Viêm khớp vảy nến: Nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị

Viêm khớp vảy nến là một trong những bệnh lý liên quan tới bệnh vảy nến. Vậy, cụ thể bệnh lý này sẽ biểu hiện như thế nào? Bệnh có nguy hiểm không? Cách điều trị bệnh là gì? Cùng tìm hiểu những thắc mắc trên qua bài viết dưới đây của Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo nhé!

Viêm khớp vảy nến là gì?

Viêm khớp vảy nến là một bệnh viêm khớp mạn tính liên quan đến bệnh vảy nến. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường xuất hiện ở người từ 30 – 50 tuổi.

Bệnh ảnh hưởng đến khoảng 30% số người mắc bệnh vảy nến.1 Trong nhiều trường hợp, viêm khớp vảy nến phát triển khoảng 10 năm sau khi người bệnh mắc vảy nến. Một số trường hợp khác phát triển viêm khớp vảy nến trước.2

Phân loại

Bệnh được chia thành 5 loại sau:3

  • Viêm khớp Oligoarticular không đối xứng.
  • Viêm đa khớp thường đối xứng.
  • Viêm khớp ngọn chi (khớp ngón xa).
  • Viêm khớp mutilans (bệnh lý phá hủy khớp nghiêm trọng với các biến dạng, đặc biệt là ở bàn tay và bàn chân).
  • Mô hình viêm cột sống dính khớp.

Nguyên nhân gây viêm khớp vảy nến

Miễn dịch, di truyền và môi trường là 3 yếu tố có mối liên quan chặt chẽ với quá trình sinh bệnh:4

  • Miễn dịch: gia tăng hoạt động của lympho T, bổ thể, đại thực bào, tế bào đơn nhân; gia tăng sản xuất các cytokines (IL 1β, IL 6, TNFα, v.v…), kháng thể kháng keratin.
  • Di truyền: các cặp song sinh và cận huyết thống có tỷ lệ di truyền cao. Có liên quan với kháng nguyên HLA B27, HLA B38, HLA B39, HLA DR4, HLA Cw6, HLA Dw3,…
  • Môi trường: sự nhiễm trùng (do Streptococcus, HIV,…), chấn thương được xem là yếu tố kích thích vảy nến và viêm khớp vảy nến phát triển.

Triệu chứng của viêm khớp vảy nến

Bệnh lý có thể phát triển chậm với các triệu chứng nhẹ, cũng có thể phát triển nhanh chóng và nghiêm trọng. Các triệu chứng thường gặp:2

  • Mệt mỏi.
  • Đau, nhức và sưng tấy trên gân.
  • Ngón tay, ngón chân sưng tấy.
  • Cứng, đau, nhức, sưng và đau ở một hoặc nhiều khớp.
  • Giảm phạm vi chuyển động.
  • Cứng khớp vào buổi sáng.
  • Móng tay thay đổi, chẳng hạn như rỗ móng hoặc móng tách khỏi nền.
  • Đỏ và đau mắt (viêm màng bồ đào).
Viêm khớp vảy nến: Nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị
Đau, cứng, sưng khớp,… là những biểu hiện của viêm khớp vảy nến

Những ai dễ mắc viêm khớp vảy nến?

Bệnh viêm khớp vảy nến có thể xảy ra ở bất kỳ ai. Nhưng một số nhóm đối tượng sau có thể có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:5

  • Người đã mắc bệnh vảy nến.
  • Người có tiền sử gia đình bị viêm khớp vảy nến.
  • Độ tuổi: Mặc dù bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh, nhưng bệnh phổ biến hơn ở độ tuổi từ 30 đến 55.

Viêm khớp vảy nến có nguy hiểm không?

Đây được coi là một căn bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, gây ra các biến chứng khác.

Những biến chứng đáng chú ý:3

  • Viêm màng bồ đào gây mờ, đau, đỏ,… mắt.
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh đi kèm, bao gồm hội chứng chuyển hóa: béo phì, đái tháo đường, tăng lipid máu, tăng huyết áp, bệnh tim mạch,…

Trường hợp người bệnh không được điều trị phù hợp và kịp thời, bệnh nhân có thể bị dính khớp ở tư thế xấu, đặc biệt khớp gối và khớp háng thường diễn ra rất sớm và bị tàn phế từ khi còn rất trẻ.4

Viêm khớp vảy nến: Nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị
Viêm khớp vảy nến có thể dẫn đến viêm màng bồ đào

Chẩn đoán viêm khớp vảy nến bằng cách nào?

