Tiêu chảy: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Tiêu chảy là một trong những bệnh lý thuộc hệ tiêu hóa rất thường gặp. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi với mọi mức độ khác nhau. Nếu không được điều trị phù hợp, bệnh lý này có thể gây ra nhiều biến chứng phức tạp, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Bạn đọc hãy tham khảo qua bài viết sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa Nội Tiêu hóa Thái Việt Nguyên để hiểu rõ hơn về bệnh lý tiêu hóa rất phổ biến này.

Định nghĩa và phân loại bệnh tiêu chảy

Bệnh tiêu chảy (hay ỉa chảy) là tình trạng đi phân lỏng, phân nhiều nước từ 3 ​​lần trở lên trong một ngày. Bệnh lý này có thể được phân thành cấp tính, dai dẳng hoặc mạn tính:1 2

  • Tiêu chảy cấp là một bệnh lý rất phổ biến, thường kéo dài 1 hoặc 2 ngày và thường tự khỏi.
  • Bệnh tiêu chảy được gọi là dai dẳng khi nó kéo dài hơn 2 tuần và dưới 4 tuần.
  • Tiêu chảy được gọi là mạn tính khi bệnh lý kéo dài ít nhất 4 tuần. Các triệu chứng của tình trạng tiêu chảy mạn tính có thể xảy ra liên tục; hoặc cũng có thể xuất hiện và biến mất.
Tiêu chảy: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Tiêu chảy là một bệnh khá phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi

Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy

Tiêu chảy cấp tính, dai dẳng và mạn tính phụ thuộc vào những nguyên nhân gây bệnh khác nhau, cụ thể:

Nguyên nhân bệnh tiêu chảy cấp tính, dai dẳng2

Các nguyên nhân phổ biến nhất của tiêu chảy cấp tính và dai dẳng là nhiễm trùng, thay đổi môi trường (khi đi công tác, du lịch ở vùng đất mới) và tác dụng phụ của thuốc.

Nhiễm trùng

Ba loại nhiễm trùng chính gây nên bệnh tiêu chảy bao gồm:

  • Nhiễm virus. Nhiều loại virus gây tiêu phân lỏng, thường gặp là Norovirus và Rotavirus.3 4 Viêm dạ dày ruột do virus là nguyên nhân phổ biến của tiêu chảy cấp tính.
  • Nhiễm khuẩn. Một số loại vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể người qua thức ăn hoặc nước bị ô nhiễm và gây bệnh. Các vi khuẩn phổ biến gây tiêu chảy bao gồm Campylobacter, Escherichia coli (E. coli), Salmonella, Shigella (Lỵ trực khuẩn).5 6 7
  • Nhiễm ký sinh trùng. Ký sinh trùng có thể xâm nhập vào cơ thể người bệnh qua thức ăn hoặc nước uống và sống ký sinh trong đường tiêu hóa của người. Các loại ký sinh trùng gây tiêu chảy: Cryptosporidium enteritis, Entamoeba histolytica và Giardia lamblia.8 9 10

Nhiễm trùng trong đường tiêu hóa lây lan qua thức ăn hoặc đồ uống được gọi là ngộ độc thực phẩm. Nhiễm trùng kéo dài hơn 2 tuần và dưới 4 tuần có thể gây tiêu chảy dai dẳng.2

Tiêu chảy: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Nhiễm khuẩn Campylobacter có thể gây tiêu chảy cấp hoặc dai dẳng

Thay đổi môi trường (khi đi công tác, du lịch ở vùng đất mới)

Nguyên nhân gây tiêu chảy này có nguồn gốc từ thức ăn bị nhiễm vi khuẩn, vi rút hoặc ký sinh trùng. Bệnh cảnh xảy ra thường cấp tính. Tuy nhiên, một số ký sinh trùng có thể làm cho tình trạng tiêu phân lỏng kéo dài hơn. Bệnh lý này thường là một thực trạng thường gặp của những du khách khi đến những đất nước vùng nhiệt đới hoặc những nước đang phát triển.2 11

