Viêm họng ở trẻ em và những điều cần biết

Viêm họng ở trẻ em không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé mà còn gây ra nhiều phiền toái cho phụ huynh. Làm sao để biết khi nào viêm họng trở nên nguy hiểm? Khi nào trẻ cần dùng thuốc? Làm sao để trẻ không viêm họng trở lại? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!

1. Thế nào là viêm họng?

1.1 Cấu tạo và chức năng của họng

Họng là một ống được cấu tạo bởi các cơ và màng. Ở đây có nhiều tổ chức hạch bạch huyết đóng vai trò miễn dịch của cơ thể. Họng là một cửa ngõ quan trọng thông nối cơ thể với môi trường ngoài. Nó có vai trò trong việc lưu thông không khí, thức ăn và cả miễn dịch. Vi khuẩn có thể đi từ miệng, mũi, thông qua họng vào đường hô hấp, đường tiêu hóa. Vì vậy, họng dễ bị tổn thương bởi nhiều tác nhân khác nhau.

1.2 Viêm họng nghĩa là gì?

Viêm là một phản ứng sinh lý của cơ thể. Mục đích của hiện tượng này là tự bảo vệ trước các tác nhân lạ, có thể gây hại. Tuy nhiên, khi viêm xảy ra quá mạnh mẽ có thể gây hại ngược lên chính các cơ quan. Từ đó gây ra những thay đổi trong cấu trúc và ảnh hưởng lên chức năng của cơ quan đó.

Viêm họng xảy ra khi có các yếu tố lạ tác động lên họng. Chúng có thể là vi khuẩn, virus gây bệnh, hóa chất độc hại, sự chà xát quá mức, chấn thương, dị vật như xương cá… Tùy vào tác nhân và cường độ cũng như thời gian tác động mà mức độ viêm sẽ thay đổi. Nhìn chung, khi viêm họng có xu hướng sưng lên, hẹp lại, ảnh hưởng đến hoạt động nuốt và hít thở của bệnh nhân.

Xem thêm: Viêm họng hạt là gì? Có dễ điều trị dứt điểm?

1.3 Viêm họng ở trẻ em có gì khác biệt?

Cơ thể trẻ chưa hoàn thiện, sức đề kháng còn yếu. Các tác nhân vi khuẩn, virus dễ xâm nhập và gây bệnh hơn so với người lớn. Đặc biệt với các trẻ quá nhỏ chưa đến tuổi tiêm phòng hoặc không được tiêm ngừa đầy đủ.

 Ngoài ra, trẻ có bản tính tò mò và hiếu động. Khi không được trông nom cẩn thận, trẻ có thể vô ý ngậm, nuốt các vật lạ dẫn đến hóc, vướng tại họng và đường thở gây viêm.

Trẻ còn quá nhỏ có thể không biểu lộ rõ ràng các triệu chứng. Nếu người lớn lơ là, không theo dõi kỹ, bệnh tình có thể bị bỏ sót và chuyển biến nhanh, nặng nề.

2. Nguyên nhân của viêm họng ở trẻ em

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng viêm họng mũi nói chung ở trẻ em. Sau đây là một số nhóm nguyên nhân.

2.1 Nguyên nhân thường gặp

  • Vi khuẩn, virus gây bệnh. Các tác nhân này có thể theo mùa hoặc không. Cảm lạnh và cảm cúm là hai bệnh cảnh thường gặp do những nhóm virus khác nhau gây ra. Một trong các tác nhân đáng chú ý là liên cầu khuẩn nhóm A gây viêm họng. Tác nhân này rất thường gặp ở trẻ em, đặc biệt vào mùa lạnh. Gần đây có COVID-19 là một nguyên nhân mới xuất hiện.
  • Viêm họng do kích thích. Tình trạng khô khốc ở vùng họng sẽ khiến niêm mạc tổn thương dẫn đến viêm họng. Thường gặp nhất vào lúc thời tiết lạnh. Thường xuyên ho sặc cũng khiến niêm mạc bị kích thích dẫn đến viêm.
  • Dị vật mắc ở vùng họng. Đôi khi, xương cá, hạt trái cây, mảnh đồ chơi có thể mắc ở họng trẻ và gây viêm.

Viêm họng ở trẻ em và những điều cần biết

  • Viêm họng do nuốt phải hóa chất độc hại.

