Ung thư vòm họng có lây không?

Ung thư vòm họng có lây giống như các bệnh lý tai mũi họng khác không? Đó là câu hỏi nhiều bệnh nhân và người nhà thắc mắc khi biết đến căn bệnh này, có thể do đây là ung thư nằm ở vùng mũi – họng, vốn có nhiều bệnh có thể lây qua đường hô hấp. Để trả lời câu hỏi này, trước tiên chúng ta sẽ tìm hiểu sơ lược về bệnh lý ung thư vòm họng và những vấn đề liên quan. Hãy cùng Bác sĩ Nguyễn Kinh Kha tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Tổng quan về ung thư vòm họng

Định nghĩa ung thư vòm họng

Ung thư vòm họng là ung thư xuất phát từ vị trí vòm họng (hay vòm hầu, hầu mũi) – là vị trí họng nằm sau mũi và phía trên hầu miệng, nơi thức ăn và nước uống đi qua để vào dạ dày.1

Ung thư vòm họng có lây không?
Giải phẫu vùng hầu: ung thư vòm họng (hay vòm hầu), xảy ra ở vị trí 1/3 trên của vùng hầu (màu tím)
Ung thư vòm họng có lây không?
U vòm họng nhìn thấy qua nội soi tai mũi họng

Yếu tố nguy cơ

Yếu tố nguy cơ là bất kì yếu tố nào mà khi nó hiện diện sẽ làm tăng khả năng mắc một bệnh, ở đây cụ thể là ung thư vòm họng. Các yếu tố nguy cơ của ung thư vòm họng bao gồm:

1. Hút thuốc lá

Người đang và đã từng hút thuốc lá đều tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng. Ở Anh Quốc, có đến 25% số ca ung thư vòm họng có liên quan đến thuốc lá. Số lượng hút càng nhiều và thời gian hút càng lâu thì nguy cơ càng cao.2

Hai phân tích tổng hợp lớn được thực hiện tại Trung Quốc (một trong những vùng có tỉ lệ mắc ung thư vòm họng cao nhất thế giới) vào năm 2013 và 2017 đều cho thấy nguy cơ mắc ung thư vòm họng tăng khoảng 60% ở người hút thuốc lá so với người không hút.3 4

Tuy có quan hệ nhân quả, nhưng hút thuốc lá lại không phải là yếu tố nguy cơ chính của ung thư vòm họng, như trong các ung thư khác vùng đầu – cổ (như ung thư hốc miệng, ung thư thanh quản,…).5

2. Chế độ ăn

Ung thư vòm họng có tỉ lệ mắc cao hơn ở vùng châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, so với phần còn lại của thế giới. Thậm chí ung thư vòm họng còn được gọi là ung thư Quảng Đông (một tỉnh của Trung Quốc, nơi có tần suất mắc rất cao). Điều này trước đây được cho là do có liên quan mật thiết tới chế độ ăn thịt/cá khô và các sản phẩm ướp muối (cải muối, dưa muối) – vốn rất phổ biến ở các vùng này. Những thực phẩm này chứa rất nhiều nitrats và nitrits, tiền chất hình thành nitrosamine – một chất hóa học có thể tổn thương các tế bào trong cơ thể.5

Cơ quan quốc tế nghiên cứu về ung thư (IARC) đã xếp thịt/cá khô ướp muối kiểu Trung Quốc là một nguyên nhân gây ra ung thư vòm họng.6

Ung thư vòm họng có lây không?
Các loại thịt muối Trung Quốc – rất phổ biến vùng Quảng Đông

Tuy nhiên gần đây, một nghiên cứu lớn được thực hiện trên nhóm dân số có nguy cơ cao ung thư vòm hậu cũng tại Trung Quốc lại cho thấy ảnh hưởng không quá đáng kể của các loại thực phẩm này trên ung thư vòm họng.5

3. Di truyền

Nhiều nghiên cứu chuyên sâu về di truyền học cho thấy có mối liên quan giữa ung thư vòm họng và các biến thể khác nhau của gen quy định HLA (một phức hợp kháng nguyên trên bạch cầu người).5

4. Nhiễm EBV (Epstein-Barr virus)

EBV (Epstein-Barr virus hay Human Herpes Virus 4) là một virus gây ra bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn. Thường có ở mọi người do nhiễm bắt đầu từ lúc nhỏ và không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.7

Mặc dù hầu hết người nhiễm EBV sẽ hồi phục hoàn toàn nhưng nhiều nghiên cứu đã chứng minh EBV có liên quan đến ung thư vòm họng, ung thư hạch (lymphoma) và ung thư dạ dày, đặc biệt là nhiễm ở giai đoạn sơ sinh và trẻ nhỏ.8

Hầu hết các tế bào ung thư vòm họng khi được xét nghiệm đều chứa các phần của EBV. EBV tiềm ẩn hoặc không hoạt động có thể gây ra sự nhân rộng của các tế bào khối u, có thể khởi phát hoặc làm trầm trọng thêm nguy cơ ung thư vòm họng. Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ của ung thư vòm họng có thể do sự tái kích hoạt EBV tiềm ẩn.9

