Những điều cần biết về cách điều trị mụn trứng cá

Mụn trứng cá là một tình trạng da mạn tính phổ biến ảnh hưởng đến rất nhiều thanh thiếu niên và người trẻ. Đây là một bệnh lý có cơ chế phức tạp, với nhiều phương pháp ngăn ngừa và điều trị khác nhau. Mụn trứng cá có thể nhẹ hoặc diễn tiến nặng nề, dai dẳng, nhiều trường hợp gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, do đó hiểu biết về cách điều trị mụn trứng cá rất quan trọng, điều này sẽ được Bác sĩ Hoàng Trung Hiếu giải đáp trong bài viết dưới đây.

Mụn trứng cá là gì?

Mụn trứng cá là một bệnh lý da mạn tính phổ biến trên thế giới, ước tính ở Hoa Kỳ ảnh hưởng tới 50 triệu người. Mụn trứng cá phổ biến nhất ở thanh thiếu niên và người trẻ nhưng có thể tồn tại đến những năm 30-40 tuổi. Di chứng mụn trứng cá bao gồm sẹo, rối loạn sắc tố da, bất thường tâm thần kinh như rối loạn lo âu, trầm cảm và tự ti.1 2

Về cơ chế gây nên mụn trứng cá, hiện nay có rất nhiều yếu tố liên quan, nhưng nhìn chung có 4 cơ chế chính:2

  1. Tăng sản thượng bì vùng nang lông (sừng hóa nang lông).
  2. Tăng tiết quá mức bã nhờn.
  3. Sự hiện diện và hoạt động của vi khuẩn Cutibacterium acnes (trước đây được gọi là Propionibacterium acnes).
  4. Viêm.
Những điều cần biết về cách điều trị mụn trứng cá
4 cơ chế chính gây nên mụn trứng cá

Nguyên nhân gây nên mụn trứng cá

Sản xuất quá mức chất bã nhờn do tăng nồng độ hormone androgen, hoặc là tuyến bã nhờn tăng nhạy cảm với androgen ngay cả khi nồng độ androgen bình thường. Hoạt hóa con đường viêm thể hiện rõ ràng ở tất cả các giai đoạn của mụn trứng cá.

Người ta cũng ghi nhận mụn trứng cá có tính chất gia đình. Nếu cha và mẹ của bạn có mụn trứng cá, khả năng cao bạn cũng mắc tương tự.

Gần đây, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng thực phẩm và đồ uống cũng liên quan đến bệnh sinh của mụn trứng cá. Các thực phẩm có chỉ số đường cao như là nước ngọt có gas, thực phẩm giàu tinh bột, được chế biến nhiều lần và sữa ảnh hưởng đến mức độ nặng của mụn trứng cá.

Các yếu tố khác có thể liên quan đến sự phát triển hay tiến triển của mụn trứng cá bao gồm căng thẳng tâm lí, stress, khói thuốc lá, da yếu hoặc da bị tổn thương.1

Triệu chứng, biểu hiện của mụn trứng cá

Các tổn thương mụn trứng cá thường xảy ra ở vùng phát triển tuyến bã, có 3 vị trí thường gặp nhất là:1

  • Mặt: hầu hết những người có mụn trứng cá.
  • Vùng ngực: hơn 50% người có mụn trứng cá.
  • Vùng lưng: khoảng 15% người có mụn trứng cá.
Những điều cần biết về cách điều trị mụn trứng cá
Một người có mụn trứng cá ở vùng ngực và vai

Phân loại các loại mụn trứng cá

Theo một cách phân loại đơn giản, người ta chia tổn thương mụn trứng cá thành 2 loại chính: mụn trứng cá không viêm và mụn trứng cá có viêm.3

Mụn trứng cá không viêm

Mụn trứng cá không viêm đặc trưng bằng nhân trứng cá đóng và nhân trứng cá mở.

