Viêm phổi ở trẻ sơ sinh

Viêm phổi là bệnh lý nhiễm trùng thường gặp và đặc biệt nguy hiểm ở trẻ sơ sinh. Trong những ngày đầu đời, viêm phổi cùng với 2 bệnh lý rất nặng nề khác là nhiễm trùng huyết – tình trạng vi khuẩn xâm nhập vào máu đi đến cơ quan khác và nhiễm trùng thần kinh trung ương (não bộ) góp phần gây ra tỉ lệ tử vong không hề nhỏ ở đối tượng trẻ sơ sinh. 

1. Tổng quan về viêm phổi ở trẻ sơ sinh

Suy hô hấp – một biến chứng của viêm phổi, ảnh hưởng đến 7% trẻ sơ sinh đủ tháng. Đây cũng là một trong những lý do phổ biến nhất để trẻ phải nhập viện tại khoa chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh (NICU) .

Trong số các trẻ sơ sinh bị suy hô hấp được nhận vào NICU, trẻ đủ tháng chiếm 15% và gần đủ tháng (34 – 37 tuần) là 29%. Số còn lại chiếm tỷ lệ cao hơn là những trẻ sinh non <34 tuần tuổi.

Viêm phổi ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh đang được hỗ trợ thở.

Do đó, một trong những điều bắt buộc là bất kỳ bác sĩ  nào chăm sóc trẻ sơ sinh phải nhận ra là các dấu hiệu và triệu chứng suy hô hấp, phân biệt các nguyên nhân khác nhau và đưa các chiến lược điều trị để ngăn ngừa các biến chứng hoặc tử vong ở trẻ.

Suy hô hấp là tình trạng trẻ không thể duy trì lượng oxy trong máu cần thiết để cung cấp cho các cơ quan của cơ thể.

2. Viêm phổi là gì?

Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng ở một hoặc cả hai phổi, và đôi khi được gọi là nhiễm trùng ngực. Bệnh lý này ở trẻ sơ sinh chủ yếu do vi khuẩn gây ra.

Viêm phổi ở trẻ sơ sinh
Hình ảnh minh hoạ.

Do nhiễm trùng, các đường dẫn khí nhỏ trong phổi bị sưng nề lên và tạo ra nhiều chất nhầy (chất lỏng dính). Chất nhầy chặn đường thở và làm giảm lượng oxy có thể đi vào cơ thể. Vì vậy viêm phổi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây suy hô hấp ở trẻ sơ sinh và thường mắc phải nhất khi sinh!!!.

Ngoài ra, vi trùng từ phổi của trẻ dễ dàng xâm nhập vào máu, thậm chí là não do khả năng bảo vệ não còn non kém.

>>> Xem thêm: Tổng quan viêm phổi ở trẻ em.

3. Các yếu tố nguy cơ gây ra viêm phổi

3.1  Các yếu tố thường gặp

  • Vỡ màng ối và được sinh chậm trễ (> 18 giờ).
  • Màng ối của mẹ bị nhiễm trùng.
  • Nhịp tim của sản phụ trước và trong lúc sinh nhanh.
  • Mẹ bị sốt trước và trong lúc sinh.
Viêm phổi ở trẻ sơ sinh
Trẻ sinh non (đặc biệt là trẻ < 34 tuần) có nguy cơ cao bị viêm phổi.

3.2 Các yếu tố ít gặp

  • Trẻ bị dị dạng đường thở .
  • Bệnh tiềm ẩn nghiêm trọng, có thể chưa được phát hiện giai đoạn đầu.
  • Trẻ nằm viện kéo dài (do sinh non, hay bệnh lý trong bào thai).
  • Chức năng thần kinh, não bộ kém.

Dựa trên hàng loạt các bằng chứng mạnh mẽ từ các nghiên cứu y khoa hiện đại, người ta nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng ngừa mắc phải viêm phổi cũng như biến chứng của nó bằng cách:

  • Tầm soát nhiễm trùng ở mẹ (thường vào tuần 35 – 37 trước sanh).
  • Dùng kháng sinh dự phòng trong thời gian trước sinh.
  • Theo dõi nghiêm ngặt các trẻ nghi ngờ có khả năng nhiễm trùng cao sau sinh.

