Tiểu đường 7.2 có nguy hiểm không và câu trả lời từ bác sĩ

Đường là nguồn năng lượng chính của cơ thể. Đồng thời, đây cũng là nguồn nhiên liệu cực kỳ quan trọng, và cần thiết cho các cơ quan, đặc biệt là hệ thần kinh và tổ chức não bộ. Vậy đường trong máu bao nhiêu là cao? Tiểu đường 7.2 có nguy hiểm không? Đây là một số câu hỏi mà người bệnh thường hay thắc mắc. Qua bài viết ngay sau đây, Bác sĩ Đỗ Trúc Anh sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc trên. Nào chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!

Thế nào là đường huyết?

Đường (glucose) trong máu có từ thực phẩm ăn vào – thực phẩm có chứa carbohydrate. Cơm, bánh mì và trái cây là những yếu tố chính góp phần tạo ra lượng đường trong máu.

Các tế bào trong cơ thể chúng ta cần glucose để cung cấp năng lượng. Và tất cả chúng ta đều cần năng lượng để di chuyển, suy nghĩ, học hỏi và thở. Bộ não là trung tâm chỉ huy, sử dụng khoảng một nửa năng lượng từ glucose trong cơ thể.

Hiểu được các giá trị đường huyết là một phần quan trọng trong quá trình tự quản lý bệnh đái tháo đường

Phân biệt đường huyết và chỉ số đường huyết

Nhiều người thường nhầm lẫn giữa hai thuật ngữ: đường huyết và chỉ số đường huyết. Vì vậy, cần phân biệt và hiểu đúng các chỉ số liên quan đến đường huyết, và chỉ số đường huyết (hay còn gọi là glycemic index – GI).

Chỉ số đường huyết1

Chỉ số đường huyết (GI) là một chỉ số từ 0 đến 100 được gán cho thực phẩm, đại diện cho mức tăng tương đối đường huyết sau 2 giờ tiêu hóa loại thức ăn đó. Chỉ số GI của một loại thực phẩm phụ thuộc vào số lượng, và loại carbohydrat có trong thực phẩm đó.

  • Thực phẩm có chỉ số GI thấp nếu nó từ 55 trở xuống.
  • Chỉ số GI trung bình nếu từ 56 đến 69.
  • Chỉ số GI cao nếu trên 70.

Vì vậy, người bệnh nên lựa chọn những loại thực phẩm có chỉ số GI thấp, nhằm giúp kiểm soát và ổn định đường huyết.

Xem thêm: Chỉ số đường huyết của thực phẩm: mẹo hay để nhận biết

Đường huyết

Đường huyết (glucose máu) là giá trị chỉ nồng độ glucose có trong máu thường được đo bằng đơn vị là mmol/L hoặc mg/dL. Nồng độ glucose trong máu thay đổi liên quan đến chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày.

Lúc nào trong máu cũng luôn có một lượng đường nhất định. Nếu lượng đường trong máu thường xuyên cao sẽ dẫn tới bệnh đái tháo đường. Điều quan trọng là phải giữ mức đường huyết trong phạm vi mục tiêu càng nhiều càng tốt. Điều này giúp ngăn ngừa lâu dài, hoặc trì hoãn các hậu quả nghiêm trọng. Chẳng hạn như bệnh tim mạch, giảm thị lực và bệnh thận…

Các chỉ số liên quan đến đường huyết bao gồm: đường huyết đói, đường huyết sau ăn (có thể sau ăn 1 giờ hay 2 giờ), và HbA1C.2 3 4

Tiểu đường 7.2 có nguy hiểm không và câu trả lời từ bác sĩ
Số lượng và thành phần bữa ăn có liên quan đến sự thay đổi đường huyết

Đường huyết đói

Định nghĩa

Đường huyết đói (đường trong máu lúc đói) là lượng đường trong máu được đo sau khi nhịn ăn (không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì, ngoại trừ nước) trong ít nhất 8 giờ.

Mục đích của việc làm xét nghiệm đường huyết lúc đói là để xác định lượng đường trong máu. Xét nghiệm này thường được sử dụng để kiểm tra bệnh đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường. Xét nghiệm này có thể được đo tại bệnh viện, tại phòng khám hoặc tại nhà.

