Cốc nguyệt san: Vật dụng tiện lợi cho ngày đèn đỏ

Chắc hẳn nhiều chị em phụ nữ chúng ta đã từng nghe về “cốc nguyệt san”. Nó được ví như cứu cánh để thoát khỏi sự khó chịu, ngứa ngáy của những ngày chu kỳ. Cốc nguyệt san dù đã được sản xuất từ cách đây rất lâu, nhưng trong những năm gần đây, công dụng và lợi ích của nó mới được nhiều người chú ý đến. Vậy cốc nguyệt san là gì, những lợi ích của nó ra sao. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu vật dụng tiện lợi dành cho chị em phụ nữ này nhé!

1. Cốc nguyệt san là gì?

Đây là dụng cụ có dạng hình phễu nhỏ. Nó được thiết kế để đưa vào âm đạo người phụ nữ, nhằm mục đích chứa máu trong kỳ kinh nguyệt.

Cốc nguyệt san thường được làm từ các vật liệu như: silicone, cao su hoặc từ nhựa y tế.

Cốc nguyệt san gồm hai loại:loại có thể tái sử dụng hoặc loại chỉ dùng 1 lần. Đối với loại tái sử dụng, bạn có thể làm sạch và sử dụng cho nhiều chu kỳ.

Xem thêm: 10 dấu hiệu sắp có kinh nguyệt mà chị em nên biết

Cốc nguyệt san: Vật dụng tiện lợi cho ngày đèn đỏ
Cốc nguyệt san được nhiều chị em lựa chọn thay thế băng vệ sinh với những ưu điểm nổi bật

Cốc nguyệt san có thể chứa nhiều máu hơn các phương pháp khác. Do đó nhiều phụ nữ sử dụng chúng như một biện pháp thay thế băng vệ sinh thân thiện với môi trường. Thông thường mỗi cốc nguyệt san chứa được trong vòng 6–12 giờ trước khi cần làm sạch. Đối với người có lưu lượng kinh nguyệt nhiều hơn có thể cần phải làm sạch cốc thường xuyên hơn.

2. Ưu và nhược điểm của cốc nguyệt san

2.1. Ưu điểm

So với các dụng cụ khác như băng vệ sinh hay tampon thì cốc nguyệt san được cho là thân thiện với môi trường và đem lại sự thoải mái hơn.

Có nhiều lợi ích khi sử dụng cốc nguyệt san, bao gồm:

  • Tiết kiệm tài chính

Thông thường để mua một cốc nguyệt san bạn phải tốn chi phí cao hơn, với giá từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên, với một chiếc cốc này, bạn có thể tái sử dụng trong thời gian dài, có khi đến vài năm. So với số tiền chi phí để mua băng vệ sinh hay tampon thì nhỏ hơn nhiều.

  • Đem lại sự thoải mái

Đây chính là lợi ích của cốc nguyệt san được nhiều chị em yêu thích nhất. Việc sử dụng băng vệ sinh có khả năng gây ngứa, bí bách trong những ngày kinh nguyệt. Cốc nguyệt san khắc phục được những khó chịu đó, đem lại sự thoải mái cao nhất cho người dùng.

  • Ít đau bụng hơn

Có một số báo cáo về những người bị đau bụng kinh ít hơn khi sử dụng cốc nguyệt san.  Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được kiểm chứng rõ.

  • Ít gặp tình trạng rò rỉ

Khi được lắp đúng cách, cốc sẽ không bị rò rỉ hoặc tràn ra ngoài. Bạn có thể đeo cốc khi tập thể dục, bơi lội hoặc tắm.  Một số thương hiệu còn được thiết kế để bạn an toàn và thoải mái sử dụng cốc khi quan hệ tình dục.

  • Giảm tác động đến môi trường:

Miếng lót và băng vệ sinh thường dùng một lần và đi kèm với nhiều bao bì. Do đó có thể thải ra một lượng lớn rác không phân hủy ngoài môi trường. Tuy nhiên với cốc nguyệt san được thiết kế để sử dụng trong nhiều năm. Điều này có thể làm giảm đáng kể lượng rác thải ra cho mỗi chu kỳ kinh nguyệt.

Cốc nguyệt san: Vật dụng tiện lợi cho ngày đèn đỏ
Sử dụng Cốc nguyệt san làm giảm tác động đến môi trường đáng kể

Không giống như băng vệ sinh, cốc nguyệt san không làm khô âm đạo.  Điều này bảo vệ các vi khuẩn lành mạnh bảo vệ bạn khỏi nhiễm trùng âm đạo.

