Nứt hậu môn : Nguyên nhân chuẩn đoán và điều trị

Nứt hậu môn là tình trạng bệnh lý có thể gặp ở mọi lứa tuổi, cả nam lẫn nữ. Tuy không nguy hiểm nhưng vết nứt gây ảnh hưởng khá nhiều đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Để hiểu biết thêm về căn bệnh phiền phức này, chúng ta hãy cùng nhau đến với bài viết: “Nứt hậu môn là gì và nguyên nhân nào gây ra nó?”

1. Nứt hậu môn là gì?

Nứt hậu môn là vết cắt hoặc vết rách ở niêm mạc của ống hậu môn. Chúng có thể kéo dài từ ống hậu môn ra đến bên ngoài hậu môn.

Hầu hết các vết nứt hậu môn có chiều dài dưới một centimet. Nhưng do hậu môn là bộ phận rất nhạy cảm nên cơn đau ở khu vực này có thể khá nghiêm trọng. Đau thường xảy ra trong hoặc sau khi đi tiêu và đôi khi có kèm máu trong phân.

>> Xem thêm: Đau hậu môn: Chuyện khó nói!

2. Triệu chứng nứt hậu môn

Các dấu hiệu và triệu chứng chính của bệnh nứt hậu môn bao gồm:

  • Đau: Đau dữ dội trong và đặc biệt là sau khi đi tiêu, kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Điều này khiến cho nhiều bệnh nhân thấy sợ và có thể cố gắng tránh đại tiện sau cơn đau. Giữa các lần đi tiêu, bệnh thường không có triệu chứng.
  • Chảy máu: Bệnh nhân thường nhận thấy máu đỏ tươi từ hậu môn ở trên giấy vệ sinh hoặc trên phân.
  • Ngứa: Ở vùng hậu môn liên tục hoặc không liên tục.

3. Nguyên nhân

Táo bón và đi tiêu khô, cứng là nguyên nhân chính dẫn đến nứt hậu môn. Tuy nhiên, phân lỏng và tiêu chảy cũng có thể là thủ phạm của tình trạng này.

Nứt hậu môn : Nguyên nhân chuẩn đoán và điều trị
Táo bón là nguyên nhân thường gặp dẫn đến nứt hậu môn

Ngoài ra, những nguyên nhân ít phổ biến hơn của bệnh nứt hậu môn bao gồm:

  • Tình trạng viêm, chẳng hạn như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng,…
  • Một số bệnh nhiễm trùng hậu môn như giang mai, lao, HIV / AIDS,…
  • Ung thư hậu môn.
  • Những bệnh này gây ra các vết nứt không điển hình nằm ở giữa đường, nhiều, không đau hoặc không lành sau khi điều trị thích hợp.

4. Chẩn đoán nứt hậu môn

Ở người trẻ, chẩn đoán thường có thể được đưa ra sau khi thực hiện thăm khám kỹ lưỡng vùng hậu môn. Nếu chưa quan sát được bằng mắt thường, bác sĩ sẽ thử ấn nhẹ lên toàn bộ vùng này. Khi người bệnh có vết nứt, cơn đau sẽ xuất hiện.

Đối với người lớn tuổi, nội soi trực tràng thường được chỉ định thêm để loại trừ các bệnh lý nghiêm trọng hơn như ung thư, trĩ,…

5. Điều trị không phẫu thuật

Phần lớn các vết nứt hậu môn không cần phẫu thuật. Những biện pháp này sẽ giúp giải quyết triệu chứng và có khả năng chữa lành hơn một nửa các vết nứt cấp tính mà hầu như không có tác dụng phụ.

  • Chế độ ăn nhiều chất xơ: Phổ biến nhất là làm cho phân mềm hơn với chế độ ăn nhiều chất xơ. Ngoài ra, các loại thực phẩm bổ sung có chứa xơ và chất làm mềm phân cũng có thể được sử dụng để hỗ trợ quá trình chữa bệnh. Thêm vào đó, hãy đảm bảo cơ thể luôn có đầy đủ lượng nước cần thiết.
  • Giảm đau tại chỗ: Đối với cảm giác nóng rát kéo dài sau khi đi vệ sinh, Tylenol (acetaminophen) hoặc ibuprofen có thể có ích. Ngoài ra, một số người còn nhận thấy rằng tắm nước ấm giúp họ thư giãn và giảm đau.

Đối với vết nứt kiểu mãn tính hơn, các loại thuốc kê toa khác có thể được chỉ định thêm. Bác sĩ sẽ thảo luận về lợi ích và tác dụng phụ của từng loại thuốc này với bạn.

  • Thuốc nitroglycerin tại chỗ: Có tác dụng tăng tốc độ chữa lành tổn thương bằng cách làm giãn các mạch máu trong khu vực. Hiệu quả thấy được trong ít nhất 50% các vết nứt mãn tính.
  • Thuốc chặn canxi: Ban đầu chúng được thiết kế với mục đích hạ huyết áp. Tuy nhiên, nó cũng có tác dụng làm giãn cơ vòng cũng như tăng lượng máu đến vùng bị ảnh hưởng, làm tăng tốc độ lành bệnh.

