Tăng áp động mạch phổi: Sát thủ âm thầm

Tim bóp máu đi nuôi cơ quan trong cơ thể thông qua các mạch máu. Dòng máu chảy trong cơ thể được chia thành hai vòng tuần hoàn lớn và nhỏ. Dòng máu chảy qua các động mạch đặt lên thành động mạch một áp lực gọi là huyết áp (áp lực của máu). Huyết áp chúng ta đo bằng máy ở tay (hoặc chân) là huyết áp của hệ động mạch chủ. Động mạch phổi cũng có huyết áp. Huyết áp cao ở động mạch phổi (tăng áp phổi) là bệnh nguy hiểm với nhiều biến chứng nặng nề. Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu về bệnh tăng áp phổi.

Tăng áp động mạch phổi: Sát thủ âm thầm
Hai vòng tuần hoàn máu

1. Tăng áp phổi là gì?

Tăng áp phổi được tạo ra bởi sự gia tăng áp lực trong động mạch phổi. Bệnh bắt nguồn từ các động mạch và mao mạch phổi bị tổn thương. Các tổn thương có thể làm thu hẹp, tắc hoặc tiêu hủy động mạch phổi. Điều này làm tăng áp lực cho các động mạch trong phổi khi máu lưu thông qua phổi.

Khi áp suất được xây dựng, buồng tim làm việc nhiều hơn để bơm máu qua phổi. Cuối cùng, cơ tim sẽ suy yếu và dẫn tới suy tim.

Đây là một bệnh nghiêm trọng, có thể trở nên nghiêm trọng hơn và gây tử vong. Tăng áp động mạch phổi không thể chữa khỏi hoàn toàn. Những phương pháp điều trị có sẵn chỉ giúp làm giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng sống.

Tăng áp động mạch phổi: Sát thủ âm thầm
So sánh phổi người bình thường và phổi bệnh nhân bị tăng áp

2. Tại sao bị tăng áp phổi?

Bình thường, máu lưu thông dễ dàng qua các mạch máu trong phổi do áp lực động mạch phổi thấp. Tình trạng gia tăng áp lực xảy ra do sự thay đổi trong các tế bào lót động mạch phổi. Sự thay đổi trên khiến cho các mạch máu thu hẹp và động mạch trở nên cứng hoặc hẹp đi. Chính điều này làm cho tăng áp trong động mạch phổi ngày càng diễn tiến nghiêm trọng.

Tăng áp phổi chia làm hai nhóm nguyên nhân chính.

2.1. Tăng áp phổi nguyên phát

Không thể xác định được nguyên nhân gây nên bệnh tăng áp động mạch phổi. Một số yếu tố nguy cơ có liên quan đến tình trạng này gồm:

  • Đột biến gen, yếu tố di truyền.
  • Tác động của thuốc, tia xạ.
  • Do người bệnh bị dị tật tim bẩm sinh.

Tuy nhiên, những nguyên nhân gây nên bệnh tăng áp động mạch phổi nguyên phát vẫn chưa được công nhận.

>> Bạn có thể xem thêm: Bệnh tim bẩm sinh: Những điều cần biết!

2.2. Tăng áp phổi thứ phát

Tăng áp phổi thứ phát xảy ra phổ biến hơn so với tăng áp phổi nguyên phát. Trong trường hợp này, tăng áp phổi là hậu quả của bệnh khác. Một số nguyên nhân gây nên tăng áp động mạch phổi thứ phát bao gồm:

  • Do một số bất thường liên quan đến tim như bệnh van tim, bệnh cơ tim phì đại.
  • Tình trạng bất thường xảy ra ở phổi như phổi tắc nghẽn mãn tính, xơ phổi.
  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ.
  • Động mạch phổi bị tắc nghẽn do cục máu đông.
  • Các mô liên kết bị rối loạn (trong các bệnh tự miễn như xơ cứng bì hay lupus).
  • Người bệnh bị tim bẩm sinh hoặc suy tim.
  • Bệnh tuyến giáp trạng, đa hồng cầu nguyên phát.
  • Người bệnh sử dụng thuốc kích thích lâu dài.
  • Do bệnh gan mãn tính.
  • Do bệnh phổi (như lao phổi) gây ra sẹo giữa các phế nang trong phổi.
  • Người bệnh bị thiếu máu tế bào hình liềm.
  • Bệnh HIV/AIDS.
  • Đặc biệt, người sống lâu ngày trên độ cao lớn hơn 2.500 mét cũng có nguy cơ tăng áp phổi.