Tác dụng phụ của một số thuốc

Một số loại thuốc có thể gây nên tình trạng tiêu phân lỏng, nhiều nước. Các loại thuốc đó bao gồm thuốc kháng sinh, thuốc có thành phần Magie và các loại thuốc điều trị ung thư.2 12 13

Nguyên nhân của bệnh tiêu chảy kéo dài mạn tính2

Một số bệnh lý có thể gây nên tình trạng tiêu lỏng kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng. Chẳng hạn như:

  • Nhiễm trùng.
  • Dị ứng và không dung nạp thức ăn.
  • Các bệnh lý thuộc về đường tiêu hóa.
  • Tiền sử phẫu thuật vùng bụng.
  • Sử dụng lâu dài một số thuốc gây tác dụng phụ tiêu lỏng.

Nhiễm trùng

Một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và ký sinh trùng có thể gây tiêu chảy. Bên cạnh đó, bệnh sẽ không khỏi nhanh chóng nếu không được điều trị phù hợp.

Ngoài ra, sau khi bị nhiễm trùng, người bệnh có thể gặp rối loạn chức năng tiêu hóa carbohydrate như lactose hay rối loạn chức năng tiêu hóa protein trong thực phẩm như sữa bò, các sản phẩm từ sữa, hoặc các loại đậu. Các rối loạn tiêu hóa này có thể làm cho tình trạng tiêu lỏng kéo dài.2

Tiêu chảy: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Không dung nạp lactose có thể khiến người bệnh gặp chứng tiêu chảy

Dị ứng và không dung nạp thực phẩm

1. Dị ứng thực phẩm

Dị ứng thức ăn là loại dị ứng với thức ăn như sữa bò, đậu nành, ngũ cốc, trứng, hải sản,… Loại dị ứng này có thể gây tiêu chảy mạn tính kéo dài.14

2. Không dung nạp lactose

Không dung nạp lactose là một tình trạng phổ biến có thể gây tiêu chảy sau khi dùng sữa hoặc các sản phẩm từ sữa (phô mai, bánh sữa,…).2

3. Không dung nạp fructose

Không dung nạp fructose là tình trạng có thể gây tiêu chảy sau khi ăn thực phẩm hoặc uống chất lỏng có chứa fructose, một loại đường có trong trái cây, nước ép trái cây và mật ong. Fructose được thêm vào nhiều loại thực phẩm và nước giải khát như một chất tạo ngọt được gọi là xi-rô ngô có hàm lượng fructose cao.2

4. Dị ứng với một số chất trong thực phẩm

Rượu đường (Rượu đường là các hợp chất hữu cơ, thường có nguồn gốc từ đường, bao gồm một lớp polyol. Chúng là chất rắn màu trắng, tan trong nước có thể xuất hiện tự nhiên hoặc được sản xuất công nghiệp từ đường). Các loại rượu đường như sorbitol, mannitol và xylitol có thể gây tiêu chảy ở một số người. Kẹo không đường và kẹo cao su thường bao gồm các loại chất này này.2

Các bệnh lý đường tiêu hóa

Các bệnh lý đường tiêu hóa có thể gây tiêu chảy mạn tính bao gồm:

  • Bệnh Celiac.
  • Bệnh Crohn.
  • Hội chứng ruột kích thích.
  • Sự phát triển quá mức của vi khuẩn ruột non.
  • Viêm loét đại tràng.
Tiêu chảy: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Hội chứng ruột kích thích là một trong những nguyên nhân gây tiêu chảy kéo dài mạn tính

Phẫu thuật vùng bụng

Người bệnh có thể bị tiêu chảy mạn tính sau khi phẫu thuật vùng bụng. Có thể bao gồm: Mổ ruột thừa, túi mật, ruột non, ruột già, gan mật, tuyến tụy, dạ dày, lá lách.

