Viêm não: Đe dọa đang trở lại?

Viêm não là một tình trạng bệnh lý ở não rất nặng nề, có thể gây tử vong cũng như tốn kém rất nhiều chi phí để điều trị. Tỉ lệ tử vong này tăng khoảng 2 lần ở đối tượng đang nhiễm HIV/AIDS hoặc ung thư. May mắn rằng khả năng mắc phải không cao. Chỉ khoảng 7/100.000 người mắc viêm não mỗi năm. Đáng chú ý là ở người già (> 65 tuổi) và trẻ em (< 1 tuổi) thì khả năng mắc tăng gấp 2 lần người bình thường.

Dù tỉ lệ tử vong không cao nhưng di chứng để lại ở người sống rất nặng nề. Chỉ khoảng 40% bệnh nhân còn sống sau viêm não do virus có thể hoạt động trở lại như người bình thường. Số còn lại sẽ có những di chứng thần kinh lặp lại hoặc nặng dần.

1. Viêm não là gì?

Một cách dễ hiểu, viêm não là tình trạng mô não bị viêm.

Đối với nhân viên y tế: viêm não là một nhóm các triệu chứng, gọi chung là hội chứng viêm não. Vấn đề này sẽ được mô tả rõ ràng hơn ở mục triệu chứng.

2. Nguyên nhân

Điều đáng buồn là khoảng 50% nguyên nhân gây ra viêm não chưa được biết rõ. Chủ yếu là do các xét nghiệm hiện nay không đầy đủ để khảo sát tất cả nguyên nhân.

Viêm não: Đe dọa đang trở lại?
Vẫn chưa tìm được nguyên nhân thật sự gây viêm não

25% trường hợp do virus gây ra viêm não, gọi chung là viêm não virus. Loại virus có tỉ lệ cao nhất là Herpes simplex virus (HSV). Ngoài ra, còn có enterovirus (một số virus loại này còn gây ra tay chân miệng), Japanese encephalitis virus (JEV – virus viêm não Nhật Bản)…

16% trường hợp là do những nguyên nhân tự miễn, gọi là viêm não tự miễn. Đây là do tình trạng khiếm khuyết của hệ miễn dịch. Chính miễn dịch của bản thân chúng ta tấn công mô não.

Số bệnh nhân còn lại viêm não do vi trùng (lao, vi sinh vật, nấm…) hoặc các bệnh lý không do nhiễm trùng khác. 

3. Triệu chứng của viêm não

Là một hội chứng nên viêm não bao gồm nhiều triệu chứng.

Thay đổi tri giác (lừ đừ, ngủ mê, thậm chí là hôn mê). Đây là triệu chứng chủ yếu và nổi bật nhất.

Những biểu hiện khác có thể xảy ra hoặc không:

  • Sốt cao.
  • Co giật.
  • Dấu thần kinh khu trú. Mỗi một vùng não bị tổn thương thường sẽ gây ra một dấu hiệu riêng. Bác sĩ khi thăm khám có thể xác định vị trí tổn thương não nhờ các dấu hiệu này.

Thông thường khoảng 65 – 90% các triệu chứng diễn ra mãnh liệt, tình trạng bệnh nhân xấu đi nhanh chóng. Ở trẻ nhỏ có thể xuất hiện dấu hiệu “thóp phồng”.

Viêm não: Đe dọa đang trở lại?
Bulging fontanel: Thóp phồng

Ngoài ra, ở trẻ sơ sinh (< 1 tháng tuổi), triệu chứng viêm não có thể rất khác biệt. Cụ thể:

  • Bỏ bú. Đôi khi chỉ cần trẻ bỏ bú ta cũng nên đưa bé đến bệnh viện. Vì đây có thể là dấu hiệu rối loạn tri giác ở trẻ sơ sinh.
  • Đau bụng, tiêu chảy.
  • Nổi ban.

Các dấu hiệu trên xét nghiệm:

Hội chứng viêm não còn bao gồm các dấu hiệu trên xét nghiệm, cụ thể:

  • Dịch não tuỷ.
  • Hình ảnh chụp não (MRI sọ não).
  • Điện não đồ (EEG).

>> Viêm màng não cũng là một bệnh lý rất nguy hiểm. Tìm hiểu thêm: Viêm màng não: 12 câu hỏi thường gặp.

4. Chọc dịch não tuỷ là gì? Tại sao bệnh nhân cần được chọc dịch não tuỷ?

Chọc dịch não tuỷ là một thủ thuật xâm lấn. Bác sĩ sẽ dùng kim đâm vào cột sống thắt lưng, giữa 2 đốt sống. Sau đó, bác sĩ sẽ rút một lượng dịch để thực hiện các xét nghiệm.