Nhân trứng cá đóng (hay còn gọi là mụn đầu trắng)

Đây là những mụn nhỏ, màu sáng, hơi gồ lên trên mặt da, do sự tích tụ của các chất bã nhờn, các chất sừng trong nang lông tuyến bã.

Nhân trứng cá mở (hay còn gọi là mụn đầu đen)

Đây là những tổn thương trên bề mặt da, hơi gồ lên da, nhân mụn có khối đặc màu đen (là chất sừng và chất bã vón lại, bị oxy hóa và lắng đọng sắc tố melanin).

Những điều cần biết về cách điều trị mụn trứng cá
Nhân trứng cá đóng và nhân trứng cá mở trên mặt một người bệnh

Mụn trứng cá có viêm

Tình trạng bao gồm các sẩn mụn đỏ, mụn mủ, nốt, nang, tạo lỗ chân lông trên da, các tổn thương viêm này thường bắt đầu từ nhân trứng cá.

Những điều cần biết về cách điều trị mụn trứng cá
Nhiều sẩn mụn trứng cá viêm, kèm vài mụn mủ trên trán một người bệnh

Điều trị sớm giúp ngăn ngừa tạo sẹo (kể cả sẹo lõm và sẹo lồi). Hồng ban đỏ (hay thường gọi là thâm đỏ) và tăng sắc tố sau viêm (còn gọi là thâm mụn) có thể tồn tại vài tháng sau khi hết mụn viêm. Hầu hết các thay đổi màu sắc da này có thể tự biến mất sau vài tuần đến vài tháng. Tuy nhiên có một số trường hợp đặc biệt, các tổn thương này có thể tồn tại lâu dài, thậm chí vĩnh viễn.

Dựa trên mức độ và các loại của tổn thương mụn trứng cá, người ta có thể phân loại mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá thành loại nhẹ, trung bình hoặc nặng. Tuy nhiên, hiện trên thế giới có nhiều cách phân loại mụn trứng cá khác nhau và không có thang điểm nào đánh giá, nên đa số người mụn trứng cá được chẩn đoán chủ yếu bằng lâm sàng thực tế trong từng trường hợp cụ thể.

Cách điều trị mụn trứng cá theo từng tình trạng da

Hiện nay có nhiều phác đồ điều trị mụn trứng cá, nhưng dựa theo lâm sàng và tình trạng da ta có thể tóm tắt lại phương pháp điều trị theo sơ đồ dưới đây:3

Những điều cần biết về cách điều trị mụn trứng cá
Phương pháp điều trị mụn trứng cá
  • Kháng sinh thoa có thể là Clindamycin, Erythromycin,..
  • Retinoids thoa có thể là Adapalene, Tretinoin, Tazarotene.
  • Nhóm kháng sinh uống có thể là Doxycycline, Erythromycin, Minocycline, Sarecycline, Tetracyclin, Trimethoprim/Sulfamethoxazole,…
  • Ngoài ra còn có các thuốc thoa khác như Azelaic acid, Dapsone, thuốc điều hòa hormone sinh dục, liệu pháp ánh sáng như laser, đèn led, IPL, tẩy da chết hoá học,… cũng được sử dụng trong từng trường hợp cụ thể.

Khi nào bạn cần đi khám bác sĩ da liễu?

Nếu bạn chỉ bị mụn trứng cá mức độ nhẹ, thì bạn có thể tham khảo các dược sĩ ở nhà thuốc hoặc tự trang bị kiến thức cho mình về các loại thuốc, dược mỹ phẩm để điều trị. Nếu tình trạng mụn của bạn không cải thiện, hay khiến bạn có cảm giác tự ti, không vui vẻ, bạn thấy lo lắng về tình trạng mụn trứng cá thì hãy đến gặp các chuyên gia da liễu để được tham vấn tốt nhất.

Bạn nên đến khám bác sĩ chuyên gia da liễu ngay khi bạn bị mắc mụn trứng cá mức độ từ trung bình đến nặng, hoặc trên da bạn xuất hiện các thương tổn có vẻ nặng như nốt mụn trứng cá, hay nang. Những thương tổn này cần được điều trị sớm và đúng cách để tránh để lại di chứng sẹo xấu cho bạn.