Sử dụng lâu dài một số thuốc

Một số loại thuốc khi sử dụng lâu dài có thể gây nên tác dụng phụ tiêu chảy lỏng mạn tính. Chẳng hạn như thuốc kháng sinh, có thể thay đổi hệ vi khuẩn có lợi của ruột, đồng thời làm tăng nguy cơ nhiễm Clostridioides difficile – một loại vi khuẩn có thể gây bệnh tiêu chảy mạn tính.2 15

Triệu chứng của tiêu chảy và mất nước

Triệu chứng chính của tiêu chảy là đi tiêu phân lỏng, nhiều nước từ 3 ​​lần trở lên trong một ngày.Có nhiều triệu chứng liên quan khác nhau và tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Người bệnh có thể chỉ gặp một hoặc nhiều dấu hiệu sau đây:2 16

Triệu chứng ở người lớn

Triệu chứng tiêu chảy phổ biến

  • Đau quặn bụng.
  • Mót rặn, đi tiêu khó kiểm soát.
  • Buồn nôn, nôn.
  • Phân lỏng nhiều nước, có thể có nhầy máu, bọt, hoặc trắng đục như nước vo gạo trong trường hợp nhiễm khuẩn tả.
  • Bụng chướng hơi.
  • Chuột rút.
  • Mất nước.
Tiêu chảy: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Đi ngoài nhiều lần, đi phân lỏng hoặc đau bụng dữ dội là những triệu chứng tiêu chảy phổ biến

Triệu chứng tiêu chảy do nhiễm trùng

Những người bị tiêu chảy do một số bệnh nhiễm trùng cũng có thể có một hoặc nhiều triệu chứng sau:

  • Phân có máu.
  • Sốt, có thể sốt cao có hoặc không kèm theo ớn lạnh.
  • Chóng mặt và xây xẩm.
  • Môi khô, lưỡi dơ, hơi thở có mùi hôi.

Triệu chứng mất nước

Tiêu chảy có thể khiến bạn mất nước nhanh chóng. Nếu bạn không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể gây nhiều nguy hiểm. Do đó, bạn cũng cần chú ý đến những dấu hiệu mất nước sau đây:2 16 17

  • Mệt mỏi, kiệt sức, đờ đẫn.
  • Khô niêm mạc.
  • Nhịp tim tăng đột ngột.
  • Đau đầu, có cam giác lâng lâng.
  • Khát nước liên tục.
  • Đi tiểu ít.
  • Nước tiểu sẫm màu.
  • Khô miệng.
  • Mặt hốc hác, mắt trũng, da khô.
  • Da niêm nhợt nhạt, lưỡi mất gai.
Tiêu chảy: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Da khô, nhợt nhạt, hốc hác báo hiệu cơ thể bạn đang bị mất nước do tiêu chảy

Khi phát hiện những triệu chứng mất nước, người bệnh cần đi khám ngay để được cứu chữa kịp thời.

Triệu chứng tiêu chảy ở trẻ nhỏ

Trẻ em là những đối tượng cần lưu ý đặc biệt khi bị tiêu chảy và mất nước.18

CDC báo cáo rằng tiêu chảy và các biến chứng của nó là 1 trong 9 nguyên nhân gây tử vong hàng năm ở trẻ em trên toàn thế giới, khiến đây là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi.19

Triệu chứng tiêu chảy và mất nước ở trẻ:2 16

  • Đi tiểu ít dần.
  • Khô miệng.
  • Đau đầu.
  • Mệt mỏi.
  • Quấy khóc mà không có nước mắt.
  • Da khô.
  • Mắt trũng sâu.
  • Buồn ngủ.
  • Hay cáu gắt.
Tiêu chảy: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Trẻ nhỏ khi bị quấy khóc nhưng không có nước mắt có thể là dấu hiệu mất nước

Cách tự điều trị tại nhà khi bị tiêu chảy

Nghiên cứu cho thấy rằng nguyên tắc khi điều trị tiêu chảy là bù vào chất lỏng bị mất. Điều này có nghĩa là bạn cần bù dịch bằng cách uống thêm nước hoặc đồ uống thay thế chất điện giải. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể điều trị tiêu chảy cấp bằng một số loại thuốc không kê đơn.2 20

Bù dịch

Bù dịch đường uống có thể giúp giảm những biến cố do tình trạng mất nước. Các loại dịch uống mà chúng ta có thể tự làm ở nhà như: Nước cơm pha muối, sữa chua pha muối, nước dừa pha muối. Nếu có mua sẵn gói bột Oresol thì càng tốt.

