Suy gan: Căn bệnh nguy hiểm với những biến chứng khôn lường

Suy gan là một căn bệnh nguy hiểm với những biến chứng khôn lường. Tình trạng này có thể đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được điều trị kịp thời. Vậy suy gan nguy hiểm như thế nào? Triệu chứng và nguyên nhân gây ra nó là gì? Cách điều trị như thế nào? Người bệnh nên lưu ý gì trong chế độ dinh dưỡng để hạn chế tiến triển bệnh? Tất cả sẽ được Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh Mạnh Tiến giải đáp trong bài viết sau đây. Nào chúng ta cùng tìm hiểu nhé!

Suy gan là gì?

Gan là tạng lớn thứ hai trong cơ thể, đảm nhận nhiều chức năng quan trọng. Tại nơi đây, các thức ăn sau khi được hấp thu sẽ được đưa đến để xử lý và chuyển thành các dưỡng chất mà cơ thể chúng ta có thể sử dụng được. Gan đóng vai trò lọc và khử bỏ các chất có hại như rượu, thuốc, và sinh ra kháng thể giúp cơ thể chống chọi với bệnh tật.1 2 3

Chức năng gan bao gồm:

  • Đào thải độc tố.
  • Sản xuất mật.
  • Dự trữ các vitamin A, vitamin D, vitamin E, vitamin K, vitamin B12.
  • Chuyển hóa và dự trữ đường.
  • Tổng hợp yếu tố đông máu, kháng thể, các hormone.

Sau khi cơ thể tiếp xúc lâu dài với các tác nhân độc hại (siêu vi, rượu, chất độc hại,..) sẽ khiến gan bị tổn thương. Sự tổn thương này dần dần đưa đến suy gan biểu hiện bằng những triệu chứng nghiêm trọng.1 3 Suy gan là bệnh nặng, có khả năng nguy hiểm tính mạng. Người bệnh suy gan cần đến các cơ sở y tế để thăm khám ngay khi có triệu chứng, để được điều trị kịp thời.2 3 4 5 6

Thế nào là suy gan?

Suy gan là tình trạng gan suy yếu, không thể thực hiện các chức năng thông thường. Trong đó, gan giảm khả năng tổng hợp và thải các chất độc hại khỏi cơ thể, khiến bệnh nhân có các triệu chứng nặng và đe dọa tính mạng.1 2 4 6

Suy gan gồm những loại nào?

Suy gan bao gồm hai loại chính là: suy gan cấp và suy gan mạn.

Suy gan cấp

Suy gan cấp (thường diễn tiến trong 1 tháng, hoặc tối đa là 26 tuần) là tình trạng suy gan diễn ra trong thời gian ngắn trên người trước đó hoàn toàn khoẻ mạnh, không mắc bệnh gan. Chức năng mất dần trong vòng vài tuần hay chỉ trong vài ngày, sau khi bệnh nhân tiếp xúc với tác nhân gây tổn thương gan.4 5 6

Suy gan mạn

Khác với suy gan cấp, suy gan mạn diễn tiến âm ĩ hơn, từ từ. Thường kéo dài trong nhiều tháng, nhiều năm cho đến khi biểu hiện bộc phát các triệu chứng ra ngoài. Triệu chứng âm thầm, nên nếu bệnh nhân không kiểm tra sức khoẻ định kỳ và xét nghiệm có thể sẽ không phát hiện được suy gan mạn. Dần dần, các tác nhân độc hại sẽ phá huỷ các tế bào gan, làm mô gan hình thành sẹo, xơ hoá.1 3

Trong suy gan mạn, tuỳ theo sự xơ hoá của tổ chức mô gan dẫn đến chức năng gan sụt giảm dần, người bệnh sẽ trải qua các giai đoạn:2 3