Như bạn đã thấy, để kiểm soát viêm phổi sơ sinh và biến chứng của nó đòi hỏi nhiều thứ, không được bỏ sót một khâu nào. Bao gồm:

  • Sự phối hợp các bác sĩ đa chuyên khoa như sản phụ, nhi khoa, các chuyên gia hồi sức sơ sinh, nhiễm trùng…
  • Một quy trình tầm soát, sàng lọc gắt gao kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ có thể khiến trẻ mắc bệnh.
  • Phát hiện sớm được tình trạng bệnh lý của bé bởi các bác sĩ gia đình, tuyến đầu. Cũng như sự chú ý, nghi ngờ bất thường từ các bậc phụ huynh.

>>> Xem thêm: Viêm màng phổi: Bệnh lý hô hấp thường gặp cần lưu ý.

4. Chẩn đoán viêm phổi như thế nào?

Chẩn đoán viêm phổi sơ sinh dựa trên sự kết hợp của các kết quả lâm sàng, X quang và vi sinh. Lâm sàng là sự kết hợp giữa hỏi bệnh và thăm khám được thực hiện bởi y bác sĩ. X-quang lồng ngực của bệnh nhân cho thấy hình ảnh phổi bị tổn thương. Cuối cùng là vi sinh, các xét nghiệm như tìm vi khuẩn trong đàm, máu và dịch não tuỷ của bé giúp chẩn đoán chính xác tên của vi khuẩn gây bệnh cho trẻ.

Viêm phổi ở trẻ sơ sinh
Minh hoạ tìm vi khuẩn.

Do đó, sự nhận diện chủ yếu ban đầu đưa trẻ đến gặp bác sĩ cũng được coi là lâm sàng. Tất nhiên sự nhận diện này được xác định bởi phụ huynh.

Vì vậy, hãy đưa con bạn đến gặp bác sĩ khi:
  • Bú kém, thậm chí là bỏ bú.
  • Thở mệt, thở dốc, tím da.
  • Lừ đừ, thậm chí là lơ mơ, hôn mê.
  • Bụng trướng.
  • Da vàng.
  • Sốt hoặc lạnh (hạ thân nhiệt).
  • Tiêu chảy.

Tất nhiên, các dấu hiệu này không chỉ nói lên rằng trẻ bị viêm phổi. Nhưng bất kỳ một dấu hiệu bất thường nào xuất hiện trong những ngày đầu sau sanh đều có thể là bệnh lý. Như đã nói, có 3 bệnh lý liên quan nhiễm trùng rất nguy hiểm trong những ngày đầu này là:

  • Viêm phổi.
  • Nhiễm trùng huyết – tình trạng vi trùng xâm nhập vào máu.
  • Nhiễm trùng thần kinh – não bộ.

Trong giai đoạn đầu này, 3 bệnh lý có thể xuất hiện các triệu chứng giống nhau.

Có thể các bậc phụ huynh sẽ thấy lạ khi trẻ không ho, không hắt hơi…nhưng trẻ vẫn có thể bị viêm phổi. Có thể là do khả năng đề kháng của cơ thể trẻ còn quá kém. Trên thực tế, ho là phản xạ bảo vệ của cơ thể chúng ta đấy.

Khi nghi ngờ trẻ bị nhiễm trùng, các bác sĩ có thể chụp phim X-quang ngực cho trẻ. Lấy máu, lấy đàm nhớt…thậm chí là dịch não tuỷ (dùng kim chọc vào cột sống ở thắt lưng) nếu chưa loại trừ được nhiễm trùng thần kinh.

Việc xác định chính xác tên vi khuẩn gây bệnh rất cần thiết. Ít thuốc kháng sinh hơn sẽ được sử dụng, ít chi phí cũng như trẻ ít chịu tác dụng phụ của kháng sinh hơn.

5. Điều trị viêm phổi như thế nào?

Như đã biết, đa số trường hợp viêm phổi ở trẻ sơ sinh là do nhiễm trùng. Do đó, kháng sinh là rất cần thiết.

