Ung thư tế bào vảy: Triệu chứng và cách điều trị

Ung thư tế bào vảy là loại ung thư phổ biến và đang có xu hướng gia tăng. Mặc dù đây là một vấn đề sức khỏe đáng ngại đối với người Âu Mỹ, nhưng căn bệnh này còn khá xa lạ với người dân châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng. Vậy bản chất của dạng ung thư này là gì, có triệu chứng và cách điều trị ra sao, ảnh hưởng lên sức khỏe như thế nào? Hãy cùng YouMed tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Ung thư tế bào vảy là gì?

Sơ lược tổng quan

Tên gọi đầy đủ của căn bệnh này là ung thư biểu mô tế bào vảy (SCC). Ngoài ra nó còn có một tên gọi khác là ung thư tế bào gai. Đây là dạng ung thư da phổ biến thứ hai trên thế giới, chiếm 20% trong các loại ung thư da và xếp thứ hai sau ung thư biểu mô tế bào đáy.

Tế bào vảy (tế bào gai) là những lớp tế bào nằm trong lớp thượng bì của da. Chúng góp phần làm nên hàng rào bảo vệ da. Khi gen của các tế bào này bị đột biến, chúng có thể tăng sinh không kiểm soát gây ra ung thư.

Ung thư tế bào vảy: Triệu chứng và cách điều trị
Hình ảnh mô học của ung thư tế bào vảy trên kính hiển vi

Tương tự như ung thư tế bào đáy, ung thư tế bào gai thường xảy ra trên các vùng da tiếp xúc nhiều với bức xạ từ mặt trời. Các vùng cơ thể thường gặp là vùng da đầu mặt cổ, ngực, thân trên, cánh tay, chân,… Ngoài ra, tế bào vảy còn có ở lớp niêm mạc trên các cơ quan trong cơ thể. Vì vậy, y học còn tìm thấy các thể bệnh trên môi, phổi, cổ họng, dương vật hoặc âm hộ,…

Mức độ nguy hiểm của ung thư tế bào đáy

Dạng ung thư này thường phát triển khá chậm. Tuy nhiên, điều khác biệt với ung thư tế bào đáy là chúng có khả năng di căn đến các cơ quan khác. Vì vậy mà nó có khả năng đe dọa tính mạng người bệnh. Các vị trí di căn thường gặp là các mô, xương và hạch bạch huyết gần nơi tổn thương. Nếu can thiệp kịp thời lúc bệnh chưa di căn thì hầu hết đều có thể chữa trị được, kết quả điều trị cũng khá khả quan. Ngược lại, điều trị SCC đã di căn khó khăn và nguy hiểm hơn rất nhiều.

Các yếu tố nguy cơ

Những tổn thương đặc trưng của căn bệnh này thường xảy ra trên nền các tổn thương da mạn tính có từ trước đó.

Một yếu tố nguy cơ quan trọng khác là ở người da trắng, người thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Những người bị tàn nhang từ nhỏ và người có mắt màu xanh cũng được cho là có nguy cơ mắc bệnh cao hơn dân số chung. Vì vậy, người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng thường hiếm mắc bệnh. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường kéo theo việc gia tăng tiếp xúc với bức xạ mặt trời khiến chúng ta không nên lơ là các loại ung thư da.

Cần lưu ý nếu như bản thân đã từng bị mụn cóc sinh dục vì đây là một yếu tố nguy cơ chính của ung thư biểu mô tế bào vảy trên bộ phận sinh dục. Bên cạnh đó, khoa học nhận thấy rằng tiền sử nhiễm HPV là một yếu tố liên quan đến nguy cơ phát triển dạng ung thư da này.

Đồng thời, dùng thuốc ức chế miễn dịch, tiếp xúc hóa chất công nghiệp: asen, hắc ín,… cũng là các yếu tố nguy cơ cần lưu ý.

Các triệu chứng đặc trưng của ung thư tế bào vảy

Những dạng tổn thương phổ biến

Tổn thương của căn bệnh này có thể phát triển ở bất cứ đâu trên cơ thể. Thường thấy nhất là ở những vùng da tiếp xúc với bức xạ tia cực tím (UV) như mặt, môi, tai, da đầu, vai, cổ, mu bàn tay và cẳng tay. SCC có thể phát triển thành sẹo, vết loét trên da và các vùng da bị thương khác. Vùng da lân cận thường có dấu hiệu bị tổn thương do ánh nắng mặt trời như nhăn nheo, thay đổi sắc tố và mất tính đàn hồi.

