Cùng tìm hiểu về bệnh đau đa cơ dạng thấp

Đau đa cơ dạng thấp là một rối loạn viêm chủ yếu xảy ra ở những người lớn tuổi. Bệnh này gây ra những triệu chứng gì? Có thể điều trị được không? Những lưu ý khi điều trị là gì? Hãy cùng giải đáp những câu hỏi này qua bài viết sau của YouMed nhé!

1. Đau đa cơ dạng thấp là gì?

Đau đa cơ dạng thấp là tình trạng viêm bất thường gây ra đau và cứng cơ, đặc biệt ở những vị trí như vai hay hông. Những triệu chứng của đau đa cơ dạng thấp thường khởi phát nhanh chóng và nặng hơn vào buổi sáng.

Hầu hết những người bị đau đa cơ dạng thấp lớn hơn 65 tuổi. Bệnh hiếm khi xuất hiện ở những người dưới 50 tuổi.

Bệnh này liên quan với một bệnh rối loạn viêm khác gọi là viêm động mạch tế bào khổng lồ. Viêm động mạch tế bào khổng lồ gây ra những triệu chứng như đau đầu, giảm thị lực, đau hàm và đau khi căng giãn da đầu. Hai bệnh này có thể xảy ra đồng thời trên cùng một bệnh nhân.

2. Bệnh gây ra những triệu chứng gì?

Triệu chứng của bệnh này thường xuất hiện ở cả hai bên cơ thể, bao gồm:

  • Đau hoặc nhức vai.
  • Đau hoặc nhức ở cổ, cánh tay, mông, hông hoặc đùi.
  • Cứng cơ ở những vùng bị đau, đặc biệt vào buổi sáng hoặc sau một thời gian không hoạt động.
  • Giới hạn vận động vùng bị đau.
  • Đau hoặc cứng ở cổ tay, khuỷu tay hoặc đầu gối.

Cùng tìm hiểu về bệnh đau đa cơ dạng thấp
Đau đa cơ dạng thấp thường gây đau và cứng cơ vùng hông, vai

Bên cạnh những triệu chứng khu trú, người bệnh có thể xuất hiện những triệu chứng toàn thân như:

  • Sốt nhẹ.
  • Mệt mỏi.
  • Cảm giác không khoẻ trong người, cảm giác khó chịu.
  • Chán ăn
  • Sụt cân không chủ ý.
  • Trầm cảm.

3. Nguyên nhân

Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết rõ nguyên nhân của đau đa cơ dạng thấp. Tuy nhiên, có hai yếu tố có thể liên quan đến khả năng bị bệnh này:

  • Yếu tố di truyền. Một số gen và biến thể gen có thể làm tăng khả năng mắc đau đa cơ dạng thấp.
  • Yếu tố môi trường. Những trường hợp đau đa cơ dạng thấp mới được ghi nhận có khuynh hướng xuất hiện theo chu kỳ hoặc theo mùa. Hiện tượng này gợi ý cho các nhà nghiên cứu rằng có thể một yếu tố từ môi trường như virus khởi phát bệnh. Tuy nhiên, chưa có virus nào được chứng minh là gây ra đau đa cơ dạng thấp.

Viêm động mạch tế bào khổng lồ liên quan như thế nào?

Đau đa cơ dạng thấp và những bệnh như viêm động mạch tế bào khổng lồ có những điểm tương tự nhau. Nhiều bệnh nhân khi mắc bệnh này thì cũng xuất hiện những triệu chứng của bệnh còn lại.

Viêm động mạch tế bào khổng lồ gây ra tình trạng viêm lớp nội mạc thành động mạch. Viêm động mạch thường gặp nhất là động mạch vùng thái dương. Tình trạng viêm gây ra các triệu chứng như đau đầu, cứng hàm, giảm thị lực và nhạy cảm vùng da đầu. Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây ra đột quỵ hoặc mù loà.

Cùng tìm hiểu về bệnh đau đa cơ dạng thấp
Bệnh viêm động mạch tế bào khổng lồ có liên quan với đau đa cơ dạng thấp

4. Những ai dễ bị đau đa cơ dạng thấp?

Những yếu tố sau làm tăng nguy cơ bị bệnh này:

  • Tuổi tác. Bệnh hầu như chỉ gặp ở những người lớn tuổi. Độ tuổi thường xuất hiện bệnh là từ 70 đến 80 tuổi.
  • Giới tính. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn khoảng 2 – 3 lần so với nam giới.
  • Chủng tộc. Đau đa cơ dạng thấp phổ biến nhất ở những người da trắng có tổ tiên là người Scandinavia hoặc Bắc Âu.

