Viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày là gì? Điều trị như thế nào?

Viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày thường khởi phát bệnh ở tuổi trưởng thành, dù bệnh cũng có khả năng xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Vậy, nguyên nhân và triệu chứng bệnh thường gặp là gì? Điều trị bệnh như thế nào? Tất cả sẽ được YouMed hé lộ qua bài viết sau đây do ThS.BS Trần Quốc Phong biên soạn.

Bờ cong nhỏ dạ dày nằm ở đâu?

Dạ dày được chia thành nhiều phần. Phần trên dạ dày nối với thực quản bởi tâm vị. Phần dưới nối với tá tràng bởi môn vị. Giữa tâm vị và môn vị nối với nhau thành phần thân dạ dày phình ra ở giữa. Phần này có hai bờ nằm hai bên, bờ cong nhỏ bên phải và bờ cong lớn bên trái.

Bao phủ toàn bộ bề mặt trong dạ dày là lớp niêm mạc. Niêm mạc có nhiệm vụ bài tiết dịch vị, là hỗn hợp gồm HCl và enzyme pepsin. Vì một rối loạn nào đó, lớp niêm mạc dạ dày bị tổn thương. Tùy vào nơi tổn thương đó mà bệnh sẽ có tên theo từng vị trí tương ứng (viêm loét hang vị, môn vị, bờ cong nhỏ…).

Viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày là gì? Điều trị như thế nào?
Vị trí của bờ cong nhỏ dạ dày

Viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày là gì?

Viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày là tình trạng sưng nề, viêm, loét niêm mạc vùng bờ cong nhỏ do nhiễm trùng hoặc không nhiễm trùng.

Nguyên nhân

Theo quan niệm trước đây, viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày được giải thích theo cơ chế thần kinh. Nhưng ngày nay, viêm loét dạ dày nói chung do nhiều nguyên nhân khác nhau:

  • Nguyên nhân chính (trên 80% trường hợp viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày) là nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori.
  • Các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), corticosteroid.
  • Uống rượu nhiều và thường xuyên.

Ngoài ra, có một vài tác nhân ít phổ biến hơn cũng có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày:

  • Ăn uống không đúng giờ, nhai quá vội
  • Thường xuyên bỏ bữa, ăn các thức ăn chua, cay
  • Chấn thương
  • Nhiễm virus
  • Căng thẳng cực độ
  • Các bệnh tự miễn, hệ miễn dịch tấn công niêm mạc dạ dày
  • Bệnh Crohn (thường gặp ở các nước phương Tây)
  • Sử dụng các chất gây nghiện
  • Trào ngược dịch mật từ tá tràng
  • Ăn các chất có tính ăn mòn như thuốc độc
  • Biến chứng phẫu thuật
  • Suy thận
  • Đang sử dụng máy thở hoặc mặt nạ phòng độc
Viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày là gì? Điều trị như thế nào?
Ăn uống không đúng giờ cũng là một trong những yếu tố dẫn đến bệnh viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày

Triệu chứng

Triệu chứng điển hình nhất là đau vùng bụng trên (phía trên rốn). Có vài trường hợp vị trí đau lan lên xương ức, lan ra sau lưng. Tính chất đau thay đổi có lúc âm ỉ, có lúc dữ dội. Vào giai đoạn đầu (viêm), triệu chứng xuất hiện sau khi ăn no, do dạ dày bị sung huyết bị thức ăn chạm vào kích thích. Khi đã diễn tiến đến loét bệnh nhân đau cả khi đói và no.

Ngoài ra, buồn nôn và nôn cũng là các triệu chứng thường gặp. Do đau bụng kéo dài làm người bệnh chán ăn, mệt mỏi, ăn vào là nôn, mất ngủ triền miên. Lâu ngày bệnh nhân gầy sút, da xanh, kém linh hoạt, hay cáu gắt, lười suy nghĩ và có khuôn mặt buồn.

Các triệu chứng khác có thể gặp như:

  • Khó tiêu
  • Đi cầu phân đen
  • Nôn ra máu giống bã cà phê đã qua sử dụng
  • Cảm giác đầy bụng trên sau ăn
Viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày là gì? Điều trị như thế nào?
Đau hoặc khó chịu vùng thượng vị là triệu chứng thường gặp nhất

Chẩn đoán viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày

Các phương pháp hình ảnh học chẩn đoán bệnh thường được sử dụng ngày nay như:

  • Chụp dạ dày với thuốc cản quang: chụp 5 tư thế khác nhau. Người bệnh cần nhịn ăn để dạ dày rỗng trước khi chụp.
  • Nội soi dạ dày: để khảo sát niêm mạc dạ dày thông qua đầu nội soi có gắn camera nhỏ.

