Suy thận mãn tính: Dấu hiệu, nguyên nhân và khả năng điều trị

Suy thận có thể gặp ở mọi độ tuổi. Điều quan trọng nhất là cần phát hiện và điều trị sớm, tránh dẫn đến suy thận mãn tính và phải chạy thận nhân tạo về sau. Hãy cùng YouMed tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến suy thận, dấu hiệu cảnh báo, khả năng chữa khỏi của căn bệnh suy thận mãn tính nhé.

1. Vị trí thận nằm ở đâu? Suy thận mãn tính là như thế nào?

Mỗi người có 2 quả thận. Vị trí của thận nằm ngay dưới các xương sườn, khoảng giữa lưng, hai bên cột sống. Thận có chức năng lọc chất độc và dịch dư thừa ra khỏi máu và thải chúng qua nước tiểu.

Suy thận mãn tính: Dấu hiệu, nguyên nhân và khả năng điều trị

Suy thận là tình trạng thận giảm hoặc mất khả năng lọc máu tự nhiên này. Suy thận mãn tính là khi thận bị suy giảm chức năng một cách từ từ trong một thời gian dài (quá trình này có thể kéo dài 5 – 10 năm hoặc lâu hơn). Thông thường, suy thận mạn thường xuất hiện ở những người bị tăng huyết áp hoặc đái tháo đường lâu năm.

2. Nguyên nhân nào dẫn đến suy thận mạn?

Nguyên nhân của suy thận mạn rất đa dạng, nhưng thông thường hay gặp là ở bệnh nhân bị bệnh thận đa nang, người mắc bệnh tự miễn (bệnh lupus ban đỏ), mắc bệnh xơ vữa động mạch, các nguyên nhân khác bao gồm:

  • Bị tắc nghẽn đường tiểu như: sỏi tiết niệu, viêm bàng quang…
  • Biến chứng bệnh đái tháo đường hoặc tăng huyết áp;
  • Bệnh thận do nguyên nhân di truyền, viêm cầu thận;
  • Nhiễm độc lâu dài như nhiễm độc chì, hoặc các chất độc quân sự.

3. Dấu hiệu bị suy thận mạn

Nhiều bệnh nhân suy thận mạn tính không có triệu chứng rõ ràng. Nhiều triệu chứng sẽ không biểu hiện cho tới khi xuất hiện các tổn thương thận nặng. Các triệu chứng cảnh báo suy thận bao gồm:

  • Phù ở chân, ở mắt cá chân hoặc bàn chân;
  • Mệt mỏi, cảm thấy không khỏe hoặc khó thở;
  • Da có màu xám nhợt;
  • Chán ăn, buồn nôn, nôn;
  • Sút cân;
  • Nước tiểu sậm màu, hoặc sủi bọt;
  • Ngứa ngáy
Suy thận mãn tính: Dấu hiệu, nguyên nhân và khả năng điều trị
Da xám nhợt, người mệt mỏi là một trong những triệu chứng có thể gặp khi bị suy thận

Khi nghi ngờ có tổn thương thận, bệnh nhân sẽ được làm xét nghiệm máu và nước tiểu để đánh giá khả năng lọc của thận. Có thể bạn cũng sẽ được chỉ định làm siêu âm, hoặc sinh thiết để tìm nguyên nhân và đánh giá mức độ tổn thương thận.

4. Người bị suy thận mạn phải đối mặt với nguy cơ gì?

Suy thận mãn tính gây nên các vấn đề khác nhau trên toàn cơ thể bạn. Sau đây là một số vấn đề xảy ra trên cơ thể có thể gặp phải nếu bạn bị suy thận mãn tính:

  • Phù, ứ dịch: Nếu thận không làm việc tốt, dịch sẽ tích tụ trong cơ thể. Từ đó làm chân bạn sưng lên (phù chân). Ngoài ra còn làm cho huyết áp tăng cao không kiểm soát. Vì vậy, người bị suy thận mãn tính cần hạn chế ăn mặn.
  • Thiếu máu: Suy thận mãn tính có thể dẫn tới tình trạng thiếu máu. Từ đó, người bệnh thường xuyên nhợt nhạt, mệt mỏi, khó thở. Người bệnh suy thận mãn tính kèm thiếu máu cần được uống thuốc sắt hoặc tiêm sắt bổ sung.
  • Sút cân: Khi bị suy thận, người bệnh có thể không còn đủ protein nuôi dưỡng cơ thể, từ đó dẫn đến sút cân.

Suy thận mãn tính: Dấu hiệu, nguyên nhân và khả năng điều trị

  • Yếu xương: Nếu thận của bạn bị tổn thương, việc hấp thu can-xi, vitamin D sẽ bị ảnh hưởng. Để hạn chế vấn đề này, nhiều bệnh nhân suy thận mạn được bác sĩ chỉ định bổ sung canxi và vitamin D. Một số bệnh nhân cũng được khuyên hạn chế phốt-pho trong khẩu phần ăn, và điều này làm tăng lượng canxi cần thiết cho xương.
  • Dư thừa a-xít: Khi thận bị suy yếu, chúng không thể loại bỏ hoàn toàn a-xít khỏi cơ thể. Nếu trong máu dư thừa a-xít sẽ dẫn tới các vấn đề như loạn nhịp tim, co giật, hôn mê.
  • Rối loạn kali: Khi bị suy thận, kali có thể tăng lên trong máu, dẫn tới rối loạn nhịp tim, ngừng tim và các vấn đề khác liên quan tới thần kinh cơ. Bác sĩ có thể khuyến cáo bạn hạn chế kali trong bữa ăn. Bạn cũng có thể được cho sử dụng một số thuốc giúp giảm nồng độ kali.