  • Giai đoạn 1 (F1): là giai đoạn đầu của bệnh. Lúc này, gan chưa xơ hoá. Các triệu chúng còn mơ hồ, hoặc người ta chỉ có xét nghiệm máu bất thường, hoặc mới phơi nhiễm với tác nhân gây tổn thương gan. Nếu kịp thời loại bỏ tác nhân sẽ giúp ngăn ngừa tiến triển đến giai đoạn sau.
  • Giai đoạn 2 (F2): giai đoạn tiếp nối của F1. Triệu chứng dần dần biểu hiện trên lâm sàng. Có thể ban đầu bệnh nhân chỉ hơi mệt mỏi, ăn uống kém. Giai đoạn này thường khó phát hiện do các triệu chứng cũng không đặc hiệu. Việc tầm soát trên các đối tượng nguy cơ giúp phát hiện sớm suy gan còn bù ở bệnh nhân. Việc phát hiện sớm có thể thúc đẩy quá trình giảm xơ hoá, ngăn ngừa biến chứng nặng nề xuất hiện.
  • Giai đoạn 3 (F3): là giai đoạn tiến triển tiếp theo. Khi này mô gan đã xơ hoá nhiều, các tế bào gan lành lạnh không còn bù trừ nổi chức năng của tế bào gan đã mất đi. Người bệnh bước vào giai đoạn mất bù với các triệu chứng rõ ràng như cổ trướng (bụng to), vàng da, nôn ra máu. Đa phần người bệnh thường đến khám khi đã bước vào giai đoạn này.
  • Giai đoạn 4 (F4): đây là giai đoạn xơ gan nặng. Nếu không được điều trị, bệnh nhân nhanh chóng tiến đến bệnh gan giai đoạn cuối với thời gian sống còn rất ngắn. Lúc này người bệnh phải đối mặt những biến chứng nặng nề: hôn mê gan, suy thận, thậm chí ung thư gan.

Tuy nhiên, về mặt diễn tiến, nếu như các triệu chứng trong suy gan cấp, thường bộc phát và xuất hiện rầm rộ trong thời gian ngắn; với các dấu hiệu mất bù trầm trọng (nôn ra máu, vàng da, cổ trướng). Thì suy gan mạn diễn tiến âm ỉ từ từ, cần 10 – 15 năm để biểu hiện tình trạng mất bù.1 3

Biến chứng của suy gan

Các biến chứng của suy gan mà người bệnh phải đối mặt bao gồm:1 2 3

  • Phù não: Thường gặp trong suy gan cấp. Đây là tình trạng tích tụ dịch quá mức trong não, làm tăng áp lực nội sọ dẫn đến chén ép nhu mô não, giảm tưới máu não.
  • Rối loạn động máu: Khi suy gan, các yếu tố đông máu không được tổng hợp khiến máu người bệnh rất loãng, không thể tự cầm máu. Bệnh nhân dễ bị bầm máu, chảy máu tự phát..
  • Nhiễm trùng (viêm phổi, nhiễm trùng tiểu,…): Khi gan đã suy, các kháng thể không được tổng hợp đầy đủ. Thiếu vắng kháng thể chống chọi lại mầm bệnh khiến người bệnh dễ bị nhiễm khuẩn sau khi phơi nhiễm các vi khuẩn, virus trong môi trường.
  • Hôn mê gan: Đây là một biến chứng thường gặp khi suy gan. Tình trạng này là do não bị suy giảm chức năng khi ngộ độc với các độc chất mà gan không thải loại được. Tuỳ vào mức độ nặng nhẹ.
  • Ung thư tế bào gan: Thường gặp trong giai đoạn cuối của suy gan mạn.
  • Rối loạn nước điện giải, toan kiềm, suy thận: Thường gặp trong suy gan cấp nặng hoặc suy gan mạn giai đoạn cuối.
  • Rối loạn điều chỉnh đường huyết: Nguyên nhân là do gan không còn khả năng dự trữ đường khi bị suy. Nên người bệnh rất dễ bị tăng đường huyết hoặc hạ đường huyết đột ngột.
Suy gan: Căn bệnh nguy hiểm với những biến chứng khôn lường
Hôn mê gan là một trong những biến chứng nặng nề của suy gan

Các nguyên nhân chính gây suy gan

Đối với suy gan cấp1 2 3 4

Một số bệnh lý, tình trạng  có thể gây suy gan cấp bao gồm:

