Thay khớp gối là gì? Chỉ định, quy trình thực hiện và những lưu ý

Phẫu thuật thay khớp gối an toàn và hiệu quả để giảm đau, chỉnh lại trục của chân cũng như dáng đi, giúp bạn cải thiện chất lượng cuộc sống. Để hiểu rõ hơn về phẫu thuật thay khớp gối, hãy cùng BS.CKI Nguyễn Tấn Hưng tìm hiểu kĩ hơn qua bài viết sau.

Thay khớp gối là gì?

Để trả lời cho câu hỏi “Thay khớp gối là gì?”, trước tiên chúng ta tìm hiểu về cấu tạo của khớp gối và các bệnh lí dẫn đến hư khớp gối.

Cấu tạo khớp gối

Khớp gối là khớp lớn nhất trong cơ thể, chịu trọng lượng nặng của phần trên cơ thể dồn xuống nên đòi hỏi gối phải khoẻ thì cơ thể chúng ta mới vận động linh hoạt được.

Thay khớp gối là gì? Chỉ định, quy trình thực hiện và những lưu ý
Hình minh hoạ khớp gối bình thường. Khớp gối khoẻ mạnh khi các thành phần tạo nên nó có cấu trúc bình thường và hoạt động trơn tru

Gối bao gồm các xương: đầu dưới của xương đùi, đầu trên của xương chày và xương bánh chè. Bề mặt đầu tận của các xương này được lót bởi lớp sụn dày, giúp bảo vệ xương nằm ngay bên dưới sụn, tạo ra bề mặt tiếp giáp trơn láng giữa các xương, giúp chúng vận động dễ dàng.

Các sụn chêm nằm giữa xương đùi và xương chày. Các sụn chêm hình chữ C này hoạt động như “bộ phận giảm xóc” đệm cho khớp. Các dây chằng lớn như dây chằng chéo trước giữ vững xương đùi và xương chày với nhau và tạo sự ổn định cho khớp.

Tất cả các bề mặt còn lại của khớp gối được bao phủ bởi một lớp lót mỏng là bao hoạt dịch khớp. Lớp màng bao này tiết ra chất lỏng được gọi là hoạt dịch hoạt động như một loại “nhớt sinh học” giúp bôi trơn sụn, làm giảm ma sát xuống gần bằng không ở đầu gối khỏe mạnh.

Nguyên nhân gây đau và hư khớp gối

Thông thường thì tất cả các thành phần trong khớp gối hoạt động hài hòa với nhau. Nhưng khi khớp gối bị bệnh hoặc chấn thương thì sẽ dẫn đến hư hại mặt khớp, tức là mòn mất lớp sụn khớp, dẫn đến triệu chứng đau, giảm chức năng hoạt động của khớp gối và yếu cơ.

Tình trạng viêm khớp là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra đau khớp gối mạn tính và mất chức năng hoạt động khớp gối. Có nhiều nguyên nhân gây ra phản ứng viêm khớp nhưng đa số thường gặp nhất là bệnh: thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp và viêm khớp sau chấn thương.

1. Thoái hoá khớp

Thoái hoá khớp là khi bề mặt sụn khớp bị “hao mòn” liên quan đến tuổi tác. Bệnh thường gặp ở bệnh nhân từ 50 tuổi trở lên, nhưng cũng có thể xảy ra ở những người trẻ hơn. Như quá trình lão hoá, sự tạo ra mô sụn mới yếu và không kịp bù đắp cho lớp sụn bị mất đi dẫn đến sụn khớp bị mềm và mòn đi theo thời gian. Các đầu xương mất đi lớp đệm, có thể cọ xát vào nhau, gây ra đau và cứng khớp gối.

