Tiêm phòng ở trẻ sơ sinh

Vaccine là một từ rất quen thuộc đối với các bậc phụ huynh. Những vai trò của vaccine hiện nay là không thể bàn cãi. Tại nước ta cũng như những nước đang phát triển khác thì khả năng trẻ mắc phải các bệnh truyền nhiễm vẫn còn cao. Do đó, tiêm phòng vaccine là không thể thiếu được. Ngày nay, một số hội nhóm trên thế giới đang có phòng trào chống lại vaccine. Điều này liệu có đúng?

Riêng trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau nói về vai trò của vaccine cũng như các loại vaccine sử dụng ở trẻ sơ sinh. Những dấu hiệu cảnh giác và thận trọng sau khi tiêm phòng vaccine ở trẻ là gì?

1. Vai trò của vaccine là gì?

Theo CDC (Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật của Mỹ), có 6 điều mà chúng ta cần biết về vaccine.

Điều đầu tiên

Tất cả chúng ta đều cần vaccine trong suốt cuộc đời để chống lại các bệnh nghiêm trọng.

Vaccine bảo vệ bạn và gia đình bạn. Mỗi năm, hàng chục ngàn người Mỹ mắc phải những bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine. Nhiều người trong đó phải nhập viện, một số thậm chí tử vong.

Tiêm phòng là sự bảo vệ tốt nhất của nền y học hiện đại chống lại các bệnh lý này. Vaccine được khuyến nghị cho trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn dựa trên các yếu tố khác nhau như tuổi tác, tình trạng sức khỏe, lối sống, công việc và du lịch.

Tiêm phòng ở trẻ sơ sinh
Vaccine là phát minh vĩ đại giúp con người chống lại nhiều bệnh tật

CDC và các chuyên gia y tế khác cập nhật những lời khuyên về vaccine liên tục, hằng năm dựa trên nghiên cứu khoa học mới nhất.

Tiêm vaccine là một bước quan trọng trong việc bảo vệ những người dễ bị bệnh nhất: trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người già, những người mắc bệnh mạn tính và hệ miễn dịch yếu.

Mỹ vốn là một nước phát triển, tỉ lệ mắc phải các loại bệnh lý nhiễm trùng thấp hơn Việt Nam chúng ta rất nhiều. Tuy nhiên, phong trào Anti vaccine lan toả làm một số bệnh tưởng chừng chỉ xảy ra tròn lịch sử quay trở lại.

Hai trong số chúng đã hiện diện ở Việt Nam gần đây:

  • Bạch hầu (bệnh lý làm trẻ suy hô hấp, khó thở, dễ dàng dẫn đến tử vong).
  • Ho gà (trẻ ho tím mặt, kéo dài, tái đi tái lại).

Điều thứ hai

Bùng phát các bệnh đã được phòng ngừa tốt bằng vaccine vẫn xảy ra ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới. 

Vaccine đã làm giảm đáng kể các bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng tính mạng nhiều trẻ sơ sinh, trẻ em và người lớn.

Ví dụ, bệnh sởi được tuyên bố loại trừ khỏi Hoa Kỳ vào năm 2000. Nhưng ta đều biết là sởi vẫn còn phổ biến ở các quốc gia khác. Những người dân ở quốc gia có sởi du lịch sang Mỹ khi chưa được tiêm phòng có thể lây truyền bệnh cho những người khác ở Hoa Kỳ.

Tiêm phòng vaccine rất quan trọng vì nó không chỉ bảo vệ người tiêm mà còn giúp ngăn ngừa bệnh lây lan sang người khác, như thành viên gia đình, hàng xóm, bạn học và các thành viên khác trong cộng đồng. Người ta gọi đây là “miễn dịch cộng đồng”.

Miễn dịch cộng đồng là gì?

