạ đường huyết ở sơ sinh rất thường gặp nếu mẹ bị tình trạng này.
  • Cuộc chuyển dạ với thai to tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trong đó kẹt vai là biến chứng đáng sợ nhất.
Kết cục sản khoa ở mẹ
  • Đái tháo đường thai kì làm tăng nguy cơ cao huyết áp hai lần so với bình thường.
  • Nhiễm trùng đường niệu và viêm âm đạo do nấm.
  • Đa ối.
  • Chuyển sang tiểu đường type 2 sau này.
  • Mổ lấy thai.

>> Xem thêm: Mang thai tuần 24: Chú ý tầm soát đái tháo đường thai kì.

Tiền sản giật

Sản giật và tiền sản giật là bệnh lí xảy ra trong thai kì, với các đặc điểm chính là tăng huyết áp và dấu hiệu tổn thương cơ quan khác.

Mang thai khi lớn tuổi: Nguy cơ và lợi ích
Tiền sản giật: hiểm họa cho cả mẹ và bé.
Biến chứng cho mẹ:
  • Đột quỵ.
  • Co giật.
  • Phù phổi cấp (phổi chứa đầy dịch khiến người mẹ không thở được).
  • Suy chức năng thận.
  • Suy chức năng gan.
  • Ảnh hưởng đến mắt.
  • Băng huyết sau sinh.
Biến chứng cho con:
  • Thai chậm tăng trưởng trong tử cung.
  • Sinh non do hệ quả của việc phải chấm dứt thai kì khi bị tiền sản giật.
  • Tử vong chu sinh tăng rất cao do sinh non, ngạt và suy dinh dưỡng bào thai.

>> Xem thêm: Tiền sản giật : Mối đe dọa cho mẹ bầu và em bé.

2.4. Bất lợi khi chuyển dạ và sinh em bé

Sinh non

Phụ nữ mang thai khi đã lớn tuổi tăng đáng kể nguy cơ sinh non và thai nhi nhẹ cân. Yếu tố tuổi tác và các biến chứng tiêu cực như tiểu đường, bệnh tim mạch, tiền sử bệnh có thể là nguyên nhân gây sinh non.

Tăng nguy cơ mổ lấy thai

Mẹ bầu mang thai ngoài 35 tuổi phổ biến phải sinh mổ do tình trạng sức khỏe kém. Đồng thời việc sinh mổ là cần thiết để hạn chế các biến chứng có thể xảy ra thêm trong quá trình chuyển dạ. Quá trình sinh cũng cần đến các biện pháp hỗ trợ sinh sản như thúc chuyển dạ, gây tê màng cứng…

Tai biến sản khoa

Mẹ lớn tuổi khi sinh có tỉ lệ gặp tai biến sản khoa cao hơn mẹ trẻ. Một số tai biến có thể kể đến gồm:

  • Sốc sản khoa khi chuyển dạ.
  • Nhau bong non.
  • Nhau tiền đạo.
  • Vỡ tử cung.
  • Băng huyết sau sinh.
  • Sa dây rốn.

2.5. Thai nhi dễ có dị tật nếu mẹ mang thai khi lớn tuổi

Vì chất lượng trứng cũng như nội tiết tố không còn ổn định như trước nên khi mẹ mang thai thì những phôi thai dễ gặp vấn đề về nhiễm sắc thể từ đó dẫn đến việc gia tăng nguy cơ sinh con bị dị tật và mắc các hội chứng.

Mang thai khi lớn tuổi: Nguy cơ và lợi ích
Mang thai khi lớn tuổi dễ gặp nhiều hội chứng.
Hội chứng Down (Trisomy 21)

Nguyên nhân là do có 3 nhiễm sắc thể 21. Đây là bệnh di truyền phổ biến, gây ra khuyết tật trí tuệ, với tần suất 1/830 trẻ sinh sống. Những người mắc hội chứng Down có chỉ số IQ trung bình là 50 và có biểu hiện của khuyết tật trí tuệ. Trẻ thường học chậm hơn, suy nghĩ và giải quyết vấn đề chậm hơn so với những bạn cùng tuổi. Một số trẻ em mắc hội chứng Down có khuyết tật về tim hoặc những cơ quan khác cần đến phẫu thuật hoặc điều trị y tế. Một số có biểu hiện bệnh khác bao gồm ảnh hưởng đến khả năng nghe hoặc mất thị lực.

Hội chứng Edwards (Trisomy 18)

Nguyên nhân là do có 3 nhiễm sắc thể số 18. Trisomy 18 xuất hiện ở khoảng 1:3000 đến 1:8000 trẻ sơ sinh và là nguyên nhân gây ra khuyết tật trí tuệ nghiêm trọng. Hầu hết trẻ có nhiều dị tật bẩm sinh về não, tim và những cơ quan khác. Phát triển chậm trong thời gian mang thai thường phổ biến và nhiều trường hợp sảy thai hoặc thai chết lưu. 80% trẻ bị HC Edwards chết trong tuần đầu tiên sau sinh. Một số ít có thể sống hơn một tháng. Khoảng 5 – 10% có thể sống hơn một năm tuổi. Chúng sống với khuyết tật trí tuệ nặng nề và quá trình phát triển bị ảnh hưởng.

Hội chứng Patau (Trisomy 13)

Nguyên nhân là do có 3 nhiễm sắc thể 13. Trisomy 13 xuất hiện ở 1/22700 trẻ sinh sống và gây ra khuyết tật trí tuệ nghiêm trọng. Hầu hết trẻ mắc Trisomy 13 mang những dị tật bẩm sinh ở não và những cơ quan khác. Nhiều trường hợp xảy thai hoặc thai chết lưu. Hơn 80% đứa trẻ được sinh ra với hội chứng này chết trong năm đầu tiên. 95% trẻ mắc hội chứng này chết ngay khi còn nằm trong bào thai. Hiếm có đứa trẻ nào sống được sau 1 tuổi.

