Viêm họng hạt ở trẻ em: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Viêm họng là tình trạng lớp niêm mạc vùng hầu họng, amidan sưng đỏ, viêm nhiễm làm cho trẻ có cảm giác đau họng, khó nuốt. Chính vấn đề này sẽ dẫn đến việc biến ăn, khó chịu, quấy khóc cho trẻ làm quý phụ huynh lo lắng và phiền lòng. Dù hầu hết các đợt viêm họng diễn ra cấp tính, có một số ít trẻ có thể bị viêm họng tái đi tái lại hoặc viêm họng mạn tính, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Viêm họng hạt là một dạng biểu hiện của viêm họng mạn tính, và việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân cũng như tình trạng bệnh. Vậy nguyên nhân của viêm họng hạt ở trẻ em là gì? Khi nào quý phụ huynh cần đưa trẻ đến khám vì viêm họng hạt? Điều trị viêm họng hạt có những phương pháp nào? Hãy cùng BS. Huỳnh Nguyễn Anh Thư tìm câu trả lời trong bài viết sau đây nhé.

Tổng quan về viêm họng hạt ở trẻ em

Viêm họng hạt chỉ là một dạng biểu hiện của viêm họng mạn. Một cách đơn giản đây là tình trạng viêm thành sau họng kéo dài, khiến các mô lympho thành sau họng sưng lên, tạo thành các hạt. Kích thước của các hạt này có thể to nhỏ khác nhau.1

Tuy viêm họng là vấn đề thường gặp tại các phòng khám, và nguyên nhân chủ yếu là do siêu vi hoặc liên cầu khuẩn. Nhưng diễn tiến của viêm họng ở trẻ em thường cấp tính. Chỉ có một tỉ lệ nhỏ diễn tiến tái phát nhiều lần hoặc mạn tính tạo nên tình trạng viêm họng hạt.1

Dù viêm họng mạn không có định nghĩa chính xác, hầu hết các bác sĩ tai mũi họng và nhi khoa thường lấy mốc 3 lần/ năm cho tình trạng viêm họng tái phát, viêm họng kéo dài trên 3 tháng cho viêm họng mạn.1

Viêm họng hạt ở trẻ em: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Tình trạng viêm mạn tính, mô lympho sưng tạo thành các hạt

Nguyên nhân viêm họng hạt ở trẻ em

­Nguyên nhân gây viêm họng hạt thường gặp nhất là nhiễm trùng: có thể nhiễm siêu vi tái đi tái lại hoặc nhiễm vi khuẩn. Trong trường hợp đã điều trị kháng sinh đủ ngày theo hướng dẫn của bác sĩ, mà triệu chứng vẫn còn diễn tiến. Hoặc có quá nhiều lần tái phát viêm họng trong một năm gây nên tình trạng viêm họng hạt, các nguyên nhân khác có thể nghĩ tới như:2

Trào ngược dạ dày thực quản

Việc dịch dạ dày mang tính acid khi trào ngược sẽ làm kích thích và viêm niêm mạc vùng hầu họng

Viêm họng hạt ở trẻ em: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Hình ảnh niêm mạc viêm, tạo hạt, hình lát đá trong viêm thanh quản hầu họng do trào ngược

Dị ứng hoặc các bệnh có liên quan đến dị ứng

Ví dụ viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan là bệnh gây ra bởi bất thường hệ miễn dịch trong cơ thể. Các tế bào bạch cầu tập trung tại lớp niêm mạc và lớp cơ thực quản, hầu họng gây viêm mạn tính kéo dài, và có thể gây các biến chứng nguyên trọng.

Khói thuốc lá, ô nhiễm môi trường

Khói thuốc, khói từ xe cộ khi trẻ hít vào vùng mũi họng sẽ kích thích đường thở gây viêm. Sống trong một môi trường ô nhiễm, hoặc có người trong gia đình hút thuốc lá có nguy cơ gây viêm họng kéo dài, viêm họng hạt.

Các nguyên nhân hiếm gặp khác

Các bệnh lý miễn dịch, bệnh lý tiêu hóa kéo dài,… cũng có thể gây viêm họng ở trẻ.

Triệu chứng viêm họng hạt ở trẻ em

Triệu chứng viêm họng do nhiễm trùng2

1. Nhiễm siêu vi

  • Ho, đau họng, nuốt khó.
  • Đau đầu.
  • Mệt mỏi.
  • Sổ mũi, chảy dịch mũi sau.
  • Viêm kết mạc mắt.
  • Amidan sưng đỏ.

2. Nhiễm vi khuẩn

  • Đau họng đột ngột dữ dội.
  • Sốt cao.
  • Ít hoặc không ho.
  • Có hạch cổ sưng đau.
  • Khám họng có mủ quanh amidan hoặc chấm xuất huyết quanh thành sau họng.
  • Buồn nôn.
  • Đau bụng.
Viêm họng hạt ở trẻ em: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm amidan mủ do liên cầu tiêu huyết beta nhóm A
Viêm họng hạt ở trẻ em: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Chấm xuất huyết thành sau họng trong viêm họng do liên cầu tiêu huyết beta nhóm A

Triệu chứng do trào ngược dạ dày thực quản2

Khi bị trào ngược dạ dày thực quản dẫn đến viêm họng, trẻ có thể có những triệu chứng sau:

  • Ợ hơi, ợ chua.
  • Cảm giác nóng rát sau xương ức.
  • Đầy hơi, khó tiêu.
  • Kèm suyễn, khò khè.
  • Viêm mũi xoang.
  • Viêm phổi tái đi tái lại.