Ung thư tế bào vảy: Triệu chứng và cách điều trị
Tổn thương loét, chảy máu của ung thư tế bào vảy trên vùng da phơi nắng

  • Dạng tổn thương thường gặp là mảng đỏ, dày, kéo dài dai dẳng và không đau. Trên có thể có vảy, bờ không đều. Chúng thường phát triển rất chậm, dần dần chuyển sang lở loét.
  • Tổn thương có thể bắt nguồn từ những vết thương da cũ, mạn tính. Chẳng hạn như vết viêm da, sẹo da do bỏng, viêm loét kéo dài do hẹp bao quy đầu.
  • Đôi khi chúng trông như mụn cóc bị lở loét, có thể kèm theo chảy máu.
  • Tổn thương còn có thể biểu hiện như những khối u. Bờ u nhô cao, trung tâm lõm, có thể có loét, chảy máu ở trung tâm.
  • Thương tổn ở môi thường xuất hiện ở môi dưới. Nguy cơ thường gia tăng ở những người có thói quen nhai trầu hay hút thuốc lào, thuốc lá.
  • Thể ung thư tế bào gai ở móng là một dạng đặc biệt. Người bệnh dễ nhầm chúng với hiện tượng “hạt cơm” trên móng. Thường chỉ có thể chẩn đoán xác định thông qua sinh thiết.

Phân biệt các tổn thương do bệnh lí khác

Các tổn thương trên có thể do các nguyên nhân lành tính hay ác tính khác. Thông thường, bác sĩ sẽ phân biệt với các nguyên nhân sau:

  • Lao da
  • Nấm
  • Ung thư tế bào đáy – là dạng ung thư da thường gặp nhất. Tuy nhiên dạng này ít nguy hiểm hơn vì hầu như hiếm khi cho di căn.

Vì vậy, khi phát hiện các thay đổi bất thường trên da, hãy liên hệ với bác sĩ điều trị. Việc tự ý chẩn đoán có thể gây tâm lí hoang mang, bất ổn. Thêm vào đó là nguy cơ điều trị sai ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nguy cơ di căn của ung thư tế bào vảy

Ung thư biểu mô tế bào vảy trên các vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (chẳng hạn như mặt) thường không di căn. Tuy nhiên, ung thư biểu mô tế bào vảy của môi, âm hộ và dương vật có nhiều khả năng di căn hơn. Chúng thường cho di căn đến các hạch vùng lân cận hoặc các cơ quan gần đó. Nếu có những tổn thương mới xuất hiện ở các vùng này, kéo dài trên nhiều tuần hoặc không đáp ứng với điều trị, hãy liên hệ bác sĩ để được thăm khám chuyên sâu hơn.

Chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào vảy được thực hiện như thế nào?

Tìm hiểu về bệnh sử:

  • Tổn thương bắt đầu xuất hiện từ khi nào?
  • Chúng có thay đổi theo thời gian hay không?
  • Vùng da tổn thương có đau hoặc ngứa không?
  • Triệu chứng kèm theo là gì?
  • Nghề nghiệp, môi trường làm việc và sinh hoạt của bệnh nhân như thế nào. Có thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời không. Đã từng bị cháy nắng nghiêm trọng hoặc sạm da bao giờ chưa.

Thăm khám, thủ thuật và xét nghiệm:

Tiếp theo, bác sĩ sẽ thăm khám vùng da tổn thương và các hạch bạch huyết lân cận. Sau đó là thăm khám các hệ cơ quan một cách toàn diện đảm bảo không bỏ sót những nguyên nhân lành tính khác.

Trong trường hợp nghi ngờ ung thư biểu mô tế bào vảy, bác sĩ sẽ đề nghị làm sinh thiết da cho người bệnh. Đây là một thủ thuật lấy một phần tổn thương để kiểm tra. Sinh thiết da cho phép xác định bản chất của tổ chức da lấy được. Tuy nhiên, kết quả âm tính của một mẫu sinh thiết không hoàn toàn loại trừ được chẩn đoán ung thư. Bác sĩ sẽ đánh giá tình hình và cho thực hiện lại với vị trí khác (nếu cần) để chẩn đoán xác đinh. Hiện nay, sinh thiết da vẫn là biện pháp chính để khẳng định chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào vảy.

Trong phòng thí nghiệm, bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ kiểm tra mô dưới kính hiển vi để xác định xem đó có phải là ung thư da hay không. Tiếp theo là phân giai đoạn ung thư theo số lượng tế bào bất thường, độ dày của chúng và độ sâu của sự xâm nhập vào da. Giai đoạn ung thư càng cao thì nguy cơ di căn của ung thư càng lớn, dẫn đến mức độ đe dọa tính mạng càng tăng.

