Trẻ sinh non phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe nào?

Trẻ sinh non khi trẻ ra đời trước 37 tuần tuổi. Trẻ sinh non sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe, thậm chí có thể tử vong ngay sau sinh. Trẻ sinh non càng ít tuần tuổi thì nguy cơ mắc bệnh càng cao. Những vấn đề sức khỏe này có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển và học tập của trẻ sau này. Trong bài viết này, hãy cùng bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân tìm hiểu những vấn đề sức khỏe mà trẻ phải đối mặt khi sinh non và những biện pháp điều trị cơ bản nhé!

1. Thế nào là trẻ sinh non?

Như các bạn đã biết, một quá trình mang thai điển hình sẽ kéo dài khoảng 40 tuần. Tuy nhiên, một số em bé sẽ ra đời sớm hơn. Sinh non là tình trạng em bé ra đời trước tuần thứ 37 của thai kỳ.

Trẻ sinh non phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe nào?
Trẻ sinh non thường phải đối mặt với nhiều vấn đề về y tế

Trẻ sinh non, đặc biệt là những trẻ sinh ra rất sớm, thường phải đối mặt với nhiều vấn đề y tế phức tạp. Có nhiều biến chứng do sinh non đã được xác nhận. Em bé của bạn được sinh ra càng sớm thì nguy cơ nhiều biến chứng càng cao. Dựa vào tuổi thai mà phân loại trẻ sinh non tháng:

  • Sinh non muộn: từ 34 tuần đến 36 tuần 6 ngày.
  • Sinh non vừa: 32 đến < 34 tuần.
  • Sinh rất non: ≤ 32 tuần.
  • Sinh cực non: < 25 tuần.
Trẻ sinh non phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe nào?
Trẻ sinh non phải đối mặt với nhiều thách thức về sức khỏe

Hầu hết các trường hợp sinh non xảy ra ở giai đoạn sinh non muộn.

Bên cạnh những trẻ sinh non có những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hoặc lâu dài. Nhiều trẻ cũng tiếp tục sống một cuộc sống khỏe mạnh, bình thường. Với sự tiến bộ của y học hiện đại cùng nhiều máy móc, kĩ thuật tiên tiến, nhiều em bé sinh non được sống sót một cách kì diệu.

Sự tận tâm của các nhân viên trong đơn vị chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh (NICU) và những tiến bộ trong chăm sóc trẻ sơ sinh cũng góp phần cải thiện kết quả. Những tiến bộ này bao gồm:

  • Chương trình chăm sóc gia đinh
  • Quản lí dinh dưỡng
  • Tiếp xúc da kề da
  • Nỗ lực giảm số trường hợp nhiễm trùng ở trẻ sinh non

Trong khi các kết quả đã được cải thiện thì nhiều biến chứng vẫn xảy ra với trẻ sinh non. Sau đây là một số biến chứng thường gặp đối với trẻ sinh non.

Xem thêm: Những điều cần lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh

2. Vàng da sơ sinh

Vàng da sơ sinh là gì?

Vàng da là tình trạng gan không thể loại bỏ bilirubin khỏi cơ thể, khiến cho bilirubin tích tụ trong cơ thể. Bilirubin là chất được tạo ra trong quá trình phá vỡ bình thường của các tế bào hồng cầu. Kết quả là, bilirubin tích tụ trong máu của em bé và lan vào các mô cơ quan. Vì bilirubin có màu hơi vàng, nên da bé cũng sẽ có màu vàng nhạt.

Vàng da thường không phải là một vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu nồng độ bilirubin quá cao, nó có thể gây nên tình trạng ngộ độc bilirubin. Một tình trạng nguy hiểm đó là vàng da nhân. Khi đó, những chất này xâm nhập và tích lũy trong não, phá hủy các mô não.

Trẻ sinh non phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe nào?
Minh họa hình ảnh vàng da sơ sinh ở trẻ

Hãy hỏi bác sĩ hoặc điều dưỡng của bạn về nồng độ bilirubin trong máu của con bạn. Nồng độ bilirubin bình thường ở trẻ sơ sinh nên dưới 5mg/dL. Tuy nhiên, nhiều trẻ sinh non có nồng độ bilirubin cao hơn con số này. Nồng độ bilirubin không nguy hiểm cho đến khi chúng đạt đến mức trên 15-20 mg/dL. Nhưng liệu pháp quang học (chiếu đèn) thường được bắt đầu trước khi đạt đến mức độ tăng cao này.

Điều trị vàng da sơ sinh như thế nào?