Triệu chứng các bệnh liên quan tới dị ứng, miễn dịch2

Cụ thể là tình trạng viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan dẫn đến viêm họng ở trẻ sẽ có biểu hiện sau:

  • Chán ăn.
  • Nôn.
  • Nuốt khó, đây là triệu chứng có thể nhầm với nuốt đau và đau họng.
  • Ợ nóng.

Biểu hiện viêm họng ở trẻ do khói thuốc lá, ô nhiễm môi trường2

  • Triệu chứng nổi bật là đau họng, rát họng khi nuốt.
  • Các triệu chứng khác do các bệnh có thể liên quan như viêm mũi dị ứng, suyễn.
  • Không kèm sốt.

Hiện nay, có một số phụ huynh nhầm lẫn giữa sỏi amidan và viêm họng hạt. Sỏi amidan hay bã đậu amidan chỉ là tình trạng các bã thức ăn mắc lại trong các hốc của amidan. Môi trường này tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây hôi miệng.

Viêm họng hạt ở trẻ em: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Sỏi amidan thường bị nhầm lẫn với viêm họng hạt

Dù việc viêm họng mạn tính, viêm họng hạt, viêm amidan quá phát là điều kiện thuận lợi để thức ăn bám lại tại hầu họng tạo sỏi. Nhưng có sỏi không đồng nghĩa với viêm họng, và thường không có điều trị đặc hiệu ngoài việc vệ sinh răng miệng sạch sẽ và lấy sỏi amidan, hoặc cắt amidan nếu các điều trị khác không hiệu quả.

Điều trị/Xử lý tại nhà viêm họng hạt ở trẻ em

Điều trị viêm họng hạt thay đổi tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này.2

Thông thường khi viêm họng tái phát do siêu vi đơn thuần sẽ tự hồi phục, một số thuốc phụ huynh có thể tự mua tại các nhà thuốc tây như paracetamol sẽ làm giảm sốt và đau. Liều paracetamol từ 10-15 mg/kg/ lần cho cả đường uống và đường đặt hậu môn. Quý phụ huynh chỉ nên cho bé uống mỗi 6 – 8 giờ, tối đa 4 lần 1 ngày. Thuốc có thể dùng được ở trẻ sơ sinh.

Các nguyên nhân khác đều cần điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy vậy, phụ huynh vẫn có thể hỗ trợ giảm đau họng cho trẻ tại nhà. Các biện pháp làm giảm các triệu chứng tại nhà như sau:2

  • Xây dựng cho trẻ chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
  • Uống đủ nước, uống nước ấm.
  • Giữ không khí trong phòng ẩm vừa phải.
  • Súc miệng bằng nước muối sinh lý.
  • Thay bàn chải đánh răng sạch sẽ.
  • Giữ vệ sinh răng miệng, đánh răng ít nhất 3 lần/ngày.
Viêm họng hạt ở trẻ em: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Vệ sinh răng miệng đúng cách sẽ giúp trẻ cải thiện triệu chứng viêm họng hạt

Khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ?

Phụ huynh cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ khi có một trong các dấu hiệu sau hoặc khi các triệu chứng nặng dần, không hết hẳn sau 10 ngày, hoặc không đáp ứng với điều trị đã cho ban đầu:2

  • Nuốt khó hoặc đau dữ đội khi nuốt.
  • Trẻ biếng ăn, bỏ bú, nôn tất cả mọi thứ.
  • Trẻ không uống được.
  • Trẻ khó thở, tím tái.
  • Nổi ban toàn thân.
  • Trẻ khó mở miệng.
  • Thay đổi giọng nói.

Chẩn đoán và điều trị viêm họng hạt ở trẻ em

Các phương pháp chẩn đoán

Thăm khám

Như đã nói, viêm họng hạt là một dạng của viêm họng mạn tính. Tiêu chuẩn chẩn đoán mạn tính hay tái phát không được thống nhất. Thường lấy 3 lần viêm họng/ năm làm mốc tái phát hoặc viêm họng kéo dài trên 3 tháng là viêm họng mạn.

Việc chẩn đoán sẽ dựa vào đợt khám họng thấy niêm mạc viêm, sung huyết, các mô lympho phì đại tạo hạt, amidan sưng to.

Các xét nghiệm cần thực hiện

Xét nghiệm trong viêm họng hạt thường ít được sử dụng. Có thể cấy mủ amidan tìm tác nhân nếu điều trị kháng sinh ban đầu không đáp ứng.