Nên cho người bệnh uống từ từ để tránh tình trạng nôn ói, đặc biệt là trẻ em. Khi uống nên chú ý uống một cách từ từ, không uống vội, đặc biệt là trẻ em. Vì dung dịch bù điện giải có vị hơi khó uống, có thể gây buồn nôn, nôn.

Cách pha: Dùng 1 chén nước cơm hoặc một hộp sữa chua lỏng hoặc 1 chén nước dừa (khoảng 50 – 100ml). Sau đó cho một nhúm muối ăn vào và khuấy cho đến khi tan hoàn toàn.

Đối với gói bột Oresol, bạn hãy pha với 50 – 100ml nước ấm. Trẻ nhỏ cho uống từng thìa, trẻ lớn hơn có thể cho uống từng ngụm, từng ly. Uống sau mỗi lần đi tiêu chảy. Đối với đợt tiêu chảy cấp, thời gian uống trung bình từ 3 đến 5 ngày, số lần uống bằng với số lần đi tiêu chảy hoặc uống theo nhu cầu (khi khát).

Tiêu chảy: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Bù dịch bằng nước dừa pha muối

Sử dụng thuốc không kê đơn

Trong hầu hết các trường hợp, bạn có thể điều trị tiêu chảy cấp bằng thuốc không kê đơn như Loperamide (Imodium) và Bismuth subsalicylate (Pepto-Bismol, Kaopectate), Smecta, Carbomango,… Các bác sĩ thường không khuyến khích sử dụng thuốc mua tự do cho những người bị phân có máu hoặc sốt – có dấu hiệu nhiễm vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài hơn 2 ngày, bạn cần đi khám ngay.2 21 22

Lưu ý khi sử dụng thuốc không kê đơn: 

Những thuốc này có thể cầm tiêu chảy cấp tạm thời để chúng ta có thời gian đưa người bệnh đến cơ sở y tế. Bạn cần đọc hướng dẫn trên bao bì; xem liều lượng các loại thuốc này để dùng và khi nào dùng chúng; không dùng nhiều hơn mức khuyến cáo của nhãn; và  cũng không dùng nhiều loại thuốc này cùng một lúc. Thuốc tiêu chảy không kê đơn cũng không được khuyến cáo cho những bệnh nhân đi ngoài ra máu hoặc sốt.23

Tiêu chảy: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Thuốc cầm tiêu chảy Smecta – bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng

Thuốc không kê đơn để điều trị tiêu chảy cấp ở người lớn có thể nguy hiểm cho trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ. Bạn nên tham khảo với bác sĩ chuyên khoa trước khi cho trẻ dùng thuốc không kê đơn. Nếu tình trạng tiêu chảy của con bạn kéo dài hơn 24 giờ, hãy đưa trẻ đi khám ngay.2

Chế độ dinh dưỡng hợp lý2 24

Khi bị tiêu chảy, bạn có thể chán ăn trong một thời gian ngắn. Trong hầu hết các trường hợp, khi cảm giác thèm ăn trở lại, bạn có thể quay trở lại chế độ ăn uống bình thường. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ nên cho trẻ bị tiêu chảy ăn  theo chế độ ăn uống bình thường phù hợp với lứa tuổi. Đối với trẻ nhỏ hơn, bạn có thể cho trẻ tiếp tục bú sữa mẹ hoặc sữa công thức.

