Ung thư vòm họng giai đoạn đầu: dấu hiệu và cách điều trị

Ung thư vòm họng là một trong các bệnh lý ung thư vùng đầu cổ thường gặp. Đây là căn bệnh thường khó phát hiện ở giai đoạn sớm vì các triệu chứng thường rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường vùng tai mũi họng. Một khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn và có tiên lượng xấu. Vậy ung thư vòm hầu vòm họng là gì, làm sao để nhận biết và chẩn đoán bệnh sớm, các phương pháp điều trị như thế nào, hãy cùng xem bài viết dưới đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Kiến Thái để trang bị thêm cho bản thân các kiến thức về căn bệnh này nhé!

Tổng quan về ung thư vòm họng

Định nghĩa về ung thư vòm họng

Hầu họng là đoạn cơ kéo dài từ phía sau mũi xuống đến cổ, gồm 3 đoạn liên tục với nhau theo thứ tự từ trên xuống là vòm hầu, khẩu hầu và hạ hầu.

Ung thư vòm họng (hay ung thư vòm hầu) là loại bệnh lý ác tính của tế bào biểu mô vùng vòm họng, chính là vị trí nằm phía sau mũi và phía trên cổ họng. Đây là loại ung thư có tỉ lệ mắc bệnh khác nhau tùy theo khu vực địa lý.

Bệnh rất hiếm gặp ở Mỹ và các nước châu Âu nhưng lại xảy ra nhiều hơn các nơi khác, đặc biệt là châu Á. Trung Quốc và Hong Kong là khu vực có tỉ lệ mắc ung thư vòm họng cao nhất thế giới. Khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có xu hướng mắc ung thư vòm họng ngày càng tăng.1

Ung thư vòm họng giai đoạn đầu: dấu hiệu và cách điều trị
Cấu trúc giải phẫu vùng hầu họng và vị trí của vòm hầu

Nguyên nhân ung thư vòm họng

Ung thư bắt đầu khi một hoặc nhiều đột biến di truyền khiến các tế bào bình thường phát triển ngoài tầm kiểm soát, xâm lấn các cấu trúc xung quanh và cuối cùng lây lan (di căn) đến các bộ phận khác của cơ thể. Trong ung thư biểu mô vòm họng, quá trình này bắt đầu trong các tế bào vảy nằm trên bề mặt của vòm họng.

Nguyên nhân chính xác gây ra đột biến gen dẫn đến ung thư biểu mô vòm họng vẫn chưa được biết rõ. Mặc dù các yếu tố, chẳng hạn như virus Epstein-Barr, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư này đã được xác định.

Tuy nhiên, đến nay chúng ta vẫn không rõ tại sao một số người có tất cả các yếu tố nguy cơ nhưng lại không bao giờ phát triển ung thư, trong khi những người khác không có yếu tố nguy cơ rõ ràng thì lại mắc ung thư.

Các nhà nghiên cứu đã xác định một số yếu tố có vẻ làm tăng nguy cơ phát triển ung thư biểu mô vòm họng, bao gồm:2

1. Giới tính

Ung thư biểu mô vòm họng phổ biến ở nam giới hơn phụ nữ.

2. Chủng tộc

Loại ung thư này phổ biến hơn ở người dân các khu vực của Trung Quốc, Đông Nam Á và Bắc Phi. Tại Hoa Kỳ, những người nhập cư châu Á có nguy cơ mắc loại ung thư này cao hơn so với những người gốc Á gốc Mỹ. Những người nhập cư ở Alaska cũng có nguy cơ mắc ung thư vòm họng cao hơn.

3. Tuổi tác

Ung thư vòm họng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng bệnh thường được chẩn đoán nhiều nhất ở người lớn trong độ tuổi từ 30 đến 50.

4. Thực phẩm chứa muối

Các hóa chất được giải phóng trong hơi nước khi nấu các thực phẩm chứa muối, chẳng hạn như cá và rau củ bảo quản, có thể xâm nhập vào khoang mũi, làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô vòm họng. Tiếp xúc với những hóa chất này khi còn nhỏ có thể làm tăng nguy cơ nhiều hơn.

