Những điều cần biết về bệnh xơ cứng củ

Bệnh xơ cứng củ (Tuberous sclerosis) là một rối loạn di truyền hiếm gặp, thường xuất hiện ngay sau sinh. Bệnh được mô tả đầu tiên bởi Bourneville vào năm 1880 với những tổn thương ở não.

Tại Hoa Kỳ, tỉ lệ trẻ sơ sinh mắc bệnh vào khoảng 1/6000. Bệnh có thể hiện diện ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ là như nhau ở cả nam và nữ. Cần biết được các dấu hiệu của bệnh để phát hiện sớm và được chữa trị kịp thời. Bài viết sau nêu lên những kiến thức tổng quan nhất về bệnh xơ cứng củ.

1. Bệnh xơ cứng củ là gì?

Những điều cần biết về bệnh xơ cứng củ
Xơ cứng củ

Xơ cứng củ là một bệnh lý hiếm gặp liên quan đến các rối loạn về kiểu gen và di truyền. Bệnh gây ra các triệu chứng liên quan đến sự phát triển của những khối u lành tính. Những khối u này thường được gọi là Hamartoma, có bản chất lành tính và không lây lan sang các vùng khác của cơ thể.

Bệnh thường xảy ra ở da, não, thận, mắt, tim hoặc phổi. Số lượng, kích thước và vị trí cụ thể của những khối u này là rất khác nhau. Do đó, mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng khác nhau ở mỗi người. Không có cách nào chữa khỏi bệnh xơ cứng củ. Tuy nhiên, vẫn có thể điều trị để kiểm soát các triệu chứng của bệnh.

2. Triệu chứng bệnh xơ cứng củ

Các triệu chứng của bệnh xơ cứng củ là do tiến triển của các khối u lành tính. Phổ biến nhất là ở não, mắt, thận, tim, phổi và da. Mặc dù vậy bất kỳ bộ phận nào của cơ thể cũng đều có thể bị ảnh hưởng. Các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào kích thước, vị trí của khối u. Triệu chứng thường xuất hiện sớm sau khi sinh, tuy nhiên có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.

2.1. Bất thường ở da 

Hầu như tất cả những người bị xơ cứng củ đều có những bất thường về da. Đó là các mảng da nhạt màu hoặc trắng thường xuất hiện ở cánh tay, chân và thân mình. Biểu hiện đặc trưng nhất ở da là u tuyến bã nhờn, không liên quan đến việc tăng tiết bã nhờn hay mụn trứng cá.

Đó là những đốm dạng điểm màu nâu đỏ, phẳng, xuất hiện dạng cánh bướm ở mũi má. Dễ nhầm lẫn với tàng nhang. Nó thường chỉ xuất hiện khi đến tuổi vị thành niên hoặc ở những trẻ lớn. Thanh thiếu niên và người trưởng thành có thể phát triển các khối u nhỏ, dày sừng xung quanh hoặc dưới giường móng tay hoặc ngón chân.

Những điều cần biết về bệnh xơ cứng củ
Hình A: Các đốm da ở mũi, mặt
Hình B: Các u nhỏ lành tính ở dưới móng và quanh móng ở người bị xơ cứng củ

2.2. Triệu chứng ở não

Bệnh xơ cứng củ thường ảnh hưởng đến não.

  • Co giật

Đây có thể là triệu chứng đầu tiên của bệnh xơ cứng củ. Ở trẻ nhỏ, một loại động kinh phổ biến được gọi là chứng co thắt ở trẻ sơ sinh (infantile spasms). Đó là sự co thắt lặp đi lặp lại xuất hiện ở đầu và chân. Chúng thường xuất hiện trong năm đầu tiên của cuộc đời. Tình trạng co thắt có thể biến mất khi trẻ lớn.

Tuy nhiên, chúng có thể dẫn đến một tổn thương não vĩnh viễn. Từ đó gây ra thiểu năng trí tuệ, động kinh không đáp ứng với thuốc và bệnh tự kỷ. Điều quan trọng là cần phải phát hiện chứng co thắt ở trẻ sơ sinh cang sớm càng tốt. Bởi vì, điều trị sớm làm giảm rõ rệt nguy cơ tổn thương não.

Những điều cần biết về bệnh xơ cứng củ
Co thắt ở trẻ sơ sinh (infantile spasms)
  • Rối loạn về mặt nhận thức

Bao gồm rối loạn phổ tự kỷ hoặc tăng động giảm chú ý (ADHD). Xơ cứng củ cũng liên quan đến chậm phát triển trí tuệ, ảnh hưởng đến khả năng học tập. Gần như nửa số trẻ bị xơ cứng củ có khiếm khuyết khả năng học tập từ nhẹ đến nặng. Bao gồm: trí nhớ kém, kém tập trung, khó lên kế hoạch hoặc tổ chức các hoạt động… Trong trường hợp trầm trọng, có thể không giao tiếp hoặc tự chăm sóc bản thân được.