Việc tiếp tục tiến độ ăn uống bình thường sẽ giúp cho tốc độ hồi phục hoạt động sinh lý của đường ruột diễn ra nhanh hơn. Thời điểm phát bệnh, người bệnh nên ăn đầy đủ các nhóm chất đạm, đường, chất béo, vitamin, chất xơ. Ưu tiên những loại thực phẩm mềm, dễ tiêu như cháo, nui, súp,…

Tiêu chảy: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Chuối, bánh quy, bánh mì nướng là những thực phẩm bạn có thể bổ sung khi đang bị tiêu chảy

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Tiêu chảy có thể trở nên nguy hiểm nếu nó gây ra tình trạng mất nước trầm trọng. Chính vì vậy khi phát hiện người bệnh có những triệu chứng sau, cần đưa họ đến bệnh viện ngay lập tức:2

Triệu chứng ở người lớn

Người lớn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây nên đi gặp bác sĩ ngay lập tức:

  • Tiêu chảy rầm rộ kéo dài hơn 2 ngày.
  • Sốt từ 39°C trở lên.
  • Nôn mửa thường xuyên, liên tục.
  • Đau quặn, dữ dội ở vùng bụng hoặc trực tràng.
  • Phân có màu đen, mùi khắm, có máu hoặc nhầy mủ.

Người lớn tuổi và người lớn có hệ thống miễn dịch suy yếu bị suy kiệt nhanh sau những lần đi tiêu phân lỏng.

Triệu chứng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Cha mẹ hoặc người chăm sóc của trẻ sơ sinh, hoặc trẻ nhỏ bị tiêu chảy nên đưa trẻ đến bác sĩ ngay lập tức trong những trường hợp sau:

  • Tình trạng tiêu chảy kéo dài trên 01 ngày.
  • Sốt cao từ 39°C trở lên.
  • Trẻ quấy khóc, bỏ bú, bú kém.
  • Phân có nhiều máu hoặc mủ.
  • Tiêu phân đen.
  • Mất nước nặng: Mắt trũng, da khô, trẻ lừ đừ, có thể bị co giật.
  • Không có phản ứng.
Tiêu chảy: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Nên đưa trẻ đến bác sĩ ngay khi có dấu hiệu ngủ li bì kèm tiêu chảy

Bác sĩ chẩn đoán bệnh tiêu chảy như thế nào?

Đối với tình trạng tiêu chảy cấp, việc tìm ra nguyên nhân chính xác là không cần thiết. Tuy nhiên, với trường hợp tiêu chảy kéo dài hơn 4 ngày hoặc đi kèm với nhiều triệu chứng nguy hiểm (sốt, phân có máu); bác sĩ sẽ thông qua những cách sau đây để tìm ra nguyên nhân gây bệnh:

Tìm hiểu về tiền sử bệnh lý và gia đình2

Bác sĩ sẽ hỏi thông tin về các triệu chứng của bạn, chẳng hạn như:

  • Bạn đã bị tiêu chảy bao lâu rồi?
  • Lượng phân thải ra có nhiều hay không?
  • Bạn có thường xuyên bị tiêu chảy không?
  • Tình trạng phân. Chẳng hạn như màu sắc hoặc độ đặc/lỏng.
  • Những triệu chứng đi kèm khác.

Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ hỏi về các loại thực phẩm bạn tiêu thụ trong thời gian gần đây. Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị dị ứng hoặc không dung nạp thực phẩm, họ sẽ đưa ra lời khuyên để bạn thay đổi chế độ dinh dưỡng hằng ngày. Song song đó, bác sĩ và bạn sẽ cùng theo dõi các triệu chứng tiêu chảy có cải thiện hay không?

Bác sĩ của bạn cũng sẽ hỏi về:

  • Thể trạng hiện tại của bản thân.
  • Thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đang sử dụng.
  • Lịch sử tiếp xúc gần đây với những người đang bị bệnh.
  • Lịch sử đi du lịch gần đây tại các nước đang phát triển.

Đồng thời, bác sĩ có thể hỏi liệu có ai trong gia đình bạn có tiền sử mắc các bệnh lý gây tiêu chảy mạn tính; chẳng hạn như bệnh Celiac, bệnh Crohn, hội chứng ruột kích thích, không dung nạp lactose và viêm loét đại tràng hay không.

