Suy giảm thị lực ở người lớn tuổi: Nguyên nhân do đâu? Điều trị như thế nào?

Suy giảm thị lực là vấn đề thường gặp gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người lớn tuổi. Quá trình lão hoá biểu hiện khá rõ và dễ nhận thấy nhất chính là suy giảm giác quan nhìn. Có nhiều nguyên nhân gây ra vấn đề này, trong đó nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực là đục thuỷ tinh thể. Mời bạn cùng Bác sĩ Trần Ngân Hạnh tìm hiểu về suy giảm thị lực ở người già và cách điều trị trong bài viết dưới đây nhé!

Thế nào là suy giảm thị lực ở người lớn tuổi?

Đây là tình trạng khả năng nhìn bị suy giảm ở một mức độ nào đó. Đặc biệt ở người lớn tuổi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc suy giảm thị lực, nhưng chủ yếu vẫn đến từ các loại bệnh về mắt. Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp suy giảm thị lực là biến chứng của bệnh lý như tiểu đường, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não. Suy giảm thị lực có 2 dạng: suy giảm thị lực đột ngột (giảm thị lực hoàn toàn, một phần), suy giảm thị lực từ từ (tật khúc xạ, đục thuỷ tinh thể, glocom góc mở, thoái hoá hoàng điểm tuổi già, bệnh võng mạc đái tháo đường,…)

Phân loại mức độ giảm thị lực theo WHO:1

  • Độ 1: 1/10 – 3/10.
  • Độ 2: 1/20 – 1/10.
  • Độ 3: 1/50 – 1/20.
  • Độ 4: AS(+) – 1/50.
  • Độ 5: AS(-).
Suy giảm thị lực ở người lớn tuổi: Nguyên nhân do đâu? Điều trị như thế nào?
Suy giảm thị lực ở người già là tình trạng khả năng nhìn bị suy giảm ở mức độ nào đó

Nguyên nhân gây suy giảm thị lực ở người già

Tùy theo các dạng suy giảm thị lực sẽ có nguyên nhân khác nhau, cụ thể như sau:

Suy giảm thị lực đột ngột

1. Mất thị lực hoàn toàn2

Nguyên nhân gây mất thị lực hoàn toàn bao gồm:

  • Tắc động mạch võng mạc. Nguyên nhân chính là huyết khối (bệnh Horton, xơ vữa mạch máu,…) và nghẽn mạch (do cục máu đông, tăng cholesterol máu,…). Giảm thị lực hoàn toàn đột ngột, mất phản xạ ánh sáng trực tiếp. Soi đáy mắt thấy động mạch võng mạc nhỏ như sợi chỉ, không chứa máu, phù võng mạc, hoàng điểm anh đào. Hiệu quả điều trị kém.
  • Thiếu máu thị thần kinh. Nguyên nhân chính là xơ cứng động mạch, bệnh Horton gây tắc động mạch thể mi. Đáy mắt có phù gai kèm xuất huyết. Tiên lượng nặng.
  • Xuất huyết dịch kính do bệnh mạch máu võng mạc (bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh, tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc,…).
  • Chấn thương thần kinh thị. Vỡ xương sọ, rách màng cứng, xuất huyết chèn ép thần kinh thị. Điều trị bằng giải áp nhanh cho thị thần kinh.
  • Mù vỏ não do co thắt mạch máu kịch phát của tăng huyết áp, huyết khối động mạch nền, động mạch não sau 2 bên.

2. Mất thị lực một phần

Các nguyên nhân gây mất thị lực một phần bao gồm:

  • Tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc.
  • Bong võng mạc.
  • Bệnh thị thần kinh cấp.
  • Bệnh hoàng điểm.

Suy giảm thị lực từ từ

Tình trạng này có thể do tật khúc xạ, đục thuỷ tinh thể, glocom góc mở, thoái hoá hoàng điểm tuổi già, bệnh võng mạc đái tháo đường,…

1. Đục thuỷ tinh thể

Đây là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực ở người lớn tuổi trên thế giới và Việt Nam. Xuất hiện ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trên 60 tuổi.