Càng nhiều người trong cộng đồng được tiêm vaccine thì càng ít người nhiễm bệnh. Tất nhiên số người không nhiễm bệnh bao gồm cả những người đã tiêm ngừa và cả những người không tiêm. Do đó, người ta mới đề cao miễn dịch cộng đồng như vậy.

Tiêm phòng ở trẻ sơ sinh
Minh họa miễn dịch cộng đồng

Hình 1. Với cộng đồng chưa có miễn dịch, người bị nhiễm virus – màu đỏ – dễ dàng lây lan cả cộng đồng không ai tiêm ngừa. Chỉ một số ít trường hợp không mắc bệnh.

Hình 2. Trong cộng đồng có một số người đã tiêm vaccine – màu vàng – có miễn dịch sẽ tránh được sự lây lan của virus. Tất cả những người không tiêm vaccine (màu xanh) vẫn sẽ bị nhiễm.

Hình 3. Virus không có cơ hội bùng phát vì miễn dịch cộng đồng đã được thiết lập. Vi khuẩn bị cô lập và chỉ gây bệnh trên nhóm thiểu số người. Dịch được dập rất nhanh vì không lan tràn được.

Mỗi bệnh tuỳ thuộc vào khả năng lây truyền của nó mà cần một tỉ lệ miễn dịch cộng đồng khác nhau. Tỉ lệ miễn dịch cộng đồng được định nghĩa là số người có miễn dịch với vi khuẩn trong toàn dân.

>> Tiêm phòng trước khi em bé chào đời cũng được khuyến khích và có lợi cho cả mẹ và bé. Tìm hiểu thêm: Tiêm phòng trước khi mang thai: Những điều mà chị em cần biết.

Điều thứ ba

Các loại vaccine đều rất an toàn trước khi đưa ra sử dụng.

Việt Nam chúng ta, cũng như nhiều nước tiên tiến trên thế giới đều sử dụng các loại vaccine có tính an toàn rất cao.

Quy trình sản xuất vaccine được chính phủ các nước kiểm tra rất nghiêm ngặt. Các nghiên cứu đánh giá lợi ích và nguy cơ được thực hiện trên hàng ngàn đến hàng chục ngàn người. Và dĩ nhiên, khi được phép lưu thông trên thị trường thì sự an toàn của các loại vaccine này đã được đảm bảo.

Tiêm phòng ở trẻ sơ sinh
Bạn có thể yên tâm khi tiêm phòng vì vaccine đã được nghiên cứu và đảm bảo an toàn

Tuy nhiên, như các loại thuốc khác, vaccine sau khi chích có thể gây ra tác dụng phụ. Trong hầu hết trường hợp, các tác dụng phụ này đều nhỏ lẻ, tự hết trong vài ngày. Tác dụng phụ nặng nề, kéo dài của vaccine rất hiếm gặp.

Điều thứ tư

Vaccine hiển nhiên có thể giúp con bạn ngăn ngừa được các bệnh lây truyền rất nguy hiểm.

Điều thứ năm

Khi bạn tiêm chủng khi đang mang thai thì một số loại vaccine cũng có thể đi từ máu mẹ đến thai. Dĩ nhiên, con của bạn cũng có được miễn dịch tốt.

Điều thứ sáu

Vaccine không chỉ dành cho trẻ em. Nó còn dành cho người trưởng thành và người già. Điều này đặc biệt đúng với các đối tượng suy giảm miễn dịch, bệnh mạn tính.

2. Một số lý do khác khiến bạn nên tiêm phòng vaccine cho trẻ

Trẻ sơ sinh miễn dịch với nhiều bệnh vì chúng có kháng thể chống vi khuẩn nhận được từ máu của mẹ. Tuy nhiên, khả năng miễn dịch này sẽ nhanh chóng biến mất trong năm đầu tiên của cuộc đời.