Cốc nguyệt san không liên quan đến hội chứng sốc độc (TSS), một tình trạng hiếm gặp, đe dọa tính mạng liên quan đến việc sử dụng tampon.

Cốc nguyệt san không chứa các hóa chất có trong băng vệ sinh và miếng lót, chẳng hạn như thuốc tẩy và dioxin.

  • Thời gian sử dụng dài hơn

Băng vệ sinh cần được thay sau mỗi 4 đến 8 giờ, tùy thuộc vào lưu lượng của bạn.  Nhưng cốc có thể để lâu hơn, lên đến 12 giờ. Vì vậy chúng rất tốt để giúp bạn bảo vệ qua đêm. Bạn không cần phải đeo miếng đệm dự phòng hoặc miếng lót thêm khi sử dụng cốc.

  • Khả năng chứa của cốc nhiều hơn so với băng vệ sinh.

Cốc kinh nguyệt có thể chứa 1 ounce chất lỏng, gần gấp đôi lượng của băng vệ sinh hoặc miếng lót siêu thấm.  Điều này giúp tạo sự thoải mái cho bạn trong những ngày lưu lượng kinh nguyệt nhiều hơn.

  •  Bạn có thể quan hệ tình dục thoải mái.

Hầu hết các cốc nguyệt san bằng silicon và cao su phải được tháo ra trước khi quan hệ tình dục.  Nhưng những loại mềm, dùng một lần được thiết kế với mục đích quan tâm đến tình dục. Chúng trông giống như một màng ngăn, vì vậy có hình dạng giống như một mái vòm (không giống như dạng chuông thông thường).

  •  Có ít mùi hơn

Máu kinh có thể có mùi khi tiếp xúc với không khí.  Tuy nhiên cốc có thể tạo thành một miếng đệm kín hơi, ngăn mùi khó chịu.

2.2. Nhược điểm

  • Việc lắp và tháo cốc kinh nguyệt có thể khiến bạn khá bối rối khi lần đầu tiên sử dụng cốc.

Việc tháo lắp không đúng cũng khiến máu rò rỉ ra ngoài. Ngoài ra, những người có lượng kinh nguyệt ra nhiều hoặc thường xuyên bị vón cục trong máu kinh cũng có thể gây tình trạng rò rỉ.

  • Có thể khó tìm được chiếc cốc vừa khít với bạn.

Do cốc nguyệt san không phải là loại thiết kế riêng biệt, nên tốt nhất bạn nên thử nhiều loại và nhiều kích thước để lựa chọn được loại phù hợp nhất.

  • Bạn có thể bị dị ứng với chất liệu chế tạo cốc.

Hầu hết cốc nguyệt san được làm từ chất liệu không chứa latex, là lựa chọn tuyệt vời cho những người bị dị ứng với latex.  Nhưng đối với một số người, có khả năng chất liệu silicone hoặc cao su có thể gây ra phản ứng dị ứng.

  • Nó có thể gây kích ứng âm đạo.

Cốc nguyệt san có thể gây kích ứng âm đạo nếu cốc không được vệ sinh và chăm sóc đúng cách.  Nó cũng có thể gây khó chịu nếu bạn đưa cốc vào mà không có bất kỳ chất bôi trơn nào.

  • Có thể tăng khả năng nhiễm trùng.

Một số người lo ngại về hội chứng sốc nhiễm độc (TSS), là một bệnh nhiễm trùng đôi khi phát triển sau khi sử dụng băng vệ sinh kéo dài. Tuy nhiên, TSS cực kỳ hiếm khi sử dụng cốc nguyệt san. Sử dụng đúng cách và vệ sinh cốc thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng. Rửa cốc nguyệt san thật kỹ. Rửa sạch và để khô. Không sử dụng lại cốc kinh nguyệt dùng một lần.  Rửa tay của bạn sau khi vệ sinh cốc.

3. Cách lựa chọn cốc nguyệt san

Nếu bạn quan tâm đến việc sử dụng cốc nguyệt san, hãy nói chuyện với bác sĩ phụ khoa trước. Bạn có thể lựa chọn nhiều thương hiệu khác nhau, nhưng quan trọng là phải tìm ra kích thước phù hợp với mình cần.

