Bệnh khớp: chẩn đoán và phòng ngừa

Sự lão hóa của dân số kéo theo sự gia tăng của hàng loạt bệnh lý liên quan đến tuổi già, trong đó bệnh khớp là một trong những bệnh lý làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống. Các bệnh lý khớp có tỷ lệ tàn phế cao mặc dù không gây chết người. Do đó, những hiểu biết về kiến thức và các biện pháp phòng ngừa về bệnh lý này là vô cùng quan trọng. Cùng Bác sĩ Lê Trọng Hiếu tìm hiểu về chẩn đoán và phòng ngừa bệnh khớp qua bài viết sau.

Cấu tạo và chức năng của khớp

Khớp là cấu trúc nằm giữa 2 hay nhiều xương. Về mặt cấu tạo, khớp được chia thành 3 loại đó là khớp sợi, khớp sụn, khớp hoạt dịch. Về mặt chức năng, dựa vào mức độ vận động mà khớp được chia thành 3 loại bao gồm khớp bất động (không thể vận động), khớp bán động (có thể vận động nhẹ), khớp động (có thể vận động tự do).1

Sự phân chia về mặt chức năng và cấu trúc có sự tương hợp trong đó, khớp sợi là khớp không thể vận động, khớp sụn là khớp bán động trong khi khớp hoạt dịch là khớp có thể vận động tự do.1

1. Khớp bất động

Khớp bất động là mô sợi xơ nối liền 2 xương, khiến cho 2 mặt xương dính chặt nhau. Khớp này thường không thể vận động và cũng không có khoang khớp. Ví dụ: các khớp ở xương vòm sọ.

2. Khớp bán động

Khớp bán động là khớp mà ở đó 2 mặt xương được phủ 1 lớp sụn trong hoặc sụn xơ, cho biên độ vận động kém. Ví dụ: khớp mu, khớp đốt sống.

3. Khớp động

Khớp động hay khớp hoạt dịch tạo cấu trúc gọi là ổ khớp nằm trong bao khớp có chứa chất hoạt dịch, bên trong ổ khớp thường có dây chằng để liên kết 2 xương với nhau. Chất hoạt dịch có vai trò như chất bôi trơn trong quá trình hoạt động của khớp, trong khi đó biên độ vận động của khớp tùy thuộc vào loại khớp và thường giới hạn bởi dây chằng. Các loại khớp động bao gồm:

Khớp xoay

Cho phép di chuyển theo mọi hướng, một đầu xương giống như quả bóng, đầu xương còn lại lõm vào để khớp nối theo dạng bóng và rổ. Ổ khớp giữa 2 xương có hình dạng giống phần xương lõm vào. Ví dụ như khớp vai và khớp háng.

Khớp bản lề

Khớp bản lề giống như một cánh cửa, di chuyển theo một hướng, dọc theo một mặt phẳng. Ví dụ như khớp khuỷu tay và khớp gối.

Khớp lồi cầu

Khớp này cho phép cử động, nhưng không có chức năng quay. Ví dụ như khớp ngón tay và hàm của bạn.

Khớp trục

Còn được gọi là khớp quay, có đặc điểm là một xương có thể xoay vòng theo trục của xương thứ hai. Ví dụ như các khớp giữa bạn xương trụ và xương quay giúp xoay cẳng tay và khớp giữa đốt sống đầu tiên và thứ hai trong cột sống cổ.

Khớp trượt

Khớp nằm giữa 2 bề mặt xương phẳng. Mặc dù nó chỉ cho phép di chuyển hạn chế, nhưng nó có đặc điểm là bề mặt nhẵn có thể trượt qua nhau. Ví dụ như các khớp ở cổ tay.

Khớp yên

Mặc dù khớp yên không cho phép xoay nhưng nó cho phép các xương di chuyển qua lại và từ bên này sang bên kia. Một ví dụ là khớp ở gốc ngón tay cái.