Tỉ lệ bệnh nhân tăng áp phổi thứ phát bắt nguồn từ nguyên nhân hô hấp chiếm tỉ lệ cao. Nguyên nhân là sự gia tăng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do thuốc lá.

Tăng áp động mạch phổi: Sát thủ âm thầm
Hút thuốc lá có thể gây tăng áp động mạch phổi

3. Những người nào có nguy cơ bị tăng áp phổi?

Tăng áp phổi có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và giới tính. Bệnh thường diễn tiến âm thầm, khó phát hiện. Tuy nhiên, vẫn có một số yếu tố nguy cơ sau có thể gây tăng áp phổi:

  • Tiền căn gia đình có người bị tăng áp phổi.
  • Tiếp xúc lâu ngày với các chất độc hại, tia xạ.
  • Người có bệnh tim bẩm sinh hoặc các hội chứng di truyền, bẩm sinh nói chung.
  • Bệnh nhân có bệnh tim mạch: van tim, cơ tim và động mạch vành.
  • Người đang hoặc từng mắc các bệnh về hô hấp:
  • Có bệnh gan mãn tính: viêm gan, xơ gan.
  • Bệnh nhân HIV/AIDS.
  • Mắc các bệnh miễn dịch như lupus, xơ cứng bì.
  • Sử dụng thuốc kích thích, ma túy lâu dài.
  • Sống trên núi cao.
  • Hút thuốc lá nhiều.
Tăng áp động mạch phổi: Sát thủ âm thầm
Ngưng thở khi ngủ có thể là một nguy cơ của bệnh

4. Biến chứng của tăng áp động mạch phổi

Tăng áp động mạch phổi thường diễn tiến âm thầm, triệu chứng ban đầu không rõ ràng. Khi đã có triệu chứng rõ ràng, nhất là triệu chứng hô hấp và tim mạch, thường bệnh đã nặng. Bệnh diễn tiến nặng dần và có thể gây một số biến chứng sau:

  • Bệnh lý tim do phổi (tâm phế mãn). Trong tâm phế mãn, tim phải tạo một lực mạnh hơn bình thường để bóp máu lên phổi. Để làm được điều đó, tim đáp ứng bằng cách dãn và dày cơ tim. Lâu dần, cơ tim hoạt động quá sức sẽ dẫn tới suy tim. Tâm phế mãn tạo nhiều khó khăn hơn cho bác sĩ điều trị so với bệnh lý tim đơn thuần.
  • Tắc động mạch phổi. Áp lực động mạch phổi cao lâu ngày bào mòn lớp nội mạc mạch máu. Điều này tạo điều kiện cho cục máu đông dễ hình thành và bám vào gây tắc mạch máu phổi. Tình trạng này gọi là thuyên tắc phổi. Đây là biến chứng cấp cứu nguy hiểm tới tính mạng. Ngoài ra, cục máu đông còn có thể di chuyển tới các cơ quan khác gây tổn thương.
Tăng áp động mạch phổi: Sát thủ âm thầm
Thuyên tắc phổi
  • Ho ra máu. Thành mạch máu mỏng dần và dễ chảy máu. Máu chảy vào phế nang của phổi có thể gây suy hô hấp đe dọa tính mạng.
  • Rối loạn nhịp tim. Tăng áp phổi lâu ngày đặt áp lực lên các buồng tim làm tổn thương hệ thống tạo nhịp. Các rối loạn nhịp có thể gây ngưng tim dẫn tới tử vong.

5. Biểu hiện của tăng áp động mạch phổi như thế nào?

Giai đoạn đầu của bệnh tăng áp động mạch phổi thường không có triệu chứng rõ rệt. Bệnh diễn tiến âm thầm và có chuyển biến nghiêm trọng nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.