  • Quá liều thuốc: Nguyên nhân thường gặp là dùng quá liều cho phép một số thuốc như thuốc giảm đau (như paracetamol), thuốc chống động kinh, thuốc giảm cân, trà thảo mộc không rõ nguồn gốc…
  • Uống quá nhiều rượu: Việc sử dụng một lượng rượu lớn có thể dẫn đến suy gan nặng cấp tính.
  • Viêm gan siêu vi: Một số trường hợp viêm gan siêu vi cấp (viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi A,…) có thể diễn tiến nặng đến suy gan cấp.
  • Gan nhiễm mỡ cấp tính trong thai kì: Đây là một bệnh lý hiếm gặp do xảy ra ở thai phụ trong cá nguyệt thứ 3 của thai kì, khi các tế bào không thể phân được các acid béo. Rối loạn quá trình chuyển hoá dẫn đến tích tụ quá mức mỡ và các sản phẩm độc hại. Từ đó dẫn đến suy gan ở thai phụ.
  • Hội chứng Budd-Chiari: Đây là bệnh lý hiếm gặp do tình trạng tắc nghẽn mạch máu gan (có thể do huyết khối hoặc u chèn ép) dẫn đến máu nuôi gan bị ứ trệ và suy gan.
  • Sốc nhiễm khuẩn: Khi vi khuẩn tấn công vào cơ thể, có thể phá huỷ mô gan gây suy gan.
  • Bệnh Wilson: Đây là một rối loạn di truyền khiến cơ thể không thể thải đồng ra khỏi cơ thể. Lượng đồng cao trong mô gan sẽ dẫn đến gây ngộ độc cho tế bào gan và dẫn đến suy gan.

Đối với suy gan mạn1 2 3 4

Một số nguyên nhân thường gặp nhất của suy gan mạn tại Việt Nam bao gồm:

  • Viêm gan siêu vi B: Tình trạng viêm gan B mạn tính không được phát hiện và điều trị, thường lây truyền từ mẹ sang con (lúc mang thai) hoặc quan hệ tình dục không an toàn, tiếp xúc chế phẩm liên quan đến máu.
  • Viêm gan C: Nếu nhiễm viêm gan C mạn tính cũng dẫn đến suy gan mạn.
  • Rượu: Việc sử dụng rượu quá mức trong thời gian dài có thể dẫn đến suy gan. Một số loại rượu ngâm thuốc, hoặc thảo dược không rõ công dụng có thể làm gan tổn thương nặng hơn.
  • Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu: Đây là một bệnh gan liên quan đến chuyển hoá, và ngày một phổ biến. Thường gặp ở người thừa cân, béo phì, đái tháo đường, sử dụng corticoid. Việc tích tụ quá mức lượng mỡ trong gan, cùng các hợp chất oxy hoá có thể dẫn đến xơ gan.

Tại Việt Nam, tần suất nhiễm viêm gan siêu vi B: 9,05% (2010), viêm gan siêu vi C: 1,49%. Bên cạnh đó, Việt Nam là nước đứng hàng thứ 3 trong việc tiêu thụ rượu nhiều nhất Đông Nam Á (WHO – 2016) với lượng tiêu thụ cồn: 8,3 L/người trong hơn 15 năm. Đa phần người bệnh là nam, với nguyên nhân nhân hàng đầu là rượu, viêm gan siêu vi B, C.7

Suy gan: Căn bệnh nguy hiểm với những biến chứng khôn lường
Rượu bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây suy gan

Triệu chứng nào giúp gợi ý bệnh gan và suy gan?

Triệu chứng sớm của suy gan thường không đặc hiệu. Triệu chứng có thể tương tự với các bệnh gan khác, bao gồm:1 2 3 4

  • Nôn, buồn nôn.
  • Chán ăn.
  • Mệt mỏi.
  • Tiêu chảy hoặc táo bón không rõ nguyên do.
  • Sụt cân không chủ ý.
  • Đau vùng hạ sườn phải.

Khi chức năng gan giảm dần, vượt quá sức chịu đựng cơ thể. Các triệu chứng có thể trở nên trầm trọng hơn, bao gồm:1 2 3 4

  • Vàng da, vàng mắt.
  • Nước tiểu sậm màu như màu trà đậm.
  • Ngứa.
  • Dễ bầm máu, chảy máu: không lí do hoặc sau va chạm (té, ngã, đánh răng,…).
  • Phù ở chân.
  • Cổ trướng (bụng to dần, ứ nước).
  • Nôn ra máu, đi tiêu phân đen hoặc phân đỏ bầm.
  • Thay đổi tính tình.
  • Rối loạn tri giác (còn được gọi là hôn mê gan).
  • Mất ngủ.
Suy gan: Căn bệnh nguy hiểm với những biến chứng khôn lường
Suy gan với tình trạng cổ trướng và các vết lõm

Điều trị và xử lý suy gan tại nhà có được không?