Nguyên nhân:3

  • Hiện tượng oxy hoá khử có vai trò quan trọng nhất trong việc hình thành đục thuỷ tinh thể ở người lớn tuổi.
  • Hút thuốc lá.
  • Tiếp xúc thường xuyên với tia tử ngoại, tia X, tia hàn…
  • Sử dụng corticoid toàn thân, tại chỗ trong thời gian dài.
  • Một số bệnh toàn thân như đái tháo đường.
  • Sau chấn thương tại mắt.

Triệu chứng:3

  • Nhìn mờ, có cảm giác như nhìn qua lớp màn sương.
  • Lóa mắt: nhiều bệnh nhân không chịu được ánh sáng ban ngày hoặc đèn pha xe.
  • Song thị một mắt: do mức độ tiến triển của đục thuỷ tinh thể không đồng đều.
  • Không đỏ, không đau nhức, không cộm xốn.
Suy giảm thị lực ở người lớn tuổi: Nguyên nhân do đâu? Điều trị như thế nào?
Đục thuỷ tinh thể là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực ở người già trên thế giới và Việt Nam

Yếu tố nguy cơ:3

  • Người lớn tuổi.
  • Nghiện rượu nặng, hút thuốc.
  • Béo phì.
  • Tăng huyết áp, đái tháo đường.
  • Có tiền sử chấn thương mắt
  • Thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

2. Lão thị

Đây không phải là tật khúc xạ. Lão thị là sự suy giảm khả năng điều tiết sinh lý theo tuổi tác, thường bắt đầu ở tuổi 40. Tuỳ theo mức độ giảm điều tiết mà người bị lão thị có các rối loạn nhìn gần như:

  • Đọc sách rõ nhưng mau mỏi mắt.
  • Đọc sách một lúc thì bị mờ phải ngưng đọc một lúc thì đọc rõ trở lại.
  • Đọc sách không rõ phải đưa sách ra xa mới rõ.

3. Thoái hoá hoàng điểm tuổi già (Age-related macular degeneration – AMD)

Đây là bệnh lý gây suy giảm thị lực ở người gia phổ biến sau đục thuỷ tinh thể. Có 2 loại: thoái hoá hoàng điểm khô (chiếm 85%) và ướt (chiếm 15%).4

Suy giảm thị lực ở người lớn tuổi: Nguyên nhân do đâu? Điều trị như thế nào?
Có 2 loại gồm thoái hoá hoàng điểm khô (chiếm 85%) và ướt (chiếm 15%)

Thoái hoá hoàng điểm khô

Đây là tình trạng lão hoá của mắt liên quan đến tuổi, thường ở những bệnh nhân trên 50 tuổi. Nó gây ra nhìn mờ, giảm thị lực trung tâm. Có thể xuất hiện ở 1 mắt hoặc cả 2 mắt.

Qua thời gian, thị lực ngày càng tệ, ảnh hưởng đến các hoạt động như đọc sách, lái xe, nhận dạng khuôn mặt. Nhưng điều đó không có nghĩa là giảm thị lực toàn bộ. Có thể giảm thị lực trung tâm nhưng thị lực ngoại vi vẫn còn.5

Nguyên nhân: Hiện các chuyên gia chưa biết chính xác được nguyên nhân gây thoái hoá hoàng điểm tuổi già. Có thể phối hợp giữa yếu tố di truyền và môi trường như hút thuốc lá, béo phì, chế độ ăn,…5

Yếu tố nguy cơ:

  • Thường xảy ra ở những người trên 60 tuổi, da trắng.
  • Hút thuốc lá nhiều và thường xuyên gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Béo phì.
  • Bệnh lý tim mạch.