Tiêm phòng ở trẻ sơ sinh
Hãy chủ động tiêm phòng vaccine cho trẻ

Nếu một đứa trẻ chưa được tiêm chủng tiếp xúc với mầm bệnh, cơ thể bé có thể không đủ sức chống lại căn bệnh này. Trước khi tiêm vaccine, nhiều trẻ em đã chết vì các bệnh mà vaccine hiện nay có thể ngăn ngừa, chẳng hạn như ho gà, sởi và bại liệt. Những vi trùng này vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Nhưng vì trẻ sơ sinh được bảo vệ bằng vaccine nên ta ít gặp.

Tiêm chủng cho từng trẻ em cũng giúp bảo vệ sức khỏe của cộng đồng nói chung. Đặc biệt, nó giúp bảo vệ những người không thể chủng ngừa. Ví dụ:

  • Trẻ còn quá nhỏ không được tiêm phòng.
  • Những trẻ không thể tiêm vaccine nhất định vì mắc bệnh lý nào đó. 

3. Những loại vaccine cần tiêm phòng ở trẻ sơ sinh là gì? Thời điểm nào là phù hợp?

  • Vắc xin Engerix B/Euvax B/Hepavax phòng bệnh viêm gan B, tiêm trong 24 giờ đầu sau sinh.
  • Vắc xin BCG phòng bệnh lao.

Đây là 2 loại vaccine rất cần thiết cho trẻ sơ sinh, đặc biệt là ở nước ta. Vi khuẩn lao hiện diện ở 70% dân số nước ta. Có nghĩa là cứ 10 người thì có 7 người mang vi khuẩn lao. Tuy nhiên, vi khuẩn này tiềm ẩn trong cơ thể, đợi cơ thể yếu ớt sẽ bùng lên gây bệnh.

Tương tự như lao, viêm gan siêu vi B cũng là một loại virus thường gặp. Trẻ sơ sinh mắc phải viêm gan siêu vi B có hơn 90% sẽ bị nhiễm mạn tính. Sau khi lớn lên, 25% những đối tượng này sẽ tử vong do bệnh lý gan. Mẹ của trẻ mắc phải viêm gan siêu vi B sẽ dễ dàng lây lan virus này cho con.

Hai loại vaccine này nên được tiêm càng sớm càng tốt cho trẻ.

4. Những điều cần lưu ý khi tiêm phòng cho trẻ sơ sinh là gì?

Các chống chỉ định sử dụng 

  • Không tiêm phòng vaccine lao cho những trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm HIV đang không điều trị dự phòng lây truyền.
  • Các trẻ bị viêm phổi, nhiễm trùng sơ sinh, vàng da cũng không nên tiêm vaccine lao.

Các tác dụng phụ nói chung

  • Nếu phát hiện những bất thường như nôn, thở nhanh, thở ngắt quãng, khò khè, da mẩn đỏ… cần báo ngay cho nhân viên y tế.
  • Sau 24 – 48 giờ, trẻ cần tiếp tục được theo dõi về thân nhiệt, nhịp thở, sinh hoạt hằng ngày bao gồm ăn, ngủ, chơi đùa…
  • Quan sát vùng tiêm và da toàn thân của trẻ xem có sưng, phát ban hay nổi mẩn đỏ.
  • Các phản ứng phụ chủ yếu của vaccine là dị ứng – phản vệ. Phản vệ có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào hay chất lạ nào với cơ thể. Điều này là khó tránh khỏi, tuy nhiên nếu phát hiện và điều trị sớm, trẻ có thể hồi phục và không mang di chứng gì.

>> Trẻ sơ sinh còn được tiêm vaccine 6 trog 1 để phòng ngừa một số bệnh. Tìm hiểu thêm những lưu ý trong bài viết Những điều bạn cần biết về vaccine 6 trong 1.