Phương pháp thường dung là liệu pháp quang học. Khi đó, em bé được đặt dưới một loại đèn chiếu sáng đặc biệt. Ánh sáng giúp phân hủy bilirubin thành những chất mà cơ thể có thể loại bỏ dễ dàng hơn. Thông thường, liệu pháp quang học cần ít hơn 1 tuần. Sau đó, gan của em bé dần trưởng thành và đủ khả năng để tự loại bỏ bilirubin ra khỏi cơ thể.

Xem thêm: Nhận biết vàng da ở trẻ sơ sinh

3. Những vấn đề về thận

Thận của em bé thường sẽ trưởng thành nhanh sau khi sinh. Tuy nhiên những vấn đề về cân bằng dịch, muối, và chất thải có thể xảy ra trong bốn dến năm ngày ngày đầu tiên của cuộc đời. Điều này đặc biệt đúng ở trẻ dưới 28 tuần tuổi. Trong thời gian này, thận của em bé có thể gặp những khó khăn sau đây:

  • Lọc chất thải khỏi máu
  • Loại bỏ chất thải mà không bài tiết chất lỏng dư thừa
  • Sản xuất nước tiểu

Do có khả năng phải đối mặt với những vấn đề về thận, trẻ sẽ được ghi lại cẩn thận lượng nước tiểu. Trẻ cũng cần được kiểm tra nồng độ kali, uree, creatinin trong máu.

Trẻ luôn được bác sĩ cân nhắc kĩ lưỡng trước khi cho thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh. Bác sĩ cần đảm bào rằng các loại thuốc được đào thải ra khỏi cơ thể. Nếu có vấn đề phát sinh với chức năng thận, lượng chất lỏng bé nạp vào hàng ngày cũng cần được kiểm soát chặt chẽ.

Điều trị

Các phương pháp điều trị cơ bản, phổ biến nhất là hạn chế chất lỏng và hạn chế muối. Thận chưa trưởng thành thường cải thiện và có chức năng bình thường trong vòng vài ngày.

4. Nhiễm trùng

Trẻ sinh non có thể bị nhiễm trùng ở hầu hết mọi nơi trên cơ thể. Trẻ có thể bị nhiễm trùng ở bất kỳ giai đoạn nào, từ trong tử cung, lúc sinh qua ngả âm đạo, cho đến sau khi sinh. Bất kể nhiễm trùng vào lúc nào, tình trạng nhiễm trùng ở trẻ sinh non đều khó điều trị hơn. Nguyên nhân có thể là:

  • Một đứa trẻ sinh non có hệ thống miễn dịch kém phát triển và nhận ít kháng thể từ người mẹ hơn một đứa trẻ sinh đủ tháng. Hệ thống miễn dịch và kháng thể là cơ chế phòng thủ chính chống lại nhiễm trùng.
  • Trẻ sinh non thường đòi hỏi một số thủ thuật y tế. Có thể kể đến như đặt đường truyền tĩnh mạch, ống nội khí quản và có thể hỗ trợ từ máy thở. Mỗi khi một thủ thuật được thực hiện, sẽ là một cơ hội đưa vi khuẩn, vi rút hoặc nấm vào cơ thể bé.

Một số dấu hiệu có thể xuất hiện khi trẻ bị nhiễm trùng:

  • Thiếu sự nhanh nhẹn, hoạt động.
  • Khó dung nạp thức ăn.
  • Trương lực cơ kém.
  • Không có khả năng duy trì nhiệt độ cơ thể.
  • Thay đổi màu sắc da, như: tái, lốm đốm, vàng da.
  • Nhịp tim chậm.
  • Ngưng thở tạm thời (giai đoạn khi bé ngưng thở).

Những dấu hiệu này có thể nhẹ hoặc nguy kịch, tùy thuộc vào mức độ của nhiễm trùng. Khi có bất kì sự nghi ngờ nào về nhiễm trùng, trẻ sẽ được lấy mẫu máu, nước tiểu, dịch tủy sống để gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích.

Điều trị

Nếu có bằng chứng nhiễm trùng, trẻ có thể được điều trị bằng kháng sinh, truyền dịch, thở oxy hoặc thở máy. Mặc dù một số bệnh nhiễm trùng có thể nghiêm trọng, hầu hết trẻ sơ sinh đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị. Con của bạn được điều trị càng sớm thì cơ hội chiến thắng nhiễm trùng càng cao.

5. Các vấn đề về hô hấp

Các vấn đề về hô hấp ở trẻ sinh non là do hệ hô hấp chưa trưởng thành. Phổi chưa trưởng thành ở trẻ sinh non thường do thiếu chất surfactant (chất hoạt động bề mặt). Chất này là một chất lỏng, bao phủ bên trong phổi và giúp cho phổi nở ra. Nếu không có chất hoạt động bề mặt này, trẻ sinh non sẽ tăng nguy cơ mắc hội chứng suy hô hấp cấp.

