Dị dạng mạch máu tủy sống: Tổng hợp thông tin bạn cần biết

Dị dạng mạch máu tủy sống (AVM) là một rối loạn hiếm gặp. Bệnh xảy ra do bất thường của các mạch máu nằm trên, trong hoặc gần tủy sống. Nếu không điều trị, dị dạng mạch máu tủy sống có thể làm hỏng vĩnh viễn tủy sống của bạn.

Bình thường, máu giàu oxy đi vào tủy sống thông qua các động mạch, phân nhánh thành các mạch máu nhỏ hơn (mao mạch). Máu hết oxy sẽ thông qua tĩnh mạch trở về tim và phổi. Ở bệnh nhân dị dạng mạch máu tủy sống, máu đi thẳng từ động mạch qua tĩnh mạch mà không thông qua các mao mạch. Tình trạng này làm cạn đi oxy cần thiết của các mô xung quanh và gây chết các tế bào mô tủy sống

Các động mạch và tĩnh mạch cũng có thể vỡ và gây chảy máu ở tủy sống (xuất huyết). Đôi khi, các dị dạng này có thể lan rộng theo thời gian khi lưu lượng máu tăng và nén tủy sống, dẫn đến khuyết tật hoặc các biến chứng khác.

Dị dạng mạch máu tủy sống: Tổng hợp thông tin bạn cần biết

Dị dạng mạch máu tủy sống có thể bị bỏ sót trừ khi bạn bắt đầu gặp các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh. Bệnh có thể được điều trị bằng phẫu thuật để ngăn chặn hoặc có thể cứu vãn một số tổn thương cột sống.

1. Biểu hiện của dị dạng mạch máu tủy sống

Các triệu chứng của dị dạng mạch máu tủy sống biểu hiện rất khác nhau tùy theo từng người, mức độ nghiêm trọng và vị trí của dị dạng. Một số người có thể không biểu hiện các triệu chứng đáng chú ý trong nhiều năm. Những người khác có thể gặp các triệu chứng suy nhược hoặc đe dọa tính mạng.

Các triệu chứng thường phát triển khi mọi người ở độ tuổi 20. Tuy nhiên, có gần 20% những người được chẩn đoán mắc dị dạng này dưới 16 tuổi.

Sự xuất hiện của các triệu chứng có thể đột ngột hoặc từ từ, thường bao gồm:

  • Gặp khó khăn khi đi bộ hoặc leo cầu thang.
  • Có cảm giác tê, kiến bò hoặc đau đột ngột ở chân, tay.
  • Yếu ở một hoặc cả hai bên cơ thể.

Khi tình trạng bệnh tiến triển, còn có thể biểu hiện các triệu chứng khác như:

  • Đột ngột đau lưng dữ dội;
  • Giảm cảm giác ở chân;
  • Tiêu, tiểu không tự chủ;
  • Đau đầu;
  • Cổ cứng;
  • Nhạy cảm với ánh sáng.

Người bệnh nên đi khám bác sĩ nếu có các triệu chứng nêu trên. Việc điều trị dị dạng mạch máu sớm sẽ tránh được những biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.

Dị dạng mạch máu tủy sống: Tổng hợp thông tin bạn cần biết

2. Tại sao chúng ta lại mắc bệnh dị dạng mạch máu tủy sống

Nguyên nhân

Hầu hết các dị dạng mạch máu tủy là bẩm sinh, có từ khi mới ra đời. Nhưng một số trường hợp khác cũng có thể xuất hiện bệnh sau khi trưởng thành.

Không có yếu tố nguy cơ được biết đến cho dị tật mạch máu tủy sống. Tỉ lệ mắc bệnh xảy ra như nhau ở nam và nữ.

3. Bệnh dị dạng mạch máu tủy sống có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm gì?

Nếu không được điều trị, dị dạng này có thể dẫn đến các khuyết tật khác, làm hỏng tủy sống, các mô xung quanh. Các biến chứng cụ thể bao gồm:

  • Gặp khó khăn với việc di chuyển;
  • Đau, ngứa ran và tê;
  • Biến dạng cột sống;
  • Phình động mạch;
  • Huyết áp cao trong tĩnh mạch, có thể gây ra phù và nhồi máu tủy sống;
  • Xuất huyết, có thể tăng nhanh mức tổn thương tủy sống.

4. Làm thế nào để chẩn đoán dị dạng mạch máu tủy sống?

Dị dạng này có thể khó chẩn đoán vì các dấu hiệu và triệu chứng tương tự như các bệnh lý cột sống khác. Ví dụ như lỗ rò động mạch màng cứng cột sống, hẹp ống sống, đa xơ cứng hoặc một khối u tủy sống.

Các xét nghiệm để giúp loại trừ các nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng của bạn, bao gồm:

  • Chụp cộng hưởng từ MRI. Phương tiện này sử dụng từ trường và sóng tần số để tạo hình ảnh chi tiết của tủy sống, giúp bác sĩ quan sát rõ ràng và chẩn đoán bệnh chính xác. MRI có thể phát hiện một khối phình là hậu quả của các mạch máu nối nhau bất thường cùng với dị dạng mạch máu tủy sống;
  • Chụp mạch máu. Phương tiện hình ảnh được dùng để phát hiện vị trí và đặc điểm mạch máu bị dị dạng. Khi thực hiện, bác sĩ sẽ luồn một catheter vào động mạch đùi, dẫn tới tủy sống. Chất cản quang được tiêm vào mạch máu tủy sống để làm các vấn đề bất thường ở mạch máu có thể hiển thị trên X-quang, hỗ trợ quá trình chẩn đoán của bác sĩ.