Cách xét nghiệm: lấy một mẫu máu từ tĩnh mạch trên cánh tay và giữ trong một ống có chứa chất bảo quản. Sau đó sẽ được phân tích ở phòng thí nghiệm. Hoặc mẫu máu có thể được lấy bằng cách: lấy một cây kim châm vào đầu ngón tay, và phân tích bằng máy đo đường huyết cầm tay (có thể áp dụng tại nhà).

Tiểu đường 7.2 có nguy hiểm không và câu trả lời từ bác sĩ
Xét nghiệm đường huyết lúc đói có thể được thực hiện tại nhà theo sự hướng dẫn của chuyên gia y tế

Giá trị đường huyết đói ở người bình thường không mắc đái tháo đường là bao nhiêu?

Đường huyết lúc đói bình thường đối với người không mắc đái tháo đường dao động từ 70 đến 99 mg/dL (3.9 – 5.5 mmol/L). American Diabetes Association – ADA (Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ) khuyến nghị tầm soát bệnh đái tháo đường típ 2 định kỳ bắt đầu từ tuổi 35. Nếu kết quả bình thường, nên kiểm tra lại ba năm một lần.2

Đường huyết lúc đói từ 100 đến 125 mg/dL là dấu hiệu của tiền đái tháo đường. Đây là tình trạng lượng đường trong máu trên mức “bình thường”, nhưng không đủ cao để được coi là bệnh đái tháo đường. Tiền đái tháo đường là một yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường típ 2, bệnh tim mạch và đột quỵ. Nó được quản lý bằng cách thay đổi lối sống và trong một số trường hợp có thể cần đến thuốc.

Đường huyết sau ăn

Định nghĩa

Đường huyết sau ăn phản ánh lượng đường trong máu sau bữa ăn. Nồng độ glucose bắt đầu tăng khoảng 10 phút sau khi bắt đầu bữa ăn, do sự hấp thụ của carbohydrate trong chế độ ăn. Mức độ và thời gian tăng của nồng độ đường huyết sau ăn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: thời gian, số lượng và thành phần của bữa ăn.

Xét nghiệm này được thực hiện để xem cơ thể phản ứng như thế nào với đường và tinh bột, sau khi ăn một bữa ăn. Vì sự hấp thụ thức ăn vẫn tồn tại trong 5 – 6 giờ sau bữa ăn, ở cả bệnh nhân đái tháo đường và không mắc đái tháo đường. Vì vậy phải xác định thời điểm tối ưu để đo nồng độ glucose sau ăn. 

Thông thường, đo đường huyết sau khi ăn 2 giờ được khuyến cáo. Vì thời điểm này thường gần đúng với giá trị đỉnh ở bệnh nhân đái tháo đường, và cung cấp một đánh giá hợp lý về tình trạng tăng đường huyết sau ăn.

Các tình trạng lâm sàng cụ thể, chẳng hạn như bệnh đái tháo đường thai kỳ có thể có lợi khi xét nghiệm đường huyết sau ăn 1 giờ. Phương pháp xét nghiệm tương tự xét nghiệm đường huyết đói.

Thế nào là đường huyết sau ăn bình thường?

Lượng đường trong máu sau ăn bình thường thấp hơn 140 mg/dL (7.8 mmol/L). Mức đường huyết từ 140 đến 199 mg/dL (7.8 – 11 mmol/L) được coi là tiền đái tháo đường. Và lượng đường trong máu từ 200 mg/dL  (11.1 mmoL) trở lên có thể là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường.

HbA1c

Định nghĩa

HbA1c là một loại hemoglobin đặc biệt kết hợp giữa hemoglobin và đường glucose. Nó đại diện cho tình trạng gắn kết của đường trên Hb hồng cầu.

HbA1c tồn tại trong hồng cầu, có chức năng vận chuyển oxy và glucose đi nuôi cơ thể. Xét nghiệm HbA1C là một xét nghiệm máu cung cấp mức đường huyết trung bình trong ba tháng qua.