Các phương pháp điều trị có thể cần đến 3 tháng để thấy được hiệu quả mong muốn, vì vậy bạn đừng mong đợi kết quả cải thiện liền chỉ sau một vài đêm. Nhưng một khi đã có hiệu quả thì kết quả thường tốt.1

Lưu ý khi điều trị mụn trứng cá tại nhà

Nếu bạn đang mắc mụn trứng cá và mong muốn đánh bay nó, những điều dưới đây có thể giúp bạn:1

  • Không rửa vùng da bị mụn trứng cá nhiều hơn hai lần một ngày. Việc rửa mặt thường xuyên có thể gây kích ứng da và khiến các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.
  • Bạn có thể rửa vùng bị mụn trứng cá bằng sửa rữa mặt phù hợp với làn da của bạn hoặc nước ấm. Tránh rửa mặt với nước quá nóng hoặc quá lạnh, vì điều này có thể khiến tình trạng mụn trở nên tệ hơn.
  • Đừng quá cố gắng “làm sạch” mụn đầu đen hoặc các nốt mụn. Điều này có thể khiến chúng trở nên tồi tệ hơn và có thể gây ra sẹo xấu.
  • Khi đang nổi mụn trứng cá, bạn nên tránh sử dụng quá nhiều đồ trang điểm và mỹ phẩm, cần cân nhắc tùy từng trường hợp cụ thể
  • Tránh các sản phẩm trang điểm, dưỡng da và chống nắng có chứa gốc dầu (đôi khi được dán nhãn “comedogenic” hay “gây mụn”). Nên sử dụng các sản phẩm không gây mụn (được dán nhãn non – comedogenic) có gốc nước, vì chúng ít có khả năng làm tắc lỗ chân lông trên da của bạn.
  • Tẩy trang hoàn toàn trước khi đi ngủ.
  • Nếu da bạn đang gặp vấn đề khô căng, hãy sử dụng chất dưỡng ẩm da dạng nước không có mùi thơm, không chứa hương liệu.
  • Tập thể dục thường xuyên không giúp cải thiện tình trạng mụn của bạn, nhưng nó có thể thúc đẩy tâm trạng và cải thiện suy nghĩ của bạn. Bạn nên tắm càng sớm càng tốt sau khi tập thể dục xong vì mồ hôi chảy trên da có thể gây kích ứng mụn.
  • Gội đầu thường xuyên và cố gắng tránh để tóc xõa ngang mặt.
  • Mặc dù mụn không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng nó có thể được kiểm soát tốt bằng cách điều trị và duy trì điều trị một cách hợp lí.
  • Sử dụng kem điều trị, sữa dưỡng và gel để điều trị các nốt mụn ở các hiệu thuốc, hoặc các cửa hàng dược mỹ phẩm uy tín, tránh sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng.
  • Các sản phẩm có chứa benzoyl peroxide nồng độ thấp có thể được khuyên dùng, nhưng hãy cẩn thận vì chất này có thể tẩy trắng quần áo.
  • Nếu mụn trứng cá của bạn trở nên nặng lên hoặc xuất hiện ở trên vùng ngực và lưng, bạn có thể cần được điều trị bằng thuốc kháng sinh hoặc các loại thuốc thoa mạnh hơn chỉ bán theo đơn, hãy đến gặp các bác sĩ da liễu để được thăm khám hợp lí.