Một số dấu hiệu để nhận biết bệnh tăng áp động mạch phổi gồm:

  • Khi vận động, tập luyện thể dục, người bệnh sẽ nhanh cảm thấy khó thở, mau kiệt sức. Tình trạng này là do thiếu oxy máu hoặc biến chứng suy tim.
  • Thường cảm thấy mệt mỏi.
  • Vùng ngực bị đau thắt: cần phân biệt với bệnh động mạch vành.
  • Tay, chân, mắt cá chân bị sưng phù.
  • Nhịp tim, mạch đập nhanh bất thường.
  • Xuất hiện các vết xanh tím ở da và môi.
  • Người bệnh thường xuyên cảm thấy chóng mặt, có thể bị ngất xỉu.
  • Đối tượng bị bệnh tim, phổi nhưng tình trạng khó thở ngày càng tăng lên.
  • Người bệnh cảm thấy chướng bụng, khó tiêu.
  • Ho ra máu.
  • Khó thở, tăng khi nằm và về đêm.

>> Xem thêm: Khó thở thanh quản: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

Tăng áp động mạch phổi: Sát thủ âm thầm
Tim đập nhanh khi bị tăng áp phổi

6. Chẩn đoán tăng áp phổi như thế nào?

Điều quan trọng là phải phát hiện sớm khi bệnh chưa có biến chứng hoặc biến chứng nhẹ. Tầm soát biến chứng cũng là yếu tố quan trọng giúp ích trong điều trị.

Tuy nhiên, tăng áp động mạch phổi rất khó chẩn đoán sớm. Ngay cả khi bệnh nặng hơn, dấu hiệu và triệu chứng của nó cũng tương tự như của vấn đề tim và phổi khác. Bác sĩ có thể làm một hoặc nhiều xét nghiệm để loại trừ các nguyên nhân khác. Các xét nghiệm để chẩn đoán tăng áp động mạch phổi bao gồm:

6.1. Chụp X quang

Tìm hình ảnh tim giãn rộng do tăng áp động mạch phổi. Tuy nhiên, X quang vẫn bình thường trong khoảng một phần ba những người mắc bệnh.

6.2. Siêu âm tim

Có thể đánh giá sơ bộ áp lực động mạch phổi. Siêu âm tim là xét nghiệm quan trọng và cần thiết trong chẩn đoán sớm tăng áp phổi. Ngoài ra, việc này còn đánh giá tình trạng co bóp, độ dày thành tim để khảo sát biến chứng suy tim.

6.3. Thử nghiệm chức năng phổi (hô hấp ký)

Khảo sát lượng không khí phổi có thể nắm giữ cũng như luồng khí vào và ra khỏi phổi, từ đó đánh giá chức năng phổi.

6.4. Chụp động mạch phổi

Khảo sát dòng máu chảy trong mạch máu phổi. Có thể phát hiện cục máu đông làm tắc và gây hẹp động mạch phổi.

6.5. Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Thử nghiệm này không sử dụng X quang, đôi khi dùng để tạo hình ảnh của các mạch máu phổi. Tuy nhiên, MRI có thể không đo áp lực động mạch phổi.

6.6. Xét nghiệm di truyền

Áp dụng đối với bệnh nhân với tiền căn gia đình có người bị tăng áp phổi.

Tăng áp động mạch phổi: Sát thủ âm thầm
Xét nghiệm di truyền được tiến hành nếu gia đình bệnh nhân đã có người mắc bệnh

6.7. Đặt ống thông tim

Khi siêu âm tim cho kết quả có tăng áp phổi, phải thông tim đo áp lực động mạch phổi .Thủ thuật này thường là cách đáng tin cậy nhất của chẩn đoán tăng áp động mạch phổi. Trong đó, bác sĩ tim mạch đặt ống thông vào tĩnh mạch ở cổ hoặc háng bệnh nhân. Ống thông này sau đó được luồng vào động mạch phổi. Đặt ống thông tim cho phép bác sĩ trực tiếp đo áp suất trong động mạch phổi.

Tùy tình trạng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ cho tiến hành các xét nghiệm phù hợp.

7. Điều trị tăng áp phổi như thế nào?

Thường mất một thời gian để tìm phương pháp điều trị tốt nhất cho tăng áp động mạch phổi. Các phương pháp điều trị thường phức tạp và yêu cầu mở rộng theo dõi, chăm sóc. Điều trị nguyên nhân là cốt lõi trong điều trị tăng áp phổi thứ phát. Dưới đây là các phương thức có thể sử dụng.