Thay khớp gối là gì? Chỉ định, quy trình thực hiện và những lưu ý
Khớp gối bình thường và khớp gối bị thoái hoá. Hình bên phải cho thấy các mặt xương mất đi lớp sụn bảo vệ nên khi cọ xát vào nhau gây ra triệu chứng đau. Gai xương cũng thường gặp trong khớp gối bị thoái hoá

2. Viêm khớp dạng thấp

Đây là bệnh mạn tính mà màng hoạt dịch bao quanh khớp bị viêm và dày lên. Tình trạng viêm này có thể làm hỏng sụn khớp dẫn tới cuối cùng gây mất sụn, gây đau và cứng khớp. Viêm khớp dạng thấp là một bệnh viêm khớp tự miễn.

3. Viêm khớp sau chấn thương

Loại hư khớp này diễn ra sau một chấn thương đầu gối nghiêm trọng. Gãy xương vùng gối của xương chày, xương đùi và xương bánh chè hoặc đứt dây chằng gối, theo thời gian có thể dẫn đến tổn thương sụn khớp, gây đau khớp gối và hạn chế chức năng khớp gối.

Phẫu thuật thay khớp gối

Thay khớp gối là loại phẫu thuật tương đối phổ biến trên thế giới. Đơn giản là phẫu thuật mổ nhằm tạo hình lại khớp gối, cụ thể hơn là tái tạo lại bề mặt của khớp gối vì chỉ bề mặt sụn của xương được thay thế. Khớp gối khi bị tổn thương lớp sụn dẫn đến lộ xương dưới sụn, các bề mặt xương có thể cọ xát vào nhau mà không có sụn lót để giảm chấn là một trong những nguyên nhân gây ra những cơn đau khớp dữ dội.

Các loại phẫu thuật thay khớp gối

Quá trình thay khớp gối gồm 2 bước cơ bản: cắt bỏ phần mặt khớp bị hư hỏng và ghép vào đó những bộ phận nhân tạo. Hiện nay có 2 loại thay khớp gối nhân tạo phổ biến:

  • Thay khớp gối toàn phần: phổ biến nhất.
  • Thay khớp gối một phần.

Khi nào cần thay khớp gối?

Chỉ định mổ thay khớp gối dựa vào mức độ đau gối của bệnh nhân và khả năng đi lại, thực hiện các công việc sinh hoạt hàng ngày.

Tuổi nào có thể thay khớp được?

Đa số bệnh nhân thay khớp gối có độ tuổi từ 50 đến 80 tuổi đi kèm với căn bệnh thoái hoá khớp gối nguyên phát lâu năm. Ngoài ra, các bác sĩ còn chỉ định mổ thay khớp cho những trường hợp trẻ hơn tuỳ thuộc vào từng bệnh nhân riêng biệt với các bệnh lí khác như thoái hoá khớp gối sau chấn thương vùng gối, các bệnh lí tàn phá làm hư khớp như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp tự miễn, u bướu, hoại tử xương vùng khớp gối…

Ai nên thực hiện phẫu thuật thay khớp

Chỉ định thay khớp gối thường được cân nhắc ở những bệnh nhân thoái hoá khớp có:

  • Đau hoặc cứng khớp gối nghiêm trọng làm hạn chế các hoạt động hàng ngày, bao gồm đi bộ, leo cầu thang và khi chuyển tư thế từ ngồi sang đứng hoặc ngược lại. Cơn đau xuất hiện khi bệnh nhân đi được một quãng đường nhất định, đoạn đường có thể dài chục mét đến trăm mét tuỳ vào từng bệnh nhân khác nhau và khi đó bệnh nhân chỉ muốn ngồi nghỉ hoặc dùng nạng hay khung tập đi mới có thể đi tiếp được.
  • Đau khớp gối với mức độ vừa hoặc nặng ngay cả khi nghỉ ngơi không hoạt động, cả ngày lẫn đêm.
  • Các triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau đầu gối kéo dài, mạn tính không giảm, không cải thiện khi nghỉ ngơi hoặc cả khi dùng thuốc.
  • Đầu gối bị biến dạng – đầu gối bị vẹo vào trong hoặc ra ngoài, làm ảnh hưởng đến dáng đi.
  • Đã được điều trị với thuốc chống viêm, giảm đau, tiêm cortisone, tiêm chất nhờn (acid hyaluronic) vào khớp gối, tập vật lý trị liệu, giảm cân hoặc đã được thực hiện các phẫu thuật khác mà không có cải thiện về lâu dài.
Thay khớp gối là gì? Chỉ định, quy trình thực hiện và những lưu ý
Hình ảnh gối biến dạng vẹo ra ngoài hay gặp