5. Có những phương pháp nào giúp điều trị dị dạng mạch máu tủy sống?

Điều trị dị dạng mạch máu tủy sống bao gồm kết hợp các phương pháp để giảm bớt các triệu chứng cũng như giảm nguy cơ biến chứng tiềm ẩn. Việc lựa chọn phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào kích thước, vị trí và lưu lượng máu của Dị dạng. Đồng thời, khi tiến hành điều trị bác sĩ cũng sẽ khám thần kinh và sức khỏe tổng quát cho bạn.

Mục tiêu của điều trị là giảm nguy cơ xuất huyết và ngăn chặn hoặc ngăn chặn sự tiến triển của khuyết tật và các triệu chứng khác.

5.1 Thuốc

Thuốc giảm đau có thể được sử dụng để giảm các triệu chứng như đau lưng và cứng khớp. Nhưng hầu hết muốn điều trị triệt để, phải phẫu thuật.

5.2 Thuyên tắc nội mạch

Thuyên tắc nội mạch là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu được sử dụng để giảm nguy cơ xuất huyết và các biến chứng khác liên quan.

Trong thuyên tắc nội mạch, một ống thông được đưa vào một động mạch ở chân và luồn vào một động mạch trong tủy sống nơi nuôi dưỡng dị dạng. Các phân tử nhỏ một chất keo được tiêm để làm tắc động mạch và giảm lưu lượng máu vào dị dạng.

Thuyên tắc nội mạch thường được sử dụng kết hợp với phẫu thuật Dị dạng mạch máu tủy sống. Bác sĩ có thể đề nghị thuyên tắc nội mạch trước khi phẫu thuật để giảm nguy cơ chảy máu trong khi mổ. Đồng thời, để giảm kích thước của dị dạng mạch máu nhằm đạt được thành công hơn trong ca mổ.

5.3 Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp cần thiết để loại bỏ dị dạng mạch máu tủy sống từ các mô xung quanh.

Bác sĩ sẽ thảo luận về lợi ích và rủi ro của phẫu thuật để loại bỏ dị dạng mạch máu. Nếu phần dị dạng này càng gần tủy sống thì mức độ rủi ro càng cao. Do đó, các ca mổ về dị dạng mạch máu tủy sống luôn được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa thần kinh kinh nghiệm. Phẫu thuật thường được thực hiện kết hợp với thuyên tắc nội mạch.

Dị dạng mạch máu tủy sống: Tổng hợp thông tin bạn cần biết
Phẫu thuật  là phương pháp cần thiết để loại bỏ Dị dạng mạch máu tủy sống từ các mô xung quanh.

6. Cần chuẩn bị gì khi đến khám dị dạng mạch máu tủy sống?

Khi bạn nghi ngờ mình có những biểu hiện của dị dạng mạch máu tủy sống, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và chẩn đoán sớm. Việc chuẩn bị trước các nội dung cần thiết có thể giúp ích rất nhiều, mang lại hiệu quả và sự hài lòng cho buổi khám, bao gồm:

  • Liệt kê các triệu chứng của bạn, bao gồm cả những triệu chứng có vẻ không liên quan đến lý do bạn lên lịch hẹn.
  • Lập danh sách tất cả các loại thuốc, vitamin và chất bổ sung của bạn.
  • Thông tin y tế quan trọng của bạn, bao gồm các bệnh lý bạn đang mắc phải.
  • Viết ra thông tin cá nhân quan trọng, những thay đổi hoặc yếu tố gây căng thẳng gần đây trong cuộc sống.
  • Viết ra các câu hỏi để hỏi bác sĩ.
Dị dạng mạch máu tủy sống: Tổng hợp thông tin bạn cần biết
Việc chuẩn bị trước các nội dung cần thiết có thể giúp ích rất nhiều, mang lại hiệu quả và sự hài lòng cho buổi khám.

Dị dạng mạch máu tủy sống là bệnh bẩm sinh nên không có biện pháp phòng tránh đặc hiệu. Tuy nhiên, người bệnh có thể ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng dẫn đến liệt hay tử vong bằng cách nắm rõ các triệu chứng của bệnh để phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Với các thông tin YouMed đã cung cấp trên, mong rằng sẽ mang đến kiến thức hữu ích cho bạn.

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Những ngày cuối kinh nguyệt quan hệ có sao không? Có an toàn không?
Mỗi phụ nữ đều có chu kỳ kinh nguyệt riêng. Trong suốt chu kỳ này, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi về hormone gây  ảnh hưởng đến tâm trạng, sức khỏe
Hình ảnh tin tức Ngâm chân cho bà bầu: 4 cách làm nước ngâm chân và lưu ý cần nhớ
Theo các chuyên gia, việc ngâm chân cho bà bầu với nước ấm và một số thảo dược vào mỗi tối có thể giúp đôi chân được thư giãn, giảm phù và tăng cường
Hình ảnh tin tức Cường giáp kiêng ăn gì? Thận trọng với 7 thực phẩm thường gặp
Cường giáp là bệnh thường gặp ở phụ nữ với nhiều biến chứng nguy hiểm như rung tâm nhĩ, loãng xương, suy tim sung huyết, đột quỵ… Do đó, điều quan
Hình ảnh tin tức Hé lộ 4 dấu hiệu nhận biết phụ nữ lâu ngày không quan hệ
Đối với phụ nữ, quan hệ tình dục không chỉ mang đến những cảm xúc thăng hoa mà còn tác động tích cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Thế nhưng,
Hình ảnh tin tức Thuốc huyết áp uống ngày 2 lần được không?
Huyết áp cao là bệnh mạn tính cần phải điều trị suốt đời để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như bệnh tim, đột quỵ, giảm thị lực, bệnh thận mạn tính