Ung thư vòm họng có lây không?
Tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn do nhiễm EBV với các triệu chứng: viêm họng, sưng hạch, lách to, viêm gan

5. Các bệnh nhiễm trùng khác

Nhiều tác nhân nhiễm trùng khác như HPV (Human Papillomavirus), virus viêm gan B và viêm gan C cũng là yếu tố nguy cơ của ung thư vòm họng, mặc dù không có mối tương quan rõ ràng như EBV.10 11

6. Các yếu tố môi trường, nghề nghiệp

Chất formaldehyde (thường dùng trong công nghiệp sản xuất chế tạo nhựa, sơn), bụi mạt cưa gỗ cũng có liên quan đến tỉ lệ mắc ung thư vòm họng cao hơn.12 13

Triệu chứng

Người bệnh ung thư vòm họng có thể đến gặp bác sĩ với nhiều triệu chứng, tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, vị trí bướu. Dấu hiệu ung thư vòm họng có thể kể đến như:14

  • Nói khó.
  • Chảy máu mũi thường xuyên.
  • Đau đầu.
  • Sờ được khối vùng mũi hoặc cổ.
  • Khó thở.
  • Nghẹt mũi.
  • Nghe kém, ù tai.
  • Đau họng.
  • Nổi hạch cổ.

Tuy nhiên do vòm họng nằm sâu nên các dấu hiệu này thường phát hiện muộn. Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn có một trong những triệu chứng này, đặc biệt khi nó kéo dài hơn 3 tuần.

Ung thư vòm họng có lây không?

Có thể khẳng định rằng ung thư vòm họng không phải là bệnh truyền nhiễm, vì vậy không lây từ người này sang người khác khi tiếp xúc qua các đường sau:

  • Hôn môi.
  • Dùng chung chén, muỗng, đũa, bàn chải đánh răng.
  • Quan hệ tình dục (kể cả quan hệ tình dục không có sử dụng bao cao su).
  • Dính máu.
  • Chạm vào da người bệnh.
  • Sử dụng chung nhà vệ sinh.
  • Hít thở chung không khí trong một phòng kín.

Ung thư nói chung hay ung thư vòm họng nói riêng là bệnh do tổn thương, đột biến xảy ra trong DNA (vật chất di truyền từ bố mẹ cho con cái). Những tế bào bị tổn thương này nhân chia và cuối cùng hình thành một khối tế bào vô tổ chức – gọi là ung thư. Ung thư chỉ có thể di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác trong cùng cơ thể người bệnh (gọi là di căn) chứ không chuyển từ người này sang người khác (gọi là lây, truyền nhiễm). Nếu tế bào ung thư vòm họng bằng một trong các đường trên lây sang cơ thể của một người khỏe mạnh, hệ miễn dịch sẽ chiến đấu chống lại và đào thải tế bào ung thư đó ra khỏi cơ thể.15

Như đã đề cập ở trên, EBV, HPV và một số tác nhân lây truyền khác, là các yếu tố nguy cơ của ung thư vòm họng và chúng có thể lây từ người này sang người khác. Tuy nhiên, yếu tố nguy cơ không nói lên tất cả. Có một, thậm chí nhiều yếu tố nguy cơ, không có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ mắc ung thư vòm họng. Ngược lại, nhiều người không có bất kì yếu tố nguy cơ nào cũng có thể mắc bệnh. Nhiễm EBV rất phổ biến, hầu hết trẻ em đã từng một lần nhiễm virus này nhưng tần suất ung thư vòm họng lại không nhiều.

Những người trong cùng gia đình, hoặc sinh sống chung cùng mắc ung thư vòm họng có thể do di truyền hoặc do cùng chia sẻ các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống, thức ăn như các thành viên trong gia đình cùng có thói quen ăn thịt/cá khô, dưa muối hoặc đồng nghiệp cùng tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ nghề nghiệp (formaldehyde,..) trong thời gian lâu dài.5

Cách duy nhất để một tế bào ung thư lây từ người này sang người khác là hiến tạng, khi mà cơ thể tiếp nhận đang ở trong tình trạng suy giảm miễn dịch do dùng một số loại thuốc giúp tránh đào thải cơ quan được hiến. Tuy nhiên điều này rất hiếm khi xảy ra, đặc biệt là khi người mắc bệnh ung thư không nằm trong nhóm đối tượng có thể hiến tạng. Tương tự, các ngân hàng máu cũng không chấp nhận máu từ người bệnh ung thư, mặc dù không có bằng chứng nào chứng tỏ ung thư nói chung và ung thư vòm họng nói riêng có thể lây truyền qua đường máu.

Cách phòng ngừa ung thư vòm họng

Do các yếu tố nguy cơ của ung thư vòm họng (ngoại trừ nhiễm EBV) ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy không có mối tương quan quá chặt chẽ với tỉ lệ mắc bệnh, nên việc loại bỏ hoàn toàn các yếu tố nguy cơ này (như ngừng thuốc lá, ngừng uống rượu,…) không chắc có thể giảm nguy cơ của ung thư vòm họng hay không.