Chiến lược điều trị của bác sĩ sẽ được tiến hành càng sớm càng tốt khi đã xác định trẻ bị nhiễm trùng. Như đã nói, 3 bệnh lý nhiễm trùng nguy hiểm có thể có các biểu hiện chồng lấp, cũng như chưa xác định được vi khuẩn nào gây ra nhiễm trùng cho trẻ, vì vậy, sẽ dùng nhiều loại kháng sinh để tiêu diệt phần lớn các loại vi khuẩn có thể.

Lý do tại sao bác sĩ không diệt tất cả mà chỉ phần lớn vi khuẩn thôi vì dùng càng nhiều kháng sinh, nguy cơ trẻ mắc phải càng nhiều tác dụng phụ của thuốc. Kháng sinh nên được dùng hợp lý, đúng mục đích.

Viêm phổi ở trẻ sơ sinh
Việc dùng quá nhiều kháng sinh có thể gây hại.

Ngoài ra, tuỳ thuộc tình trạng hô hấp của trẻ. Nếu vẫn chưa có biến chứng, trẻ có thể nhập viện theo dõi. Tuy nhiên nếu suy hô hấp đã xảy ra, trẻ không thể tự thở, hoặc thở không hiệu quả thì bắt buộc nhân viên y tế phải sử dụng máy để giúp đỡ trẻ thở.

Việc sử dụng máy thở giúp duy trì sự sống của trẻ, chờ tác dụng tiêu diệt vi khuẩn của kháng sinh.

Khoa chăm sóc tích cực sơ sinh
Viêm phổi ở trẻ sơ sinh
Ảnh minh hoạ khoa NICU.

Khoa chăm sóc tích cực sơ sinh (NICU) là một đơn vị quan trọng trong các bệnh viện sản, nhi. Các trẻ sơ sinh nằm ở đây sẽ được theo dõi rất kỹ lưỡng, liên tục. Cũng như đầy đủ các loại thiết bị y tế hiện đại sẽ được tập trung và ưu tiên dùng. Mọi trẻ nhiễm trùng trong những ngày đầu sơ sinh đều được coi là nặng và nhiều khả năng phải nhập khoa NICU điều trị. Vì hạn chế nhiễm trùng do đó bạn chỉ được gặp trẻ trong thời gian rất ngắn mỗi ngày.

6. Dự hậu của những trẻ bị viêm phổi sơ sinh như thế nào?

  • Tuỳ thuộc vào tình trạng nhiễm trùng của trẻ xuất hiện sớm hay muộn.
  • Các biến chứng xuất hiện hay chưa.
  • Thể chất vốn có của trẻ (sinh non, hay đủ tháng).
  • Dị tật bẩm sinh kèm theo có hay không.

Cũng như nhiều yếu tố khác mà bác sĩ sẽ trả lời là bệnh nặng hay không.

Tuy nhiên, nhiễm trùng càng sớm sau khi sanh thì tình trạng bệnh càng nặng. Nếu trẻ bị viêm phổi ở những ngày đầu thậm chí có thể lên tới 79% tử vong. Còn khi mắc phải viêm phổi sau sinh 1 – 2 tuần thì tỷ lệ này còn khoảng 30%.

7. Dự phòng viêm phổi sơ sinh như thế nào?

7.1 Đối với trường hợp thai phụ vỡ ối sớm

Về mặt gia đình, nên mang thai phụ đến bệnh viện hoặc trung tâm phụ sản gần nhất để sinh.

Ở đây, sau khi kiểm tra có thực sự vỡ ối hay không và đánh giá các biến chứng của vỡ ối. Bác sĩ sẽ cho sản phụ sanh sớm, truyền kháng sinh nếu cần.

7.2 Diệt GBS

GBS là tên một loại vi khuẩn có thể nằm ở vùng sinh dục, đường tiểu hoặc hậu môn của mẹ. Vi khuẩn này có thể gây ra sinh non hoặc nhiễm trùng sơ sinh ở trẻ.

Do đó, việc điều trị kháng sinh trước sinh khi phát hiện vi khuẩn này ở mẹ là cần thiết.

>>> Xem thêm: Các xét nghiệm khi mang thai mà mẹ bầu cần biết.