Suy gan là tình trạng bệnh nặng, có thể đe dọa tính mạng. Khi người bệnh có dấu hiệu nghi ngờ mắc phải suy gan, cần liên hệ đến trung tâm y tế gần nhất để được thăm khám, và làm các xét nghiệm cần thiết. Từ đó sớm được chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.1 4

Các trường hợp suy gan cấp, chức năng gan có thể đột ngột xấu, có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Vì vậy cần cho người bệnh suy gan cấp nhập viện để tìm nguyên nhân, điều trị hỗ trợ phục hồi gan ngay.1 2 3 4

Đối với các trường hợp suy gan mạn, sau khi được phát hiện, người bệnh cần được điều trị liên tục suốt đời. Việc điều trị suy gan mạn giúp ngăn ngừa tiến bệnh nặng hơn, bao gồm điều trị bệnh viện và tại nhà. Điều trị toàn diện cả về nâng đỡ chức năng gan và điều trị các biến chứng của người bệnh. Sự tuân thủ điều trị ngoại trú, tái khám thường xuyên, đến bệnh viện ngay khi có dấu hiệu nặng là một trong những điểm chính yếu để quản lý tốt suy gan của người bệnh.

Mọi trường hợp nghi ngờ suy gan cấp tính đều cần được nhập viện ngay. Ngoài ra, trong suy gan mạn, khi có các dấu hiệu suy gan nặng cần nhập cấp cứu ngay. Một số triệu chứng bao gồm:

  • Nôn ra máu.
  • Đi tiêu phân đen có mùi khắm, thậm chí đi tiêu có máu đỏ bầm. Hoa mắt, chóng mặt sau khi đi tiêu.
  • Nôn ói, buồn nôn quá mức.
  • Vàng da, vàng mắt.
  • Lú lẫn, lơ mơ, không tỉnh táo.
  • Bụng to (có nước trong ổ bụng).

Cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán suy gan?

Khi người bệnh đến thăm khám, bác sĩ có thể hỏi thăm bệnh sử và quan sát các triệu chứng như vàng da, mệt mỏi, buồn nôn,… Sau đó, để xác định người bệnh có suy gan hay không, bác sĩ có thể sẽ chỉ định các xét nghiệm để chẩn đoán, bao gồm:1 2 3

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu giúp bác sĩ xác định các chỉ số đánh giá mức độ hoạt động của gan, nguyên nhân gây suy gan, mức độ suy gan.

Các xét nghiệm này bao gồm: nồng độ protein trong máu, công thức máu, xét nghiệm đông cầm máu, nồng độ chất độc tích luỹ (NH3) khi gan không chuyển hoá được.

Ngoài ra, cần xét nghiệm đánh giá nguyên nhân gây tổn thương gan để điều trị đặc hiệu bao gồm định lượng nồng độ độc chất gây tổn thương gan, xét nghiệm chẩn đoán viêm gan siêu vi, yếu tố tự miễn, đánh giá sự ứ đồng và sắt trong cơ thể.

Trong suy gan, nồng độ men gan AST, ALT có thể rất cao do tình trạng tế bào gan bị phá huỷ, phóng thích các men gan vào trong máu.

Xét nghiệm hình ảnh học

Một số xét nghiệm hình ảnh học bao gồm:

  • Siêu âm bụng: để đánh giá mức độ tổn thương gan.
  • CT-scan hoặc MRI: khi muốn kiểm tra sâu hơn về mạch máu, phát hiện và chẩn đoán ung thư.
  • Fibroscan: giúp đánh giá mức độ xơ hoá của gan, mức độ nhiễm mỡ trong gan.
Suy gan: Căn bệnh nguy hiểm với những biến chứng khôn lường
Bác sĩ có thể chỉ định siêu âm bụng để xác định mức độ gan bị tổn thương

Xét nghiệm mô bệnh học

Trong một số trường hợp khó, để xác định nguyên nhân và mức độ nặng của tổn thương, bác sĩ có thể thực hiện thủ thuật sinh thiết gan.

Đây là một thủ thuật lấy một mẫu mô gan nhỏ khỏi cơ thể để kiểm tra tại phòng thí nghiệm. Việc quan sát trực tiếp mô gan trên kính hiển vi giúp bác sĩ hiểu rõ tình trạng tổn thương, phát hiện các nguyên nhân hiếm gặp khó chẩn đoán.

Người bệnh suy gan thường rất dễ chảy máu trong quá trình sinh thiết. Vì vậy, bác sĩ cần thực hiện các xét nghiệm để lựa chọn người bệnh phù hợp.

Điều trị suy gan như thế nào?

Sau khi được chẩn đoán, tùy theo giai đoạn và nguyên ngân gây suy gan mà người bệnh sẽ nhận được chỉ điều trị thích hợp. Việc phát hiện và điều trị sớm giúp người bệnh mau hồi phục.