Triệu chứng:5

  • Suy giảm thị lực, không đau nhức.
  • Có thể nhìn vật bị biến dạng (méo, cong…).
  • Giảm thị lực trung tâm ở 1 mắt hoặc cả 2 mắt.
  • Khó nhận diện khuôn mặt.

Hình ảnh khi soi đáy mắt:5

  • Sự thay đổi trong biểu mô sắc tố võng mạc.
  • Drusen.
  • Teo hắc võng mạc.

Thoái hoá hoàng điểm ướt

Tình trạng gây mất thị lực nhanh, thường là vài ngày đến vài tuần. Khoảng 80 – 90% số trường hợp tổn thương thị giác nghiêm trọng là do AMD thể ướt.4

Triệu chứng đầu tiên thường là sự biến dạng thị giác, chẳng hạn như điểm mù trung tâm hoặc nhìn méo hình. Thị lực ngoại vi và sắc giác thường không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể bị giảm thị lực, đặc biệt nếu AMD không được điều trị. AMD thể ướt thường ảnh hưởng đến một bên mắt mỗi lần, do đó, các triệu chứng của AMD thể ướt thường là một bên.

Hình ảnh khi soi đáy mắt:4

  • Dịch dưới võng mạc ở dưới dạng một vùng võng mạc gồ lên khu trú.
  • Phù võng mạc.
  • Vùng dưới hoàng điểm chuyển thành màu xanh xám.
  • Xuất tiết ở trong hoặc xung quanh hoàng điểm.
  • Bong biểu mô sắc tố võng mạc (có thể nhìn thấy như là một vùng võng mạc gồ lên).
  • Xuất huyết dưới võng mạc trong hoặc xung quanh hoàng điểm.

Cả 2 dạng của AMD đều được chẩn đoán bằng soi đáy mắt. Chụp ảnh màu đáy mắt và chụp mạch huỳnh quang được thực hiện khi nghi ngờ AMD thể ướt. Chụp cắt lớp kết hợp quang học (OCT) giúp phát hiện dịch trong và dưới võng mạc đồng thời giúp đánh giá đáp ứng điều trị.4

4. Bệnh võng mạc đái tháo đường

Võng mạc đái tháo đường là một trong những nguyên nhân chính gây suy giảm thị lực, đặc biệt là ở người trưởng thành ở lứa tuổi lao động. Mức độ mắc bệnh võng mạc có mức độ tương quan cao với:

  • Thời gian mắc đái tháo đường.
  • Mức đường huyết.
  • Mức độ huyết áp.

Triệu chứng thường gặp trong bệnh võng mạc ĐTĐ:  có thể không có các triệu chứng trong giai đoạn đầu của bệnh võng mạc tiểu đường. Khi tình trạng bệnh tiến triển, người bệnh có thể có các triệu chứng: nhìn mờ, mất thị lực, nhìn thấy ruồi bay, đốm đen,…6

Phân loại bệnh võng mạc đái tháo đường:2

  • Không có bệnh võng mạc ĐTĐ rõ ràng.
  • Bệnh võng mạc ĐTĐ không tăng sinh nhẹ: chỉ có các vi phình mạch.
  • Bệnh võng mạc ĐTĐ không tăng sinh trung bình: có thể có vết dạng bông và tĩnh mạch hình chuỗi hạt.
  • Bệnh võng mạc ĐTĐ không tăng sinh nặng: có một trong các dấu hiệu sau đây nhưng không có tăng sinh võng mạc: xuất huyết võng mạc lan toả ở cả 4 góc phần tư, tĩnh mạch hình chuỗi hạt ở 2 góc phần tư hoặc dị thường vi mạch ở 1 phần góc phần tư.
  • Bệnh võng mạc ĐTĐ tăng sinh: tân mạch ở 1 hoặc nhiều cấu trúc sau: mống mắt, góc tiền phòng, đĩa thị, võng mạc hoặc xuất huyết dịch kính.
  • Phù hoàng điểm ĐTĐ: có thể ở bất kì giai đoạn nào nói trên.