Một số bệnh lý khớp thường gặp

Viêm khớp không do nhiễm trùng bao gồm các bệnh lý tự miễn như viêm khớp dạng thấp, bệnh lý chuyển hóa như gout, thoái hóa khớp hoặc sử dụng khớp quá mức. Viêm khớp có thể do tổn thương nhiều thành phần bao hoạt dịch, sụn khớp, gân và dây chằng.2 3

  • Viêm khớp do nhiễm trùng với tác nhân thường gặp nhất là tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus). Ngoài ra liên cầu (Streptococci) hay lao (Mycobacterium tuberculosis) cũng là các tác nhân phổ biến.
  • Chấn thương như đứt dây chằng, rách sụn, trật khớp,…

Thoái hóa khớp4 5

Còn có tên gọi khác là viêm xương khớp, là thể hay gặp nhất của viêm khớp. Ước tính trên thế giới có hàng triệu người gặp phải tình trạng này. Như tên gọi, bệnh lý gây ra bởi sự thoái hóa của phần sụn bảo vệ ở đầu xương qua thời gian. Do đó, dân số mắc phải bệnh lý này chủ yếu là người trung niên hoặc lớn tuổi, đặc biệt là những người trên 60 tuổi.

Các khớp tổn thương hay gặp nhất là khớp bàn tay, khớp gối, khớp háng, khớp cột sống.

Bệnh lý này gây ra do phần sụn đầu xương bị phá hủy. Trong giới hạn bình thường, các tế bào sụn có khả năng tự tái tạo, tuy nhiên, do lão hóa hoặc do hoạt động cường độ quá cao mà các tế bào sụn không còn tái tạo đủ số lượng mất đi, dẫn tới phần sụn ngày càng mỏng và bề mặt thô ráp. Bề mặt khớp tổn thương khiến quá trình vận động không còn trơn tru, lâu dần dẫn tới tình trạng viêm.

Các yếu tố có thể góp phần gây ra thoái hóa khớp: tuổi già, giới nữ, béo phì, các chấn thương khớp, chơi các môn thể thao tác động mạnh vào khớp, di truyền, dị dạng xương, một số bệnh lý chuyển hóa.

Bệnh khớp: chẩn đoán và phòng ngừa
Thoái hóa khớp có thể xảy ra hầu như mọi vị trí trên cơ thể

Triệu chứng thoái hóa khớp

  • Đau khớp: giai đoạn đầu triệu chứng đau chỉ xuất hiện khi vận động, về sau khi khớp bắt đầu viêm triệu chứng đau sẽ dai dẳng ngay cả khi không vận động.
  • Cứng khớp: xảy ra ở giai đoạn muộn, là cảm giác khớp khó vận động đặc biệt sau khi để khớp nghỉ trong thời gian dài.
  • Cảm giác lộm cộm khi vận động khớp: là cảm giác khi 2 bề mặt sụn thô ráp va vào nhau.
  • Sưng phù ở vùng khớp tổn thương
  • Giai đoạn muộn có thể sờ thấy gai xương ở dưới da.

Chẩn đoán thoái hóa khớp

Nếu xuất hiện đầy đủ các triệu chứng trên có thể chẩn đoán được bệnh lý thoái hóa khớp. Trong trường hợp các triệu chứng không rõ, có thể thực hiện thêm X – quang để hỗ trợ chẩn đoán. Hình ảnh hẹp khe khớp trên hình ảnh X – quang là tiêu chuẩn chẩn đoán của bệnh lý thoái hóa khớp. Nếu lâm sàng và X – quang chưa rõ ràng, có thể thực hiện thêm CT scan và siêu âm.

Viêm khớp dạng thấp6 7

Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý viêm khớp mạn tính ảnh hưởng đến nhiều khớp. Trong một số trường hợp, bệnh có biểu hiện ngoài khớp như ở mắt, da, phổi, tim và mạch máu. Bệnh thường gặp ở nữ giới với tỉ lệ nam:nữ khoảng 1:2, rơi vào nhóm tuổi sau 50.

Viêm khớp dạng thấp thường khởi phát ở các khớp nhỏ như khớp bàn ngón tay, bàn ngón chân sau đó lan dần đến khớp lớn hơn như khớp cổ tay, khớp gối, khớp khuỷu,… Đặc điểm quan trọng của bệnh là viêm các khớp cùng nhóm ở cả 2 bên, ví dụ bệnh nhân viêm đồng thời khớp cổ tay trái và khớp cổ tay phải.

