Mách bạn những cách ổn định huyết áp an toàn và hiệu quả

Điều trị tăng huyết áp là quá trình lâu dài và khó khăn. Để giữ huyết áp ổn định cần sự tuân thủ điều trị cao độ của bệnh nhân. Không chỉ về vấn đề uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ mà còn phải xây dựng chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh. Sau đây, mời bạn cùng bác sĩ Lương Sỹ Bắc tìm hiểu về các cách ổn định huyết áp để có thể áp dụng chính xác hơn.

Cách ổn định huyết áp trong sinh hoạt hằng ngày

Một số phương pháp giúp ổn định huyết áp mà người bệnh tăng huyết áp có thể áp dụng trong sinh hoạt hằng ngày, bao gồm:1

Tập thể dụng đều đặn2

Tập luyện thể thao phù hợp là một cách ổn định huyết áp hữu hiệu. Hoạt động thể dục thể thao giúp điều hòa lượng cholesterol máu, kiềm chế xơ vữa động mạch. Ngoài ra vận động làm giãn và tăng tính đàn hồi của các mạch máu, giảm sức cản máu ngoại biên, từ đó giảm huyết áp.

Bệnh nhân tăng huyết áp cần được bác sĩ tư vấn để tập phù hợp với mức độ tăng huyết áp. Các bài tập thường được chỉ định cho bệnh nhân tăng huyết áp độ I, II. Thường là đi bộ nhanh và chạy bước nhỏ. Chi tiết các bài tập như sau:

Đi bộ nhanh

Tùy tình trạng sức khỏe, bệnh nhân có thể đi bộ với tốc độ khác nhau. Trong khi tập luyện, nếu đi bộ với tốc độ 5 – 6 km/giờ, nhịp tim có thể đạt khoảng 100 – 110 lần/phút. Một tuần nên tập 5 – 7 buổi, thời gian mỗi buổi từ 40 – 60 phút. Khi đã quen, cần tăng dần cường độ vận động, duy trì được hiệu quả tập luyện.

Chạy bước nhỏ

Trong những buổi tập đầu tiên nên chạy với tốc độ thấp để cơ thể có thời gian thích nghi. Trong thời gian này, bệnh nhân có thể kết hợp tập giữa đi bộ và chạy cho tới khi cơ thể có thể duy trì được cường độ chạy liên tục.

Với tốc độ chạy khoảng 7 – 8 km/giờ, tần số tim có thể đạt khoảng 120 – 130 nhịp/phút. Khi đã quen với cường độ luyện tập, bệnh nhân cần tăng khối lượng vận động. Thời gian chạy 20 – 30 phút/buổi, tập đều đặn ít nhất 3 – 4 buổi/tuần cho hiệu quả tốt.

Lưu ý:

  • Phải kiểm soát huyết áp ở mức nhất định rồi mới tập luyện thể thao. Điều này để tránh huyết áp tăng quá cao lúc vận động.
  • Khởi động kĩ và thư giãn sau khi tập thể thao tránh chấn thương.
  • Thở đều khi tập thể dục, nín thở hoặc thở không đúng làm giảm hiệu quả tập luyện.
  • Những bệnh nhân không đủ thể lực có thể tập các môn như bơi lội, thái cực quyền, yoga… phù hợp với bản thân.
  • Ngừng tập khi thấy đau đầu chóng mặt, khó thở, đau ngực và báo cho bác sĩ.
Mách bạn những cách ổn định huyết áp an toàn và hiệu quả
Tập luyện thể dục thể thao phù hợp giúp ổn định huyết áp

Giảm cân

Thừa cân làm tăng nguy cơ biến cố do tăng huyết áp và nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch. Tăng cân làm tỉ lệ bệnh tăng huyết áp ngày càng có xu hướng tăng ở người trẻ. Bên cạnh đó, nó cũng làm huyết áp khó kiểm soát ở từng bệnh nhân.

Để đạt được mục tiêu giảm cân thì cần phối hợp nhiều biện pháp không dùng thuốc. Ví dụ như giảm calo trong chế độ ăn, tăng cường luyện tập thể thao, hạn chế bia rượu…

Giảm 1kg cân nặng giúp huyết áp giảm 1 mmHg. Ngoài ra, giảm cân còn có một số lợi ích khác như giảm cholesterol máu, giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, giảm xơ vữa động mạch. Vì vậy, duy trì cân nặng hợp lý là cách ổn định huyết áp cần thiết. Mục tiêu của bệnh nhân tăng huyết áp là BMI 25, vòng eo < 102 cm ở nam giới, < 88 cm ở nữ.

Hạn chế các chất kích thích

Các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu bia, ma túy… làm tăng huyết áp. Một số trường hợp đặc biệt còn làm xuất hiện cơn tăng huyết áp rất cao. Những chất trên còn làm giảm tác dụng của thuốc. Do đó cách ổn định huyết áp là nên hạn chế tối đa sử dụng chất kích thích.