  • Vấn đề về hành vi, cảm xúc

Hiếu động thái quá, tự gây thương tích, gây hấn, rối loạn giấc ngủ, chẳng hạn như khó ngủ hoặc thường xuyên thức dậy vào ban đêm.

  • U não

Khối u lành tính ở não cũng có thể phát triển ở bệnh nhân xơ cứng củ. Những khối u này có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng. Chẳng hạn như bệnh não úng thủy ở trẻ nhỏ làm tăng áp lực lên não. Gây ra các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, nôn, khó chịu và thay đổi hành vi.

2.3. Vấn đề tại thận 

Tổn thương ở thận là biểu hiện phổ biến thứ 2 của bệnh xơ cứng củ. U, nang thận xảy ra khoảng 20-30% bệnh nhân xơ cứng củ và thường không gây triệu chứng.

Tuy nhiên, chúng cũng có thể gây tăng huyết áp; xuất huyết nội gây tiểu máu, đau bụng dữ dội. Trầm trọng hơn có thể gây suy thận với các triệu chứng như sụt cân, phù, khó thở …. Ung thư tế bào biểu mô thận có thể xuất hiện, những rất hiếm, dưới 3%.

2.4. Vấn đề tại tim

Khối u lành tính ở tim (rhabdomyoma) có thể xuất hiện ở bệnh nhân xơ cứng củ. Bệnh xảy ra ở những trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Khối u thường được hình thành trước khi sinh. Chúng thường không gây ra triệu chứng, có thể tự thoái triển và biến mất theo thời gian. 

Trong một số trường hợp, chúng có thể cản trở bơm máu từ tim hoặc gây rối loạn nhịp tim. Các triệu chứng bao gồm hồi hộp, đánh trống ngực, khó thở khi gắng sức…

Những điều cần biết về bệnh xơ cứng củ

2.5. Vấn đề tại phổi 

Sự tăng sinh bất thường của những tế bào cơ trơn tại phổi có thể gây ho hoặc khó thở, đặc biệt khi tập thể dục hoặc gắng sức. Những khối u phổi lành tính thường xảy ra ở nữ giới hơn nam giới. Ngoài ra, xơ cứng củ còn gây ra tràn khí hoặc tràn dịch màn phổi dưỡng chấp (Chylothorax). Chúng gây ra khó thở, thở nhanh, đau ngực, suy hô hấp và có thể dẫn đến tử vong.

2.6. Vấn đề tại mắt 

Có ít nhất 50% bệnh nhân xơ cứng củ có bất thường tại mắt. Đó là các u tế bào hình sao tại võng mạc (retinal astrocytoma). Tuy nhiên, những khối u này hiếm khi gây ảnh hưởng đến thị lực.

3. Nguyên nhân gây xơ cứng củ

Xơ cứng củ gây ra do đột biến gen TSC1 hoặc TSC2. Gen TSC1 nằm trên nhiễm sắc thể số 9 và Gen TSC2 nằm trên nhiễm sắc thể số 16. Đây là các gen có tác dụng kiềm chế sự phát triển của khối u.

Do đó, đột biến các gen này sẽ gây mất kiểm soát sự phân chia tế bào, dẫn đến hình thành khối u. Đột biến gen TSC2 thường dẫn đến các biểu hiện bệnh nặng hơn. Khoảng 2/3 trường hợp đột biến gen ngẫu nhiên không liên quan đến di truyền. Khoảng 1 phần 3 trường hợp còn lại di truyền đột biến gen từ cha mẹ sang con cái.

4. Chẩn đoán bệnh xơ cứng củ

Chẩn đoán bệnh dựa trên các triệu chứng đặc trưng, tiền sử bản thân và gia đình. Bác sĩ của các chuyên khoa khác nhau sẽ khám và đề nghị một số xét nghiệm thích hợp.

4.1. Đánh giá về động kinh

Nếu có triệu chứng co giật, xét nghiệm chẩn đoán có thể sẽ bao gồm điện não đồ (EEG). EEG ghi lại hoạt động điện trong não và giúp xác định nguyên nhân gây ra cơn động kinh.