2.6 Bất lợi về kinh tế xã hội nếu mang thai khi lớn tuổi

Sau tuổi 40 áp lực tài chính không còn nặng nề như khi còn trẻ. Thế nhưng, về lâu dài lại nảy sinh vấn đề. Bởi lẽ, bạn đến gần thời điểm nghỉ hưu và sau khi nghỉ hưu. Nếu tài chính không được tích lũy đủ sẽ trở thành vấn đề rất nghiêm trọng trong việc nuôi con. Bạn có từng tưởng tượng đến viến cảnh: khi hai vợ chồng 60 tuổi lụm khụm già yếu vẫn phải còm lưng nuôi đứa nhỏ chưa tốt nghiệp được phổ thông trung học?

3. Thuận lợi nếu mang thai khi lớn tuổi

3.1. Người mẹ có nhiều cơ hội để hoàn thiện bản thân

Ngày càng thấy nhiều hơn các phụ nữ trì hoãn việc làm mẹ. Tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội khiến phụ nữ tập trung cao độ cho việc hoàn thiện kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp… Sự nghiệp được ưu tiên hơn so với “ngôi nhà và những đứa trẻ”. Một số phụ nữ có nhiều mục tiêu khác để đạt được trước khi quay về làm mẹ: du lịch, trải nghiệm cuộc sống và cơ hội làm việc tại các vùng miền khác nhau, tham gia các dự án dài phục vụ cho cộng đồng… Mang thai muộn đồng nghĩa với phụ nữ có nhiều cơ hội để hoàn thiện và phát triển bản thân. Khi đó, phụ nữ sẽ ít tiếc nuối về thời son trẻ phải “theo chồng bỏ cuộc chơi” và toàn tâm toàn ý cho gia đình.

3.2. Ổn định về tài chính

Không thể phủ nhận, bà mẹ 40 tuổi nhìn chung sẽ có kinh tế vững mạnh hơn hẳn bà mẹ 20 tuổi. Tài chính của mẹ trung niên ổn định hơn. Đồng thời, kĩ năng quản lí tài chính cũng tốt hơn. Khi có đủ điều kiện kinh tế, mẹ dễ dàng đầu tư những gì tốt nhất cho sự phát triển của em bé. Nhờ vậy con trẻ cũng dễ dàng tận hưởng những chăm sóc tốt hơn. Chẳng hạn như uống sữa xịn hơn, đi học trường tốt hơn, có sự chăm sóc y tế tốt hơn…

Mang thai khi lớn tuổi: Nguy cơ và lợi ích
Mẹ mang thai khi lớn tuổi có tài chính ổn định hơn.

3.3. Kinh nghiệm và sự chín chắn

Đây là lợi ích lớn nhất khi mang thai ở tuổi 40. Người mẹ đã ở độ tuổi nhất định, đã có đủ kinh nghiệm sống, có kỹ năng quản lí tài chính và sự nghiệp cũng tương đối vững chắc. Tuy cơ thể không còn tràn đầy năng lượng như khi còn trẻ nhưng họ có nhiều kinh nghiệm sống. Họ không còn ham vui và tập trung hơn trong thiên chức làm mẹ. Trong quan hệ vợ chồng, hai người dường như đã có sự thấu hiểu và hòa hợp để cùng chung tay xây dựng gia đình và nuôi dạy con cái.

>> Xem thêm: Độ tuổi vàng để sinh con là lúc nào?

Rất nhiều phụ nữ quyết định sinh con muộn. Cũng rất nhiều trong số đó đã có một thai kỳ khỏe mạnh. Với khoa học kỹ thuật ngày càng tiên tiến, các sản phụ lớn tuổi ngày càng được bảo vệ an toàn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, mang thai khi lớn tuổi vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và biến chứng đối với cả mẹ và thai nhi. Việc tự chuẩn bị trước khi mang thai sẽ giúp cơ thể bạn ở điều kiện tốt nhất cho một thai kì khỏe mạnh.

Bác sĩ Trần Hoàng Nhật Linh

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Những ngày cuối kinh nguyệt quan hệ có sao không? Có an toàn không?
Mỗi phụ nữ đều có chu kỳ kinh nguyệt riêng. Trong suốt chu kỳ này, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi về hormone gây  ảnh hưởng đến tâm trạng, sức khỏe
Hình ảnh tin tức Ngâm chân cho bà bầu: 4 cách làm nước ngâm chân và lưu ý cần nhớ
Theo các chuyên gia, việc ngâm chân cho bà bầu với nước ấm và một số thảo dược vào mỗi tối có thể giúp đôi chân được thư giãn, giảm phù và tăng cường
Hình ảnh tin tức Cường giáp kiêng ăn gì? Thận trọng với 7 thực phẩm thường gặp
Cường giáp là bệnh thường gặp ở phụ nữ với nhiều biến chứng nguy hiểm như rung tâm nhĩ, loãng xương, suy tim sung huyết, đột quỵ… Do đó, điều quan
Hình ảnh tin tức Hé lộ 4 dấu hiệu nhận biết phụ nữ lâu ngày không quan hệ
Đối với phụ nữ, quan hệ tình dục không chỉ mang đến những cảm xúc thăng hoa mà còn tác động tích cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Thế nhưng,
Hình ảnh tin tức Thuốc huyết áp uống ngày 2 lần được không?
Huyết áp cao là bệnh mạn tính cần phải điều trị suốt đời để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như bệnh tim, đột quỵ, giảm thị lực, bệnh thận mạn tính