Đau bụng, cần chú ý gì để không bỏ sót nguyên nhân nguy hiểm?

Đau bụng là một triệu chứng vô cùng thường gặp ở mọi giới và mọi lứa tuổi. Đau bụng có thể do cơ thể không khỏe hoặc đôi khi là báo hiệu tình trạng nguy hiểm. Do đó, việc nhận diện sớm những đặc điểm bất thường của triệu chứng này là vô cùng quan trọng. Hãy cùng nhau theo dõi bài viết dưới đây để thấu hiểu hơn hiện tượng vô cùng quen thuộc nhưng cũng không kém phần bí ẩn này nhé. 

1. Những đặc điểm nào của triệu chứng đau bụng mà bạn cần quan tâm? 

Khi nhắc tới câu hỏi trên, chúng ta có thể dễ dàng liên tưởng tới “cảm giác đau ở bụng”, nhưng thật sự cơn đau này sẽ có một số đặc điểm rất quan trọng. Dựa vào đó, chúng ta cũng có thể nhận định được rất nhiều thứ. Một số đặc điểm cần lưu ý khi có có cơn đau bao gồm: 

1.1. Vị trí

Đây là một đặc điểm rất quan trọng để đánh giá nguyên nhân của cơn đau. Mỗi vị trí đau sẽ tương ứng với một số cơ quan nhất định. Những cơ quan này sẽ nằm phía dưới vị trí đau hoặc có cơ chế thần kinh biểu hiện đau nơi đó. 

Hãy chỉ cho bác sĩ điều trị của bạn vị trí đau nhất và những nơi đau ít hơn. Một điều quan trọng nữa là không phải lúc nào đau bụng cũng ở một vị trí nhất định. Có thể ban đầu bạn đau ở quanh rốn, sau đó lại đau ở hông, vị trí ở rốn không còn đau nữa. Những thông tin này có thể giúp ích rất nhiều trong việc chẩn đoán và điều trị cho bạn. 

Đau bụng, cần chú ý gì để không bỏ sót nguyên nhân nguy hiểm?
Xác định vị trí đau giúp ích cho việc chẩn đoán và điều trị

1.2. Mức độ

Đây là dấu hiệu cho thấy mức độ cần xử lí của cơn đau. Nếu đau quá nhiều, đột ngột tăng nhanh và khiến người bệnh quằn quại khó chịu hoặc thậm chí trong một số trường hợp có mất tỉnh táo, hãy cho bệnh nhân nhập viện cấp cứu ở cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức. 

Thật ra, mức độ đau là một cảm nhận tương đối chủ quan. Mỗi người sẽ có một ngưỡng chịu đau khác nhau. Đặc biệt ở đối tượng người già và trẻ nhỏ, chúng ta cần có một số lưu ý nhất định.

Người lớn tuổi sẽ chịu đau giỏi hơn, cơ chế thần kinh cũng cảm nhận yếu hơn nên đôi khi cần quan sát của người chăm sóc. Hãy đưa bệnh nhân thăm khám khi họ than đau và có biểu hiện bất thường. Người bệnh sẽ vã mồ hôi, run rẩy, nói lắp, không thay đổi được tư thế… 

Còn đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là lứa tuổi chưa nói được, trong cơn đau chúng sẽ không biểu hiện gì khác ngoài quấy khóc. Phản xạ này trong đại đa số trường hợp là cách phản ứng duy nhất của bé. Phụ huynh hay người chăm sóc cần lưu ý để đưa trẻ đi khám. Không phải bao giờ quấy khóc cũng là thèm sữa hay buồn ngủ. Ở lứa tuổi này, đường tiêu hoá cũng đặc biệt có nhiều vấn đề, nên hãy theo dõi luôn cả phân của trẻ.