Khám sức khỏe tổng quan2

Trong quá trình thăm khám, bác sĩ cũng sẽ thực hiện các kiểm tra sức khỏe tổng quan như:

  • Kiểm tra huyết áp và mạch của bạn để tìm các dấu hiệu mất nước.
  • Kiểm tra cơ thể của bạn để tìm dấu hiệu sốt hoặc mất nước.
  • Sử dụng ống nghe để nghe âm thanh trong bụng của bạn.
  • Gõ nhẹ vào bụng của bạn để kiểm tra xem có đau hay không.

Đôi khi, các bác sĩ thực hiện một cuộc kiểm tra trực tràng. Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn cúi xuống bàn hoặc nằm nghiêng trong khi ôm đầu gối gần ngực. Sau khi đeo găng tay, bác sĩ sẽ trượt một ngón tay đã được bôi trơn vào hậu môn của bạn để kiểm tra xem có máu trong phân của bạn hay không.

Thực hiện các xét nghiệm2

Các xét nghiệm sau để giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây tiêu chảy của bệnh nhân.

Kiểm tra phân

Xét nghiệm phân có thể cho thấy sự hiện diện của máu, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng; hoặc các dấu hiệu của bệnh và rối loạn khác.

Xét nghiệm máu

Chuyên viên xét nghiệm hoặc bác sĩ có thể lấy mẫu máu để xét nghiệm một số bệnh hoặc rối loạn có thể gây tiêu chảy.

Xét nghiệm hơi thở hydro (Hydrogen breath test)

Xét nghiệm này được sử dụng để chẩn đoán tình trạng không dung nạp lactose bằng cách đo lượng hydro trong hơi thở của bạn.

Thử nghiệm kiêng thực phẩm

Để tìm hiểu xem liệu tình trạng không dung nạp hoặc dị ứng thực phẩm có gây ra tiêu chảy cho bạn hay không, bác sĩ có thể yêu cầu bạn tránh thực phẩm có đường lactose, carbohydrate, lúa mì hoặc các thành phần khác để xem liệu bệnh tiêu chảy của bạn có phản ứng với việc thay đổi chế độ ăn hay không.

Nội soi

Bác sĩ có thể sử dụng nội soi để xem xét bên trong cơ thể bạn để giúp tìm ra nguyên nhân gây tiêu chảy của bạn. Quy trình nội soi bao gồm:

  • Nội soi ruột kết.
  • Nội soi đại tràng sigma linh hoạt.
  • Nội soi đường tiêu hóa trên (GI).

Các phương pháp điều trị tiêu chảy

Điều trị triệu chứng

Nhằm giải quyết tình trạng khó chịu của người bệnh hoặc sự lo lắng của cha mẹ trẻ bị tiêu chảy. Một số thuốc có thể được sử dụng để hạn chế tình trạng tiêu chảy (cầm tiêu chảy) bao gồm:

  • Làm chậm nhu động ruột: Loperamide (viên uống 2mg, liều dùng: 2 – 4 mg/ngày).
  • Thuốc điều hòa nhu động ruột: Trimebutin (viên uống: 100mg, liều dùng: 100 – 200 mg/ngày).
  • Thuốc làm giảm co thắt cơ trơn đường ruột (giảm tình trạng đau quặn bụng): Drotaverin, Spasmaverin, Buscopan,…

Lưu ý: Tùy theo tình trạng tiêu phân lỏng mà người bệnh sẽ phù hợp để sử dụng một loại thuốc, hoặc kết hợp hai hay nhiều loại thuốc khác nhóm. Tuy nhiên, cha mẹ, người bệnh nên hỏi ý kiến của các bác sĩ, dược sĩ trước khi uống các loại thuốc này. Bởi vì trong một số trường hợp, việc cầm tiêu chảy sẽ gây ra một số biến chứng. Chẳng hạn như: Viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng huyết,…

Tiêu chảy: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Bạn có thể sử dụng thuốc Buscopan để giảm tình trạng đau quặn bụng