Ngoài ra, người bị suy thận mãn tính có thể gặp các biến chứng như tăng huyết áp, suy tim ứ huyết, xơ vữa động mạch, bệnh cơ tim và van tim, viêm màng trong tim, các rối loạn nhịp tim. Có thể bị viêm thần kinh ngoại vi, cảm giác kiến bò, bỏng rát ở chân. Người bệnh thờ ơ, ngủ gà, có thể co giật, rối loạn tâm thần rồi đi vào hôn mê. Triệu chứng này hiện nay ít gặp vì có chạy thận nhân tạo.

5. Suy thận mạn có thể chữa khỏi hoàn toàn?

Suy thận mãn tính là tình trạng thận suy yếu từ từ qua 5 giai đoạn. Khi đã bị suy thận mãn tính thì chức năng thận không thể phục hồi như bình thường được nữa. Khi đến suy thận mạn giai đoạn 5 (giai đoạn cuối) thì chức năng thận đã suy giảm rất trầm trọng.

Suy thận mãn tính thường dẫn tới nhiều biến chứng làm giảm tuổi thọ. Tuy nhiên, việc điều trị sẽ giúp chậm sự phát triển của bệnh, nhiều bệnh nhân có thể sống trong rất nhiều năm. Điều quan trọng là cần phát hiện bệnh và điều trị sớm.

6. Điều trị suy thận mạn tính

Bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối sẽ được tư vấn điều trị với các phương pháp như: ghép thận, thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng.

Ghép thận

Ghép thận là lấy thận của người khỏe mạnh ghép cho người suy thận mãn giai đoạn cuối. Tuy nhiên, chi phí của phương pháp này khá cao. Ngoài ra, rất khó để tìm được người cho thận và có thận phù hợp với người nhận. Bệnh nhân còn phải đối diện với nguy cơ thải ghép và chịu tác dụng phụ của thuốc thải ghép.

Chạy thận nhân tạo

Suy thận mãn tính: Dấu hiệu, nguyên nhân và khả năng điều trị

Đối với phương pháp này bệnh nhân cần đến bệnh viện 2 – 4 lần mỗi tuần. Thời gian chạy thận kéo dài khoảng 4 – 6 tiếng/lần tùy tình trạng bệnh nhân. Vào ngày không chạy thận, bệnh nhân có thể sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, trong thời gian chạy thận, bệnh nhân cần hạn chế nước, không ăn các loại trái cây nhiều kali.

Lọc màng bụng

Với phương pháp này, bệnh nhân sẽ được huấn luyện các kỹ thuật để trang bị hằng ngày tại nhà. Mỗi tháng một lần bệnh nhân đến bệnh viện tái khám và nhận dịch. Tuy nhiên, phương pháp này luôn cần mang một ống thông trên người, tỷ lệ nhiễm trùng cao. Bệnh nhân lớn tuổi thì cần có người hỗ trợ.

Việc lựa chọn phương pháp nào phụ thuộc vào điều kiện sức khỏe của bệnh nhân. Bệnh nhân cần được bác sĩ chuyên khoa tư vấn để lựa chọn phương pháp phù hợp.

Dược sĩ Phạm Thị Thúy Diễm

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Khi quan hệ nam và nữ ai dễ hưng phấn, thỏa mãn hơn? Khám phá cảm giác khi “yêu” của hai phái
Thông thường, trong những “cuộc yêu”, phái mạnh thường đóng vai trò là người chủ động. Chính vì vậy mà nhiều người thắc mắc khi quan hệ nam và nữ ai
Hình ảnh tin tức Nguyên nhân viêm phế quản là gì và cách phòng ngừa ra sao?
Viêm phế quản là một bệnh lý đường hô hấp phổ biến có thể xảy ra ở cả trẻ em lẫn người lớn. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ nguyên nhân viêm phế
Hình ảnh tin tức Bật mí 2 cách làm tắc ngâm đường phèn ai cũng làm được
Khi gặp các về đường hô hấp như ho khan, ho có đờm, khò khè… nhiều người thường áp dụng các phương pháp dân gian như dùng tắc ngâm đường phèn hay ngâm
Hình ảnh tin tức Giải đáp thắc mắc: Chị em khi đi khám phụ khoa cần chuẩn bị gì?
Vì sao chị em phụ nữ cần đi khám phụ khoa, khám phụ khoa cần chuẩn bị những gì là những băn khoăn rất thường gặp của không ít chị em khi lần đầu đi
Hình ảnh tin tức Mùa hè ăn xoài có nóng không? Có gây nổi mụn như nhiều người nghĩ không?
Xoài là loại trái cây nhiệt đới đặc trưng của mùa hè được nhiều người ưa thích bởi hương vị thơm ngon, tốt cho sức khỏe. Dù vậy, nhiều chị em cũng e