Ngược lại, nếu điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn gan xơ hoá và suy nặng, thì chỉ có thể làm chậm hoặc ngưng bệnh diễn tiến xấu hơn. Việc điều trị lúc này với mục tiêu kéo dài sự sống cho người bệnh.1 2 3

Các biện pháp được lựa chọn bao gồm:

Thay đổi lối sống

Sau khi phát hiện bệnh suy gan, người bệnh cần thực hiện lối sống lành mạnh để hỗ trợ gan phục hồi tối đa, tránh tổn thương tiếp xúc các tác nhân có hại làm bệnh gan nặng hơn… Việc này bao gồm:1 2 3 8

  • Ngưng uống rượu bia.
  • Duy trì cân nặng với chỉ số BMI hợp lý.
  • Uống lượng nước vừa đủ.
  • Hạn chế ăn mặn.
  • Tránh thực phẩm có hàm lượng chất béo bão hoà, quá nhiều đường và gia vị.

Điều trị bằng thuốc

Mục tiêu điều trị thuốc bao gồm điều trị nguyên nhân gây bệnh và điều trị các biến chứng của suy gan. Các loại thuốc có thể được chỉ định bao gồm:1 2 3

Thuốc kháng siêu vi

Nếu như nguyên nhân suy gan là viêm gan siêu vi (thường là viêm gan siêu vi B hoặc viêm gan siêu vi C). Các thuốc kháng siêu vi cần được điều trị ngay khi người bệnh được chẩn đoán, và người bệnh có thể phải sử dụng suốt đời. Việc lựa chọn thuốc, thời gian dùng tuỳ theo cơ địa của người bệnh (chức năng gan, thận), mức độ nặng của suy gan, nồng độ siêu vi trong máu.

Thuốc hoá giải độc chất

Trong một số trường hợp suy gan cấp do thuốc, ví dụ như sử dụng acetaminophen quá liều. Người bệnh có thể được cho dùng N-acetylcystein (viên uống hoặc tiêm tĩnh mạch) giúp thúc đẩy quá trình giải độc gan.

Một số trường hợp nhiễm độc kim loại nặng ở gan, một số (dạng viên uống hoặc truyền tĩnh mạch) có thể sử dụng để kéo các chất kim loại này ra khỏi mô gan để thải qua nước tiểu.

Thuốc ức chế miễn dịch

Thường được sử dụng cho người bệnh mắc suy gan do nguyên nhân tự miễn.

Các thuốc giảm men gan, thuốc bảo vệ gan, chống oxy hoá, tái tạo tế bào gan

Các loại thuốc này bao gồm: S-Adenosylmethionine (SAMe), essential phospholipids, ursodeoxycholic acid,… Tuy nhiên, không phải các thuốc bảo vệ gan đều vô hại. Vì vậy, người bệnh cần biết rõ nguồn gốc, thành phần và các tính năng của chúng trước khi sử dụng.

Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng thuốc bảo vệ gan không thể “trị bá bệnh” như một số người lầm tưởng. Vì thế, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ về tác dụng và chỉ định của thuốc hợp lý.

Thuốc lợi tiểu

Thuốc lợi tiểu giúp giảm bớt lượng dịch ứ đọng ở bụng (cổ trướng), giảm bớt các triệu chứng phù ở chân tay.

Vitamin, khoáng chất

Người bệnh xơ gan nên được bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất để giúp tăng cường hệ miễn dịch, cũng như hoạt động trao đổi chất.

Thuốc nhuận trường

Khi bị suy gan, người bệnh cần tránh bị táo bón. Ví dụ như một số tình trạng đi tiêu < 3 lần/ tuần, phân cứng, rắn, khó đi. Việc phân tồn tại lâu trong đường tiêu hoá, có thể làm sản phẩm độc hại được hấp thu ngược vào máu, làm bệnh gan nặng hơn. Từ đó có thể dẫn đến rối loạn tri giác (hôn mê gan).

Một số thuốc Đông y

Một số loại thuốc Đông y như cây kế sữa, ngũ vị tử, cây atiso, cây chó đẻ răng cưa (diệp hạ châu),… có thể được cân nhắc sử dụng để hỗ trợ điều trị suy gan. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ Y học cổ truyền và bác sĩ Tiêu hoá – Gan mật để thống nhất trong quá trình điều trị. Người bệnh cũng cần lưu ý nguồn gốc thuốc, liều lượng phải rõ ràng, minh bạch, được bán ở cơ sở uy tín.