Hạn chế rượu bia, thuốc lá

Mặc dù không có bằng chứng chứng minh mối liên hệ chặt chẽ giữa hút thuốc, rượu bia liên quan đến ung thư vòm họng. Tuy nhiên hút thuốc lá và uống rượu đã được chứng minh rõ ràng có liên quan nhiều loại ung thư khác (ung thư gan, ung thư phổi, ung thư tụy,…) cũng như các vấn đề sức khỏe khác có liên quan đến vùng hầu họng (viêm họng, viêm amidan,…) nên việc tránh sử dụng chúng cũng có nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh

Các loại thực phẩm tẩm ướp muối với nồng độ cao như đã trình bày ở trên làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng. Vì vậy bạn nên cắt giảm hoặc không sử dụng chúng, thay bằng các sản phẩm thịt tươi sống. Điều này có thể giảm số ca mắc ung thư vòm họng. Mặc dù chưa có bằng chứng từ một nghiên cứu lớn nào.

Tuy nhiên điều này có thể chứng minh qua thực tế, con cháu của người dân ở các vùng có tỉ lệ mắc ung thư vòm họng cao như Quảng Đông (Trung Quốc), Hồng Kông, Nam Phi di cư đến quốc gia khác như Mỹ và thay đổi chế độ ăn theo kiểu Mỹ có tỉ lệ ung thư vòm họng giảm đi đáng kể.16

Về virus EBV

EBV có thể được coi là yếu tố nguy cơ rõ ràng nhất với ung thư vòm họng. Các nhà khoa học từ Trung Tâm Sức khỏe Quốc Gia Hoa Kỳ (NIH) cũng như nhiều trung tâm y sinh học khác trên thế giới đang tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm vaccine phòng EBV. Mục đích ‘à để giảm tỷ lệ mắc bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn và các bệnh tự miễn – ác tính có liên quan EBV. Tuy nhiên cho đến hiện tại vẫn đang trong quá trình thực hiện và chưa có kết quả chính thức.17

Một điều đáng lưu ý là hiệu quả bảo vệ và ngăn ngừa ung thư vòm họng của các loại trái cây tươi và rau củ quả đã được báo cáo bởi nhiều nghiên cứu lẻ tẻ và một nghiên cứu lớn cũng tại Trung Quốc.18

Khả năng chống viêm, chống oxy hóa, kháng nitrosamine của các loại thực phẩm màu đỏ vàng (cà rốt, cam, quýt…), lá xanh có thể là giúp đảo ngược quá trình tác động của các yếu tố nguy cơ kể trên, vì thế có hiệu quả bảo vệ, mặc dù có nhiều tác động có thể gây nhiễm đến quá trình nghiên cứu.

Ung thư vòm họng có lây không?
Một số biện pháp có thể có hiệu quả phòng ngừa ung thư vòm họng

Ung thư vòm họng là ung thư khá thường gặp ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Các yếu tố nguy cơ có liên quan đến ung thư vòm họng. Có thể kể đến như chế độ ăn thực phẩm ướp nhiều muối, hút thuốc lá, nhiễm EBV,… Ung thư vòm họng không phải là bệnh truyền nhiễm nên không lây từ người này sang người khác. Chính vì vậy không nên cách ly hoặc xa lánh người bị ung thư vòm họng. Để hạn chế nguy cơ mắc ung thư vòm họng, một số biện pháp có thể thực hiện bao gồm: ngưng hút thuốc lá, hạn chế sử dụng các thực phẩm thịt/cá khô, cải muối chua, thay đổi sang chế độ ăn đa dạng rau xanh, hoa quả tươi.

Nguồn: youmed.vn

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Giấy quỳ tím thử nước ối: Cách hay để phân biệt nước ối với nước tiểu?
Hiện trên một số group cộng đồng bầu bí, nhiều mẹ thường chia sẻ với nhau “bảo bối” giấy quỳ tím thử nước ối và cách sử dụng loại giấy này khi có nghi
Hình ảnh tin tức Cách xử lý khi trẻ bị kiến ba khoang đốt và những lưu ý cần nhớ
Khi mùa mưa đến, trẻ có thể đối mặt với nhiều mối nguy từ côn trùng, đặc biệt là kiến ba khoang. Trẻ bị kiến ba khoang đốt có thể gặp phải những hậu
Hình ảnh tin tức Thuốc Oracortia có dùng được cho trẻ em không? Cách dùng ra sao?
Oracortia là thuốc giúp giảm viêm, sưng đau hiệu quả, thường được dùng để điều trị nhiệt miệng. Thế nhưng, vì đây là một loại thuốc thuộc nhóm
Hình ảnh tin tức Uống nước mía mỗi ngày có tốt không? Cần lưu ý những gì?
Nước mía không chỉ là thức uống xua tan cơn khát trong những ngày oi bức mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Chính vì vậy mà nhiều người lựa chọn
Hình ảnh tin tức Tìm hiểu tiểu đường tuýp 1 2 3 là gì? Tuýp nào nặng nhất?
Tiểu đường là bệnh lý mạn tính cần phải được kiểm soát suốt đời. Vì bệnh có nhiều tuýp với một số đặc điểm khác nhau nên việc điều trị cũng có sự khác