Xét nghiệm ung thư buồng trứng giúp chẩn đoán sớm bệnh ở giai đoạn đầu

Mục Lục

    Chỉ khoảng 20% ​​trường hợp ung thư buồng trứng được phát hiện ở giai đoạn đầu. Khi ung thư buồng trứng được phát hiện sớm, khoảng 94% bệnh nhân có thể sống lâu hơn 5 năm. Vì vậy, việc làm các xét nghiệm ung thư buồng trứng và chẩn đoán sớm bệnh là rất quan trọng.

    Ung thư buồng trứng không còn là một căn bệnh hiếm gặp ở phụ nữ. Các bác sĩ khuyên những người có nguy cơ cao nên thực hiện việc tầm soát ung thư buồng trứng hằng năm.

    Ai nên làm xét nghiệm ung thư buồng trứng?

    Sau đây là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh và nên đi thăm khám và tiến hành các xét nghiệm ung thư buồng trứng:

    • Phụ nữ trên 50 tuổi
    • Trong gia đình có người thân như mẹ, em gái hay chị gái đã mắc bệnh ung thư buồng trứng hoặc ung thư vú
    • Người bị thừa cân, béo phì
    • Người từng sử dụng liệu pháp thay thế hormone sau mãn kinh
    • Phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung
    • Phụ nữ bắt đầu hành kinh sớm và mãn kinh muộn hoặc có cả 2
    • Phụ nữ chưa bao giờ mang thai
    • Phụ nữ mắc các triệu chứng bất thường nghi ngờ là ung thư buồng trứng như: đau bụng dưới, đau hoặc chảy máu sau khi quan hệ, chảy máu âm đạo bất thường, kinh nguyệt không đều, khó thở, chướng bụng…

    Cách phát hiện ung thư buồng trứng sớm

    1. Khám phụ khoa định kỳ

    Khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần có thể giúp bác sĩ có thể kiểm tra buồng trứng và tử cung về kích thước, hình dạng, độ đồng nhất cũng như những vấn đề thường gặp phải.

    Bác sĩ sẽ đưa các ngón tay có đeo găng tay vào âm đạo, đồng thời nhẹ nhàng sờ tay lên bụng để khám vùng chậu xem có bị sưng hay xuất hiện cục u nào không. Bác sĩ cũng kiểm tra trực quan cơ quan sinh dục ngoài, âm đạo và cổ tử cung của bạn. Khám vùng chậu có thể giúp phát hiện buồng trứng to bất thường, khối u vùng bụng hoặc tình trạng ứ dịch ở vùng bụng (cổ trướng).

    2. Đi khám kịp thời nếu có triệu chứng

    Ung thư buồng trứng giai đoạn đầu thường không có biểu hiện gì mà triệu chứng thường chỉ xuất hiện khi khối u đã di căn. Hơn nữa, các triệu chứng của ung thư buồng trứng cũng tương tự như u nang buồng trứng nên dễ nhầm lẫn.

    Tuy nhiên, theo dõi sát sao tình hình sức khỏe của bản thân và đi khám kịp thời nếu có tình trạng đau bụng dưới dai dẳng, khó chịu… (xuất hiện trên một tuần) sẽ giúp nâng cao tỷ lệ chẩn đoán sớm và điều trị bệnh thành công.

    Xét nghiệm ung thư buồng trứng giúp chẩn đoán sớm bệnh ở giai đoạn đầu

    Các xét nghiệm ung thư buồng trứng

    Nếu khám phụ khoa thấy dấu hiệu bất thường hoặc bạn có các triệu chứng giống với ung thư buồng trứng, bác sĩ sẽ đề nghị kiểm tra chuyên sâu hơn. Các bước có thể bao gồm:

    1. Xét nghiệm máu CA-125

    Xét nghiệm máu CA-125 giúp kiểm tra một protein trong máu có tên là CA-125. Protein này tăng cao ở một số phụ nữ mắc ung thư buồng trứng.

    Tuy nhiên, nồng độ CA-125 cao cũng có thể là do các bệnh lý thông thường khác gây ra như lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, viêm vùng chậu. Ngoài ra, không phải ai bị ung thư buồng trứng cũng có mức CA-125 cao. Vì vậy, xét nghiệm này sẽ hữu ích như một chất chỉ điểm khối u, giúp hướng dẫn điều trị ở những phụ nữ đã được chẩn đoán bệnh. Nếu điều trị có kết quả, nồng độ CA – 125 sẽ giảm xuống.