7.3 Đối với chăm sóc trẻ sơ sinh

Cho trẻ bú sữa mẹ sớm và hoàn toàn (không có bất kỳ một nguồn dinh dưỡng nào khác, hoặc tối thiểu là 90% là sữa mẹ) có thể giúp giảm tỷ lệ viêm phổi ở trẻ nhỏ ngoài giai đoạn sơ sinh. Do đó, đây cũng là một điều hợp lý với mong muốn giảm tỷ lệ viêm phổi ở tuần 2 hoặc tuần 3 sau sinh ở trẻ.

7.4 Ngăn ngừa nhiễm trùng kháng thuốc ở trẻ

Vi trùng kháng thuốc có ở bệnh viện. Nơi đây chứa rất nhiều loại vi khuẩn độc hại. Độc hại về khả năng gây ra bệnh nặng, và cũng độc hại về khả năng kháng kháng sinh. Tình trạng kháng kháng sinh ngày càng tăng cao, đặc biệt là ở nước ta.

Vi khuẩn kháng thuốc cũng tồn tại ngoài cộng đồng. Việc bán kháng sinh đại trà, hàng loạt ở các hiệu thuốc dù không có toa của bác sĩ làm cho người dân dùng kháng sinh vô tội vạ. Điều này dễ dàng làm vi khuẩn tự đột biến, trở thành các vi khuẩn kháng thuốc.

Viêm phổi ở trẻ sơ sinh
Vi khuẩn đang ngày càng mạnh dần khi dùng kháng sinh tuỳ tiện.

Và khi kháng thuốc xảy ra, khó mà biết được thuốc nào sẽ giúp được trẻ.

Do đó, ngoài việc đảm bảo quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn ở bệnh viện. Các bậc phụ huynh cũng nên tẩy chay việc bán thuốc không toa của các nhà thuốc hiện nay.

Ngoài 3 yếu tố này, còn một số hành động khác được cho là có thể phòng ngừa viêm phổi sơ sinh. Tuy nhiên bằng chứng cho các việc đó còn thấp, cần nghiên cứu thêm.

8. Kết luận

Viêm phổi ở trẻ sơ sinh là một bệnh lý nhiễm trùng ở phổi của trẻ. Nó có thể biến chứng dẫn  đến suy hô hấp – khiến trẻ không đủ oxy trong máu.

Việc phòng ngừa viêm phổi ở trẻ sơ sinh là điều cơ bản, thiết yếu để giúp trẻ không bị bệnh.

Viêm phổi ở trẻ sơ sinh càng nhỏ ngày tuổi thì càng nặng. Việc nhiễm những vi khuẩn kháng thuốc là một tai hoạ với trẻ, và vấn đề này có thể gặp ở trong bệnh viện hoặc ngoài cộng đồng.

Bác sĩ Nguyễn Đoàn Trọng Nhân

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Gan nhiễm mỡ uống thuốc gì? 9 thuốc tiềm năng điều trị gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ là tình trạng chất béo tích tụ trong gan nhiều hơn mức bình thường. Tính đến tháng 3 năm 2024, chỉ có một loại thuốc duy nhất (Rezdiffra)
Hình ảnh tin tức Sau khi hút thai có nên đi lại nhiều? Chị em cần chú ý những gì sau hút thai?
Sau khi hút thai cơ thể chị em phụ nữ sẽ mất lượng máu, buồng tử cung, vùng kín có thể bị tổn thương ít nhiều. Do đó để tạo điều kiện cho tử cung,
Hình ảnh tin tức Dấu hiệu viêm phổi nặng ở người lớn tuổi - nhận biết để bảo vệ tính mạng
Viêm phổi là bệnh lý hô hấp nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến nhiều người ở mọi độ tuổi. Theo thống kê năm 2019, số người tử vong do viêm phổi là
Hình ảnh tin tức [Giải đáp] Chi phí xét nghiệm tiểu đường thai kỳ hết bao nhiêu tiền?
Tiểu đường thai kỳ là một vấn đề sức khỏe khi mang thai không quá hiếm gặp. Do đó, ngoài việc thắc mắc nên xét nghiệm tiểu đường thai kỳ ở đâu để có
Hình ảnh tin tức Ăn bưởi có giảm cân không? Chế độ ăn kiêng với bưởi liệu có hiệu quả?
Có thể bạn đã từng nghe nhiều người truyền miệng nhau cách ăn bưởi để giảm cân hiệu quả và an toàn. Song thực tế thì sao? Ăn bưởi có giúp bạn giảm