5. Virus Epstein-Barr

Loại virus phổ biến này thường gây ra các dấu hiệu và triệu chứng nhẹ, chẳng hạn như cảm lạnh. Virus Epstein-Barr cũng có liên quan đến một số bệnh lý ung thư hiếm gặp, bao gồm ung thư vòm họng.

6. Tiền sử gia đình

Có một thành viên trong gia đình bị ung thư biểu mô vòm họng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

7. Rượu và thuốc lá

Uống nhiều rượu và sử dụng thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư biểu mô vòm họng.

Ung thư vòm họng có mấy giai đoạn?

Ung thư vòm họng được phân chia theo giai đoạn từ giai đoạn 0 (giai đoạn sớm nhất) đến giai đoạn IV (giai đoạn muộn nhất). Con số càng thấp có nghĩa là ung thư càng ít xâm lấn và di căn đến các cơ quan khác của cơ thể.3

  • Giai đoạn 0 được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ.
  • Giai đoạn I là ung thư vòm họng giai đoạn đầu, tế bào ung thư còn khu trú tại vòm họng, chưa di căn đến các hạch bạch huyết hoặc các cơ quan xa của cơ thể.
  • Giai đoạn II là ung thư vòm họng có thể đã lan đến các mô và hạch bạch huyết lân cận nhưng chưa lan đến các cơ quan xa của cơ thể.
  • Giai đoạn III và IV được coi là bệnh tiến triển hơn vì kích thước khối u, mức độ lan rộng đến các mô lân cận, các hạch bạch huyết và/hoặc các cơ quan xa của cơ thể.

Trong giai đoạn đầu, các tế bào ung thư vẫn còn khu trú tại vị trí vòm họng hoặc có thể lan lên hốc mũi hoặc lan xuống vùng khẩu hầu. Lúc này tế bào ung thư vẫn chưa di căn đến các hạch bạch huyết vùng cổ hoặc di căn xa theo đường máu đến các cơ quan khác. Nếu phát hiện bệnh khi còn ở giai đoạn đầu, khả năng điều trị khỏi bệnh sẽ cao và tiên lượng sống còn rất tốt.

Triệu chứng ung thư vòm họng giai đoạn đầu

Ung thư vòm họng thường rất khó để phát hiện sớm. Điều này có thể vì vòm họng là vùng khó tiếp cận, không dễ để thăm khám. Bên cạnh đó các triệu chứng của ung thư vòm họng rất dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của các bệnh lý phổ biến khác.

Trong giai đoạn đầu, ung thư biểu mô vòm họng có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Các triệu chứng đáng chú ý có thể có của ung thư vòm họng bao gồm:2

  • Một khối u ở cổ do một hoặc nhiều hạch bạch huyết sưng lên, thường không biết mất sau 3 tuần.
  • Máu trong nước bọt.
  • Chảy máu mũi.
  • Nghẹt mũi hoặc ù tai.
  • Mất thính lực (thường là một bên tai).
  • Nhiễm trùng tai thường xuyên.
  • Viêm họng.
  • Nhức đầu.

Nếu không được phát hiện kịp thời khi ở giai đoạn đầu, các tế bào ung thư sẽ phát triển và xâm lấn các cấu trúc lân cận. Ung thư vòm họng tiến triển có thể gây ra các biến chứng nếu nó phát triển đủ lớn để xâm lấn các cấu trúc lân cận, chẳng hạn như cổ họng, xương và não.2

Hầu hết những người bị ung thư vòm họng đều có di căn hạch vùng. Điều này có nghĩa là các tế bào ung thư từ khối u ban đầu đã di chuyển đến các khu vực lân cận, chẳng hạn như các hạch bạch huyết ở vùng cổ. Nổi hạch cổ là một trong các triệu chứng thường gặp nhất đối với bệnh lý ung thư vòm hầu.2

Ung thư vòm họng giai đoạn đầu: dấu hiệu và cách điều trị
Cấu trúc giải phẫu vùng hầu họng và vị trí của vòm hầu