Đau bụng, cần chú ý gì để không bỏ sót nguyên nhân nguy hiểm?
Trẻ đang bị đau bụng có thể quấy khóc

1.3. Kiểu đau

Có thể đau quặn từng cơn, đau liên tục âm ỉ hoặc có những cơn đau quặn trên nền âm ỉ liên tục. Ngoài ra, bạn cần ghi nhận các yếu tố làm tăng hoặc giảm cơn đau, ví dụ như khi đói đau nhiều hơn, ăn vào thì giảm đau, nằm cong người thì giảm đau… 

1.4. Hướng lan

Hướng lan của một số cơn đau giúp ích rất nhiều trong việc xác định nguyên nhân và loại trừ các vấn đề nguy hiểm. Ví dụ nếu đau ở trên rốn và lan ra sau lưng, bác sĩ sẽ để ý có viêm tuỵ cấp hay không. Đau dưới rốn lan xuống hậu môn có thể liên quan đến một số bệnh ở vùng hậu môn trực tràng như trĩ, nứt hậu môn.

1.5. Diễn tiến

Cơn đau có thể ổn định hoặc tăng nhanh, giảm bớt theo thời gian. Điều này cũng cần phải được lưu ý khi đi khám và trình bày với bác sĩ.

1.6. Triệu chứng kèm theo

Đây là một trong những điều cực kỳ quan trọng. Có nhiều ý nghĩa cho việc xác định nguyên nhân đau bụng. Thậm chí với cơn đau điển hình thì bác sĩ có thể xác định được lý do mà chưa cần đưa ra xét nghiệm hoặc cho một vài chỉ định nhắm đúng vào căn nguyên đó để can thiệp ngay khi khẩn cấp. Ví dụ như:

  • Cơn đau bụng kèm nôn ói nhiều, liên tục.
  • Đau bụng kèm sốt và tiêu chảy phân nhầy máu.
  • Vã mồ hôi, ngất sau một cơn đau âm ỉ lan sang hông và xuống vùng sinh dục.
  • Không đi tiêu được, không xì hơi được kèm đau quặn bụng.
Đau bụng, cần chú ý gì để không bỏ sót nguyên nhân nguy hiểm?
Đau bụng có thể kèm theo nôn mửa

Khi mô tả được những “chìa khoá” có giá trị thế này, các bác sĩ có thể sẽ tiết kiệm nhiều thời gian trong việc chẩn đoán và can thiệp điều trị.

1.7. Cơn đau tương tự

Bạn đã từng bị đau tương tự như vậy trước đây chưa cũng là một câu hỏi cần trả lời khi đi khám bệnh. Viêm dạ dày, viêm tuỵ… có thể có những cơn đau tái diễn giống nhau.

1.8. Thuốc đang sử dụng

Đây là một vấn đề rất hay bị bỏ sót và thiếu sự kiểm soát một cách có hệ thống. Người bệnh cũng hay tự ý sử dụng thuốc, không biết mình đã uống thuốc gì… Điều này có hại cho bản thân và cản trở điều trị rất nhiều, đặc biệt là thuốc huyết áp, tim mạch, giảm đau, đường huyết…. 

Hầu như bất kỳ loại thuốc nào cũng có tác dụng phụ. Để kiểm soát được việc này, hãy lưu ý tất cả các loại thuốc, kể cả thuốc tây, thuốc nam, thực phẩm chức năng mình đang sử dụng để trình bày với bác sĩ. 

Đau bụng, cần chú ý gì để không bỏ sót nguyên nhân nguy hiểm?
Nên cho bác sĩ biết loại thuốc bạn đang sử dụng

1.9. Bệnh lý hoặc trạng thái sinh lý đang mắc

Bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan, xơ gan… khi đau sẽ có những lưu ý khác nhau. Người đang mang thai sẽ có vấn đề riêng, 3 tháng đầu không giống với 3 tháng cuối. 

Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý các kiểu đau bụng sinh lý như hành kinh. Phụ nữ ở lứa tuổi sinh nở có nhiều vấn đề khi đau bụng, trong đó chu kỳ kinh nguyệt là đặc điểm rất quan trọng. Hãy để ý chu kỳ kinh, lượng và thời gian ra kinh, đặc điểm sinh hoạt tình dục và bệnh viêm nhiễm phụ khoa.

>> Xem thêm: Cách tính chu kỳ kinh nguyệt dễ dàng cho các bạn gái

2. Đau bụng báo hiệu bệnh lý nguy hiểm nào? 

Trong một số trường hợp, đau bụng báo hiệu bệnh nhân cần cấp cứu. Hãy đặc biệt lưu ý một số trường hợp dưới đây. 