Các phương pháp điều trị ung thư tế bào vảy

Hầu hết (95% đến 98%) ung thư biểu mô tế bào vảy có thể được chữa khỏi nếu chúng được điều trị sớm. Tuy nhiên, một khi ung thư biểu mô tế bào vảy đã di căn, chưa đến 50% bệnh nhân sống được 5 năm, ngay cả khi được điều trị tích cực.

Điều trị ung thư giai đoạn chưa di căn

Có nhiều cách để điều trị ung thư biểu mô tế bào vảy chưa di căn.

Giới thiệu các phương pháp

  • Phẫu thuật cắt bỏ rộng tổ chức ung thư và mô lành xung quanh. Nếu một vùng da lớn bị cắt bỏ, có thể cần ghép da.
  • Phẫu thuật lạnh với nitơ lỏng. Phương pháp điều trị này thường chỉ được sử dụng cho các khối u rất nhỏ hoặc một mảng da trông bất thường nhưng chưa phải là ung thư.
  • Tiêu diệt khối u bằng tia xạ.
  • Phẫu thuật loại bỏ ung thư theo từng lớp mỏng dưới kính hiển vi. Kỹ thuật này giúp bác sĩ bảo tồn được nhiều làn da khỏe mạnh nhất có thể.
  • Bôi thuốc trực tiếp lên da hoặc tiêm vào khối u.
  • Loại bỏ tế bào ung thư với chùm tia laser.

Ung thư tế bào vảy: Triệu chứng và cách điều trị
Điều trị ung thư tế bào vảy với laser

Lựa chọn các biện pháp điều trị

Phương pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh được lựa chọn dựa trên những yếu tố sau:

  • Kích thước và vị trí của ung thư.
  • Nguy cơ tái phát ung thư sau khi đã điều trị.
  • Tuổi tác và sức khỏe chung của bệnh nhân.

Sau khi điều trị xong, điều quan trọng là phải tái khám da thường xuyên. Bác sĩ có thể hẹn người bệnh tái khám ba tháng một lần trong năm đầu tiên. Nếu kết quả phục hồi tốt thì thời gian tái khám sẽ nới ra dần. Nguy cơ tái phát ung thư thường cao nhất trong vòng 5 năm, tính từ lần khởi phát ung thư da đầu tiên.

Điều trị ung thư giai đoạn đã di căn

  • Xạ trị có thể có hiệu quả nếu ung thư đang phát triển ở các vị trí cụ thể, có thể nhận dạng được.
  • Di căn khi đã lan rộng thường không đáp ứng tốt với hóa trị.

Kết luận

Ung thư biểu mô tế bào vảy là một loại ung thư da rất phổ biến. Căn bệnh này có thể cho di căn và đe dọa tính mạng bệnh nhân. Vì vậy, tốt nhất là phòng ngừa bằng việc hạn chế phơi nắng lâu ngày dưới cường độ cao. Biểu hiện của ung thư biểu mô tế bào vảy khá đa dạng, nên bất kì một thay đổi trên da nào kéo dài đều cần được lưu tâm. Ở giai đoạn chưa di căn, bệnh hoàn toàn có thể chữa trị được và hồi phục đời sống cho bệnh nhân.

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Gan nhiễm mỡ uống thuốc gì? 9 thuốc tiềm năng điều trị gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ là tình trạng chất béo tích tụ trong gan nhiều hơn mức bình thường. Tính đến tháng 3 năm 2024, chỉ có một loại thuốc duy nhất (Rezdiffra)
Hình ảnh tin tức Sau khi hút thai có nên đi lại nhiều? Chị em cần chú ý những gì sau hút thai?
Sau khi hút thai cơ thể chị em phụ nữ sẽ mất lượng máu, buồng tử cung, vùng kín có thể bị tổn thương ít nhiều. Do đó để tạo điều kiện cho tử cung,
Hình ảnh tin tức Dấu hiệu viêm phổi nặng ở người lớn tuổi - nhận biết để bảo vệ tính mạng
Viêm phổi là bệnh lý hô hấp nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến nhiều người ở mọi độ tuổi. Theo thống kê năm 2019, số người tử vong do viêm phổi là
Hình ảnh tin tức [Giải đáp] Chi phí xét nghiệm tiểu đường thai kỳ hết bao nhiêu tiền?
Tiểu đường thai kỳ là một vấn đề sức khỏe khi mang thai không quá hiếm gặp. Do đó, ngoài việc thắc mắc nên xét nghiệm tiểu đường thai kỳ ở đâu để có
Hình ảnh tin tức Ăn bưởi có giảm cân không? Chế độ ăn kiêng với bưởi liệu có hiệu quả?
Có thể bạn đã từng nghe nhiều người truyền miệng nhau cách ăn bưởi để giảm cân hiệu quả và an toàn. Song thực tế thì sao? Ăn bưởi có giúp bạn giảm