Chế độ ăn khi đang điều trị mụn trứng cá

Những thực phẩm không nên bổ sung4

Các thực phẩm, đồ uống có chỉ số đường (GI – Glycemic Index) cao có liên quan đến mụn trứng cá và độ nặng của mụn trứng cá. Khuyến cáo với những người bị mụn trứng cá nên tránh làm thay đổi lượng đường trong máu bằng cách có chế độ ăn có chỉ số đường huyết thấp. Chế độ ăn có chỉ số đường thấp có thể cải thiện tình trạng mụn trứng cá của bạn, làm giảm cả cân nặng và chỉ số khối cơ thể (BMI). Một số thực phẩm có GI cao như là soda, bánh mì trắng, kẹo, ngũ cốc có đường và kem,…

Bạn nên tránh các sản phẩm từ sữa, pho mát, thực phẩm đã qua chế biến nhiều như:

  • Các loại thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ, thực phẩm đông lạnh, ngũ cốc có đường, khoai tây chiên,…
  • Các sản phẩm ngọt và đồ uống có đường như bánh kẹo ngọt, nước ngọt, bánh quy, nước trái cây nhiều đường,…

Thực phẩm nên bổ sung4

Bạn nên tuân thủ chế độ ăn gồm các thực phẩm toàn phần, giàu các chất dinh dưỡng, có tính kháng viêm như chất béo omega-3, mỡ cá và hạt chia.

Bên cạnh đó, cần bổ sung:

  • Các loại rau xanh như bông cải xanh, rau bina, bí xanh, súp lơ, cà rốt,…
  • Các loại trái cây, ngũ gốc nguyên hạt và các loại rau củ giàu tinh bột như khoai lang, bí ngô, yến mạch,…
  • Các sản phẩm từ trứng, dầu ô liu, bơ hạt, dầu dừa,…
  • Các sản phẩm thay thế sữa có nguồn gốc từ thực vật như sữa hạt điều, sữa hạnh nhân,…
  • Các thực phẩm chứa đạm cao như cá hồi, đậu phụ, thịt gà,…
  • Đồ uống không đường như nước lọc, trà xanh, nước chanh,…
Những điều cần biết về cách điều trị mụn trứng cá
Chế độ ăn uống khoa học là một chìa khóa quan trọng để điều trị và ngăn ngừa mụn trứng cá

Với những hiểu biết về cơ chế gây bệnh, triệu chứng và các lưu ý trong điều trị mụn trứng cá, bạn cần tỉnh táo trong việc lựa chọn các phương pháp và sản phẩm trị liệu thích hợp nhất với tình trạng da của mình. Giữ chế độ sinh hoạt hợp lý và thói quen ăn uống khoa học sẽ giúp bạn ngăn ngừa mụn trứng cá và giảm đáng kể tình trạng bệnh.

Nguồn: youmed.vn

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Ngâm chân cho bà bầu: 4 cách làm nước ngâm chân và lưu ý cần nhớ
Theo các chuyên gia, việc ngâm chân cho bà bầu với nước ấm và một số thảo dược vào mỗi tối có thể giúp đôi chân được thư giãn, giảm phù và tăng cường
Hình ảnh tin tức Cường giáp kiêng ăn gì? Thận trọng với 7 thực phẩm thường gặp
Cường giáp là bệnh thường gặp ở phụ nữ với nhiều biến chứng nguy hiểm như rung tâm nhĩ, loãng xương, suy tim sung huyết, đột quỵ… Do đó, điều quan
Hình ảnh tin tức Hé lộ 4 dấu hiệu nhận biết phụ nữ lâu ngày không quan hệ
Đối với phụ nữ, quan hệ tình dục không chỉ mang đến những cảm xúc thăng hoa mà còn tác động tích cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Thế nhưng,
Hình ảnh tin tức Thuốc huyết áp uống ngày 2 lần được không?
Huyết áp cao là bệnh mạn tính cần phải điều trị suốt đời để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như bệnh tim, đột quỵ, giảm thị lực, bệnh thận mạn tính
Hình ảnh tin tức Tại sao bôi kem chống nắng bị vón cục? Làm sao để khắc phục?
Ngày nay, việc sử dụng kem chống nắng đã trở thành bước bắt buộc phải có trong chế độ chăm sóc hằng ngày. Tuy nhiên, nhiều “sự cố” khi bôi kem chống