2.1. Thủng tạng rỗng 

Thường gặp là thủng dạ dày. Một số đối tượng có nguy cơ cao như người nghiện rượu, viêm loét dạ dày tá tràng nặng hay ung thư dạ dày. Các dấu hiệu cần cấp cứu ngay lập tức

  • Đau dữ dội, liên tục ở trên rốn và lan toả ra xung quanh. 
  • Bụng bệnh nhân gồng cứng, chạm vào là rất đau, không thể chịu nổi.
  • Không có cách nào giúp bệnh nhân giảm đau. 
  • Bệnh nhân vã mồ hôi, tái nhợt, giai đoạn muộn có thể sốc, lơ mơ, lừ đừ. 

Thủng dạ dày biểu hiện rất nặng, quan trọng là nhận diện sớm và đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay.

Đau bụng, cần chú ý gì để không bỏ sót nguyên nhân nguy hiểm?
Thủng dạ dày là biến chứng nguy hiểm của loét và ung thư dạ dày

2.2. Xuất huyết nội

Là tình trạng xuất huyết trong ổ bụng. Hai nguyên nhân phổ biến và quan trọng chúng ta cần lưu ý bao gồm: 

Thai ngoài tử cung vỡ

Đây là một nguyên nhân đặc biệt quan trọng ở chị em trong độ tuổi sinh nở. Cần lưu ý chẩn đoán này và thăm khám sản phụ khoa ngay khi nghi ngờ. 

  • Chậm kinh: Triệu chứng này dễ nhận diện ở người có chu kỳ kinh nguyệt đều. Với những chị em kinh nguyệt không đều thì việc này khó nhận diện, tuy nhiên bạn cũng đừng nên chủ quan. 
  • Đau bụng: Có thể đau vùng hố chậu hoặc bụng dưới. 
  • Ra huyết âm đạo. 
  • Vã mồ hôi, kích thích vật vã hoặc ngất, thậm chí là hôn mê trong trường hợp thai vỡ.
Đau bụng, cần chú ý gì để không bỏ sót nguyên nhân nguy hiểm?
Thai ngoài tử cung rất nguy hiểm khi vỡ do hệ thống động mạch nuôi dưỡng dồi dào tại đây

Vỡ phình bóc tách động mạch chủ 

Đối tượng có nhiều nguy cơ là bệnh nhân tăng huyết áp chưa kiểm soát tốt. Hiện tượng này thường gặp ở nam nhiều hơn nữ, độ tuổi thường trên 50. Các triệu chứng có thể bao gồm: 

  • Cảm giác mạch đập ở vùng bụng.
  • Đau bụng kéo dài hoặc đột ngột mức độ từ ít đến nhiều, có thể lan ra sau lưng hoặc xuống bẹn, mông và chân.

2.3. Nhồi máu cơ tim

Nhiều người lầm tưởng nhồi máu cơ tim chỉ biểu hiện ở đau ngực. Thực tế, đau bụng cũng là một biểu hiện phổ biến không được bỏ sót. Vị trí đau khi nhồi máu cơ tim cũng phụ thuộc vào nơi mà cơ tim bị tổn thương và hoại tử nên biểu hiện rất đa dạng. Thậm chí, bệnh nhân chỉ có biểu hiện đau bụng và nôn ói. Cần lưu ý ở những người lớn tuổi, có yếu tố nguy cơ tim mạch: 

  • Tăng huyết áp.
  • Đái tháo đường.
  • Rối loạn lipid.
  • Tiền căn bệnh mạch vành, xơ vữa mạch máu. 
  • Nghiện rượu, thuốc lá, lối sống ít vận động.
Đau bụng, cần chú ý gì để không bỏ sót nguyên nhân nguy hiểm?
Nhồi máu cơ tim không chỉ gồm đau ngực

2.4. Tắc ruột 

Đây là một nguyên nhân khá phổ biến. Một cơn đau điển hình của tắc ruột có những biểu hiện sau: 

  • Đau quặn từng cơn, bụng có thể nổi gò theo cơn đau. 
  • Buồn nôn, nôn ói nhiều. 
  • Bí đại tiện, không xì hơi được. 
  • Bụng chướng căng. 