90% các trường hợp có di căn hạch vùng cổ tại thời điểm chẩn đoán bệnh, trong đó 50% các trường hợp di căn hạch ở cả hai bên cổ. Ở giai đoạn muộn hơn, tế bào ung thư di căn đến các khu vực khác của cơ thể (gọi là di căn xa) như xương, phổi và gan. Hạch vùng cổ là một trong những triệu chứng thường gặp của ung thư vòm hầu.2

Chẩn đoán ung thư vòm họng giai đoạn đầu

Đầu tiên, để chẩn đoán xác định một người có mắc ung thư vòm họng hay không, cần phải tiến hành thăm khám và thực hiện các quy trình chẩn đoán, bao gồm:

Thăm khám

Chẩn đoán ung thư biểu mô vòm họng thường bắt đầu bằng khám tổng quát. Bác sĩ sẽ đặt câu hỏi về các triệu chứng của người bệnh, kiểm tra vùng hầu họng, đồng thời khám vùng cổ để tìm xem có hạch bạch huyết hay không.

Nội soi tai mũi họng

Nếu nghi ngờ có tổn thương vòm họng, bác sĩ sẽ đề nghị nội soi tai mũi họng để kiểm tra. Xét nghiệm này sử dụng một ống mỏng, linh hoạt, có camera ở đầu để quan sát bên trong vòm họng của bạn và tìm kiếm các bất thường. Máy có thể được đưa qua mũi của bạn hoặc qua lỗ mở ở phía sau cổ họng dẫn đến vòm họng của bạn. Nội soi mũi có thể yêu cầu gây tê tại chỗ.

Sinh thiết một mẫu tế bào nghi ngờ

Bác sĩ trong quá trình nội soi tai mũi họng nếu phát hiện tổn thương nghi ngờ sẽ thực hiện sinh thiết một mẫu mô nhỏ để xét nghiệm xem người bệnh có mắc ung thư hay không.

Sau khi đã chẩn đoán xác định ung thư biểu mô vòm họng, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm khác để xác định mức độ của ung thư hay giai đoạn của bệnh, chẳng hạn như xét nghiệm hình ảnh học. Các xét nghiệm này có thể bao gồm: chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), hoặc chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET).2

Chụp cắt lớp vi tính đầu cổ là hình ảnh học đầu tay và quan trọng trong chẩn đoán ung thư vòm hầu, cho phép đánh giá tương đối chính xác tính chất của khối u, mức độ xâm lấn các cấu trúc xung quanh như khẩu hầu, khoang mũi, khoang cạnh hầu, nền sọ,… từ đó giúp chẩn đoán giai đoạn bệnh cũng như  lập kế hoạch xạ trị. Cộng hưởng từ vùng đầu cổ có thể nhận biết rõ giới hạn u và đánh giá xâm lấn tổ chức phần mềm lân cận tốt hơn chụp cắt lớp vi tính, đặc biệt trong trường hợp xâm lấn nhu mô não, nhờ đặc điểm đối quang của tổ chức phần mềm rất cao và có thể tạo hình ảnh trên nhiều mặt phẳng khác nhau.

Ngoài ra, một số các xét nghiệm khác cũng có thể giúp ích cho việc chẩn đoán ung thư vòm hầu như kiểm tra thính lực, các xét nghiệm để kiểm tra tình trạng nhiễm virus Epstein-Barr,…

Điều trị ung thư vòm họng giai đoạn đầu

Trước khi bắt đầu quá trình điều trị, người bệnh và bác sĩ điều trị sẽ thảo luận với nhau để lập kế hoạch điều trị dựa trên các yếu tố:

  • Giai đoạn bệnh.
  • Mục tiêu điều trị.
  • Tình trạng sức khỏe hiện tại của người bệnh.
  • Các bệnh lý khác đi kèm.

Hai phương pháp điều trị chính đối với ung thư vòm họng là xạ trị và hóa trị:2 4

  • Xạ trị là sử dụng các tia bức xạ để tiêu diệt các tế bào ung thư trong khi hóa trị sẽ sử dụng các thuốc hóa chất.
  • Hóa trị có thể được sử dụng dưới dạng viên uống hoặc truyền tĩnh mạch hoặc cả hai.