Quy trình thực hiện thay khớp gối

Cần chuẩn bị gì trước khi mổ thay khớp?

Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sẽ hỏi bạn về tính chất của triệu chứng đau khớp gối, tình trạng sức khoẻ chung, cũng như tiền sử bệnh tật của bạn. Bác sĩ sẽ đánh giá mức độ đau khớp và khả năng vận động khớp gối của bạn bằng việc:

  • Khám khớp gối và khám toàn thân nhằm biết được tầm vận động, mức độ vững, độ mạnh của cơ bắp vùng gối và sự “thẳng trục” để xem có vẹo, biến dạng gối hay không.
  • Cho chỉ định chụp X-quang gối để xem mức độ tổn thương khớp gối và mức độ biến dạng gối.
  • Chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) khớp gối, có thể cần thiết để xác định tình trạng của xương và các mô mềm ở vùng gối.
  • Các xét nghiệm thường quy tiền phẫu như chụp X-quang tim phổi, xét nghiệm máu khác.

Một số nguyên nhân khác như các vấn đề ở cột sống thắt lưng, các bệnh lí ở khớp háng cùng bên cũng có thể gây ra triệu chứng đau đầu gối.

Việc đau gối do các nguyên nhân này cũng có thể chồng lấp lên cơn đau xuất phát từ gối nên các bác sĩ phải kiểm tra kĩ lưỡng để tìm ra nguyên nhân thật sự triệu chứng đau gối của bệnh nhân chủ yếu đến từ đâu. Nếu không biết rõ về nguyên nhân đau thì có thể sau mổ thay khớp gối, bệnh nhân vẫn sẽ tiếp tục đau do các nguyên nhân chưa được làm rõ.

Sau khi xem xét các kết quả xét nghiệm và phim chụp cũng như đã nắm rõ về tình trạng đau khớp gối, bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân của mình có thích hợp để thực hiện cuộc mổ thay khớp gối hay không hay tiếp tục các biện pháp điều trị không phẫu thuật khác. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ giải thích về các yếu tố nguy cơ và biến chứng của phẫu thuật thay khớp có thể xảy ra.

Phẫu thuật thay khớp gối toàn phần

Có 4 bước cơ bản được thực hiện phẫu thuật này.

Bước 1: Chuẩn bị xương

Phẫu thuật viên sẽ cắt đi lớp sụn khớp đã hư ở đầu dưới xương đùi và đầu trên xương chày, cùng với một lớp xương nhỏ ngay dưới bề mặt sụn.

Bước 2: Đặt các dụng cụ cấy ghép bằng kim loại

Sụn ​​và xương bị cắt đi ở bước đầu sẽ được thay thế bằng các mảnh ghép làm bằng kim loại nhằm tái tạo bề mặt khớp. Các mảnh ghép này có thể được kết dính vào xương bằng xi măng sinh học hoặc đơn giản được đóng khít vào xương. Các phần mềm như sụn chêm, dây chằng chéo trước sẽ được cắt bỏ, dây chằng chéo sau thì tuỳ loại khớp nhân tạo mà có thể được giữ lại hay không.

Bước 3: Thay mặt khớp của xương bánh chè

Mặt dưới của xương bánh chè được cắt và đắp lại bằng một bề mặt mới bằng nhựa. Một số bác sĩ không thay mặt khớp xương bánh chè, tùy thuộc vào từng trường hợp.