Người bệnh không cần phải nhịn ăn trước khi đo xét nghiệm HbA1C, có thể đo bất kì thời điểm nào trong ngày. Xét nghiệm HbA1C có thể không phản ứng chính xác tình trạng đường huyết đối với một số trường hợp như: thiếu máu, có các bệnh liên quan đến bất thường hemoglobin, thai kỳ, những người đang điều trị HIV…

Kết quả HbA1C được báo cáo dưới dạng phần trăm, tỷ lệ phần trăm càng cao thì lượng đường trong máu càng cao. HbA1c không chỉ là công cụ để chẩn đoán đái tháo đường. Mà còn dùng để theo dõi tình trạng kiểm soát đường huyết ở những bệnh nhân này.

Tiểu đường 7.2 có nguy hiểm không và câu trả lời từ bác sĩ
HbA1c được thực hiện ở phòng xét nghiệm

Thế nào là giá trị HbA1c bình thường ở người không mắc đái tháo đường?

Ở những người không mắc bệnh đái tháo đường, mức HbA1C bình thường là dưới 5,7%. HbA1C từ 5,7% – 6,4% là dấu hiệu của tiền đái tháo đường.

Người lớn trên 35 tuổi, hoặc người lớn dưới 35 tuổi bị thừa cân và có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường được khuyến cáo, nên kiểm tra HbA1C. Nếu kết quả bình thường, HbA1C nên được kiểm tra ba năm một lần. Nếu kết quả cho thấy tiền đái tháo đường, HbA1C nên được kiểm tra một đến hai năm một lần.

Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường

Theo ADA, tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường dựa trên 1 trong 4 tiêu chuẩn sau đây:2

  • Nồng độ glucose huyết tương lúc đói ≥ 126 mg/dL (hay 7 mmol/L).
  • Nồng độ glucose huyết tương ở thời điểm sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 75 gram (Oral glucose tolerance test: OGTT) ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L). Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống phải được thực hiện theo hướng dẫn của WHO – Tổ chức Y tế thế giới: Người bệnh cần nhịn đói từ nửa đêm trước khi làm nghiệm pháp. Dùng một lượng glucose tương đương với 75 gram glucose, hòa tan trong 250 – 300 ml nước, uống trong 5 phút; trong 3 ngày trước đó bệnh nhân ăn khẩu phần có khoảng 150 – 200 gram carbohydrate mỗi ngày.
  • HbA1c ≥ 6,5% (48 mmol/mol). Xét nghiệm này phải được thực hiện ở trong phòng thí nghiệm được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.
  • Ở những người mắc bệnh đái tháo đường có triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết, hoặc mức glucose huyết tương ở thời điểm bất kỳ ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L).

Trong những trường hợp không có triệu chứng kinh điển của tăng glucose trong máu; bao gồm: tiểu nhiều, uống nhiều, ăn nhiều, sụt cân không rõ nguyên nhân. Thì những xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường ở trên cần được thực hiện lặp lại 2 lần để chẩn đoán xác định. Thời gian thực hiện xét nghiệm lần 2 sau lần đầu tiên có thể từ 1 đến 7 ngày.2

Trong điều kiện thực tế tại Việt Nam, phương pháp thường được các bác sĩ sử dụng để chẩn đoán tiểu đường là định lượng glucose huyết tương khi đói 2 lần ≥ 126 mg/dL (hay 7 mmol/L). Đây được xem là một phương pháp đơn giản và hiệu quả. Bên cạnh đó, nếu HbA1c được đo tại phòng xét nghiệm được chuẩn hóa quốc tế, có thể đo HbA1c 2 lần để chẩn đoán đái tháo đường.

Mục tiêu kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường?

Đối với người lớn mắc đái tháo đường không mang thai, ADA khuyến nghị các mục tiêu đường huyết như sau:5

  • Đường huyết lúc đói là 80 đến 130 mg/dL (4.4 – 7.2 mmol/L).
  • Đường huyết 1 đến 2 giờ sau ăn dưới 180 mg/dL (11 mmol/L).
  • HbA1c dưới 7%.

Các mục tiêu này có thể được cá nhân hóa cho một số bệnh nhân, dựa trên các yếu tố như: thời gian mắc bệnh đái tháo đường, tuổi tác hay kì vọng sống, tình trạng nhận thức, các tình trạng bệnh đi kèm, bệnh lý tim mạch đã biết, hay có các biến chứng mạch máu nhỏ tiến triển, tình trạng không nhận biết được hạ đường huyết…

Tiểu đường 7.2 mmol/L có nguy hiểm không?