Điều trị kết hợp hóa trị và xạ trị trong ung thư vòm họng gồm có 3 hình thức:2 4

  • Hóa trị cùng lúc với xạ trị (còn gọi là hóa xạ trị đồng thời).
  • Hóa trị trước khi xạ trị.
  • Hóa trị sau khi xạ trị.

Phẫu thuật thường không được sử dụng trong điều trị ung thư vòm họng vì đây là khu vực rất khó tiếp cận bằng phẫu thuật. Tuy nhiên đối với những trường hợp tái phát chỉ tại vị trí hạch vùng cổ, phẫu thuật có thể là phương pháp điều trị được lựa chọn.2 4

Xem thêm: Ung thư vòm họng có chữa được không?

Phương pháp xạ trị

Đối với ung thư vòm họng giai đoạn đầu, xạ trị là phương thức điều trị chính. Xạ trị đơn thuần được các tổ chức ung thư lớn trên thế giới khuyến cáo sử dụng hơn so với việc kết hợp thêm hóa trị. Bởi vì xạ trị có thể kiểm soát tốt tổn thương tại chỗ mà lại tránh được các tác dụng phụ của hóa trị.5

Xạ trị chỉ kết hợp với hóa trị đối với các giai đoạn trễ hơn khi bệnh ung thư tiến triển hơn. Một nghiên cứu được thực hiện trên 3000 bệnh nhân ung thư biểu mô vòm hầu giai đoạn đầu được xạ trị đơn thuần bằng kỹ thuật xạ trị điều biến cường độ (IMRT) có tỷ lệ sống còn toàn bộ 5 năm lên đến hơn 93%.5

Xạ trị ngoài4

Phương pháp xạ trị được sử dụng chủ yếu là xạ trị ngoài, có nghĩa là nguồn phát tia từ bên ngoài cơ thể. Trong quá trình xạ trị, người bệnh nằm trên bàn và một chiếc máy lớn sẽ chuyển động xung quanh, tập trung phát các chùm bức xạ năng lượng cao vào khu vực cần điều trị một cách chính xác.

Một hình thức xạ trị ngoài tiên tiến hiện nay được sử dụng trong điều trị ung thư vòm họng gọi là xạ trị điều biến cường độ (IMRT). Cụ thể, các chùm tia bức xạ có cường độ khác nhau được chiếu tập trung vào khối u từ nhiều góc độ khác nhau. Điều này giúp tối đa hóa liều lượng phân phối đến khối u, đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng đến các mô cơ quan lành xung quanh.

Xạ trị ngoài thường được thực hiện trong các đợt ngắn, mỗi ngày một lần từ thứ hai đến thứ sáu và có khoảng thời gian nghỉ vào hai ngày cuối tuần. Xạ trị trong điều trị ung thư vòm họng thường được thực hiện trong thời gian tối đa 7 tuần. Người bệnh sẽ không cần phải ở lại bệnh viện qua đêm giữa các lần xạ trị.

Xạ trị trong4

Đôi khi, một phương pháp xạ trị khác gọi là xạ trị trong có thể cần thiết kết hợp với xạ trị ngoài hoặc nếu ung thư vòm họng tái phát trở lại sau khi điều trị ban đầu. Một nguồn phóng xạ được đưa vào bên trong hoặc gần khu vực bị ung thư và để nguyên tại chỗ trong khoảng thời gian từ vài phút đến vài ngày. Do đó, người bệnh có thể phải nằm viện trong một thời gian ngắn.

Ung thư vòm họng giai đoạn đầu: dấu hiệu và cách điều trị
Hệ thống máy xạ trị gia tốc

Những cách cải thiện tình trạng bệnh giai đoạn đầu

Điều quan trọng nhất đối với ung thư vòm họng là phát hiện bệnh ngay từ khi bệnh còn ở giai đoạn sớm. Các triệu chứng ban đầu của ung thư vòm họng có thể không phải lúc nào cũng khiến bạn phải đến gặp bác sĩ.

Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi bất thường và dai dẳng nào trong cơ thể có vẻ không phù hợp với bạn, chẳng hạn như nghẹt mũi bất thường, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị.2

Tuân thủ phác đồ điều trị

Trong suốt quá trình xạ trị, người bệnh cần tuân thủ phác đồ xạ trị do bác sĩ điều trị hướng dẫn, phải đến bệnh viện để xạ trị đều đặn theo lịch, tránh gián đoạn xạ trị gây ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Bản thân xạ trị không gây đau đớn, tuy nhiên trong quá trình xạ trị, nó có thể có một số tác dụng phụ đáng kể, chẳng hạn như:

  • Da đỏ và đau ở vùng điều trị.
  • Cảm thấy mệt mỏi.
  • Thay đổi khẩu vị.
  • Khô miệng.
  • Rụng tóc.

Những tác dụng phụ này thường là tạm thời, nhưng một số có thể vĩnh viễn. Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị khi gặp những tác dụng phụ này để được tư vấn và can thiệp điều trị sớm.

Tái khám định kỳ đúng hẹn

Sau khi quá trình điều trị kết thúc, người bệnh sẽ cần phải tái khám định kỳ cũng như thực hiện các xét nghiệm hình ảnh học để theo dõi sự phục hồi của các tác dụng phụ cấp tính do xạ trị, phát hiện các tác dụng phụ muộn do xạ trị cũng như kiểm tra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng ung thư tái phát trở lại.4

Trong thời gian đầu, những lần tái khám sẽ diễn ra vài tuần hoặc vài tháng một lần, nhưng dần dần sẽ trở nên ít thường xuyên hơn theo thời gian, từ vài tháng đến một năm một lần.

Tóm lại, ung thư vòm họng là loại ung thư vùng đầu cổ khá thường gặp, đặc biệt là ở các quốc gia châu Á. Đây là một bệnh lý ung thư có thể chữa khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, các triệu chứng của ung thư vòm họng giai đoạn đầu khá mơ hồ, không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của các bệnh lý khác ở vùng tai mũi họng. Do đó, người bệnh cần đến bệnh viện để được thăm khám và kiểm tra khi nhận thấy bản thân có bất cứ những triệu chứng bất thường của vùng tai mũi họng. Đối với ung thư biểu mô vòm họng giai đoạn đầu, xạ trị là phương pháp điều trị chủ yếu và có hiệu quả cao, giúp kéo dài thời gian sống còn cho người bệnh.

Nguồn: youmed.vn

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Ngâm chân cho bà bầu: 4 cách làm nước ngâm chân và lưu ý cần nhớ
Theo các chuyên gia, việc ngâm chân cho bà bầu với nước ấm và một số thảo dược vào mỗi tối có thể giúp đôi chân được thư giãn, giảm phù và tăng cường
Hình ảnh tin tức Cường giáp kiêng ăn gì? Thận trọng với 7 thực phẩm thường gặp
Cường giáp là bệnh thường gặp ở phụ nữ với nhiều biến chứng nguy hiểm như rung tâm nhĩ, loãng xương, suy tim sung huyết, đột quỵ… Do đó, điều quan
Hình ảnh tin tức Hé lộ 4 dấu hiệu nhận biết phụ nữ lâu ngày không quan hệ
Đối với phụ nữ, quan hệ tình dục không chỉ mang đến những cảm xúc thăng hoa mà còn tác động tích cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Thế nhưng,
Hình ảnh tin tức Thuốc huyết áp uống ngày 2 lần được không?
Huyết áp cao là bệnh mạn tính cần phải điều trị suốt đời để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như bệnh tim, đột quỵ, giảm thị lực, bệnh thận mạn tính
Hình ảnh tin tức Tại sao bôi kem chống nắng bị vón cục? Làm sao để khắc phục?
Ngày nay, việc sử dụng kem chống nắng đã trở thành bước bắt buộc phải có trong chế độ chăm sóc hằng ngày. Tuy nhiên, nhiều “sự cố” khi bôi kem chống