Bệnh khớp: chẩn đoán và phòng ngừa
Các khớp thường bị ảnh hưởng trong viêm khớp dạng thấp

Triệu chứng viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn, trong đó hệ miễn dịch của cơ thể nhận nhầm màng khớp là tác nhân gây hại. Sự tấn công của hệ miễn dịch lên màng khớp gây ra tình trạng viêm khớp dai dẳng. Tình trạng viêm kéo dài dẫn tới hậu quả là xương bị phá hủy và khớp bị biến dạng.

Các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp bao gồm:

  • Triệu chứng viêm: đau, sưng, nóng, đỏ quanh vùng khớp.
  • Cứng khớp vào buổi sáng hoặc sau một thời gian không vận động khớp.
  • Các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, chán ăn, sốt.
  • Giai đoạn muộn của bệnh có thể xuất hiện nốt thấp nhỏ chắc ổ khớp hoặc dưới da, các khớp biến dạng và mất chức năng hoàn toàn.

Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp

Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp thường khó khăn đặc biệt trong giai đoạn sớm của bệnh, khi các triệu chứng chưa rõ ràng và tổn thương khớp chưa được hình thành rõ. Do đó, cần có sự phối hợp giữa các triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm sinh hóa máu, xét nghiệm hình ảnh học.

  • Xét nghiệm máu: các xét nghiệm chỉ điểm tình trạng viêm như CRP, tốc độ lắng máu. Các chất trong máu có thể hỗ trợ chẩn đoán viêm khớp dạng thấp như yếu tố thấp (RF), kháng thể kháng protein citrulline (ACPA).
  • X – quang: thường không có biến đổi ở giai đoạn sớm, có thể thấy tình trạng loãng xương quanh vùng khớp viêm. Giai đoạn muộn sẽ thấy hình ảnh mòn xương và biến dạng khớp.
  • Các xét nghiệm hình ảnh khác như siêu âm, MRI có thể hỗ trợ X – quang trong chẩn đoán viêm khớp dạng thấp.

Gout8

Gout là bệnh lý chuyển hóa, gây ra tình trạng viêm khớp. Đặc trưng của viêm khớp do gout là khởi phát đột ngột, sưng đau các khớp, đặc biệt hay gặp ở khớp ngón chân cái. Đây là bệnh lý viêm khớp rất phổ biến, thường gặp ở nam giới sau tuổi 40, bệnh cũng có thể gặp ở nữ giới sau mãn kinh, do chức năng thận bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi nội tiết tố.

Gout gây ra bởi nồng độ cao axit uric trong máu, mặc dù không phải mọi trường hợp có nồng độ axit uric máu cao đều có triệu chứng của gout. Axit uric là một chất thải sinh ra trong quá trình chuyển hóa của purin (chất đóng vai trò quan trọng trong cấu tạo bộ gen), được thải ra bởi thận. Ở một số người, thận không thải axit uric hiệu quả, dẫn tới ứ đọng trong máu. Lượng axit uric trong máu cao dẫn tới sự hình thành các tinh thể tích tụ trong mô, đặc biệt là ở trong khớp. Ngoài nồng độ axit uric, những yếu tố khác cũng có thể thúc đẩy hình thành bệnh gout như khô dịch khớp hoặc pH dịch khớp thấp.

Yếu tố nguy cơ

  • Các thuốc gây tăng axit uric: aspirin, levodopa,…
  • Thực phẩm giàu purin: Cần hiểu rằng các thực phẩm giàu đạm không đồng nghĩa với thực phẩm giàu purin, chỉ một số thực phẩm như thịt, cá, hải sản,… chứa hàm lượng purin cao.
  • Thức uống nhiều đường: nước uống có gas và cả nước trái cây.
  • Thừa cân.

Triệu chứng của gout

Triệu chứng của gout thường xuất hiện đột ngột vào giữa đêm. Khớp ngón cái đau dữ dội, cảm giác như đang trên lửa kèm sưng, đỏ quanh khớp. Triệu chứng đau dữ dội nhất trong khoảng 12h từ khi bắt đầu. Sau đó, là triệu chứng đau âm ỉ kéo dài trong vài ngày đến vài tuần.