Đối với vaccin lao

  • Thường sau tiêm sẽ để lại tại vết tiêm một chỗ sưng, đỏ, đau nhẹ. Sau 2 tuần, sẽ để lại 1 vết loét nhỏ tại đây, vết loét tự lành, để lại sẹo 5mm. Việc này thể hiện trẻ đã có miễn dịch với vi khuẩn lao.
Tiêm phòng ở trẻ sơ sinh
Sẹo sau khi tiêm ngừa
  • Trường hợp tại vết tiêm sưng, đỏ, bố mẹ có thể chườm lạnh để trẻ giảm sưng, giảm đau.
  • Sau khi tiêm, vaccine lao BCG có thể đem lại một số tác dụng phụ khác, bao gồm:
    • Sốt nhẹ nổi hạch hoặc áp xe tại chỗ: Hạch có thể xuất hiện ở nách hoặc khuỷu tay. Hiện tượng nổi áp xe thường xảy ra do bơm kim tiêm chưa được vô trùng hoặc tiêm quá nhiều vaccine. Đặc biệt là khi tiêm dưới da thay vì tiêm trong da. Các triệu chứng này thường xuất hiện 24 giờ sau khi tiêm. Thường sẽ tự biến mất trong vòng 1 – 3 ngày mà không cần điều trị.
    • Các phản ứng hiếm gặp (chỉ có 1/1.000.000 trường hợp mắc phải): Nhiễm trùng BCG toàn thân, viêm tủy, viêm hạch bạch huyết có mủ (xuất hiện từ 2 đến 6 tháng sau khi tiêm BCG).

Các tác dụng phụ sau tiêm viêm gan B thường nhẹ và tự khỏi

Bố mẹ không nên tiếp xúc trực tiếp vào vết tiêm của trẻ, không thoa hoặc bôi bất cứ thứ gì lên vết tiêm.

5. Kết luận 

Chủng ngừa là rất cần thiết, nó giúp ích cho bản thân và gia đình của bạn. Ngoài ra, chủng ngừa còn bảo vệ cộng đồng dân cư xung quanh. Việc không tạo được miễn dịch cộng đồng có thể làm dịch bệnh xuất hiện. Với một số lượng quá nhiều vi khuẩn, virus thì kể cả những ai đã tiêm ngừa cũng có nguy cơ mắc bệnh.

Đối với trẻ sơ sinh, tiêm ngừa lao và viêm gan B là rất cần thiết. Chủ yếu vì đây là 2 loại vi khuẩn, virus rất thường gặp ở nước ta.

Có một số tác dụng phụ không mong muốn, tuy nhiên vai trò của vaccine lớn hơn những vấn đề này rất nhiều.

Bác sĩ Nguyễn Đoàn Trọng Nhân

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Làm thế nào ổn định tâm lý sau khi đã đẩy lùi ung thư vú giai đoạn sớm?
Người bệnh ung thư vú có thể gặp phải các vấn đề tâm lý vì một số lý do như không chắc chắn về hiệu quả điều trị, các triệu chứng thực thể, sợ tái
Hình ảnh tin tức 4 lưu ý người bệnh cần biết sau điều trị ung thư vú giai đoạn sớm
Ung thư vú là loại ung thư có tỉ lệ mắc cao nhất và là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trong các bệnh ung thư ở phụ nữ trên toàn cầu. Theo
Hình ảnh tin tức Giải đáp nhanh băn khoăn về cách “thích ứng” với những thay đổi của cơ thể và lịch thăm khám sau điều trị ung thư vú
Sau khi kết thúc thời gian điều trị, người bệnh ung thư vú sẽ dần quay lại với cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian hồi phục sau
Hình ảnh tin tức Mẹ sau sinh mổ bao lâu thì ăn uống bình thường?
Việc có một chế độ dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phục hồi cho phụ nữ sau sinh, nhất là các mẹ sinh mổ.
Hình ảnh tin tức Khi quan hệ nam và nữ ai dễ hưng phấn, thỏa mãn hơn? Khám phá cảm giác khi “yêu” của hai phái
Thông thường, trong những “cuộc yêu”, phái mạnh thường đóng vai trò là người chủ động. Chính vì vậy mà nhiều người thắc mắc khi quan hệ nam và nữ ai