Viêm dạ dày HP: Những điều bạn cần biết

Helicobacter pylori (HP) chiếm hơn 50% nguyên nhân gây viêm loét dạ dày – tá tràng trên toàn thế giới. Vậy, viêm dạ dày HP là gì? Làm thế nào để điều trị và phòng ngừa bệnh? Tất cả sẽ được hé lộ qua bài viết của ThS.BS Trần Quốc Phong ngay sau đây.

Viêm dạ dày HP là gì?

Vi khuẩn HP (tên khoa học: Helicobacter pylori) là nhóm vi khuẩn sinh sống và phát triển trong dạ dày người. Hơn 80% người nhiễm HP không có triệu chứng và HP được xem như đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái dạ dày tự nhiên. Sở dĩ, HP có thể tồn tại trong môi trường acid dạ dày là vì chúng có khả năng tiết ra enzyme Urease trung hòa acid xung quanh.

Viêm dạ dày HP là tình trạng dạ dày nhiễm HP và bị loài vi khuẩn này tấn công gây viêm mạn hoặc loét dạ dày. Một số trường hợp có thể loét lan xuống đại tràng, hoặc phát triển thành ung thư dạ dày.

Viêm dạ dày HP: Những điều bạn cần biết
Viêm dạ dày HP phổ biến trên toàn thế giới, xuất hiện ở cả nam và nữ

Triệu chứng của bệnh

80% người nhiễm HP không triệu chứng. Dù chưa rõ cơ chế, nhưng có nhiều bằng chứng khoa học ủng hộ khả năng chống lại sự tấn công của HP bẩm sinh từ nhiều người.

Khi các dấu hiệu hoặc triệu chứng xuất hiện, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện như:

  • Đau hoặc nóng rát ở bụng
  • Đau bụng nghiêm trọng hơn khi đói
  • Buồn nôn
  • Chán ăn, ăn không ngon
  • Ợ hơi thường xuyên
  • Bụng phình to
  • Giảm cân không chủ ý

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Hãy tìm đến bác sĩ khi các triệu chứng dai dẳng làm bạn lo lắng, khó chịu. Tuy nhiên, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu bạn có ít nhất một trong các biểu hiện sau:

  • Đau bụng dữ dội hoặc dai dẳng
  • Nuốt khó
  • Phân có máu hoặc màu đen như hắc ín
  • Chất nôn có máu hoặc màu đen, hoặc chất nôn như bã cà phê
Viêm dạ dày HP: Những điều bạn cần biết
Hãy đến gặp bác sĩ nếu có biểu hiện đau bụng dữ dội và dai dẳng

Nguyên nhân

Nguyên nhân viêm dạ dày HP chủ yếu là do lây truyền từ người này sang người khác. Đặc biệt ở những người không rửa tay sau khi đi vệ sinh. Ngoài ra vi khuẩn có thể lây qua hôn, tiếp xúc gần. Bệnh có tính chất tập thể như trong gia đình, viện dưỡng lão và các cơ sở tập trung khác.

Những đường lây chính của vi khuẩn bao gồm:

  • Đường miệng – miệng: đường lây truyền chủ yếu của HP. Sự lây lan xảy ra khi có tiếp xúc nước bọt hay dịch tiêu hóa giữa người bệnh và người lành. Thông thường, trong gia đình có người nhiễm HP thì những người còn lại cũng có nguy cơ mắc bệnh rất cao.
  • Đường phân – miệng: vi khuẩn đào thải qua phân và đây chính là nguồn lây ra cộng đồng. Nguyên nhân chủ yếu do thói quen ăn đồ sống của Việt Nam và thải phân ra môi trường tự nhiên.
  • Đường khác: bệnh nhân có thể bị lây nhiễm từ việc được khám chung các thiết bị y tế như: nội soi dạ dày, soi tai mũi họng, các dụng cụ nha khoa. Vì vậy, hãy đến khám ở những cơ sở y tế được trang bị đầy đủ vật tư hiện đại, đảm bảo vệ sinh, an toàn cho người bệnh.

Ai có nguy cơ mắc bệnh?

Một vài yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc viêm dạ dày HP ở một người bao gồm:

  • Sống trong điều kiện đông đúc
  • Sống trong điều kiện thiếu hoặc không có nguồn nước sạch
  • Sống tại các quốc gia đang phát triển
  • Sống chung với người nhiễm HP

Cách điều trị viêm dạ dày HP

Điều trị diệt vi khuẩn HP được chỉ định đối với các trường hợp: bệnh nhân viêm dạ dày HP, viêm loét dạ dày – tá tràng, ung thư dạ dày đã được điều trị, thiếu máu thiếu sắt, xuất huyết giảm tiểu cầu…

Điều trị dự phòng vi khuẩn HP khi: gia đình có người ung thư dạ dày, polyp dạ dày, viêm dạ dày do sử dụng NSAIDs kéo dài, hoặc người có mong muốn loại trừ HP.