Bước 4: Chèn một miếng đệm

Một miếng đệm bằng nhựa y tế (polyethylen) được chèn vào giữa các thành phần kim loại để tạo ra một bề mặt trượt khớp nhẵn bóng.

Thay khớp gối là gì? Chỉ định, quy trình thực hiện và những lưu ý
Thoái hóa khớp nặng và thay khớp gối toàn phần. (Trái) Thoái hoá khớp nặng. (Phải) Sụn khớp và xương bên dưới đã được loại bỏ và tái tạo bề mặt bằng các mảnh ghép kim loại vào xương đùi và xương chày. Một miếng đệm bằng nhựa được đặt ở giữa giúp bệnh nhân đi đứng trên “miếng nhựa”

Phẫu thuật thay khớp gối một phần

Phẫu thuật thay khớp gối một phần chỉ thay thế một phần của khớp gối bị tổn thương, có thể thay thế phần bên trong, phần bên ngoài hoặc phần xương bánh chè của khớp gối.

Phẫu thuật này được thực hiện khi chỉ một phần khớp gối bị hư (đa số là phần bên trong) phần còn lại của khớp gối được giữ nguyên. Thường thì thay khớp gối một phần sẽ có vết mổ nhỏ hơn, do đó, mất ít máu hơn, thời gian phục hồi sẽ nhanh hơn. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng có chỉ định thực hiện loại phẫu thuật này, điều này cần sự cân nhắc kĩ lưỡng của bác sĩ trên từng trường hợp người bệnh cụ thể.

Thay khớp gối là gì? Chỉ định, quy trình thực hiện và những lưu ý
Các loại khớp gối nhân tạo khác nhau phù hợp cho từng bệnh nhân khác nhau
Thay khớp gối là gì? Chỉ định, quy trình thực hiện và những lưu ý
Bên trái: hình ảnh X- quang khớp gối thoái hoá nặng. Bên phải: hình X-quang của thay khớp gối toàn phần, chú ý là mảnh ghép nhựa đặt ở giữa 2 mảnh ghép kim loại không nhìn thấy được trên X-quang

Thay khớp gối có tốt không?

Đa số các bệnh nhân sau mổ đều giảm đau đáng kể và thấy cải thiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Nhưng khớp gối nhân tạo sẽ không cho phép bạn làm nhiều hơn những gì bạn có thể làm như trước khi bạn bị hư khớp. Cho nên bác sĩ sẽ tư vấn rõ, không để bệnh nhân đặt kì vọng quá cao rằng sau thay khớp họ sẽ có “khớp gối mới” tốt và khoẻ như khớp gối lúc còn trẻ.

Khi bạn được thay khớp nhân tạo mới, đồng nghĩa với việc bạn “đi và đứng” trên một miếng nhựa y tế (plastic spacer). Miếng nhựa này sẽ bắt đầu mòn đi do hoạt động đi đứng hàng ngày sau mổ. Khi bệnh nhân hoạt động quá nhiều hoặc bị thừa cân béo phì thì sẽ làm gia tăng áp lực lên khớp gối nhân tạo khiến cho nó bị mòn nhanh hơn bình thường và có thể làm khớp mới thay bị lỏng và gây ra đau. Vì thế các bác sĩ chỉnh hình đều khuyên bệnh nhân của mình không nên tham gia các hoạt động mạnh, có thể gây ra va chạm như chạy, nhảy, đi bộ nhanh, leo trèo, ngồi xổm, ngồi bắt chéo chân, ngồi xếp bằng hoặc chơi các môn thể thao cường độ cao khác sau khi phẫu thuật.

Sau mổ, bạn vẫn có thể chơi các môn thể thao nhẹ nhàng dành cho “khớp gối mới” như đi bộ, bơi lội, chơi gôn, đi bộ đường dài nhẹ, đi xe đạp, khiêu vũ…

Với cường độ hoạt động thích hợp, tuổi thọ khớp nhân tạo có thể lên đến 15-20 năm hoặc hơn.