Lọc gan, ghép gan

Bên cạnh sử dụng thuốc, trong một số trường hợp, người bệnh cần nhập viện để thực hiện những kĩ thuật phức tạp như:1 2 3 6

  • Lọc gan: Thường là những trường suy gan cấp nặng hoặc suy gan giai đoạn cuối. Quá trình có thể giúp gan loại bỏ bớt độc chất, cung cấp một số protein có lợi cho cơ thể.
  • Ghép gan: Ở những trường hợp suy gan cấp rất nặng, bệnh gan giai đoạn cuối, ghép gan là lựa chọn cuối cùng. Đây là một phẫu thuật phức tạp và phụ thuộc vào người bệnh, cũng như người cho gan. Quá trình ghép gan sẽ thay thế mô gan bị tổn thương bằng mô gan khoẻ mạnh của người bình thường.
Suy gan: Căn bệnh nguy hiểm với những biến chứng khôn lường
Phẫu thuật ghép gan là lựa chọn điều trị cuối cùng cho bệnh nhân suy gan nặng – đe dọa tính mạng

Điều trị các biến chứng

Bệnh cạnh đó, người bệnh cần được điều trị các biến chứng nếu có:

  • Nội soi đường tiêu hoá: Thường được chỉ định khi người bệnh nôn ra máu, đi tiêu phân đen, phân đỏ bầm. Việc nội soi sẽ giúp kiểm soát búi dãn tĩnh mạch đang chảy. Người bị suy gan cũng cần nội soi định kì để phát hiện sớm những mạch máu dễ bị tổn thương, và được điều trị dự phòng.
  • Điều chỉnh điện giải: Được chỉ định khi người bệnh có rối loạn điện giải, đường huyết.
  • Bồi hoàn yếu tố đông cầm máu: Nếu người bệnh bị bầm máu, xuất huyết nhiều, thiếu hụt các yếu tố đông máu thì được nhập viện để truyền hỗ trợ.
  • Kháng sinh: Được chỉ định khi người bệnh nhiễm trùng.

Làm thế nào để giữ lá gan luôn khoẻ mạnh và tránh bị suy gan?

Có thể thấy, suy gan là một bệnh lý nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Vì vậy, việc bảo vệ lá gan phòng tránh suy gan là điều hết sức quan trọng và cần thiết. Một số biện pháp phòng ngừa mà bạn có thể thực hiện bao gồm:1 2 3 4

  • Giữ cân nặng hợp lý, thường xuyên vận động thể lực. Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao giúp kiểm soát cân nặng, tăng cường tuần hoàn máu, đốt cháy năng lượng dư thừa trong cơ thể, bảo vệ và duy trì ổn định chức năng giải độc của gan. Các loại hình thể dục thể thao không yêu cầu kỹ thuật cao, đơn giản và không mất quá nhiều sức lực và có lợi cho gan như: đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, aerobic…
  • Tránh dùng quá nhiều thức uống có cồn (rượu bia, đồ uống có cồn).
  • Tiêm ngừa vaccine viêm gan siêu vi B.
  • Quan hệ tình dục an toàn.
  • Không sử dụng chung dao cạo, bàn chải đánh răng.
  • Không sử dụng chất kích thích, tiêm chích ma tuý. Không dùng chung bơm tiêm.
  • Chỉ sử dụng các thuốc đã được bác sĩ cho phép, có nguồn gốc rõ ràng và ở liều lượng thích hợp.
  • Kiểm tra sức khoẻ định kì để giá chức năng gan, xét nghiệm tầm soát viêm gan siêu vi B, C để sớm chữa trị khi bệnh còn nhẹ.
  • Không hút thuốc lá vì làm tăng nguy cơ ung thư gan và làm tăng thêm độc tính các thuốc.
  • Tập cho mình thói quen ngủ sớm và đúng giờ. Tốt nhất, hãy đi ngủ trước 23h. Việc ngủ sớm giúp máu trong cơ thể có đủ thời gian trở về gan và giải độc cho gan.
Suy gan: Căn bệnh nguy hiểm với những biến chứng khôn lường
Thực hiện lối sống và dinh dưỡng lành mạnh góp phần phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh và tiến triển của suy gan

Giải đáp một số thắc mắc về bệnh suy gan

Suy gan có nguy hiểm không?