5. Bệnh nguy hiểm như thế nào?

Bệnh này có thể ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân. Chẳng hạn, người bệnh sẽ gặp khó khăn khi thực hiện những động tác như:

  • Ra khỏi giường, đứng lên khỏi ghế hoặc xuống xe ô tô.
  • Động tác chải tóc hoặc tắm.
  • Mặc quần áo.

Những khó khăn trong sinh hoạt này ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống. Nó ảnh hưởng đến sức khoẻ, các mối quan hệ xã hội, hoạt động thể chất và giấc ngủ của người bệnh.

6. Chẩn đoán đau đa cơ dạng thấp cần làm xét nghiệm gì?

Bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân gây đau và cứng cơ thông qua hỏi triệu chứng, khám hệ thần kinh, các khớp và chỉ định một số xét nghiệm. Trong quá trình khám, bác sĩ có thể cử động nhẹ nhàng đầu và các chi của bệnh nhân để đánh giá tầm vận động.

Bác sĩ có thể xem xét lại chẩn đoán trong quá trình điều trị. Một số trường hợp ban đầu được chẩn đoán là đau đa cơ dạng thấp nhưng sau đó được chẩn đoán lại là viêm khớp dạng thấp.

Bác sĩ có thể chỉ định những xét nghiệm như:

  • Xét nghiệm máu. Bên cạnh làm tổng công thức máu, bác sĩ sẽ làm thêm hai xét nghiệm để xem tình trạng viêm là CRP (C-reactive protein) và tốc độ lắng máu. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có kết quả những xét nghiệm này bình thường hoặc chỉ hơi cao.
  • Hình ảnh học. Hiện nay, siêu âm ngày càng phổ biến trong việc phân biệt đau đa cơ dạng thấp với những bệnh lý khác gây ra triệu chứng tương tự. MRI cũng có thể giúp xác định những nguyên nhân khác gây đau vai, chẳng hạn như bất thường khớp vai.

Cùng tìm hiểu về bệnh đau đa cơ dạng thấp
Xét nghiệm CRP và tốc độ lắng máu để đánh giá tình trạng viêm

Tầm soát bệnh viêm động mạch tế bào khổng lồ

Bác sĩ sẽ theo dõi các triệu chứng gợi ý bệnh viêm động mạch tế bào khổng lồ. Do đó, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu xuất hiện những triệu chứng sau:

  • Cơn đau đầu mới xuất hiện, không giống như trước đây hoặc kéo dài dai dẳng.
  • Đau hàm tự nhiên hoặc khi sờ vào.
  • Nhìn mờ, nhìn đôi hoặc mất thị lực.
  • Đau khi căng giãn da đầu.

Nếu nghi ngờ bệnh nhân bị viêm động mạch tế bào khổng lồ, bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết động mạch thái dương một bên đầu. Quá trình sinh thiết gồm gây tê cục bộ, lấy một mẫu nhỏ động mạch và quan sát để tìm dấu hiệu viêm.

7. Điều trị đau đa cơ dạng thấp như thế nào?

Sử dụng thuốc giúp giảm triệu chứng do bệnh gây ra. Ngoài ra, bệnh nhân cũng thường bị tái phát sau quá trình điều trị.

Corticosteroid

Đau đa cơ dạng thấp thường được điều trị bằng corticosteroid đường uống với liều thấp, chẳng hạn như prednisone. Sau khi dùng corticosteroid hai đến ba ngày, bệnh nhân sẽ cảm thấy giảm đau và cứng cơ.

Sau hai đến bốn tuần điều trị, bác sĩ có thể sẽ bắt đầu giảm dần liều corticosteroid. Quá trình giảm tuỳ thuộc vào các triệu chứng bệnh nhân đang có và kết quả xét nghiệm. Vì dùng thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, mục tiêu điều trị là ngăn cản triệu chứng tái phát bằng liều thuốc thấp nhất.

Hầu hết những bệnh nhân bị đau đa cơ dạng thấp cần tiếp tục điều trị bằng corticosteroid trong một năm hoặc hơn. Người bệnh cần tái khám thường xuyên để bác sĩ theo dõi quá trình điều trị và tác dụng phụ nếu có.

Cùng tìm hiểu về bệnh đau đa cơ dạng thấp
Sử dụng corticosteroid lâu ngày có thể bị nhiều tác dụng phụ

Sử dụng corticosteroid trong thời gian dài có thể gây nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Những tác dụng phụ gồm tăng cân, giảm mật độ xương, tăng huyết áp, tiểu đường và đục thuỷ tinh thể. Bác sĩ sẽ theo dõi sát người bệnh để kịp thời phát hiện nếu có vấn đề. Khi đó, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều hoặc chỉ định những phương pháp giúp kiểm soát tác dụng phụ do corticosteroid.