1. Chẩn đoán qua tiêu chuẩn CASPAR4

Ở tiêu chuẩn CASPAR (CLASsification criteria for Psoriatic ARthritis), một người được chẩn đoán mắc viêm khớp vảy nến khi có bệnh lý viêm khớp và/hoặc cột sống, có từ 3 điểm trở lên theo cách tính sau:

  • Vảy nến đang hoạt động: 2 điểm.
  • Tiền sử vảy nến: 1 điểm.
  • Tiền sử gia đình vảy nến: 1 điểm.
  • Viêm ngón tay hay ngón chân (khúc dồi): 1 điểm.
  • Tiền sử viêm ngón tay – ngón chân: 1 điểm.
  • Tổn thương móng: 1 điểm.
  • Hình thành gai xương quanh khớp trên XQ RF (-): 1 điểm.

Tiêu chuẩn CASPAR có đạt độ nhạy 98,7%, độ đặc hiệu 91,4%.

Các yếu tố tiên lượng nặng gồm: viêm nhiều khớp, tổn thương khớp, bilan viêm tăng cao, giảm chất lượng sống, đáp ứng điều trị kém.

2. Chẩn đoán lâm sàng5

Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh qua các triệu chứng lâm sàng:

  • Kiểm tra dấu hiệu sưng, đau khớp.
  • Kiểm tra tình trạng rỗ, bong tróc, các bất thường khác của móng.
  • Kiểm tra các vùng nhạy cảm ở khu vực lòng bàn chân, gót chân.

3. Chẩn đoán bằng hình ảnh5

  • Chụp X – quang: giúp xác định chính xác những thay đổi ở khớp xảy ra trong viêm khớp vảy nến nhưng không xảy ra trong các tình trạng viêm khớp khác.
  • Chụp MRI: xác định được tình trạng mô cứng và mô mềm trong cơ thể người bệnh qua hình ảnh chi tiết. Chụp MRI cũng có thể kiểm tra các vấn đề về gân và dây chằng ở bàn chân, lưng dưới.

4. Chẩn đoán bằng xét nghiệm5

  • Xét nghiệm yếu tố thấp khớp (RF): RF là một kháng thể thường có trong máu của những người bị viêm khớp dạng thấp nhưng thường không có trong máu của người bệnh viêm khớp vảy nến. Xét nghiệm này giúp chẩn đoán phân biệt giữa hai bệnh lý trên.
  • Kiểm tra dịch khớp: một mẫu dịch nhỏ từ khớp bị ảnh hưởng – thường là khớp gối sẽ được lấy ra và xét nghiệm.

Điều trị

Hiện chưa có phương án điều trị dứt điểm viêm khớp vảy nến. Điều trị chủ yếu tập trung kiểm soát tình trạng viêm ở các khớp bị ảnh hưởng, giảm tình trạng đau đớn và biến chứng tàn tật, cũng như kiểm soát các thương tổn trên da.

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và khớp nào bị ảnh hưởng. Người bệnh có thể phải thử nhiều phương pháp điều trị khác nhau trước khi tìm được phương pháp điều trị phù hợp.

1. Thuốc kháng viêm không steroid4

Thuốc kháng viêm không steroid được chỉ định khi có viêm khớp, sử dụng một trong các loại sau: celecoxib, diclofenac, naproxen, piroxicam,…

2. Corticosteroid điều trị tại chỗ4

Corticosteroid điều trị tại chỗ (tiêm nội khớp, tiêm các điểm bám tận) được chỉ định với các khớp hoặc điểm bán gân còn sưng đau dù đã điều trị thuốc kháng viêm không steroid.

3. Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs) cổ điển4

Một số loại thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm có thể được sử dụng để điều trị viêm khớp vảy nến: Methotrexate, Sulfasalazine, Leflunomide, Cyclosporine,…

Một số trường hợp khi một loại DMARDs không hiệu quả, có thể phải phối hợp các loại DMARDs cổ điển với nhau.