Suy gan là tình trạng rất nguy hiểm vì lá gan suy giảm chức năng, hoặc ngưng làm việc. Vì thế không thể loại bỏ độc chất trong cơ thể, cũng như không thể tổng hợp các dưỡng chất cần thiết cho sự sống. Vì vậy, khi nghi ngờ mắc suy gan, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để thăm khám càng sớm càng tốt.

Người bị suy gan nên ăn gì?

Những điều cần lưu ý trong chế độ dinh dưỡng cho người bệnh suy gan

Đa phần người bệnh suy gan mạn thường bị suy dinh dưỡng. Theo European Association for the Study of the Liver (Hiệp hội Gan mật châu Âu), tần suất suy dinh dưỡng, thiếu đạm và vi chất rất cao. Cứ 10 người suy gan mạn thì có 2 người bị suy dinh dưỡng. Vì thế, người bệnh suy gan, cũng như người nhà bệnh nhân nên chú ý chia các bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Theo đó, bệnh nhân nên dùng 3 – 5 bữa/ngày và một bữa ăn nhẹ vào buổi tối muộn, để cải thiện tình trạng thiếu hụt đạm và năng lượng của toàn cơ thể.8 9

Sau khi chức năng gan suy giảm, khả năng tổng hợp chất dinh dưỡng và dự trữ năng lượng của người bệnh rất kém. Việc ăn bổ sung từng lượng nhỏ và nhiều cử trong ngày giúp người bệnh không bị thiếu hụt năng lượng, hạn chế suy dinh dưỡng.

Vì thế, thay vì ăn một bữa ăn chính lớn, người bệnh nên ăn nhiều bữa nhỏ, mỗi bữa cách nhau khoảng 2 – 3 tiếng. Và đặc biệt nên ăn 1 cử nhẹ trước khi ngủ. Bữa ăn nhẹ này nên có hàm lượng tinh bột cao như ngũ cốc, cháo hoặc phần bánh mì nhỏ, để bệnh nhân không bị hạ đường huyết trong đêm.

Bên cạnh đó, để bảo vệ tốt lá gan, một chế độ ăn cân bằng dưỡng chất cần được chú ý.

Thực phẩm nên ăn

Một số thực phẩm người bệnh nên sử dụng là:3 4 8 9

  • Nên ăn nhiều thực phẩm giàu carlorie và đạm. Chú ý lượng đạm và năng lượng cần cung cấp mỗi ngày cho người bệnh. Tăng cường ăn những thực phẩm giàu protein. Hàm lượng protein cần thiết ở người trưởng thành là 1 – 1.2 g/protein/ngày. Năng lượng tối ưu không dưới 35 kcal/kg/ngày. Lưu ý nên chọn lựa các sản phẩm protein từ thực vật như: ngũ cốc, các loại hạt,… Thay vì sử dụng các loại protein từ động vật (thịt heo, thịt bò,…). Các protein thực vật có nhiều chất xơ, hàm lượng acid chuỗi nhánh cao (vốn rất cần thiết cho bệnh nhân suy gan).
  • Chế độ ăn chay tăng khả năng cải thiện nồng độ độc chất ở bệnh nhân xơ gan.
  • Nên ăn rau quả tươi, bổ sung vitamin và các nguyên tố vi lượng có lợi cho khả năng miễn dịch và nâng cao sức đề kháng. Chú ý bổ sung vitamin A từ các loại thực phẩm như gan động vật, cà rốt, hẹ, sữa bò, lòng đỏ trứng, rau muống, rau chân vịt, tỏi tây, bắp cải… Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin B1, vitamin B2, vitamin B6 như mạch nha, giá, đậu, lạc, rau xanh, hoa quả, hạt kê, đậu nành, trứng, sữa… Bổ sung thêm những thực phẩm giàu vitamin như ớt ngọt, tỏi, rau cải, rau dền, sơn tra…
  • Chất xơ rất cần thiết, giúp nhuận trường, tránh táo bón ở người bệnh suy gan.
  • Ngoài ra, những thực phẩm thuộc họ nấm, như mộc nhĩ, rất tốt cho người bệnh bị tăng men gan. Bởi những thực phẩm này có dinh dưỡng phong phú và có lợi cho việc nâng cao chức năng miễn dịch cơ thể, thúc đẩy hình thành kháng thể, có hiệu quả nhất định trong việc làm giảm men gan.
  • Nên uống trà, đặc biệt là trà xanh chứa chất chống oxy hóa. Không chỉ giảm nguy cơ mắc bệnh gan mà còn duy trì sức khỏe cho gan.