Các phương pháp chẩn đoán khác:

  • Tổng phân tích tế bào máu (công thức máu hoàn chỉnh CBC) để kiểm tra sức khỏe tổng thể.
  • Xét nghiệm máu, hơi thở hoặc nước bọt để định tính H.pylori.
  • Xét nghiệm phân tìm máu ẩn (FOBT).
  • Sinh thiết mô dạ dày bằng cách loại bỏ một mẩu nhỏ mô dạ dày và phân tích dưới kính hiển vi.

Điều trị viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày

Điều trị bằng thuốc

Có cả thuốc tự mua và thuốc kê toa cho viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày. Thông thường bác sĩ sẽ kết hợp nhiều loại thuốc nhằm tăng hiệu quả điều trị, như:

  • Thuốc kháng acid như Pepto-Bismol, TUMS, hoặc sữa Magie giúp trung hòa acid dạ dày. Những thuốc này có thể được chỉ định cho bất kỳ trường hợp viêm dạ dày nào. Liều dùng thường xuyên khoảng 30 phút một lần nếu cần.
  • Thuốc đối kháng H2 như famotidine (Pepcid) và cimetidine (Tagamet) làm giảm sản xuất acid dạ dày. Thường uống từ 10 đến 60 phút trước bữa ăn.
  • Thuốc ức chế bơm proton như omeprazole (Prilosec) và esomeprazol (Nexium) ức chế sản xuất acid dạ dày. Liều dùng theo khuyến cáo chỉ nên sử dụng 01 lần mỗi 24 giờ và dùng không quá 14 ngày.
  • Thuốc kháng sinh chỉ cần thiết nếu bệnh nhân viêm dạ dày do vi khuẩn như H.pylori. Thuốc kháng sinh phổ biến được dùng để điều trị những trường hợp này là amoxicillin, tetracyclin (không dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi) và clarithromycin.

Thuốc kháng sinh có thể được sử dụng kết hợp với thuốc ức chế bơm proton, thuốc kháng acid hoặc thuốc kháng H2. Quá trình điều trị thường kéo dài 10 ngày đến 4 tuần.

Bác sĩ cũng có thể khuyến nghị bệnh nhân ngưng dùng NSAIDs hoặc corticosteroid để theo dõi xem triệu chứng có thuyên giảm hay không. Tuy nhiên, không được tự ý ngừng dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Các phương pháp điều trị tại nhà

Thay đổi lối sống có thể làm giảm triệu chứng bệnh. Những thay đổi hữu ích bao gồm:

  • Tránh hoặc hạn chế uống rượu
  • Tránh thức ăn cay, đồ chiên và chua
  • Ăn nhiều bữa nhỏ
  • Tránh căng thẳng
  • Tránh dùng các loại thuốc gây kích ứng niêm mạc dạ dày như NSAIDs và aspirin

Viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày là một dạng của viêm loét dạ dày – tá tràng. Ngoài tuân thủ điều trị, bệnh nhân cần thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt, loại bỏ những thói quen xấu để thúc đẩy hiệu quả điều trị đạt tốt nhất. Nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường như đã nêu ra ở trên hoặc cảm thấy không an tâm, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn, thăm khám kịp thời.

Ths. Bs. CKI. Trần Quốc Phong

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức [Giải đáp thắc mắc]: Thai chết lưu bao lâu thì ra máu?
Thai chết lưu có thể được nhận biết bằng các dấu hiệu như thai không máy trong thời gian dài, chuột rút, chảy máu âm đạo… Vậy thai chết lưu bao lâu
Hình ảnh tin tức Bệnh tăng tiểu cầu có phải là ung thư máu không?
Ung thư máu là một bệnh lý nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được điều trị sớm. Bệnh này liên quan đến việc quá trình sản xuất các tế bào
Hình ảnh tin tức [Giải đáp thắc mắc] Nhịp tim 117 có nguy hiểm không?
“Nhịp tim 117 có nguy hiểm không?” là một câu hỏi quen thuộc mà nhiều người quan tâm khi gặp phải tình trạng nhịp tim bất thường. Trên thực tế, để
Hình ảnh tin tức Uống chanh mật ong có giảm mỡ máu không?
Mỡ máu cao hiện là một trong những tình trạng đáng báo động bởi không chỉ người lớn tuổi mà nhiều người trẻ cũng đang gặp phải. Mỡ máu cao gây ra
Hình ảnh tin tức Lỡ quan hệ khi mang thai tuần đầu có sao không?
Bạn thường nghe các chị em bầu bí mách nhau nên hạn chế chuyện chăn gối trong thời gian đầu thai kỳ. Thế nhưng, vì chưa biết được bản thân “cấu bầu”