Yếu tố nguy cơ: ở những người mắc đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2 các yếu tố nguy cơ dẫn đến phù hoàng điểm:6

  • Kiểm soát đường huyết chưa tốt;
  • Tăng huyết áp;
  • Cholesterol máu cao;
  • Bệnh thận;
  • Hút thuốc lá;
  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ;
  • Đang có thai.

Biến chứng: Bệnh võng mạc tiểu đường liên quan đến sự phát triển của các mạch máu bất thường trong võng mạc. Các biến chứng có thể dẫn đến các vấn đề về thị lực nghiêm trọng: xuất huyết dịch kính, bong võng mạc, tăng nhãn áp.6

Theo dõi:2

  • Những người ĐTĐ không có bệnh võng mạc, khám đáy mắt mỗi năm 1 lần.
  • Bệnh võng mạc ĐTĐ không tăng sinh nhẹ. Khám đáy mắt 6-9 tháng/ lần.
  • Bệnh võng mạc ĐTĐ không tăng sinh trung bình đến nặng. Khám đáy mắt 4-6 tháng/lần.
  • Bệnh võng mạc ĐTĐ tăng sinh, khám đáy mắt 2-3 tháng/lần.

5. Glocom góc mở7

Đây là bệnh mạn tính, thường xảy ra ở cả 2 mắt, có tính chất di truyền. Do không có triệu chứng rõ ràng, tiến triển từ từ nên bệnh có thể được phát hiện trễ. Lúc đó thần kinh thị bị tổn thương nhiều, suy giảm thị lực dần tiến đến mù nếu không được điều trị. Tổn thương thị thần kinh trong bệnh Glocom là tổn thương không phục hồi.

Yếu tố nguy cơ gây suy giảm thị lực ở người già

Các yếu tố nguy cơ bao gồm:8

  • Người lớn tuổi có bệnh lý toàn thân kèm theo như tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, các bệnh lý sử dụng corticoid thường xuyên. Lối sống không lành mạnh (sử dụng rượu bia, chất kích thích, hút thuốc lá..).
  • Tiền sử chấn thương mắt.

Biến chứng khi suy giảm thị lực ở người già

Suy giảm thị lực ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, các hoạt động trong cuộc sống hằng ngày và ảnh hưởng đến khả năng tự lập của người già. Đồng thời thị lực giảm làm cho việc đi lại, sinh hoạt khó khăn hơn, nguy cơ té ngã cao.

Điều trị suy giảm thị lực ở người già

Khi phát hiện triệu chứng suy giảm thị lực cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để thăm khám và điều trị. Không được tự ý mua thuốc nhỏ mắt khi chưa có sự thăm khám của bác sĩ chuyên khoa.

Tuỳ từng nguyên nhân mà có phương pháp điều trị khác nhau (có thể đeo kính, dùng thuốc, phẫu thuật,…). Nếu nguyên nhân suy giảm thị lực có liên quan đến bệnh lý toàn thân (như tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa mạch máu,…) thì cần điều trị ổn định các bệnh lý đó để giảm biến chứng lên mắt.

Đục thuỷ tinh thể

Phẫu thuật thay thuỷ tinh thể nhân tạo là phương pháp điều trị đem lại kết quả cao. Hiện nay phẫu thuật phaco là phương pháp phổ biến nhất. Cần phẫu thuật khi đục thủy tinh thể ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt.9

Lão thị

Để khắc phục tình trạng này thì biện pháp hữu hiệu là đeo kính lão.

Thoái hoá hoàng điểm tuổi già (Age-related macular degeneration – AMD)

1. Thoái hoá hoàng điểm khô

Không có phương pháp nào có thể đảo ngược tổn thương do AMD thể khô. Bổ sung chế độ ăn uống các vitamin và khoáng chất giúp giảm tiến triển nặng lên của AMD thể khô:4

  • Kẽm ô xít 80 mg.
  • Đồng 2 mg.
  • Vitamin C 500 mg.
  • Vitamin E 400UI.
  • Lutein 10 mg/zeaxanthin 2 mg (hoặc beta-carotene 15 mg hoặc vitamin A 28.000 đơn vị cho những bệnh nhân không hút thuốc).