7.1. Điều trị bằng thuốc

Thuốc điều trị tăng áp phổi có rất nhiều loại. Đặc biệt, thuốc có tương tác rất chặt chẽ với bệnh tim mạch. Việc phối hợp thuốc sao cho an toàn nhất tùy vào tình trạng bệnh nhân và kinh nghiêm bác sĩ. Thuốc có thể phải thay đổi tùy từng giai đoạn bệnh và biểu hiện của bệnh nhân.

Điều quan trọng là bệnh nhân phải tuân thủ điều trị và tái khám thường xuyên. Ngoài ra, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ biết ngay khi có triệu chứng bất thường để điều chỉnh.

Tăng áp động mạch phổi: Sát thủ âm thầm
Có thể dùng thuốc để điều trị tăng áp phổi

7.2. Phẫu thuật

Khi thuốc không thể kiểm soát tình trạng bệnh hoặc biến chứng nguy hiểm, phẫu thuật sẽ được xét tới. Tuy nhiên, việc chỉ định phẫu thuật hết sức nghiêm ngặt, cần sự đánh giá kỹ càng của bác sĩ. Có nhiều phương pháp phẫu thuật tùy tình trạng bệnh nhân. Nguy cơ tai biến phẫu thuật cao đòi hỏi phải có phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm thực hiện.

8. Theo dõi bệnh nhân tăng áp phổi như thế nào?

Mặc dù điều trị y khoa không thể chữa bệnh tăng áp động mạch phổi nhưng có thể làm giảm triệu chứng. Thay đổi lối sống cũng có thể giúp cải thiện tình trạng, do đó bạn nên:

  • Nghỉ ngơi nhiều, không vận động gắng sức. Tập thể dục vừa sức.
  • Không hút thuốc.
  • Tránh sử dụng thuốc tránh thai hoặc mang thai.
  • Không du lịch hoặc sinh sống ở nơi có độ cao lớn.
  • Tránh những tình huống có thể làm giảm huyết áp, bao gồm ngồi trong bồn tắm nóng, tắm hơi, tắm nước nóng hoặc tắm lâu. Những hoạt động này làm giảm huyết áp và gây choáng ngất, thậm chí tử vong.
  • Tìm cách để giảm bớt căng thẳng.
  • Thực hiện một chế độ ăn uống dinh dưỡng và duy trì trọng lượng hợp lý. Cần hạn chế lượng muối trong chế độ ăn.
Tăng áp động mạch phổi: Sát thủ âm thầm
Cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh

Tăng áp phổi là bệnh lý nguy hiểm nhưng diễn tiến âm thầm, khi đã có triệu chứng thường nặng và xuất hiện biến chứng. Bệnh có biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới tính mạng và chất lượng sống. Tuy không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng bạn có thể cải thiện triệu chứng. Tuân thủ điều trị và xây dựng chế độ sống lành mạnh là chìa khóa để cải thiện tiên lượng và chất lượng cuộc sống bệnh nhân tăng áp phổi.

Bác sĩ Lương Sỹ Bắc

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Mẹ sau sinh mổ bao lâu thì ăn uống bình thường?
Việc có một chế độ dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phục hồi cho phụ nữ sau sinh, nhất là các mẹ sinh mổ.
Hình ảnh tin tức Khi quan hệ nam và nữ ai dễ hưng phấn, thỏa mãn hơn? Khám phá cảm giác khi “yêu” của hai phái
Thông thường, trong những “cuộc yêu”, phái mạnh thường đóng vai trò là người chủ động. Chính vì vậy mà nhiều người thắc mắc khi quan hệ nam và nữ ai
Hình ảnh tin tức Nguyên nhân viêm phế quản là gì và cách phòng ngừa ra sao?
Viêm phế quản là một bệnh lý đường hô hấp phổ biến có thể xảy ra ở cả trẻ em lẫn người lớn. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ nguyên nhân viêm phế
Hình ảnh tin tức Bật mí 2 cách làm tắc ngâm đường phèn ai cũng làm được
Khi gặp các về đường hô hấp như ho khan, ho có đờm, khò khè… nhiều người thường áp dụng các phương pháp dân gian như dùng tắc ngâm đường phèn hay ngâm
Hình ảnh tin tức Giải đáp thắc mắc: Chị em khi đi khám phụ khoa cần chuẩn bị gì?
Vì sao chị em phụ nữ cần đi khám phụ khoa, khám phụ khoa cần chuẩn bị những gì là những băn khoăn rất thường gặp của không ít chị em khi lần đầu đi