6. Phẫu thuật

Các lựa chọn phẫu thuật bao gồm tiêm độc tố Botulinum vào cơ thắt hậu môn và phẫu thuật cắt cơ vòng trong. Mục tiêu là giúp cho cơ thắt hậu môn thư giãn, từ đó giảm đau và tạo điều kiện cho vết nứt lành lại.

Ở một số trường hợp đặc biệt, phẫu thuật cắt cơ vòng phải được xem xét cẩn thận, chẳng hạn như:

  • Những bệnh nhân đi tiêu không tự chủ.
  • Chấn thương cơ thắt hậu môn đã biết (như sau chấn thương sản khoa).
  • Tình trạng tiêu chảy (ví dụ, bệnh Crohn).

Một cuộc thảo luận kỹ lưỡng với bác sĩ sẽ giúp đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất.

6.1 Độc tố Botulinum (botox)

Chúng được tiêm trực tiếp vào cơ thắt trong hậu môn để thư giãn cơ và tạo điều kiện lành vết thương. Người bệnh có thể thực hiện thủ thuật và ra về trong ngày. Hiệu quả cho thấy ở khoảng 50-80% trường hợp và tái phát tối đa 40%. Bệnh nhân thất bại với phương pháp này sẽ được phẫu thuật cắt cơ vòng truyền thống.

6.2 Phẫu thuật cắt cơ vòng trong

Đây là phương pháp hiệu quả cao và thường được dùng điều trị các vết nứt hậu môn mạn tính. Người bệnh cũng có thể thực hiện thủ thuật và ra về trong ngày. Điều đáng quan tâm nhất là nguy cơ đi tiêu không tự chủ từ nhẹ đến nặng sau phẫu thuật. Tuy nhiên, rủi ro này có thể được giải quyết trong một khoảng thời gian ngắn.

7. Nứt hậu môn có phòng ngừa được không?

Sau đây là những mẹo mà bạn có thể tham khảo để giúp ngăn ngừa nứt hậu môn:

  • Ăn một chế độ ăn uống cân bằng với nhiều chất xơ. Đảm bảo lượng chất lỏng đưa vào cơ thể mỗi ngày đầy đủ (Hãy nhớ rằng nước là chất lỏng tốt nhất).
  • Không nhịn đi vệ sinh – càng chờ đợi phân càng trở nên lớn hơn và cứng hơn. Cuối cùng khi đi qua ống hậu môn, chúng sẽ dễ dàng gây ra vết nứt hơn.
  • Tránh các thực phẩm khó tiêu, chẳng hạn như các loại hạt và bỏng ngô.
  • Đối với người dễ bị tổn thương hãy sử dụng khăn ẩm hoặc miếng bông mềm để làm sạch sau khi đi vệ sinh. Tránh dùng giấy vệ sinh thô hoặc thơm.
  • Tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ táo bón, từ đó ít bị nứt hậu môn. Hãy đảm bảo cơ thể không bị thiếu nước trong và sau khi tập.
  • Tránh căng thẳng và ngồi trong nhà vệ sinh trong một thời gian dài.

Nứt hậu môn là một bệnh lý lành tính và thường tự khỏi mà không cần đến phẫu thuật. Người bệnh có thể điều trị tại nhà bằng các biện pháp như ăn nhiều chất xơ, uống đủ nước,.. Nhưng để làm được điều đó, việc quan trọng nhất là phải có được chẩn đoán chính xác. Bởi vì, các triệu chứng của bệnh cũng có thể là dấu hiệu của một tình trạng khác nghiêm trọng hơn. Do đó, đừng chủ quan, hãy đến gặp bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào các bạn nhé!

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Làm thế nào ổn định tâm lý sau khi đã đẩy lùi ung thư vú giai đoạn sớm?
Người bệnh ung thư vú có thể gặp phải các vấn đề tâm lý vì một số lý do như không chắc chắn về hiệu quả điều trị, các triệu chứng thực thể, sợ tái
Hình ảnh tin tức 4 lưu ý người bệnh cần biết sau điều trị ung thư vú giai đoạn sớm
Ung thư vú là loại ung thư có tỉ lệ mắc cao nhất và là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trong các bệnh ung thư ở phụ nữ trên toàn cầu. Theo
Hình ảnh tin tức Giải đáp nhanh băn khoăn về cách “thích ứng” với những thay đổi của cơ thể và lịch thăm khám sau điều trị ung thư vú
Sau khi kết thúc thời gian điều trị, người bệnh ung thư vú sẽ dần quay lại với cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian hồi phục sau
Hình ảnh tin tức Mẹ sau sinh mổ bao lâu thì ăn uống bình thường?
Việc có một chế độ dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phục hồi cho phụ nữ sau sinh, nhất là các mẹ sinh mổ.
Hình ảnh tin tức Khi quan hệ nam và nữ ai dễ hưng phấn, thỏa mãn hơn? Khám phá cảm giác khi “yêu” của hai phái
Thông thường, trong những “cuộc yêu”, phái mạnh thường đóng vai trò là người chủ động. Chính vì vậy mà nhiều người thắc mắc khi quan hệ nam và nữ ai