Giá thành của phẫu thuật thay khớp gối?

Chi phí cho cuộc mổ tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như:

  • Giá của khớp gối nhân tạo: là loại toàn phần hay một phần, là loại có bản lề hay không bản lề…, có dùng xi măng sinh học hay không, nguồn gốc xuất xứ từ hãng sản xuất khớp nào. Không phải loại khớp đắt tiền nhất là tốt nhất, loại tốt nhất là loại phù hợp nhất cho từng bệnh nhân riêng biệt.
  • Bệnh viện, đội ngũ chuyên gia thực hiện.
  • Các bệnh lí nền của bệnh nhân.
  • Các chi phí khác, bảo hiểm y tế…

Do đó, bạn cần trao đổi trực tiếp với cơ sở y tế thực hiện để ước chừng chi phí cho trường hợp của mình.

Các biến chứng có thể gặp sau phẫu thuật thay khớp gối

Tỷ lệ biến chứng của phẫu thuật thay khớp gối là thấp.

1. Nhiễm trùng khớp gối sau thay khớp

Đây là một trong những biến chứng nghiêm trọng, nhưng ít gặp, xảy ra với ít hơn 2% bệnh nhân. Nhiễm trùng có thể xảy ra quanh vết thương hay ở sâu bên trong xung quanh khớp gối nhân tạo.

Biến chứng này có thể được phát hiện trong khoảng vài ngày hay vài tuần hoặc thậm chí một số trường hợp nhiều năm sau mổ.

  • Nhiễm trùng nông quanh vết mổ có thể được điều trị với kháng sinh.
  • Nhiễm trùng sâu bên trong, quanh khớp gối nhân tạo thì có thể cần thêm các cuộc phẫu thuật để lấy khớp nhân tạo ra và để cắt lọc mô viêm.

Để giảm tỷ lệ này, các bệnh nhiễm trùng của bệnh nhân cần được kiểm soát và điều trị kĩ lưỡng trước mổ. Chẳng hạn như nhiễm trùng răng miệng; mụn mủ, viêm da hay xay xát da vùng đầu gối, viêm họng hay nhiễm trùng tiểu… cũng phải được chú ý đến và điều trị khỏi hẳn trước khi thực hiện phẫu thuật vì bất kì nhiễm trùng nào trong cơ thể của bạn đều có thể lây lan sang khớp gối của bạn.

2. Đột quỵ và nhồi máu cơ tim

Các biến chứng như đột quỵ và nhồi máu cơ tim thì xảy ra ít hơn. Tuy nhiên, ở bệnh nhân có các bệnh nội khoa mạn tính như tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, xơ vữa động mạch, đái tháo đường… có thể khả năng gặp biến chứng sẽ cao hơn bình thường.

Mặc dù hiếm gặp, nhưng các biến chứng kể trên là nặng. Do đó, bệnh nhân cần được kiểm soát tốt các bệnh nền có sẵn để cuộc mổ diễn ra an toàn nhất.

Bạn đừng ngần ngại kể những lo lắng về bệnh tình của mình cho bác sĩ biết nhé!

3. Huyết khối

Biến chứng về huyết khối hay cục máu đông trong tĩnh mạch ở chân là một trong những biến chứng thường gặp của phẫu thuật thay khớp gối. Cục máu đông có thể đe dọa tính mạng nếu chúng vỡ ra và di chuyển đến phổi của bạn. Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sẽ hướng dẫn bạn các bài tập vận động hai chân để tăng tuần hoàn máu, chỉ định mang vớ hỗ trợ và cho thuốc chống đông nhằm phòng ngừa biến chứng này.