Ngoài ra, tùy theo tình trạng người bệnh, các bác sĩ có thể kết hợp thêm thuốc:

  • Hạ sốt, giảm đau: Paracetamol.
  • Chống nôn: Domperidon, Metocloramid.
  • Siro kẽm, viên uống bổ sung kali, multi vitamin,…

Ưu điểm: Làm cho bệnh nhân cảm thấy khỏe hơn, đỡ khó chịu, cha mẹ của trẻ bị tiêu chảy sẽ an tâm và bớt lo lắng hơn. Đồng thời hạn chế nguy cơ trẻ bị sốt cao co giật.

Nhược điểm: Chỉ điều trị được triệu chứng bệnh, tức phần ngọn. Không điều trị căn nguyên (phần gốc) gây nên bệnh lý tiêu chảy. Điều trị triệu chứng bên ngoài quá nhiều có thể che lấp sự nặng lên âm thầm của bệnh.

Điều trị nguyên nhân5

Vấn đề điều trị

Việc điều trị nguyên nhân gây nên tiêu chảy cấp hoặc mạn tính cần phải được các bác sĩ chuyên khoa thực hiện tại các cơ sở y tế. Tại đây, các bác sĩ sẽ thăm khám, khai thác bệnh sử, tiền sử của người bệnh. Đồng thời thực hiện một số xét nghiệm cần thiết như:

  • Xét nghiệm công thức máu.
  • Định lượng các marker nhiễm trùng.
  • Sinh hóa máu: Chức năng gan, thận, điện giải đồ.
  • Soi phân, cấy phân…
  • Siêu âm bụng tổng quát.
  • CT Scan bụng.
  • Nội soi dạ dày, nội soi đại trực tràng,…
Tiêu chảy: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Cấy phân là một trong những phương pháp xét nghiệm tìm ra nguyên nhân bệnh

Từ đó, các bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân cụ thể gây nên bệnh tiêu chảy và có hướng điều trị phù hợp cho từng nguyên nhân cụ thể.

Các phương pháp điều trị1

Tùy thuộc vào nguyên nhân mà các bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh và thuốc đặc hiệu để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Các bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc để điều trị một số tình trạng gây tiêu chảy mạn tính như bệnh Crohn, hội chứng ruột kích thích hoặc viêm loét đại tràng. Việc điều trị tiêu chảy ở trẻ em cũng phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

Tóm lại, những cách điều trị phổ biến:

  • Kháng sinh trong trường hợp tiêu chảy do vi khuẩn.
  • Thuốc diệt ký sinh trùng trong trường hợp nhiễm ký sinh trùng.
  • Kháng virus khi người bệnh bị nhiễm virus.
  • Phẫu thuật trong các bệnh lý: Ung thư ruột non, viêm ruột thừa, áp xe đường ruột,…

Ưu điểm: Giải quyết được căn nguyên gây ra bệnh nên có thể điều trị triệt để tình trạng tiêu chảy ở người bệnh.

Nhược điểm: Phức tạp, đòi hỏi chuyên môn cao. Cần được thực hiện tại các cơ sở y tế bởi các bác sĩ chuyên khoa, giàu kinh nghiệm. Một số trường hợp khá tốn kém cho việc điều trị nguyên nhân.

Phòng ngừa bệnh tiêu chảy

Chúng ta có thể ngăn ngừa các loại tiêu chảy: tiêu chảy do nhiễm trùng, do thay đổi môi trường hoặc do thực phẩm.2

Phòng tiêu chảy do nhiễm trùng25

Bạn có thể giảm nguy cơ mắc hoặc lây lan các bệnh nhiễm trùng bằng cách rửa tay thường xuyên thật sạch bằng xà phòng và nước ấm trong vòng 15 đến 30 giây trong các trường hợp sau:

  • Sau khi đi vệ sinh, tắm rửa.
  • Sau khi thay tã cho trẻ hoặc người lớn tuổi.
  • Trước và sau khi xử lý, chế biến thực phẩm.

