Tinh hoàn co rút là tình trạng tinh hoàn có thể di chuyển lên xuống giữa bìu và bẹn thay vì cố định ở bìu như bình thường. Để xác định bé bị tinh hoàn co rút, bác sĩ có thể kéo tinh hoàn từ vụng bẹn xuống bìu khi khám bằng tay. Sau khi buông tay ra, tinh hoàn sẽ nằm lại vùng bìu một lúc rồi di chuyển lên lại.
Ở đa phần bé trai, tình trạng này sẽ tự hết trước hoặc trong độ tuổi dậy thì. Khi đó, tinh hoàn sẽ di chuyển về đúng vị trí trong bìu và cố định ở đó vĩnh viễn mà không cần điều trị gì. Một số ít trường hợp, tinh hoàn sẽ vẫn nằm ở vùng bẹn và không thể di chuyển được. Tình trạng này gọi là tinh hoàn đi lên hoặc tinh hoàn ẩn mắc phải.
1. Tinh hoàn co rút gây ra những triệu chứng gì?
Tinh hoàn hình thành trong ổ bụng của thai nhi trong suốt quá trình phát triển phôi thai. Trong những tháng cuối của thai kỳ, tinh hoàn dần dần di chuyển vào trong bìu. Nếu quá trình xuống của tinh hoàn không hoàn thành trước khi sinh, tinh hoàn vẫn có thể di chuyển xuống trong những tháng tiếp theo sau sinh. Tinh hoàn co rút có nghĩa là tinh hoàn đó đã di chuyển được xuống bìu như bình thường nhưng sau đó không ở nguyên vị trí mà co rút lên trên.
Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm:
Khi khám, có thể kéo tinh hoàn từ bẹn xuống bìu và tinh hoàn sẽ nằm lại bìu trong một thời gian sau khi buông tay ra.
Tinh hoàn có thể tự nhiên xuất hiện trong bìu và nằm lại đó trong một thời gian.
Tinh hoàn có thể tự nhiên biến mất lần nữa.
Cần phân biệt tình trạng này với tinh hoàn ẩn. Trong tinh hoàn ẩn, không thể kéo tinh hoàn xuống bìu khi khám bằng tay.
Mô tả cụ thể về tình trạng này
2. Nguyên nhân và biến chứng của tinh hoàn co rút là gì?
Tinh hoàn co rút thường do tình trạng co quá mức của cơ bìu. Cơ bìu có hình dạng một túi mỏng, bên trong chứa tinh hoàn. Khi co lại, cơ bìu kéo tinh hoàn lên gần về phía cơ thể để điều hoà nhiệt độ cho tinh hoàn và bảo vệ nó khỏi chấn thương. Có thể kích hoạt phản xạ co cơ bìu bằng cách kích thích vùng da phía trong đùi hay do cảm xúc như sợ hãi, cười và cũng có thể do môi trường lạnh.
Phản xạ co cơ bìu đủ mạnh có thể gây ra tinh hoàn co rút. Khi đó, cơ bìu sẽ kéo tinh hoàn ra khỏi bìu và lên đến vùng bẹn. Thông thường, nó không gây ra biến chứng gì. Tuy nhiên, bệnh này là một yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng tinh hoàn đi lên.
Khi kiểm tra sức khỏe định kỳ cho bé trai, bác sĩ sẽ khám tinh hoàn của trẻ để xác định xem tinh hoàn hai bên có xuống đúng vị trí và phát triển một cách bình thường không. Nếu nghi ngờ bé trai bị tinh hoàn co rút hay những vấn đề khác liên quan đến tình trạng phát triển của tinh hoàn, bạn nên đưa con đi gặp bác sĩ sớm để được khám và theo dõi.
4. Khi đi khám, bác sĩ sẽ chẩn đoán và điều trị như thế nào?
Chẩn đoán
Nếu tinh hoàn của bé trai không nằm ở bìu, bác sĩ sẽ khám và xác định vị trí của nó ở bẹn. Sau đó, bác sĩ sẽ nhẹ nhàng kéo tinh hoàn xuống bìu. Trong quá trình khám, bé trai có thể ở những tư thế nằm, ngồi hoặc đứng. Nếu đứa bé mới biết đi, bác sĩ sẽ khám trong tư thế ngồi, hai lòng bàn chân chạm nhau và đầu gối sang hai bên. Tư thế này giúp việc khám và xác định vị trí tinh hoàn dễ dàng hơn.
Nếu bé trai bị tinh hoàn co rút, bác sĩ có thể di chuyển tinh hoàn xuống bìu dễ dàng. Khi buông tay ra, tinh hoàn không chạy ngay lên. Nếu sau khi thả tay ra, tinh hoàn di chuyển về bẹn ngay lập tức thì có thể trẻ bị tinh hoàn ẩn.
Điều trị
Tinh hoàn co rút thường không cần điều trị như phẫu thuật. Lý do là vì tinh hoàn sẽ trở về vị trí bình thường trước hay trong thời kỳ dậy thì. Sau khi chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ theo dõi vị trí tinh hoàn hằng năm. Việc này nhằm xác định xem tinh hoàn vẫn co rút, đã trở về bìu hay chuyển thành tinh hoàn đi lên.
5. Chuẩn bị tâm lý cho con
Khi đã lớn và nhận thức được tình trạng này, trẻ có thể cảm thấy tự ti và nhạy cảm về bản thân. Khi đó, cha mẹ có thể giúp con mình bằng cách:
Giải thích cho con tinh hoàn co rút là gì.
Nhắc con rằng không có gì là sai với cơ thể của mình.
Giải thích với trẻ rằng bác sĩ, cha mẹ cùng với con theo dõi vị trí tinh hoàn và điều chỉnh nếu cần thiết.
Giúp con thực hành phản ứng trong trường hợp bị trêu chọc hoặc được hỏi về tình trạng bệnh.
Tinh hoàn co rút nguyên nhân là do cơ bìu co quá mức. Thông thường, nó sẽ trở về vị trí bình thường ở trước và trong độ tuổi dậy thì. Khi con có dấu hiệu như tinh hoàn không ở bìu, ba mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và theo dõi. Ngoài ra, ba mẹ nên trao đổi với bác sĩ về việc chuẩn bị tâm lý cho con khi bé đã đủ lớn, tránh tình trạng trẻ xấu hổ và tự ti về cơ thể của mình.
Chương trình Siêu khuyến mại tháng 8 - 9/2023