2.2 Nguyên nhân hiếm gặp

  • Bệnh hệ thống do miễn dịch của cơ thể bị rối loạn. Nhóm bệnh này đặc trưng bởi các biểu hiện toàn thân, ít gặp. Nguyên nhân cụ thế có thể khó xác định và điều trị khó khăn.
  • Viêm họng do các bệnh lí ở những cơ quan khác. Đôi khi viêm họng không phản ánh một bệnh lí tại họng mà là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe khác, dễ bị bỏ qua. Viêm mủ ở răng, nướu (áp xe nướu răng), viêm hạch ở cổ tử cung và viêm tai giữa là các nguyên nhân có thể gặp phải ở trẻ em.
  • Nguyên nhân tâm lý. Một số trẻ em viêm họng dai dẳng dù không có bất kỳ vấn đề gì ở các cơ quan trong cơ thể. Sau khi thăm khám kỹ lưỡng và loại bỏ nhiều nguyên nhân, chẩn đoán tâm lý nên được xem xét. Đặc biệt khi trẻ có những biểu hiện giận dữ, lo lắng, căng thẳng liên quan với việc nuốt thường xuyên hay nuốt khó.

3. Những triệu chứng thường gặp

Tùy theo từng nguyên nhân mà các mức độ viêm và các triệu chứng kèm theo sẽ có những biểu hiện khác nhau. Nhìn chung, bệnh cảnh thường gặp là:

  • Đau họng với biểu hiện quấy khóc, bỏ bú, bỏ ăn. Nhìn thấy họng sưng đỏ.
  • Ho, có thể ho khan hay ho đàm.
  • Khàn tiếng.
  • Sổ mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi.
  • Sốt.
  • Thở nhanh.
  • Mệt mỏi, ủ rũ, lừ đừ.
  • Một số triệu chứng khác như nổi mẩn, phát ban, tiêu chảy, chảy dịch chảy mủ,… Tùy theo mức độ nặng, thời gian diễn tiến,… mà các nguyên nhân khác nhau có thể được xem xét.

4. Khi nào cần cho trẻ đi khám?

Nếu bé dưới ba tháng tuổi, hãy liên hệ bác sĩ ngay khi trẻ có dấu hiệu sốt hoặc viêm họng. Lứa tuổi này có thể gặp những tác nhân nguy hiểm với các triệu chứng rất mơ hồ. Vì vậy nên khó phát hiện kịp thời và dễ trở nặng.

Xem thêm: Trẻ sơ sinh nằm nghiêng khi ngủ có an toàn không?

Những triệu chứng sau đây có thể cảnh báo các tình trạng nguy hiểm cần can thiệp y khoa:

  • Bỏ bú.
  • Ngủ li bì.
  • Sốt từ 38.5oC trở lên. Đặc biệt sốt trở lại hoặc sốt dai dẳng không hạ dù đã đi khám và dùng thuốc trước đó.
  • Khó nuốt. Khó mở miệng.
  • Chảy nước dãi nhiều.
  • Có khối sưng to ở vùng cổ.
  • Tiếng thở trở nên kì lạ, có tiếng rít, khò khè hoặc giọng nói thay đổi.
  • Khó thở, biểu hiện bằng thở nhanh và rút lõm lồng ngực. Khi trẻ nằm yên, không quấy khóc, cha mẹ có thể quan sát vùng giữa ngực và bụng của trẻ. Vùng này lõm khi trẻ hít vào là một dấu hiệu nặng cần đi khám ngay.

Viêm họng ở trẻ em và những điều cần biết

  • Môi khô nứt, tím tái.
  • Cổ cứng.
  • Tiêu chảy.
  • Đi tiểu ít.
  • Có tiếp xúc với người nghi bệnh trước đó. Đặc biệt nếu ở nhà trẻ có bệnh nhi mới phát hiện hoặc đang có dịch cúm, dịch bạch hầu, dịch COVID-19,… tại địa phương.
  • Hoặc với bất kỳ triệu chứng nào không cải thiện sau 48h.

5. Phụ huynh cần làm gì khi trẻ viêm họng?

Khi trẻ có các triệu chứng trên đặc biệt có sốt, phụ huynh nên cho trẻ ở nhà. Đến nhà trẻ khi đang có triệu chứng có thể khiến mầm bệnh lây lan.

Theo dõi sát tình trạng của trẻ gồm bú, ăn, uống, tiêu tiểu, vẻ mặt, trạng thái tỉnh táo, chơi đùa hay ủ rũ. Ghi chú các mốc thời gian xảy ra triệu chứng. Cho trẻ đi khám kịp thời.

Giữ không khí ấm áp, thông thoáng và môi trường sạch sẽ trong nhà.