Phụ huynh cũng có thể đưa trẻ đến các cơ sở khám chữa bệnh để tham khảo về việc cho trẻ tiêm một số loại vaccine ngừa virus, vi khuẩn. Trong đó, phổ biến là vaccine Rota ngừa tiêu chảy do Rotavirus.

Phòng tiêu chảy do thay đổi môi trường2 16

Để giảm nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy khi đi đến những vùng đất mới, bạn nên:

  • Ăn chín, uống sôi.
  • Sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc rõ ràng.
  • Ăn thực phẩm đã được chế biến sẵn.
  • Tránh nguồn nước bẩn, các sản phẩm sữa chưa được tiệt trùng.
  • Hạn chế di chuyển hoặc du lịch đến vùng đang có dịch tiêu chảy.
Tiêu chảy: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Khi đi du lịch đến những nước đang phát triển, bạn cần lựa chọn thực phẩm an toàn, đảm bảo vệ sinh để phòng bệnh

Bạn có thể chuẩn bị một số loại thuốc không kê đơn và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi đi du lịch.

Phòng tiêu chảy do thực phẩm16

Đối với trường hợp này, bạn nên:

  • Bảo quản, nấu nướng, làm sạch và xử lý thực phẩm đúng cách.
  • Vệ sinh khu vực nấu nướng và chế biến thực phẩm thường xuyên hơn.
  • Thưởng thức món ăn ngay sau khi chế biến xong.
  • Làm lạnh thức ăn thừa đúng cách.
  • Rã đông thực phẩm đông lạnh trước khi chế biến.
Tiêu chảy: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Thực hiện ăn chín uống sôi để phòng ngừa căn bệnh tiêu chảy

Phòng ngừa mất nước do tiêu chảy2

Tình trạng mất nước do tiêu chảy có thể được phòng ngừa bằng cách bổ sung cho người bệnh các loại nước có chứa chất điện giải hoặc nước uống đã nấu chín.

Nói tóm lại, đây là một bệnh lý rất phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Bệnh có thể bùng phát thành dịch và kéo dài, ảnh hưởng không hề nhỏ đến sức khỏe cũng như kinh tế, xã hội. Chính vì vậy, mỗi người chúng ta cần có ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, hạn chế để dịch tiêu chảy bùng phát. Từ đó góp phần bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội.

Nguồn: youmed.vn

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Gan nhiễm mỡ uống thuốc gì? 9 thuốc tiềm năng điều trị gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ là tình trạng chất béo tích tụ trong gan nhiều hơn mức bình thường. Tính đến tháng 3 năm 2024, chỉ có một loại thuốc duy nhất (Rezdiffra)
Hình ảnh tin tức Sau khi hút thai có nên đi lại nhiều? Chị em cần chú ý những gì sau hút thai?
Sau khi hút thai cơ thể chị em phụ nữ sẽ mất lượng máu, buồng tử cung, vùng kín có thể bị tổn thương ít nhiều. Do đó để tạo điều kiện cho tử cung,
Hình ảnh tin tức Dấu hiệu viêm phổi nặng ở người lớn tuổi - nhận biết để bảo vệ tính mạng
Viêm phổi là bệnh lý hô hấp nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến nhiều người ở mọi độ tuổi. Theo thống kê năm 2019, số người tử vong do viêm phổi là
Hình ảnh tin tức [Giải đáp] Chi phí xét nghiệm tiểu đường thai kỳ hết bao nhiêu tiền?
Tiểu đường thai kỳ là một vấn đề sức khỏe khi mang thai không quá hiếm gặp. Do đó, ngoài việc thắc mắc nên xét nghiệm tiểu đường thai kỳ ở đâu để có
Hình ảnh tin tức Ăn bưởi có giảm cân không? Chế độ ăn kiêng với bưởi liệu có hiệu quả?
Có thể bạn đã từng nghe nhiều người truyền miệng nhau cách ăn bưởi để giảm cân hiệu quả và an toàn. Song thực tế thì sao? Ăn bưởi có giúp bạn giảm