Chọc dịch não tuỷ cùng với hình ảnh học giúp chẩn đoán nguyên nhân gây ra rối loạn tri giác của bệnh nhân. Như đã nêu, đây là triệu chứng chính yếu và nổi bật nhất. Do đó, chọc dịch não tủy gần như là bắt buộc khi có nghi ngờ viêm não ở bệnh nhân.

Viêm não: Đe dọa đang trở lại?
Chọc dò não tủy

Chọc dịch não tuỷ có nguy hiểm không?

Là một thủ thuật xâm lấn, chọc dịch não tuỷ có thể gây ra một số tai biến nhất định.

Đau đầu sau chọc dịch não tuỷ: Là tai biến thường gặp nhất, nguyên nhân gây ra chưa thật sự được hiểu rõ. Đau đầu thường xảy ra trong 48 giờ đầu (90% trường hợp) và cũng thường tự hết sau 7 ngày. Bác sĩ có thể giảm đau cho bạn bằng caffeine hoặc dán miếng dán ngoài màng cứng.

Thoát vị não (tụt não): Là tai biến đáng sợ nhất của thủ thuật này. Thoát vị não có thể dẫn đến tử vong ở bệnh nhân. Biến chứng này có thể phòng tránh bởi sự đánh giá của bác sĩ điều trị.

Nhiễm trùng: Dễ dàng tránh khỏi khi bạn được thực hiện thủ thuật vô trùng. Tình trạng nhiễm trùng toàn thân không ảnh hưởng đến sự vô khuẩn của thủ thuật này.

Chảy máu: Khoảng 30% bệnh nhân bị chảy máu khi thực hiện thủ thuật.

5. Làm sao để chẩn đoán viêm não?

Bác sĩ sẽ dựa vào cả 4 yếu tố:

Triệu chứng của bệnh nhân: Có hội chứng viêm não hay không. Hoặc đơn giản là dựa vào triệu chứng rối loạn tri giác (lừ đừ, hôn mê).

Yếu tố môi trường: Mùa, vị trí địa lý, địa điểm du lịch gần đây, động vật, người đang ốm hoặc một bệnh nhân đã, đang mắc bệnh gần đây. 

Xét nghiệm máu, xét nghiệm dịch não tuỷ: Nhằm mục tiêu phân biệt do virus hay vi khuẩn gây bệnh, và cụ thể là virus, vi khuẩn nào.

Hình ảnh học của não: CT, MRI có một số vai trò nhất định trong việc chẩn đoán tên virus gây bệnh.

Trong đó, xét nghiệm dịch não tuỷ và MRI là các yếu tố quan trọng nhất để xác định nguyên nhân.

6. Điều trị viêm não như thế nào?

Đối với hầu hết các bệnh lý, ta sẽ điều trị bệnh nhằm:

  • Nâng đỡ sức khoẻ, sức đề kháng của bệnh nhân.
  • Điều trị căn nguyên chỉ có thể thực hiện trong một số trường hợp nhất định.

Nhưng đáng tiếc là 50% trường hợp viêm não không rõ nguyên nhân. Kết quả xét nghiệm cũng có thể mất nhiều thời gian.

Vì vậy, bác sĩ thường sẽ điều trị theo như các phác đồ trên thế giới đã khuyến cáo. Cụ thể:

  • Đầu tiên, bệnh nhân đã xác định hoặc nghi ngờ mắc viêm não sẽ được theo dõi tích cực.
  • Được điều trị kháng sinh, kháng nấm nếu bác sĩ chưa loại trừ nguyên nhân do vi trùng hay nấm.
  • Nâng đỡ sức khoẻ bệnh nhân, hạ sốt, cung cấp oxy máu, huyết áp, nhịp tim…

Điều trị thuốc kháng virus khi có nghi ngờ hoặc có bằng chứng xác định

Thường thông qua RT – PCR dịch não tuỷ. Đây là một loại xét nghiệm phát hiện sự tồn tại của virus trong dịch não tủy. Xét nghiệm này đắt tiền và mất thời gian chờ đợi.

Đôi khi thông qua hình ảnh MRI đặc trưng của virus (đặc biệt là HSV, EBV, West Nile Virus, VZV). Đây cũng là một xét nghiệm hình ảnh đắt tiền, chuẩn bị mất nhiều thời gian mới thực hiện được.

Các loại thuốc chống virus thường dùng

  • Acyclovir: Một loại thuốc kháng virus giúp chống lại HSV, varicella-zoster virus (VZV: virus này còn gây thuỷ đậu, giời leo). Có vai trò rất hạn chế, ít giá trị trong điều trị các loại virus viêm não khác.
  • Ganciclovir hoặc Foscarnet cũng là thuốc kháng virus giúp chống lại HHV-6 và CMV.
  • Ngoài ra, Corticosteroid (Dexamethasone) có thể được sử dụng để điều trị HSV, EBV, VZV.
  • Acyclovir giúp giảm tỉ lệ tử vong và di chứng não do viêm não HSV khi điều trị sớm (tính từ lúc có triệu chứng).