Tắc ruột gặp nhiều ở những bệnh nhân sau phẫu thuật hoặc những bệnh nhân ung thư, đặc biệt là ung thư đại tràng.

Đau bụng, cần chú ý gì để không bỏ sót nguyên nhân nguy hiểm?
Tắc ruột là biểu hiện phổ biến của ung thư đại tràng

3. Các nguyên nhân khác gây đau bụng 

Bên trên là những lý do nguy hiểm và phổ biến nhất cần lưu ý. Những lý do phổ biến khác cũng cần can thiệp tuy có mức độ ít khẩn cấp hơn. 

3.1. Viêm túi mật, nhiễm trùng đường mật

Biểu hiện đau dưới sườn bên phải, có thể kèm theo vàng da, vàng mắt, sốt cao. 

3.2. Bệnh lý gan

Viêm gan siêu vi B, C có thể gây đau tức dưới sườn bên phải, kèm theo đó là vàng da. 

3.3. Viêm loét dạ dày

Một nguyên nhân rất phổ biến khác khi cơn đau thường liên quan đến bữa ăn và vị trí đau thường là trên rốn. 

Đau bụng, cần chú ý gì để không bỏ sót nguyên nhân nguy hiểm?
Viêm loét dạ dày

3.4. Viêm ruột thừa 

Đã có một thời gian khi nhắc tới viêm ruột thừa thì nhiều người sẽ nghĩ đến mổ. Thực tế, việc chỉ định mổ ruột thừa rất rõ ràng và không phải bao giờ cũng mổ. Biểu hiện của viêm ruột thừa có thể rất khó nhận diện vì giống nhiều bệnh khác: 

  • Rối loạn tiêu hoá, chán ăn, nôn, tiêu chảy. 
  • Sốt nhẹ.
  • Đau quanh rốn sau đó đau ở hố chậu bên phải (bụng dưới phải). 

3.5. Ngộ độc, nhiễm trùng tiêu hoá 

Đây là triệu chứng nổi bật của đường tiêu hoá, có thể sốt kèm theo tiêu chảy, phân nhầy máu, buồn nôn và nôn ói. Biểu hiện có thể thay đổi và cần đến bệnh viện ngay khi có triệu chứng rõ rệt.

Mặc dù đau bụng rất thường gặp nhưng các nguyên nhân của cơn đau lại rất nhiều và không thể phán đoán chỉ dựa vào một vài dấu hiệu. Những bệnh nhân có nhiều nguy cơ cần đặc biệt lưu ý các dấu hiệu trên. Đừng ngần ngại tìm đến bác sĩ điều trị ngay khi bạn có gì đó bất ổn.

Bác sĩ Đinh Gia Khánh

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Giải đáp: Nồng độ prolactin cao có khả năng sinh con được không?
“Nồng độ prolactin cao có khả năng sinh con được không?” là thắc mắc của không ít chị em đang trong hành trình “săn rồng con” nhưng chưa mãi chưa có
Hình ảnh tin tức Có nên dùng que thử viêm nhiễm phụ khoa không? Cách sử dụng hiệu quả
Viêm âm đạo là vấn đề phổ biến ở phụ nữ thuộc nhiều độ tuổi khác nhau. Vì cảm thấy ngại ngùng khi đi khám phụ khoa, nhiều chị em phụ nữ đã truyền tai
Hình ảnh tin tức Gan nhiễm mỡ độ 1 có nguy hiểm không?
Gan là một cơ quan quan trọng trong cơ thể mà bạn không thể sống thiếu. Đây là lý do tại sao việc bảo vệ gan lại rất quan trọng, đặc biệt là khi bạn
Hình ảnh tin tức Những ngày cuối kinh nguyệt quan hệ có sao không? Có an toàn không?
Mỗi phụ nữ đều có chu kỳ kinh nguyệt riêng. Trong suốt chu kỳ này, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi về hormone gây  ảnh hưởng đến tâm trạng, sức khỏe
Hình ảnh tin tức Ngâm chân cho bà bầu: 4 cách làm nước ngâm chân và lưu ý cần nhớ
Theo các chuyên gia, việc ngâm chân cho bà bầu với nước ấm và một số thảo dược vào mỗi tối có thể giúp đôi chân được thư giãn, giảm phù và tăng cường