Canxi và vitamin D

Bác sĩ có thể kê đơn bổ sung canxi và vitamin D hằng ngày. Những thuốc này nhằm ngăn ngừa loãng xương do dùng corticosteroid lâu ngày. Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ khuyến cáo liều sau dành cho những người dùng corticosteroid từ 3 tháng trở lên:

  • Canxi: 1.000 đến 1.200 mg/ngày.
  • Vitamin D: 600 đến 800 IU/ngày.

Methotrexate

Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ (ACR) và Hội Thấp khớp học Châu Âu (EULAR) khuyến cáo sử dụng methotrexate cùng với corticosteroid ở một số bệnh nhân. Methotrexate là một thuốc ức chế miễn dịch đường uống. Thuốc này phát huy tác dụng khi người bệnh bị tái phát hoặc không đáp ứng corticosteroid trong quá trình điều trị.

Vật lý trị liệu

Hầu hết người bệnh đều hồi phục trở lại mức hoạt động trước đây khi điều trị bằng corticosteroid. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị hạn chế vận động một thời gian dài thì tập vật lý trị liệu có thể mang lại nhiều lợi ích. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ khi nào thì nên tập vật lý trị liệu.

8. Lời khuyên của bác sĩ về lối sống tại nhà

Thuốc kháng viêm không steroid, chẳng hạn như ibuprofen hay naproxen sodium, thường không được khuyến cáo để giảm triệu chứng do đau đa cơ dạng thấp. Để kiểm soát các tác dụng phụ do corticosteroid gây ra, người bệnh có thể thay đổi lối sống theo những cách sau:

  • Chế độ ăn lành mạnh. Chế độ ăn chứa các loại trái cây, rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, protein ít béo và các sản phẩm từ sữa. Ngoài ra, hạn chế muối trong bữa ăn giúp ngăn ngừa tích nước trong cơ thể và giảm nguy cơ tăng huyết áp.
  • Tập thể dục thường xuyên. Bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ về những bài tập phù hợp. Những bài tập này giúp duy trì cân nặng hợp lý, củng cố xương khớp và cơ bắp.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ. Nghỉ ngơi giúp cơ thể hồi phục sau các bài tập thể dục và hoạt động sinh hoạt hằng ngày.
  • Sử dụng các thiết bị hỗ trợ. Người bệnh có thể sử dụng xe đẩy khi đi mua sắm, tay cầm vòi sen và những thiết bị hỗ trợ khác nếu cần thiết. Những dụng cụ này giúp thực hiện công việc hằng ngày dễ dàng hơn.

Cùng tìm hiểu về bệnh đau đa cơ dạng thấp
Chế độ ăn lành mạnh sẽ hỗ trợ rất nhiều cho bệnh nhân đau đa cơ dạng thấp

Đau đa cơ dạng thấp là một rối loạn gắn liền với viêm động mạch tế bào khổng lồ. Bệnh thường gây đau và cứng ở các vùng vai và hông. Điều trị bằng corticosteroid liều thấp giúp đa phần bệnh nhân hồi phục và có thể trở lại mức hoạt động bình thường. Do đó, khi có những triệu chứng kể trên, bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Dấu hiệu viêm phổi nặng ở người lớn tuổi - nhận biết để bảo vệ tính mạng
Viêm phổi là bệnh lý hô hấp nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến nhiều người ở mọi độ tuổi. Theo thống kê năm 2019, số người tử vong do viêm phổi là
Hình ảnh tin tức [Giải đáp] Chi phí xét nghiệm tiểu đường thai kỳ hết bao nhiêu tiền?
Tiểu đường thai kỳ là một vấn đề sức khỏe khi mang thai không quá hiếm gặp. Do đó, ngoài việc thắc mắc nên xét nghiệm tiểu đường thai kỳ ở đâu để có
Hình ảnh tin tức Ăn bưởi có giảm cân không? Chế độ ăn kiêng với bưởi liệu có hiệu quả?
Có thể bạn đã từng nghe nhiều người truyền miệng nhau cách ăn bưởi để giảm cân hiệu quả và an toàn. Song thực tế thì sao? Ăn bưởi có giúp bạn giảm
Hình ảnh tin tức Tại sao gội đầu xong vẫn có gàu, vẫn bị ngứa?
Tại sao gội đầu xong vẫn có gàu, vẫn bị ngứa? Đây là câu hỏi chung của nhiều người khi đối mặt với tình trạng gàu xuất hiện liên tục trên da đầu dù đã
Hình ảnh tin tức Cho con bú uống rau má được không? Những lưu ý cần nhớ
Trong những ngày oi bức, một ly nước rau má mát lạnh hoặc một chén canh rau má tôm tươi có thể giúp thanh nhiệt, mát gan hiệu quả. Nhờ có đặc tính hàn