Điều đáng tiếc là nhiều trường hợp điều trị trễ đã được ghi nhận. Nguyên nhân chủ yếu cho sự thiếu sót này là:

  • Không chụp MRI não sớm. Xét nghiệm này rất tốn thời gian để chuẩn bị cũng như rất đắt tiền.
  • Dịch não tuỷ cho kết quả không rõ ràng (lympho thấp). Trong giai đoạn đầu tiên, xét nghiệm dịch não tủy khó phân biệt virus hay vi trùng.
  • Các xét nghiệm giúp chẩn đoán cụ thể nguyên nhân gây bệnh (MRI, RT – PCR) tốn kém và quá mất thời gian để thực hiện. Chúng cũng không có sẵn ở một số tuyến y tế địa phương.
  • Bệnh nhân có bệnh kèm theo nặng. Cần ưu tiên điều trị bệnh nặng trước.
  • Nghiện rượu. Bệnh nhân say xỉn thường xuyên – một dạng rối loạn tri giác do độc chất (rượu) nên được nghĩ đến viêm não chậm trễ.

Nếu viêm não do bệnh lý tự miễn, thì điều trị sẽ dựa vào các thuốc chống miễn dịch 

  • Corticosteroid.
  • IVIG.
  • Cyclophosphamide.

Thậm chí, có thể phẫu thuật cắt một bán cầu não (đối với viêm não rasmussen, cũng là một loại viêm não do rối loạn miễn dịch).

Cả chi phí chăm sóc tích cực, chi phí cho xét nghiệm nói chung đều rất đắt tiền và điều trị thường kéo dài. Trung bình một bệnh nhân nằm viện khoảng 11 ngày, kéo dài khi bệnh nặng hơn.

7. Làm sao để phòng ngừa viêm não? 

Như đã nêu, ta thấy không có một phương pháp điều trị hiệu quả cho đa số trường hợp virus gây viêm não. Do đó, người ta nhấn mạnh vào việc phòng ngừa chúng.

Phòng ngừa các loại virus bằng vaccine ở trẻ có thể giảm mạnh tỉ lệ mắc viêm não ở nhóm đối tượng này. Cụ thể là các vaccine ngừa:

  • Sởi.
  • Quai bị.
  • Rubella.
  • Cúm.
  • Thuỷ đậu.
  • Viêm não Nhật Bản.

Chích vaccine không giúp ngừa 100% các loại virus này ở trẻ. Nhưng ở trẻ đã chích vaccine, dù có mắc viêm não cũng có ít biến chứng hơn những trẻ không chích. 

Viêm não: Đe dọa đang trở lại?
Hãy cho trẻ chích ngừa viêm não

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Viêm não dù có tỉ lệ tử vong không quá cao nhưng để điều trị thì rất tốn kém. Dù bệnh nhân sống sót cũng có thể sẽ mang nhiều di chứng não bộ về sau.  Đừng để con cháu bạn phải bước qua chọn lọc tự nhiên, khi chính chúng ta đã và đang thay đổi cả thế giới. Hãy đi chích vaccine khi chưa quá muộn.

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Môi bé bị rách do đâu? Quan hệ bị rách môi bé có sao không?
Để có thể hiểu được nguyên nhân khiến môi bé bị rách, trước tiên bạn cần hiểu về cấu tạo và chức năng của môi bé là gì. Nội dung bài viết sẽ giúp bạn
Hình ảnh tin tức Trễ kinh nhưng không có thai là bệnh gì? Có nguy hiểm không?
Trễ kinh là hiện tượng sức khỏe mà nhiều phụ nữ thường gặp phải. Tuy nhiên, không phải lúc nào trễ kinh cũng đồng nghĩa với việc mang thai. Trễ kinh
Hình ảnh tin tức Huyết áp thấp là bao nhiêu và có nguy hiểm không?
Dù tình trạng huyết áp thấp cũng có khả năng gây ảnh hướng đến sức khỏe tương đương như huyết áp cao nhưng nhiều người vẫn chưa thật sự hiểu rõ huyết
Hình ảnh tin tức Giải đáp: Bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối sống được bao lâu?
Ung thư phổi được xếp vào nhóm các bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong hàng đầu trên thế giới. Cũng chính vì vậy mà nhiều bệnh nhân đặt câu hỏi rằng bệnh
Hình ảnh tin tức Bệnh lao phổi có nguy hiểm không? Biết để nghiêm túc điều trị
Trong số các thể bệnh lao thì lao phổi là phổ biến nhất, chiếm đến 80% trường hợp. Bởi vậy, thắc mắc xung quanh thể lao này rất phổ biến. Một trong