Thực phẩm nên tránh

Bên cạnh đó, khi gan đã bị suy, người bệnh cần tránh sử dụng các thực phẩm làm gan tổn thương hơn, bao gồm:3 4 8 9

  • Cần tuyệt đối tránh sử dụng thức uống có cồn như rượu, bia, nước uống lên men từ trái cây.
  • Trong một số trường hợp, người bệnh cần giảm thêm lượng muối nhập vào, đặc biệt khi có cổ trướng và phù chân. Việc tiết chế lượng muối nhập vào sẽ giúp giảm đi tình trạng bệnh. Tuỳ mức độ nặng nhẹ, người bệnh sẽ được hướng dẫn chế độ ăn tiết chế muối phù hợp.
  • Người bệnh cũng nên kiêng đồ ăn cay nóng và đồ ăn nhanh. Tránh các thực phẩm có hàm lượng chất béo không tốt như đồ ăn chiên rán, snack công nghiệp. Việc ăn quá nhiều có thể làm gan tích tụ mỡ nhiều hơn, và làm nặng thêm bệnh gan đang có. Hạn chế ăn các loại thức ăn đã được chế biến sẵn vì chúng có chứa nhiều chất bảo quản, gây ảnh hưởng không tốt cho hệ tiêu hóa, cũng như khả năng hoạt động của gan.

Người suy gan sống được bao lâu?

Đối với suy gan cấp6

Suy gan cấp là tình trạng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Bệnh có diễn tiến nhanh, đột ngột. Nhưng nếu được chữa trị kịp thời có thể khỏi hoàn toàn. Một số trường hợp rất nặng, người bệnh cần được ghép gan, lọc gan để duy trì sự sống khẩn cấp.

Tiên lượng bệnh phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng và độ tuổi của người bệnh. Vì vậy, người bệnh cần đến bệnh viện ngay khi phát hiện triệu chứng bất thường, để được điều trị kịp thời.

Đối với suy gan mạn4 5

Trong suy gan mạn, thời gian sống phụ thuộc vào giai đoạn phát hiện bệnh, sự tuân thủ điều trị của người bệnh. Nếu phát hiện sớm, người bệnh có thể sống thêm từ 15 – 20 năm. Nếu bệnh tiến triển nặng hơn, người bệnh có thể chỉ sống thêm được từ 5 – 10 năm.

Nếu kém may mắn, người bệnh được phát hiện ở giai đoạn cuối, và đã có nhiều biến chứng (ói ra máu, vàng da, lơ mơ, ..). Lúc này, thời gian sống có thể từ 6 tháng đến 1 năm. Bên cạnh đó, nếu phát hiện và tích cực điều trị thì có thể kéo dài thời gian sống của người bệnh.

Hi vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích về bệnh suy gan. Đây là tình trạng nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân. Vì vậy, khi phát hiện những triệu chứng bất thường của cơ thể, hoặc nghi ngờ mắc suy gan, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán, và điều trị kịp thời.

Nguồn: youmed.vn

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Làm thế nào ổn định tâm lý sau khi đã đẩy lùi ung thư vú giai đoạn sớm?
Người bệnh ung thư vú có thể gặp phải các vấn đề tâm lý vì một số lý do như không chắc chắn về hiệu quả điều trị, các triệu chứng thực thể, sợ tái
Hình ảnh tin tức 4 lưu ý người bệnh cần biết sau điều trị ung thư vú giai đoạn sớm
Ung thư vú là loại ung thư có tỉ lệ mắc cao nhất và là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trong các bệnh ung thư ở phụ nữ trên toàn cầu. Theo
Hình ảnh tin tức Giải đáp nhanh băn khoăn về cách “thích ứng” với những thay đổi của cơ thể và lịch thăm khám sau điều trị ung thư vú
Sau khi kết thúc thời gian điều trị, người bệnh ung thư vú sẽ dần quay lại với cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian hồi phục sau
Hình ảnh tin tức Mẹ sau sinh mổ bao lâu thì ăn uống bình thường?
Việc có một chế độ dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phục hồi cho phụ nữ sau sinh, nhất là các mẹ sinh mổ.
Hình ảnh tin tức Khi quan hệ nam và nữ ai dễ hưng phấn, thỏa mãn hơn? Khám phá cảm giác khi “yêu” của hai phái
Thông thường, trong những “cuộc yêu”, phái mạnh thường đóng vai trò là người chủ động. Chính vì vậy mà nhiều người thắc mắc khi quan hệ nam và nữ ai