Những điều cần biết về bệnh xơ cứng củ
Hình ảnh bệnh nhân với máy đo điện não đồ

4.2. Đánh giá về não, thận, phổi

Để phát hiện các khối u xuất hiện trong cơ thể, cận lâm sàng chẩn đoán có thể sẽ bao gồm:

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): sử dụng từ trường để tạo ra hình ảnh chi tiết của não hoặc các bộ phận khác của cơ thể.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): sử dụng tia X tạo ra hình ảnh cắt ngang hoặc 3 chiều của não và các bộ phận khác.
  • Siêu âm: sử dụng sóng âm tần số cao để tạo ra hình ảnh của một số bộ phận cơ thể, chẳng hạn như thận.
Những điều cần biết về bệnh xơ cứng củ
Hình ảnh MRI tổn thương não ở bệnh nhân xơ cứng củ

4.3. Đánh giá về tim mạch

Để xác định xem tim có bị ảnh hưởng hay không. Cận lâm sàng chẩn đoán có thể sẽ bao gồm:

  • Siêu âm tim: Sử dụng sóng âm tần số cao để phát hiện các hình ảnh bất thường tại tim. Hiện nay siêu âm tim 4D có thể xem được các chuyển động của tim trong thời gian thực.
  • Điện tâm đồ (ECG): Nhằm phát hiện những bất thường tại tim dựa trên hình ảnh hoạt động điện thế ghi lại.

4.4. Kiểm tra mắt

Việc kiểm tra võng mạc bằng thấu kính phóng đại là cần thiết để phát hiện khối u bất thường ở mắt.

4.5. Đánh giá phát triển tâm thần

Khám tâm thần có thể xác định khiếm khuyết trí tuệ hoặc các rối loạn hành vi cảm xúc.

4.6. Xét nghiệm sàng lọc di truyền

Xét nghiệm này nhằm tìm kiếm các đột biến gen liên quan đến bệnh xơ cứng củ.

Xét nghiệm di truyền sàng lọc trước sinh cho những người bị xơ cứng củ. Nhằm tư vấn các lựa chọn sinh sản trước sinh và nguy cơ truyền bệnh cho con cái.

5. Cách điều trị bệnh xơ cứng củ

Hiện chưa có cách điều trị khỏi bệnh xơ cứng củ. Tuy nhiên, điều trị vẫn có thể giúp kiểm soát được các triệu chứng của bệnh. Điều trị đòi hỏi sự phối hợp của một nhóm các bác sĩ. Bác sĩ nhi khoa, hô hấp, tim mạch, thận, thần kinh, tâm thần, da liễu, mắt… Việc điều trị sớm là rất quan trọng để ngăn ngừa các tiến triển xấu của bệnh.

5.1. Điều trị động kinh

Thuốc chống động kinh có thể được kê toa để kiểm soát cơn động kinh. Loại thuốc phụ thuộc vào loại động kinh, tuổi, cơ quan bị ảnh hưởng và mức độ của bệnh. 

Các loại thuốc chống động kinh thông thường có thể được sử dụng bao gồm: phenobarbital, phenytoin, clonazepam, axit valproic / divalproex natri, carbamazepine, zonisemide, lacosamide, rufinamide, clobazam và các loại khác.

Tất cả các thuốc này đều có tác dụng phụ tiềm ẩn. Vì vậy cần có sự theo dõi cẩn thận của bác sĩ. Nếu thuốc không kiểm soát được cơn động kinh, các biện pháp sau đây có thể được khuyến nghị:

  • Phẫu thuật loại bỏ khối u trong não nghi ngờ gây ra cơn động kinh
  • Kích thích dây thần kinh phế vị. Một thiết bị điện nhỏ được cấy dưới da để gửi các xung điện đến não.
  • Chế độ ăn đặc biệt – chế độ ăn ketogenic. Đó là chế độ ăn giàu chất béo, ít carbohydrate.

5.2. Điều trị khối u ở não

Nếu khối u não có nguy cơ phát triển quá lớn và gây não úng thủy có thể cần phẫu thuật cắt bỏ.

Nghiên cứu cũng đã phát hiện ra một loại thuốc có tên là everolimus. Thuốc có khả năng thu nhỏ hầu hết các khối u não. Từ đó, ngăn các biến chứng như não úng thủy và giúp cải thiện chứng động kinh. Các nghiên cứu dài hạn được thực hiện trong nhiều năm đã cho thấy hiệu quả của thuốc.

5.3. Điều trị vấn đề về da

Liệu pháp laser có thể được sử dụng để cải thiện các vấn đề về da. Sử dụng kem chống nắng cũng rất quan trọng để bảo vệ da.

5.4. Điều trị khối u thận

Chủ yếu tập trung điều trị các triệu chứng gây ra tại thận như tăng huyết áp… Everolimus có thể được sử dụng để hạn chế sự lớn lên của khối u. Thuốc được cân nhắc dùng khi khối u quá lớn có thể gây chảy máu nguy hiểm. Đây là một phương pháp điều trị tương đối mới, tác dụng lâu dài vẫn chưa được biết đầy đủ.