    2. Xét nghiệm ung thư buồng trứng bằng hình ảnh

    Xét nghiệm ung thư buồng trứng giúp chẩn đoán sớm bệnh ở giai đoạn đầu

    Các xét nghiệm ung thư buồng trứng bằng hình ảnh giúp phát hiện khối u, độ lớn của nó cũng như liệu nó đã lan sang các bộ phận lân cận hay chưa.

    Một số các xét nghiệm ung thư buồng trứng bằng hình ảnh có thể bao gồm:

    • Siêu âm qua ngả âm đạo: sử dụng đầu dò đưa vào âm đạo, gần với buồng trứng để tìm kiếm khối u. Thủ thuật này thường được bác sĩ đề xuất đầu tiên nếu nghi ngờ có vấn đề ở buồng trứng vì vừa dễ thực hiện, hiệu quả lại cao.
    • Chụp cắt lớp vi tính (CT): chụp CT vùng bụng và xương chậu sẽ giúp bác sĩ thấy được khối u và biết được chúng đã lan rộng hay chưa. Tuy nhiên, đôi khi CT cũng không phát hiện được hết các khối u bên trong buồng trứng.
    • Phẫu thuật: Sau siêu âm và chụp CT, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật bằng nội soi ổ bụng hoặc phẫu thuật bằng robot để lấy ra một phần hoặc toàn bộ khối u, tùy theo mức độ bệnh.
    • Sinh thiết: Sau phẫu thuật, nếu nghi ngờ khối u là ung thư, bác sĩ sẽ gửi mẫu khối u lấy được để xét nghiệm xem có phải là ung thư hay không. Đây là cách duy nhất giúp chẩn đoán xác định ung thư buồng trứng. Bên cạnh đó, nếu không phẫu thuật thì việc lấy mẫu có thể thực hiện qua sinh thiết bằng kim. Một cây kim được đưa qua bụng, lấy mẫu tế bào buồng trứng hoặc chất lỏng xung quanh buồng trứng để kiểm tra.

    3. Các xét nghiệm ung thư buồng trứng khác

    Xét nghiệm ung thư buồng trứng giúp chẩn đoán sớm bệnh ở giai đoạn đầu

    Ngoài ra, một số các xét nghiệm bổ sung khác cũng có thể được bác sĩ yêu cầu trong quá trình tầm soát ung thư buồng trứng, chủ yếu để xác định xem khối u có di căn đến những cơ quan khác hay không. Cụ thể như sau:

    • Nội soi ổ bụng được thực hiện thông qua một vết rạch nhỏ ở vùng bụng dưới nhằm đưa thiết bị vào để cung cấp hình ảnh chính xác của vùng xương chậu và ổ bụng. Điều này sẽ giúp bác sĩ xác định giai đoạn của ung thư, khối u đã di căn bao xa và lên kế hoạch điều trị phù hợp.
    • Chụp cộng hưởng từ (MRI) không được sử dụng thường xuyên trong quá trình tầm soát ung thư buồng trứng, nhưng chúng có thể giúp kiểm tra ung thư có di căn đến não và tủy sống hay không.
    • Chụp X-quang ngực nhằm xác định xem liệu ung thư buồng trứng có di căn đến phổi hay không.
    • Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET) được thực hiện nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng. Nó giúp kiểm tra xem liệu ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết hoặc các bộ phận khác của cơ thể hay chưa. Chụp PET cũng được dùng tìm kiếm tế bào ung thư trong trường hợp ung thư có thể đã di căn nhưng chưa biết là ở đâu.
    • Xét nghiệm di truyền thực hiện thông qua xét nghiệm mẫu máu, để tìm kiếm những đột biến gen là nguyên nhân gây ung thư buồng trứng. Nếu nguyên nhân gây bệnh là do đột biến gen di truyền thì bác sĩ có thể đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp. Ngoài ra, xét nghiệm di truyền cũng sẽ giúp những người thân có cùng huyết thống với bạn, chẳng hạn như anh chị em biết được nguy cơ họ có thể mắc bệnh tương tự.

    Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã hiểu về các xét nghiệm ung thư buồng trứng để giúp chẩn đoán bệnh. Việc hiểu về các xét nghiệm và quá trình tầm soát ung thư buồng trứng như thế nào sẽ giúp bạn không chủ quan, lơ là khi xuất hiện triệu chứng bệnh.

    Các bài viết của NT BacGiang chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Nguồn: hellobacsi.com

    Share
    0
    +1
    0
    Tweet
    0
    Để lại bình luận của bạn

    Tin cùng chuyên mục

    Hotline tư vấn

     0986 956 311