2. Thoái hoá hoàng điểm ướt10

Tiêm nội nhãn Anti-VEGF vào trong mắt (tiêm nội nhãn) để ngăn cản quá trình tăng sinh mạch máu bất thường mới. Hiện nay, trên thị trường có các loại thường dùng là Ranibizumab (Lucentis), Bevacizumab (Avastin), Aflibercept (Eylea).

Laser quang đông: sử dụng laser năng lượng cao để phá hủy mạch máu bất thường. Mục đích của phương pháp điều trị này giúp ngừng chảy máu và giảm tổn thương tại vùng hoàng điểm. Tuy nhiên, tia laser có thể gây sẹo và để lại điểm mù trên mắt bạn. Vì vậy, hiện tại nó hiếm khi được sử dụng. Thậm chí nếu phương pháp laser quang đông thành công, mạch máu bất thường có thể phát triển lại, bạn có thể sẽ phải điều trị bằng phương pháp khác.

Bệnh võng mạc đái tháo đường

1. Phù hoàng điểm đái tháo đường

Tiêm thuốc và liệu pháp laser:11

  • Các thuốc kháng VEGF ranibizumab và aflibercept (đã được FDA chấp thuận), bevacizumab (chưa được FDA chấp thuận) là điều trị đầu tiên cho phù hoàng điểm ĐTĐ ở võng mạc trung tâm.
  • Tiêm dịch kính các dạng thuốc viên giải phóng chậm như Ozurdex (dexamethasone) hoặc Iluvien (fluocinolon acetonid). Cũng có thể tiêm dịch kính steroid. Các biến chứng gồm đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp.
  • Liệu pháp laser có thể giúp duy trì mức thị lực hiện tại và ngăn ngừa mất thị lực. Những bệnh nhân có thiếu máu hoàng điểm rộng không thích hợp cho điều trị laser. Bệnh nhân trẻ và những người ĐTĐ ăn kiêng thường có đáp ứng tốt hơn.

2. Bệnh võng mạc ĐTĐ tăng sinh2 12

Laser quang đông võng mạc nếu có một trong những đặc điểm nguy cơ cao sau: 

  • Tân mạch đĩa thị có kích thước > ¼ đến ⅓ diện tích đĩa thị.
  • Tân mạch đĩa thị kèm theo xuất huyết trước võng mạc hoặc xuất huyết dịch kính.
  • Tân mạch võng mạc kích thước > ½ diện tích đĩa thị kèm theo xuất huyết trước võng mạc hoặc xuất huyết dịch kính.
  • Tân mạch ở mống mắt hoặc ở góc tiền phòng.

Bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh với nguy cơ cao xuất huyết dịch kính, tân mạch trước võng mạc lan rộng hoặc tân mạch tiền phòng/glocom tân mạch cần được điều trị bằng laze quang đông toàn võng mạc. Các nghiên cứu gần đây cũng ủng hộ việc sử dụng các thuốc Anti – VEGF trong điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh. Can thiệp này làm giảm đáng kể nguy cơ bị mất thị lực trầm trọng. Tiêm dịch kính thuốc Anti – VEGF bổ sung cho laser quang đông võng mạc, có thể kèm theo cắt dịch kính qua pars plana. Ranibizumab đã tỏ ra là một điều trị ban đầu hợp lý khi so với quang đông võng mạc, ít nhất sau 2 năm.

  • Trong một số trường hợp bệnh võng mạc không tăng sinh, laze quang đông toàn võng mạc có thể được sử dụng, tuy nhiên thường laze có thể được trì hoãn tới khi bệnh võng mạc tiến triển thành thể tăng sinh.
  • Kiểm soát đường huyết và huyết áp là rất quan trọng. Kiểm soát lượng glucose trong máu làm chậm sự tiến triển của bệnh võng mạc.