Riêng đối với bệnh viêm dạ dày HP, phương pháp điều trị chủ yếu là kết hợp thuốc kháng sinh và thuốc ức chế bơm proton (PPI).

Thuốc ức chế bơm proton là nhóm thuốc làm giảm sản xuất acid dạ dày. Nhóm thuốc này bao gồm: lansoprazole, omeprazole, pantoprazole, rabeprazole, hoặc esomeprazole. Thường kết hợp cùng 2 loại kháng sinh, có thể thêm bismuth subsalicylate để tiêu diệt vi khuẩn. Các loại kháng sinh thường dùng: amoxicillin, clarithromycin, metronidazole và tetracycline.

Tác dụng phụ thường gặp ở các thuốc ức chế bơm proton là tiêu chảy, táo bón, đau đầu. Các thuốc kháng sinh có thể thay đổi mùi vị, tiêu chảy, buồn nôn. Bismuth subsalicylate có thể gây táo bón, sẫm màu ở lưỡi và phân.

Sau quá trình điều trị, các bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm hơi thở, xét nghiệm phân hoặc nội soi dạ dày nhằm đảm bảo hiệu quả tiệt trừ vi khuẩn. Các xét nghiệm này thường được làm trong vòng 4 tuần sau khi điều trị.

Viêm dạ dày HP: Những điều bạn cần biết
Phác đồ điều trị kết hợp giữa thuốc ức chế bơm proton và kháng sinh

Biến chứng của bệnh

Các biến chứng liên quan đến viêm dạ dày HP bao gồm:

  • Tạo vết loét: H.pylori có thể phá hủy lớp niêm mạc dạ dày và ruột non. Tình trạng này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho acid dạ dày tấn công tạo ra vết loét. Tỷ lệ người nhiễm HP bị loét dạ dày chiếm khoảng 10%.
  • Viêm dạ dày mạn tính: do nhiễm HP thời gian dài không điều trị hoặc tái đi tái lại nhiều lần.
  • Ung thư dạ dày: nhiễm HP là một yếu tố nguy cơ mạnh đối với ung thư dạ dày.

Cách phòng ngừa

Có nhiều cách phòng ngừa nhiễm HP nói chung và viêm dạ dày HP nói riêng, bao gồm:

  • Tránh thói quen chấm chung bát nước chấm, gắp thức ăn cho nhau và thổi thức ăn cho con trẻ.
  • Ăn uống sạch sẽ, hợp vệ sinh, đúng giờ. Hạn chế sử dụng rượu bia, thức ăn chua, cay. Không ăn no ngay trước khi đi ngủ.
  • Tránh căng thẳng, lo âu.
  • Không tự ý sử dụng kháng sinh tùy tiện.

Khi có cảm giác khó chịu đường tiêu hóa, hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ sẽ cho chỉ định tầm soát HP sớm nhất, đặc biệt ở người trên 40 tuổi.

Viêm dạ dày HP là bệnh phổ biến ở cả nam và nữ. Ngoài tuân thủ điều trị, bệnh nhân cần sinh hoạt và ăn uống lành mạnh hơn. Phương pháp điều trị chủ yếu là sử dụng thuốc kết hợp thay đổi lối sống.

Ths. Bs. CKI. Trần Quốc Phong

 

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Môi bé bị rách do đâu? Quan hệ bị rách môi bé có sao không?
Để có thể hiểu được nguyên nhân khiến môi bé bị rách, trước tiên bạn cần hiểu về cấu tạo và chức năng của môi bé là gì. Nội dung bài viết sẽ giúp bạn
Hình ảnh tin tức Trễ kinh nhưng không có thai là bệnh gì? Có nguy hiểm không?
Trễ kinh là hiện tượng sức khỏe mà nhiều phụ nữ thường gặp phải. Tuy nhiên, không phải lúc nào trễ kinh cũng đồng nghĩa với việc mang thai. Trễ kinh
Hình ảnh tin tức Huyết áp thấp là bao nhiêu và có nguy hiểm không?
Dù tình trạng huyết áp thấp cũng có khả năng gây ảnh hướng đến sức khỏe tương đương như huyết áp cao nhưng nhiều người vẫn chưa thật sự hiểu rõ huyết
Hình ảnh tin tức Giải đáp: Bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối sống được bao lâu?
Ung thư phổi được xếp vào nhóm các bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong hàng đầu trên thế giới. Cũng chính vì vậy mà nhiều bệnh nhân đặt câu hỏi rằng bệnh
Hình ảnh tin tức Bệnh lao phổi có nguy hiểm không? Biết để nghiêm túc điều trị
Trong số các thể bệnh lao thì lao phổi là phổ biến nhất, chiếm đến 80% trường hợp. Bởi vậy, thắc mắc xung quanh thể lao này rất phổ biến. Một trong