Đối với trẻ lớn đã ăn được, nên cho ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như súp, cháo. Tránh nêm nếm nhiều gia vị. Bạn có thể tham khảo thêm tại bài viết sau: Dinh dưỡng cho trẻ 6 tháng đến 2 tuổi

6. Những cách thức điều trị

Các phương pháp điều trị thay đổi tùy theo từng nguyên nhân. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng kháng sinh không nên được dùng đại trà cho trẻ. Hậu quả của việc này là kháng kháng sinh. Trong tương lai nếu gặp các tác nhân nguy hiểm thật sự, cơ thể trẻ có thể không dùng được kháng sinh thông thường, điều trị gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, một số kháng sinh có tác hại lớn đến cơ thể của trẻ.

Đa số các trường hợp viêm họng là do phản ứng tự bảo vệ của cơ thể trước các tác nhân thông thường. Nếu được hỗ trợ nâng cao thể trạng, trẻ có thể dần qua khỏi trong vòng một tuần. Bác sĩ có thể kê cho trẻ thuốc hạ sốt, thuốc co mạch làm giảm chảy dịch mũi nếu có. Kháng sinh sẽ được chỉ định sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng. Phụ huynh cần chú ý bù nước, cho ăn theo chế độ được tư vấn, giữ ấm để trẻ mau phục hồi.

7. Làm gì để trẻ không bị viêm họng thường xuyên?

Gia đình cần cẩn trọng với thực phẩm cũng như hóa chất để trong nhà. Chất độc hại cần để riêng, có nhãn mác và tránh xa tầm tay trẻ em.

Không nên để trẻ tự chơi một mình mà không có người lớn quan sát. Tránh cho trẻ đùa nghịch những đồ chơi nhỏ, dễ nuốt.

Khi trẻ ngoáy mũi, cho tay vào miệng, phụ huynh nên nhắc nhở cho trẻ hiểu rằng không nên làm.

Đối với trẻ đang đi mẫu giáo, hướng dẫn trẻ nhận biết các dấu hiệu bệnh của bạn bè và người xung quanh. Báo cho thầy cô giáo, ba mẹ và rửa tay sau khi tiếp xúc với người bệnh.

Viêm họng ở trẻ em và những điều cần biết

Rửa tay và tập cho trẻ rửa tay đúng cách với nước và xà phòng. Đây là cách tốt nhất để ngăn ngừa lây nhiễm và lan rộng mầm bệnh.

Viêm họng ở trẻ em là một trong những tình trạng sức khỏe rất thường gặp. Nguyên nhân và biểu hiện của viêm họng rất đa dạng, nhiều mức độ. Cần lưu ý rằng kháng sinh không nên dùng bừa bãi cho trẻ em. Đối với trẻ nhỏ, phụ huynh cần theo dõi sát trẻ chơi đùa, ăn uống. Rửa tay đúng cách, đúng thời điểm là một trong những biện pháp tốt nhất giúp cho trẻ lớn ngăn ngừa các mầm bệnh.

Lê Dương Linh

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Làm thế nào ổn định tâm lý sau khi đã đẩy lùi ung thư vú giai đoạn sớm?
Người bệnh ung thư vú có thể gặp phải các vấn đề tâm lý vì một số lý do như không chắc chắn về hiệu quả điều trị, các triệu chứng thực thể, sợ tái
Hình ảnh tin tức 4 lưu ý người bệnh cần biết sau điều trị ung thư vú giai đoạn sớm
Ung thư vú là loại ung thư có tỉ lệ mắc cao nhất và là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trong các bệnh ung thư ở phụ nữ trên toàn cầu. Theo
Hình ảnh tin tức Giải đáp nhanh băn khoăn về cách “thích ứng” với những thay đổi của cơ thể và lịch thăm khám sau điều trị ung thư vú
Sau khi kết thúc thời gian điều trị, người bệnh ung thư vú sẽ dần quay lại với cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian hồi phục sau
Hình ảnh tin tức Mẹ sau sinh mổ bao lâu thì ăn uống bình thường?
Việc có một chế độ dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phục hồi cho phụ nữ sau sinh, nhất là các mẹ sinh mổ.
Hình ảnh tin tức Khi quan hệ nam và nữ ai dễ hưng phấn, thỏa mãn hơn? Khám phá cảm giác khi “yêu” của hai phái
Thông thường, trong những “cuộc yêu”, phái mạnh thường đóng vai trò là người chủ động. Chính vì vậy mà nhiều người thắc mắc khi quan hệ nam và nữ ai