4. Thuốc sinh học6

Thuốc sinh học là phương pháp điều trị nhắm đích, tác động chính xác hơn vào cơ chế gây viêm khớp vảy nến so với các phương pháp khác.

Hiện nay tại Việt Nam, thuốc sinh học điều trị bệnh vảy nến có các nhóm sau:

  • Ức chế TNF alpha.
  • Ức chế Interleukin 17.
  • Ức chế interleukin 12/23.
  • Ức chế interleukin 23.

Các thuốc sinh học hiện tại đều được sử dụng ở dạng tiêm dưới da hoặc truyền tĩnh mạch.

Viêm khớp vảy nến: Nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị
Thuốc sinh học là phương pháp điều trị tác động chính xác hơn vào nguyên nhân gây bệnh vảy nến

Những lưu ý khi chăm sóc người bệnh

Tuy chưa có phương pháp điều trị triệt để, nhưng người bệnh có thể thực hiện một số phương pháp để giúp hạn chế đợt bùng phát của bệnh:6

  • Bảo vệ khớp. Thay đổi cách bạn thực hiện các công việc hàng ngày có thể tạo ra sự khác biệt trong cảm giác. Ví dụ: sử dụng các tiện ích như dụng cụ mở lọ để vặn nắp lọ, nâng vật nặng bằng cả hai tay và đẩy cửa mở bằng cả cơ thể thay vì chỉ dùng tay.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh: điều này giúp giảm sức nặng cho khớp, giảm đau, tăng năng lượng và tăng khả năng vận động khớp.
  • Luyện tập thể dục vừa sức và đều đặn: các bài tập như đạp xe đạp, bơi lội, đi bộ, yoga, thái cực quyền,… có thể giúp khớp của linh hoạt, cơ bắp khỏe mạnh.
  • Bỏ thuốc lá: hút thuốc lá là yếu tố có thể khiến bệnh vảy nến trầm trọng hơn.
  • Hạn chế sử dụng rượu, bia: rượu, bia có thể làm giảm hiệu quả điều trị và tăng tác dụng phụ của một số loại thuốc.

Viêm khớp vảy nến là một căn bệnh mãn tính ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Tuy nhiên, với sự quan tâm và điều trị kịp thời, tình trạng bệnh có thể được kiểm soát và giúp bệnh nhân có cuộc sống tốt hơn.

VN2312215823

Read the original article at here.
Leave your comment

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Lỡ quan hệ khi mang thai tuần đầu có sao không?
Bạn thường nghe các chị em bầu bí mách nhau nên hạn chế chuyện chăn gối trong thời gian đầu thai kỳ. Thế nhưng, vì chưa biết được bản thân “cấu bầu”
Hình ảnh tin tức Xét nghiệm NIPT có cần nhịn ăn không? Cần lưu ý những gì?
Xét nghiệm NIPT là một xét nghiệm sàng lọc trước sinh giúp phát hiện sớm các dị tật của thai nhi. Vậy, mẹ bầu làm xét nghiệm NIPT có cần nhịn ăn như
Hình ảnh tin tức 6 cách kiềm chế ham muốn ở tuổi dậy thì và những điều cần biết!
Ở độ tuổi dậy thì, trẻ trải qua những thay đổi đáng chú ý về thể chất, cảm xúc và tâm sinh lý, bao gồm cả việc hình thành ham muốn tình dục. Cha mẹ
Hình ảnh tin tức Cảm giác quan hệ sau khi cắt bao quy đầu thế nào? Có giảm khoái cảm khi yêu không?
Cắt bao quy đầu là một thủ thuật y tế cần thiết thực hiện ở nam giới bị hẹp bao quy đầu. Dù mang lại nhiều lợi ích sức khỏe sau khi cắt bao quy đầu
Hình ảnh tin tức 3 cách nấu trà bí đao thơm ngon mát lành giải nhiệt ngày hè
Trà bí đao là thức uống mát lạnh, đem lại cảm giác sảng khoái giúp xua tan cái nóng ngày hè. Để có ly trà bí đao thơm ngon, hãy tham khảo 3 cách nấu