Khi nghi ngờ các nguyên nhân không do nhiễm trùng gây viêm họng. Chỉ định cận lâm sàng phụ thuộc vào các triệu chứng khác gợi ý và đề nghị của bác sĩ lâm sàng. Có thể siêu âm bụng tổng quát, nội soi thực quản dạ dày tá tràng,…

Điều trị dựa vào nguyên nhân gây viêm họng

Nhiễm trùng

Thông thường các bác sĩ hiện nay quan tâm đến tác nhân liên cầu tiêu huyết beta nhóm A (GAS). Vì vi khuẩn này gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm cầu thận cấp, viêm khớp, thấp tim. Đối với viêm họng mạn do vi khuẩn, GAS kháng thuốc chỉ là một trong các nguyên nhân và thường gây ra các biến chứng nghiêm trọng, toàn thân. Ngoài ra còn có thể do các vi khuẩn khác như lậu cầu, Hib, Chlamydia pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae,… Kháng sinh điều trị cần phù hợp với tác nhân gây nhiễm trùng. Thuốc kháng sinh sẽ được bác sĩ kê đơn và chỉ định liều lượng uống. Quý phụ huynh không được tự ý mua thuốc kháng sinh cho trẻ.1

Trào ngược dạ dày thực quản

Điều trị trào ngược bao gồm điều trị không dùng thuốc và điều trị dùng thuốc. Thuốc thường được dùng là thuốc ức chế bơm proton (PPIs). Điều trị cụ thể bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em sẽ được thông tin đến quý phụ huynh trong các bài viết khác.

Miễn dịch dị ứng như viêm thực quản tăng eosinophil

Điều trị nền tảng là thuốc ức chế miễn dịch. Đây là bệnh lý hiếm, chuyên sâu, cần trao đổi với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa.

Các nguyên nhân môi trường

Nếu bệnh xuất phát từ nguyên nhân trẻ tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi,… phụ huynh có thể làm những điều sau để phòng ngừa và giảm triệu chứng:2

  • Giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường.
  • Tránh cho trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây kích thích như khói bụi, khói thuốc lá,…

Khi viêm họng tái đi tái lại nhiều lần, bác sĩ có thể có chỉ định phẫu thuật cắt amidan, VA.2

Cách phòng ngừa viêm họng hạt ở trẻ em

Dựa vào nguyên nhân gây viêm họng hạt, phụ huynh có thể giảm nguy cơ trẻ bị viêm họng bằng cách:2

  • Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng, hoặc dung dịch rửa tay nhanh thường xuyên và đúng cách.
  • Đeo khẩu trang, đặc biệt là khi tiếp xúc gần người bị ho, sốt, sổ mũi, hắt hơi.

Đối với trẻ bị nhiễm siêu vi hô hấp hoặc nhiễm khuẩn hô hấp:

  • Tránh tiếp xúc với người hút thuốc lá.
  • Tránh dùng chung ly uống nước,.. với người khác.
  • Giữ môi trường sống sạch sẽ, tránh khói bụi, tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại như thuốc xịt côn trùng, nước lau sàn, nhang,…

Viêm họng hạt là một vấn đề về sức khỏe của bé khiến quý phụ huynh lo lắng, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và cuộc sống thường ngày. Tuy vậy, hiểu rõ về bệnh và tuân thủ đúng điều trị của bác sĩ, viêm họng hạt ở trẻ em sẽ cải thiện tốt. Giữ gìn vệ sinh cho các bé thật tốt và xây dựng một môi trường sống lành mạnh sẽ giúp bảo vệ các bé khỏi viêm họng hạt.

Nguồn: youmed.vn

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Sau khi hút thai có nên đi lại nhiều? Chị em cần chú ý những gì sau hút thai?
Sau khi hút thai cơ thể chị em phụ nữ sẽ mất lượng máu, buồng tử cung, vùng kín có thể bị tổn thương ít nhiều. Do đó để tạo điều kiện cho tử cung,
Hình ảnh tin tức Dấu hiệu viêm phổi nặng ở người lớn tuổi - nhận biết để bảo vệ tính mạng
Viêm phổi là bệnh lý hô hấp nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến nhiều người ở mọi độ tuổi. Theo thống kê năm 2019, số người tử vong do viêm phổi là
Hình ảnh tin tức [Giải đáp] Chi phí xét nghiệm tiểu đường thai kỳ hết bao nhiêu tiền?
Tiểu đường thai kỳ là một vấn đề sức khỏe khi mang thai không quá hiếm gặp. Do đó, ngoài việc thắc mắc nên xét nghiệm tiểu đường thai kỳ ở đâu để có
Hình ảnh tin tức Ăn bưởi có giảm cân không? Chế độ ăn kiêng với bưởi liệu có hiệu quả?
Có thể bạn đã từng nghe nhiều người truyền miệng nhau cách ăn bưởi để giảm cân hiệu quả và an toàn. Song thực tế thì sao? Ăn bưởi có giúp bạn giảm
Hình ảnh tin tức Tại sao gội đầu xong vẫn có gàu, vẫn bị ngứa?
Tại sao gội đầu xong vẫn có gàu, vẫn bị ngứa? Đây là câu hỏi chung của nhiều người khi đối mặt với tình trạng gàu xuất hiện liên tục trên da đầu dù đã