Một số trẻ sinh non có thể bị ngưng thở tạm thời, thời gian ngưng thở kéo dài ít nhất 20 giây.

Trẻ sinh non phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe nào?
Một số vấn đề hô hấp khiến trẻ sinh non cần được hỗ trợ hô hấp

Một số trẻ sinh non thiếu chất hoạt động bề mặt có thể cần đến máy thở. Khi đó, trẻ nằm thở máy trong thời gian dài có nguy cơ mắc bệnh phổi mãn tính gọi là loạn sản phế quản phổi. Tình trạng này khiến chất dịch tích tụ trong phổi và tăng khả năng tổn thương phổi.

Điều trị

Mặc dù việc sử dụng máy thở trong một thời gian dài có thể làm tổn thương phổi, nhưng nó vẫn cần để tiếp tục cung cấp oxy và hỗ trợ hô hấp cho trẻ. Các bác sĩ cũng có thể sử dụng thuốc lợi tiểu và thuốc hít cho trẻ.

6. Các vấn đề về tim mạch

Vấn đề tim mạch phổ biến nhất ảnh hưởng đến trẻ sinh non là còn ống động mạch (PDA). Ống động mạch là ống nối giữa hai mạch máu chính ở tim. Ở trẻ sinh non, ống động mạch có thể vẫn mở thay vì đóng lại ngay sau khi sinh. Còn ống động mạch khiến máu được bơm thêm qua phổi, gây tích tụ nhiều chất lỏng trong phổi và có thể gây suy tim.

Điều trị

Trẻ sinh non phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe nào?
Minh họa hình ảnh còn ống động mạch

Trẻ có thể được điều trị bằng thuốc indomethacin, khiến ống động mạch đóng lại. Nếu ống động mạch vẫn mở và có triệu chứng, có thể cần đến thủ thuật để đóng ống động mạch.

7. Các vấn đề về não

Trẻ sinh non cũng có thể đối mặt với một số vấn đề về não. Một số trẻ sinh non bị xuất huyết não. Mức độ chảy máu nhẹ thường không gây ra những tổn thương não vĩnh viễn. Ty nhiên, chảy máu nặng có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn. Chảy máu nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến chức năng nhận thức và vận động của trẻ.

Điều trị

Điều trị các vấn đề về não có thể bao gồm từ điều trị bảo tồn hay phẫu thuật, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương.

Tóm lại, trẻ sinh non thường phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, sản phụ cần được chăm sóc và quản lí thai kì hợp lí. Mục đích để giảm thiểu nguy cơ trẻ phải sinh non.

Hy vọng bài viết cung cấp được những thông tin hữu ích về những vấn đề sức khỏe thường gặp ở trẻ sinh non. Đừng ngại để lại những thắc mắc ở phần bình luận, cũng như chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Mong nhận được những phản hồi cũng như đồng hành cùng bạn ở những bài viết kế tiếp. NT BacGiang luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!

Nguồn: youmed.vn

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Có nên dùng que thử viêm nhiễm phụ khoa không? Cách sử dụng hiệu quả
Viêm âm đạo là vấn đề phổ biến ở phụ nữ thuộc nhiều độ tuổi khác nhau. Vì cảm thấy ngại ngùng khi đi khám phụ khoa, nhiều chị em phụ nữ đã truyền tai
Hình ảnh tin tức Gan nhiễm mỡ độ 1 có nguy hiểm không?
Gan là một cơ quan quan trọng trong cơ thể mà bạn không thể sống thiếu. Đây là lý do tại sao việc bảo vệ gan lại rất quan trọng, đặc biệt là khi bạn
Hình ảnh tin tức Những ngày cuối kinh nguyệt quan hệ có sao không? Có an toàn không?
Mỗi phụ nữ đều có chu kỳ kinh nguyệt riêng. Trong suốt chu kỳ này, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi về hormone gây  ảnh hưởng đến tâm trạng, sức khỏe
Hình ảnh tin tức Ngâm chân cho bà bầu: 4 cách làm nước ngâm chân và lưu ý cần nhớ
Theo các chuyên gia, việc ngâm chân cho bà bầu với nước ấm và một số thảo dược vào mỗi tối có thể giúp đôi chân được thư giãn, giảm phù và tăng cường
Hình ảnh tin tức Cường giáp kiêng ăn gì? Thận trọng với 7 thực phẩm thường gặp
Cường giáp là bệnh thường gặp ở phụ nữ với nhiều biến chứng nguy hiểm như rung tâm nhĩ, loãng xương, suy tim sung huyết, đột quỵ… Do đó, điều quan