Những thực phẩm cần bổ sung để tốt cho mắt13

Bên cạnh việc tuân thủ điều trị của bác sĩ, người lớn tuổi có thể tăng cường sức khỏe cho đôi mắt bằng cách bổ sung một số thực phẩm giàu các vitamin sau đây:

  • Thực phẩm giàu vitamin A: rau có màu xanh đậm, cà rốt, bí đỏ, ớt chuông, cá, gan động vật,…
  • Thực phẩm giàu vitamin C: cam, chanh, bưởi, xoài,…
  • Thực phẩm giàu vitamin B: thịt gà, trứng, cá hồi, bông cải xanh,…
Suy giảm thị lực ở người lớn tuổi: Nguyên nhân do đâu? Điều trị như thế nào?
Một số thực phẩm giàu vitamin A và C
  • Các thực phẩm trên cũng rất giàu các tiền tố beta-carotene, giúp chuyển hóa thành vitamin A giúp mắt sáng, khỏe mạnh.
  • Ngoài ra, các thực phẩm giàu lutein và zeaxanthin có tác dụng hạn chế và làm chậm quá trình oxy hóa, bảo vệ điểm vàng trước nguy cơ bị viêm nhiễm, lão hóa. Các thực phẩm này bao gồm: rau màu xanh đậm như cải kale, cải bó xôi,…

Chăm sóc người lớn tuổi khi suy giảm thị lực

Người lớn tuổi và người thân cần lưu ý chăm sóc sức khỏe khi bị suy giảm thị lực:

  • Cần có lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá, uống rượu bia.
  • Giữ gìn vệ sinh mắt.
  • Phòng chống té ngã.
  • Kiểm soát các bệnh lý toàn thân như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu,…
  • Khi có các triệu chứng bất thường phải đến cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để khám và điều trị, không được tự ý dùng thuốc.

Qua bài viết trên, hy vọng bạn đọc đã có thêm những thông tin hữu ích về vấn đề suy giảm thị lực ở người già. Nắm rõ được những nguyên nhân, cách điều trị, chăm sóc,… của vấn đề này không chỉ giúp chúng ta chăm sóc tốt sức khỏe cá nhân, mà còn bảo vệ tốt những người thân yêu trong gia đình.

Đọc bài gốc tại đây.
Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Hội chứng siêu nữ là gì? Chẩn đoán thế nào, điều trị ra sao?
Mới đây, thông tin về việc bé gái mắc hội chứng siêu nữ ra đời tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã thu hút sự chú ý của nhiều người, nhất là các mẹ bầu.
Hình ảnh tin tức Cách kiểm tra bao cao su trước và sau khi quan hệ
Bao cao su hết hạn sử dụng, tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng trong thời gian dài hoặc dùng sai cách là những nguyên nhân thường gặp khiến bao cao su bị
Hình ảnh tin tức Ung thư phổi giai đoạn cuối có chữa được không?
Nếu không may được chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn cuối thì người bệnh sẽ lo sợ không biết ung thư phổi giai đoạn cuối có chữa được không, phương
Hình ảnh tin tức Làm sao hết nhạt miệng khi mang thai? Giải pháp nào cho mẹ bầu?
Đắng miệng, nhạt miệng khi mang thai là những triệu chứng phổ biến xảy ra ở các chị em bầu bí. Điều này có thể khiến nhiều mẹ bầu chán ăn, không có
Hình ảnh tin tức Thai máy có nhói bụng không? Tại sao bị nhói bụng khi mang thai?
Việc cảm nhận được thai máy là một trong những trải nghiệm thú vị nhất của các mẹ bầu. Vậy thai máy có nhói bụng không? Bà bầu bị nhói bụng khi mang