Nếu khối u thận chảy máu, thủ thuật nút mạch (embolisation) sẽ được sử dụng. Một chất đặc biệt sẽ được tiêm vào mạch máu trong u để ngăn chặn nguồn cấp máu của nó. Từ đó, khối u thiếu oxy, chất dinh dưỡng và từ từ co lại.

Khi chức năng thận bị suy giảm trầm trọng, có thể phải lọc máu hoặc ghép thận. Tuy nhiên trường hợp này rất hiếm xảy ra.

5.5. Điều trị khối u ở tim

Trong hầu hết các trường hợp, khối u ở tim sẽ không cần điều trị. Các khối u ở trẻ nhỏ thường co lại theo thời gian và hầu như mất đi khi trưởng thành.

Đôi khi, khối u ở tim gây ra block dẫn truyền và rối loạn nhịp tim. Khi đó cần dùng thuốc để điều trị. Trong một số trường hợp hiếm gặp, khối u có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng của tim. Khi đó, phẫu thuật cắt bỏ khối là cần thiết để cải thiện chức năng của tim.

5.6. Điều trị khối u phổi

Nghiên cứu thuốc sirolimus có hiệu quả trong việc thu nhỏ khối u phổi. Tuy nhiên, nó có thể gây ra các tác dụng phụ như mệt mỏi, táo bón hoặc tiêu chảy.

Nếu u phổi gây xẹp phổi, tràn khí màng phổi, cần phải phẫu thuật khẩn cấp. Trong trường hợp rất nặng, có thể phải ghép phổi.

5.7. Điều trị khối u mắt

Khối u mắt hiếm khi cần phải điều trị, vì chúng thường không đủ lớn để làm giảm thị lực. Trong trường hợp thị lực bị ảnh hưởng, một kỹ thuật gọi là Photocoagulation có thể được sử dụng. Đây là phẫu thuật sử dụng tia laser để đốt các mạch máu cung cấp cho khối u ở mắt. Từ đó sẽ giúp thu nhỏ khối u.

5.8. Giáo dục và quản lý hành vi

Các hoạt động giáo dục, dạy nghề, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu là rất cần thiết. Chúng giúp những trẻ chậm phát triển trí tuệ phát huy đầy đủ năng lực và điều chỉnh phù hợp hành vi xã hội. Biện pháp này phải được thực hiện sớm và lặp lại hàng năm, có thể suốt đời.

Nên gặp các bác sĩ tâm thần để được điều chỉnh sớm các rối loạn tâm thần của trẻ. Từ đó cải thiện các vấn đề về hành vi, cảm xúc và nhận thức của trẻ. Hỗ trợ tâm lý xã hội cho cả gia đình cũng rất cần thiết.

Xơ cứng củ là một bệnh lý hiếm gặp nhưng hậu quả gây ra là rất nặng nề. Việc điều trị cần được can thiệp sớm để ngăn ngừa các biến chứng của bệnh. Khi có bất cứ dấu hiệu nghi ngờ nào của bệnh cần đi khám ngay càng sớm càng tốt. Bệnh cần được theo dõi suốt đời bằng các xét nghiệm chuyên biệt để kiểm soát các tiến triển của bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Huỳnh Thanh Thiên

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Dấu hiệu viêm phổi nặng ở người lớn tuổi - nhận biết để bảo vệ tính mạng
Viêm phổi là bệnh lý hô hấp nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến nhiều người ở mọi độ tuổi. Theo thống kê năm 2019, số người tử vong do viêm phổi là
Hình ảnh tin tức [Giải đáp] Chi phí xét nghiệm tiểu đường thai kỳ hết bao nhiêu tiền?
Tiểu đường thai kỳ là một vấn đề sức khỏe khi mang thai không quá hiếm gặp. Do đó, ngoài việc thắc mắc nên xét nghiệm tiểu đường thai kỳ ở đâu để có
Hình ảnh tin tức Ăn bưởi có giảm cân không? Chế độ ăn kiêng với bưởi liệu có hiệu quả?
Có thể bạn đã từng nghe nhiều người truyền miệng nhau cách ăn bưởi để giảm cân hiệu quả và an toàn. Song thực tế thì sao? Ăn bưởi có giúp bạn giảm
Hình ảnh tin tức Tại sao gội đầu xong vẫn có gàu, vẫn bị ngứa?
Tại sao gội đầu xong vẫn có gàu, vẫn bị ngứa? Đây là câu hỏi chung của nhiều người khi đối mặt với tình trạng gàu xuất hiện liên tục trên da đầu dù đã
Hình ảnh tin tức Cho con bú uống rau má được không? Những lưu ý cần nhớ
Trong những ngày oi bức, một ly nước rau má mát lạnh hoặc một chén canh rau má tôm tươi có thể giúp thanh nhiệt, mát gan hiệu quả. Nhờ có đặc tính hàn