Để tìm ra kích thước cốc nguyệt san phù hợp với bạn, cần cân nhắc:

  • Độ tuổi
  • Chiều dài cổ tử cung
  • Lượng kinh nguyệt trong mỗi chu kỳ
  • Độ cứng và tính linh hoạt của cốc
  • Sức chứa của cốc
  • Lực cơ sàn chậu

Cốc kinh nguyệt nhỏ hơn thường được khuyên dùng cho phụ nữ dưới 30 tuổi và chưa từng sinh em bé qua đường âm đạo.  Kích thước lớn hơn thường được khuyến khích cho phụ nữ trên 30 tuổi, đã sinh con qua đường âm đạo hoặc có kinh nhiều hơn.

4. Cách lắp và sử dụng cốc nguyệt san

Cốc nguyệt san gồm hai phần chính: miệng cốc và một phần thân mỏng ở phía dưới giúp lấy ra dễ dàng hơn.

Trước khi sử dụng cốc lần đầu tiên, điều quan trọng là phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên bao bì và rửa hoặc tiệt trùng cốc đúng cách. Tốt nhất là rửa tay sạch bằng xà phòng và nước trước khi đưa hoặc tháo cốc nguyệt san.

4.1. Cách lắp cốc nguyệt san

Cốc nguyệt san: Vật dụng tiện lợi cho ngày đèn đỏ
Hướng dẫn sử dụng cốc nguyệt san cho người mới dùng

Khi bạn sử dụng cốc kinh nguyệt lần đầu tiên, có thể cảm thấy khó chịu.  Do đó hãy bôi trơn cốc để việc đặt cốc dễ dàng hơn. Sử dụng nước hoặc chất bôi trơn gốc nước để làm trơn vành cốc.

  • Rửa tay thật sạch.
  • Bôi nước hoặc chất bôi trơn gốc nước vào vành cốc.
  • Để đưa cốc vào, hãy gập phần trên của cốc lại. Cầm bằng một tay với vành hướng lên trên.Nhẹ nhàng đẩy cốc vào âm đạo. Một số người thấy việc đặt cốc dễ dàng hơn khi ngồi xổm. Một số thích đứng, đôi khi với một chân nâng lên trên thành bồn tắm.

Việc gấp cốc đúng cách có vẻ phức tạp. Tuy nhiên có một vài phương pháp gấp phổ biến chúng ta có thể thử như:

  • Gấp chữ C hoặc chữ U: Nhấn các cạnh của cốc lại với nhau sao cho từ trên xuống giống hình bầu dục dài.  Gấp cốc làm đôi, để nó trông giống như chữ C hoặc U.
  • Gấp tam giác: Đặt một ngón tay lên vành trên của cốc và đẩy nó vào giữa cốc (gần đế), tạo thành một hình tam giác.
  • Gấp hình số 7: Nhấn các cạnh của cốc lại với nhau sao cho từ trên xuống giống hình bầu dục dài.  Gấp một cạnh xuống theo đường chéo, để nó giống như số 7.
Cốc nguyệt san: Vật dụng tiện lợi cho ngày đèn đỏ
Một số phương pháp gấp cốc nguyệt san bạn có thể thử

Sau khi đã đưa được vành cốc vào trong, tiếp tục đẩy cốc vào âm đạo cho đến khi toàn bộ vành cốc và thân cốc vào bên trong.

Khi toàn bộ cốc “bật” ra, sẽ giúp ngăn không cho máu kinh nguyệt bị rò rỉ.  Để đảm bảo điều này, hãy giữ cốc bằng đế và xoay nó một vòng tròn hoặc 360 độ. Một số người dùng ngón tay chạy dọc theo vành cốc để đảm bảo rằng cốc nằm đúng vị trí và đã mở chính xác.

Khi cốc đã ở đúng chỗ, hầu hết mọi người không cảm thấy được cốc và có thể quên mất sự hiện diện của nó. Bạn có thể di chuyển, nhảy, ngồi, đứng và thực hiện các hoạt động hàng ngày khác mà cốc không bị rơi ra ngoài.

4.2. Cách tháo cốc nguyệt san

Bạn có thể đeo cốc nguyệt san từ 6 đến 12 giờ, tùy thuộc vào lượng kinh nguyệt ra nhiều hay ít. Do đó bạn có thể sử dụng cốc để mang qua đêm. Bạn nên luôn tháo cốc kinh nguyệt của mình trước mốc 12 giờ để tránh rò rỉ.