Đối với người bình thường không mắc đái tháo đường

Nếu giá trị 7.2 mmol/L là đường huyết đói, thì đối tượng có khả năng bị đái tháo đường vì đã đạt ngưỡng chẩn đoán đái tháo đường. Tuy nhiên, để chẩn đoán xác định, cần làm thêm một mẫu đường huyết đói, hoặc HbA1c, hoặc OGTT để chẩn đoán xác định.

Nếu 7.2 mmol/L là mức đường huyết được đo sau ăn thì đây là giá trị bình thường.

Đối với người mắc đái tháo đường

Trong trường hợp này thì mức đường huyết 7.2 mmol/L, kể cả là đường huyết đói hay đường huyết sau ăn, đều nằm trong giá trị chấp nhận được.

Làm thế nào để kiểm soát đường huyết đạt mục tiêu?

Một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây và rau quả, duy trì cân nặng hợp lý, và hoạt động thể chất thường xuyên đều hữu ích. Các phương pháp bao gồm:6

  • Theo dõi đường huyết thường xuyên. Nhằm nhận biết các yếu tố làm tăng hoặc giảm đường huyết.
  • Ăn đúng bữa và không bỏ bữa.
  • Giảm lượng tinh bột nhập vào.  
  • Kiểm soát khẩu phần ăn. Ví dụ, người bệnh có thể áp dụng phương pháp cái đĩa: một nửa đĩa là rau củ không chứa tinh bột, một phần tư là protein nạc, và một phần tư là carbohydrat.
  • Tập luyện thể lực thường xuyên.
  • Duy trì cân nặng hợp lý.
  • Uống nhiều nước lọc thay vì nước trái cây, hoặc nước ngọt có đường.
  • Hạn chế đồ uống có cồn.
  • Ăn nhiều chất xơ.
  • Hạn chế chọn lựa thực phẩm có GI cao.
  • Ngủ đủ giấc.
  • Hạn chế stress.
Tiểu đường 7.2 có nguy hiểm không và câu trả lời từ bác sĩ
Thực hiện lối sống và dinh dưỡng lành mạnh giúp kiểm soát đường huyết đạt mục tiêu

Hi vọng bài viết trên đây đã giải đáp được thắc mắc “Tiểu đường 7.2 có nguy hiểm không?” của bạn đọc. Cũng như giúp mọi người hiểu thêm về các chỉ số liên quan đến đường huyết. Từ đó nhận biết các giá trị bất thường và các biện pháp để giữ đường huyết trong mục tiêu.

Nguồn: youmed.vn

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Ngâm chân cho bà bầu: 4 cách làm nước ngâm chân và lưu ý cần nhớ
Theo các chuyên gia, việc ngâm chân cho bà bầu với nước ấm và một số thảo dược vào mỗi tối có thể giúp đôi chân được thư giãn, giảm phù và tăng cường
Hình ảnh tin tức Cường giáp kiêng ăn gì? Thận trọng với 7 thực phẩm thường gặp
Cường giáp là bệnh thường gặp ở phụ nữ với nhiều biến chứng nguy hiểm như rung tâm nhĩ, loãng xương, suy tim sung huyết, đột quỵ… Do đó, điều quan
Hình ảnh tin tức Hé lộ 4 dấu hiệu nhận biết phụ nữ lâu ngày không quan hệ
Đối với phụ nữ, quan hệ tình dục không chỉ mang đến những cảm xúc thăng hoa mà còn tác động tích cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Thế nhưng,
Hình ảnh tin tức Thuốc huyết áp uống ngày 2 lần được không?
Huyết áp cao là bệnh mạn tính cần phải điều trị suốt đời để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như bệnh tim, đột quỵ, giảm thị lực, bệnh thận mạn tính
Hình ảnh tin tức Tại sao bôi kem chống nắng bị vón cục? Làm sao để khắc phục?
Ngày nay, việc sử dụng kem chống nắng đã trở thành bước bắt buộc phải có trong chế độ chăm sóc hằng ngày. Tuy nhiên, nhiều “sự cố” khi bôi kem chống