Thay khớp gối là gì? Chỉ định, quy trình thực hiện và những lưu ý
Cục máu đông có thể hình thành ở một trong những tĩnh mạch sâu của cơ thể. Các cục máu đông này có thể được tạo ra ở bất kỳ tĩnh mạch sâu nào, chúng thường được hình thành nhất ở các tĩnh mạch của xương chậu, bắp chân hoặc đùi

4. Biến chứng khác

  • Các vấn đề về khớp nhân tạo bị lỏng và bị mài mòn, không vững.
  • Đau tại khớp gối. Một số ít bệnh nhân tiếp tục bị đau sau khi thay khớp gối. Tuy nhiên, biến chứng này rất hiếm và hầu hết bệnh nhân đều giảm đau đáng kể sau khi thay khớp gối.
  • Tổn thương mạch máu và thần kinh, gãy xương đùi hoặc xương chày, đứt gân cơ tứ đầu đùi, gân bánh chè… Mặc dù hiếm gặp, các tổn thương xung quanh vùng gối có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật.

Lưu ý cho người bệnh sau khi phẫu thuật thay khớp gối

Sau khi phẫu thuật, bạn hãy lưu ý những vấn đề sau:

  • Tham gia các chương trình tập thể dục nhẹ thường xuyên để duy trì sức mạnh và khả năng vận động của khớp gối.
  • Phòng ngừa để tránh té ngã và chấn thương. Nếu bạn bị gãy xương ở chân, bạn có thể phải phẫu thuật thêm.
  • Hãy nói với bác sĩ nha khoa về việc bạn đã phẫu thuật thay khớp gối. Hỏi ý kiến với bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình của bạn về việc bạn có cần dùng thuốc kháng sinh trước khi làm thủ thuật nha khoa hay không.
  • Gặp bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình của bạn định kỳ để được tái khám và chụp X-quang kiểm tra khớp gối. Bác sĩ phẫu thuật cho bạn sẽ lên lịch hẹn thời gian của những lần thăm khám này.

Hiện tại, hơn 90% tổng số ca thay khớp gối hiện đại vẫn hoạt động tốt sau hơn 15 năm kể từ khi phẫu thuật. Bạn nhớ tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sau khi mổ và tận hưởng chất lượng cuộc sống cải thiện cùng với khớp gối mới của mình nhé!

Nguồn: youmed.vn

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Gan nhiễm mỡ uống thuốc gì? 9 thuốc tiềm năng điều trị gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ là tình trạng chất béo tích tụ trong gan nhiều hơn mức bình thường. Tính đến tháng 3 năm 2024, chỉ có một loại thuốc duy nhất (Rezdiffra)
Hình ảnh tin tức Sau khi hút thai có nên đi lại nhiều? Chị em cần chú ý những gì sau hút thai?
Sau khi hút thai cơ thể chị em phụ nữ sẽ mất lượng máu, buồng tử cung, vùng kín có thể bị tổn thương ít nhiều. Do đó để tạo điều kiện cho tử cung,
Hình ảnh tin tức Dấu hiệu viêm phổi nặng ở người lớn tuổi - nhận biết để bảo vệ tính mạng
Viêm phổi là bệnh lý hô hấp nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến nhiều người ở mọi độ tuổi. Theo thống kê năm 2019, số người tử vong do viêm phổi là
Hình ảnh tin tức [Giải đáp] Chi phí xét nghiệm tiểu đường thai kỳ hết bao nhiêu tiền?
Tiểu đường thai kỳ là một vấn đề sức khỏe khi mang thai không quá hiếm gặp. Do đó, ngoài việc thắc mắc nên xét nghiệm tiểu đường thai kỳ ở đâu để có
Hình ảnh tin tức Ăn bưởi có giảm cân không? Chế độ ăn kiêng với bưởi liệu có hiệu quả?
Có thể bạn đã từng nghe nhiều người truyền miệng nhau cách ăn bưởi để giảm cân hiệu quả và an toàn. Song thực tế thì sao? Ăn bưởi có giúp bạn giảm