  • Để lấy cốc ra, có thể hơi gập người cúi xuống. Một số người có thể sử dụng cơ âm đạo để đẩy cốc xuống sâu hơn.
  • Dùng ngón trỏ và ngón cái đưa tay vào âm đạo nắm lấy cuống cốc, nhẹ nhàng kéo xuống.  Đưa cốc ra khỏi âm đạo. Cố gắng giữ cốc thẳng đứng để tránh làm đổ máu.
  • Nếu bạn khó sờ thấy cốc hoặc cuống thì cũng đừng quá lo lắng!. Cốc nguyệt san không thể bị lạc trong âm đạo.
  • Bạn có thể thư giãn vài phút và thử lại. Việc lo lắng và căng thẳng quá cũng khiến bạn gặp khó khăn trong lúc tháo cốc.

5. Cách vệ sinh

Việc vệ sinh và bảo quản cốc nguyệt san đúng cách là rất quan trọng. Bạn phải luôn giữ cho cốc được sạch sẽ. Mỗi khi lấy cốc ra, bạn nên rửa cốc bằng xà phòng và nước ngay lập tức.

Bạn cũng nên đun sôi cốc trong nước từ 5–10 phút giữa mỗi lần sử dụng của chu kỳ kinh nguyệt. Tránh để cốc chạm vào thành hoặc đáy nồi gây cháy.

Nếu bạn không tiện cho việc làm sạch cốc khi ra ngoài, có thể đem theo chai để đựng và khăn giấy để lau sạch cốc sau mỗi lần dùng.

6. Các yếu tố rủi ro cần xem xét

Không phải tất cả mọi người đều có thể sử dụng được cốc nguyệt san. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng nếu bạn thuộc những trường hợp sau:

  • Sa tử cung: là tình trạng tử cung của bạn bị trượt vào âm đạo do các dây chằng và cơ hỗ trợ bị suy yếu hoặc căng ra.  Tình trạng này phổ biến nhất ở phụ nữ sau mãn kinh; sau sinh con qua đường âm đạo.
  • Bị dị ứng với cao su
  • Đang sử dụng dụng cụ tử cung để ngừa thai; vì đôi khi cần phải rút ngắn sợi dây gắn vào vòng tránh thai để bạn không kéo nó ra khi lấy cốc nguyệt san ra.
  • Bạn đã từng có TSS
  • Gần đây bạn đã phẫu thuật phụ khoa, sinh con hoặc sẩy thai
  • Nhiễm trùng âm đạo
  • Bạn chưa bao giờ quan hệ tình dục và lo lắng về việc duy trì màng trinh của mình

Xem thêm: Các loại thực phẩm nên ăn trong những ngày đèn đỏ

Cốc nguyệt san có thể là một lựa chọn tuyệt vời để giúp bạn vệ sinh chu kỳ kinh nguyệt, đặc biệt nếu bạn gặp nhiều vấn đề với băng vệ sinh hay tampon. Luôn đọc hướng dẫn trên bao bì và làm quen với cốc trước khi thử lần đầu tiên. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến và cách sử dụng với bác sĩ trước khi dùng.

Bác sĩ TRƯƠNG MỸ LINH

 

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Những ngày cuối kinh nguyệt quan hệ có sao không? Có an toàn không?
Mỗi phụ nữ đều có chu kỳ kinh nguyệt riêng. Trong suốt chu kỳ này, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi về hormone gây  ảnh hưởng đến tâm trạng, sức khỏe
Hình ảnh tin tức Ngâm chân cho bà bầu: 4 cách làm nước ngâm chân và lưu ý cần nhớ
Theo các chuyên gia, việc ngâm chân cho bà bầu với nước ấm và một số thảo dược vào mỗi tối có thể giúp đôi chân được thư giãn, giảm phù và tăng cường
Hình ảnh tin tức Cường giáp kiêng ăn gì? Thận trọng với 7 thực phẩm thường gặp
Cường giáp là bệnh thường gặp ở phụ nữ với nhiều biến chứng nguy hiểm như rung tâm nhĩ, loãng xương, suy tim sung huyết, đột quỵ… Do đó, điều quan
Hình ảnh tin tức Hé lộ 4 dấu hiệu nhận biết phụ nữ lâu ngày không quan hệ
Đối với phụ nữ, quan hệ tình dục không chỉ mang đến những cảm xúc thăng hoa mà còn tác động tích cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Thế nhưng,
Hình ảnh tin tức Thuốc huyết áp uống ngày 2 lần được không?
Huyết áp cao là bệnh mạn tính cần phải điều trị suốt đời để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như bệnh tim, đột quỵ, giảm thị lực, bệnh thận mạn tính