Bệnh khớp: chẩn đoán và phòng ngừa
Triệu chứng đau dữ dội ở ngón cái là đặc trưng của bệnh gout

Chẩn đoán bệnh gout

Chẩn đoán bệnh gout dựa chủ yếu vào các triệu chứng đau đặc trưng ở ngón cái. Chọc dịch khớp bằng kim nhỏ để phát hiện các tinh thể axit uric để khẳng định chẩn đoán. Định lượng nồng độ axit uric máu có thể hỗ trợ chẩn đoán, nhưng sau khi triệu chứng cấp tính qua đi, nồng độ axit uric có thể giảm nhanh chóng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đối với đa số bệnh khớp triệu chứng phổ biến khiến bạn cần gặp bác sĩ là đau khớp, có thể kèm sưng, nóng, đỏ hoặc không.

Không thể vận động khớp một cách bình thường.

Khớp bị biến dạng, không có vị trí như bình thường.

Chơi các môn thể thao hoặc làm việc nặng, béo phì, rối loạn chuyển hóa, lớn tuổi,… là các yếu tố nguy cơ của bệnh lý khớp cần được tư vấn bởi các bác sĩ.

Phòng ngừa bệnh khớp

Mỗi bệnh lý khớp đều có yếu tố nguy cơ khác nhau, do đó không có biện pháp nào hoàn hảo để phòng ngừa các bệnh lý khớp vì ngoài những yếu tố có thể thay đổi như lối sống, chế độ ăn, cân nặng thì vẫn có những yếu tố không thể thay đổi như tuổi, giới, di truyền. Sau đây là những biện pháp để giảm thiểu khả năng mắc các bệnh lý khớp:

  • Hoạt động thể thao vừa phải, không làm khớp quá tải.
  • Chế độ ăn lành mạnh.
  • Sử dụng các thực phẩm hỗ trợ khớp như dầu cá, dầu oliu, đậu và hạt các loại, ngũ cốc nguyên hạt,…
  • Duy trì cân nặng trong giới hạn, có thể dựa vào chỉ số khối cơ thể (BMI).
  • Hạn chế uống rượu, bia hay các thức uống có gas.
  • Không hút thuốc.

Tuổi già đã trở thành một yếu tố nguy cơ của các bệnh lý khớp và mỗi người trong chúng ta đều phải đối mặt với tuổi già. Do đó, để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc các bệnh khớp thì kiến thức về bệnh và cách phòng ngừa đóng vai trò rất quan trọng.

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức 3 cách sơ cứu ngộ độc thực phẩm đơn giản bạn cần biết
Ngộ độc thực phẩm (hay trúng thực) là tình trạng ngộ độc cấp xảy ra do ăn hoặc uống phải các loại thực phẩm bị ô nhiễm do vi sinh vật hay thực phẩm có
Hình ảnh tin tức Giải đáp: Nồng độ prolactin cao có khả năng sinh con được không?
“Nồng độ prolactin cao có khả năng sinh con được không?” là thắc mắc của không ít chị em đang trong hành trình “săn rồng con” nhưng chưa mãi chưa có
Hình ảnh tin tức Có nên dùng que thử viêm nhiễm phụ khoa không? Cách sử dụng hiệu quả
Viêm âm đạo là vấn đề phổ biến ở phụ nữ thuộc nhiều độ tuổi khác nhau. Vì cảm thấy ngại ngùng khi đi khám phụ khoa, nhiều chị em phụ nữ đã truyền tai
Hình ảnh tin tức Gan nhiễm mỡ độ 1 có nguy hiểm không?
Gan là một cơ quan quan trọng trong cơ thể mà bạn không thể sống thiếu. Đây là lý do tại sao việc bảo vệ gan lại rất quan trọng, đặc biệt là khi bạn
Hình ảnh tin tức Những ngày cuối kinh nguyệt quan hệ có sao không? Có an toàn không?
Mỗi phụ nữ đều có chu kỳ kinh nguyệt riêng. Trong suốt chu kỳ này, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi về hormone gây  ảnh hưởng đến tâm trạng, sức khỏe