Thường xuyên theo dõi huyết áp

Huyết áp thay đổi phụ thuộc nhiều yếu tố. Cảm xúc, vận động, hoặc sinh lý cơ thể có thể ảnh hưởng huyết áp. Do đó phải theo dõi giá trị huyết áp thường xuyên. Tối ứu nhất là đo huyết áp 2 lần mỗi ngày sáng tối. Buổi sáng nên đo huyết áp lúc vừa ngủ dậy. Buổi tối nên đo trước khi đi ngủ. Ghi lại tất cả giá trị huyết áp để bác sĩ có thể điều chỉnh thuốc phù hợp khi tái khám.

Xem thêm: Đo huyết áp tại nhà: Tầm quan trọng và cách đo chính xác

Mách bạn những cách ổn định huyết áp an toàn và hiệu quả
Thường xuyên theo dõi huyết áp tại nhà giúp phát hiện sớm những vấn đề bất thường

Cách ổn định huyết áp trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày

Chế độ ăn rất quan trọng trong điều trị tăng huyết áp, đặc biệt với lượng muối ăn vào. Sau đây là một số nguyên tắc quan trọng trong việc xây dựng chế độ dinh dưỡng giúp ổn định huyết áp.1 3

Nguyên tắc dinh dưỡng để giữ huyết áp luôn ổn định

Xây dựng chế độ ăn phù hợp là cách ổn định huyết áp thiết yếu. Các nguyên tắc cụ thể như sau:

  • Hạn chế chặt chẽ lượng muối ăn vào < 5 g/ngày.
  • Nếu người bệnh bị béo phì, thực đơn có năng lượng < 35 kcal/kg/ngày.
  • Không ăn các loại thực phẩm giàu năng lượng, đặc biệt là thức ăn nhanh.
  • Ăn nhiều rau quả, trái cây, sản phẩm từ sữa ít béo.
  • Tăng lượng cá, thịt gia cầm, các loại hạt và thực phẩm nguyên hạt.
  • Giảm ăn chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và cholesterol.
  • Hạn chế đồ ngọt, thức uống có ga và các loại thịt đỏ.
Mách bạn những cách ổn định huyết áp an toàn và hiệu quả
Sử dụng lượng muối ở mức phù hợp trong các bữa ăn giúp kiểm soát huyết áp

Ăn gì để ổn định huyết áp?

Một số thực phẩm người bệnh tăng huyết áp nên ăn như sau:

  • Tinh bột: gạo lứt, các loại khoai và đậu đỗ, lạc, vừng.
  • Các loại thịt: nên ăn cá và thịt gia cầm ít mỡ.
  • Trứng: nên ăn trứng gà vì chúng có ít cholesterol hơn trứng vịt.
  • Sữa: nên uống các loại sữa tách béo, sữa đậu nành, sữa chua…
  • Hải sản: nên ăn cá, tôm, cua.
  • Bổ sung chất xơ, vitamin bằng rau quả, trái cây. Một số loại rau như rau diếp, cải xoăn, cải bó xôi,… chứa lượng kali cao giúp trung hòa và đào thải natri ra khỏi cơ thể. Điều này có tác dụng hạ huyết áp.

Xem thêm: Cao huyết áp nên ăn gì?

Xây dựng lối sống lành mạnh và chế độ ăn thích hợp là cách ổn định huyết áp vừa tối ưu, hiệu quả và tiết kiệm. Cải thiện cuộc sống kết hợp với điều trị thuốc đúng đắn mới có thể kiểm soát huyết áp ổn định.

Nguồn: youmed.vn

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Gan nhiễm mỡ uống thuốc gì? 9 thuốc tiềm năng điều trị gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ là tình trạng chất béo tích tụ trong gan nhiều hơn mức bình thường. Tính đến tháng 3 năm 2024, chỉ có một loại thuốc duy nhất (Rezdiffra)
Hình ảnh tin tức Sau khi hút thai có nên đi lại nhiều? Chị em cần chú ý những gì sau hút thai?
Sau khi hút thai cơ thể chị em phụ nữ sẽ mất lượng máu, buồng tử cung, vùng kín có thể bị tổn thương ít nhiều. Do đó để tạo điều kiện cho tử cung,
Hình ảnh tin tức Dấu hiệu viêm phổi nặng ở người lớn tuổi - nhận biết để bảo vệ tính mạng
Viêm phổi là bệnh lý hô hấp nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến nhiều người ở mọi độ tuổi. Theo thống kê năm 2019, số người tử vong do viêm phổi là
Hình ảnh tin tức [Giải đáp] Chi phí xét nghiệm tiểu đường thai kỳ hết bao nhiêu tiền?
Tiểu đường thai kỳ là một vấn đề sức khỏe khi mang thai không quá hiếm gặp. Do đó, ngoài việc thắc mắc nên xét nghiệm tiểu đường thai kỳ ở đâu để có
Hình ảnh tin tức Ăn bưởi có giảm cân không? Chế độ ăn kiêng với bưởi liệu có hiệu quả?
Có thể bạn đã từng nghe nhiều người truyền miệng nhau cách ăn bưởi để giảm cân hiệu quả và an toàn. Song thực tế thì sao? Ăn bưởi có giúp bạn giảm