Những điều bạn cần biết về viêm bọng đái

Viêm bọng đái hay còn gọi là viêm bàng quang là một vấn đề sức khỏe thường gặp. Đây là dạng phổ biến nhất của tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu. Viêm bọng đái có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Trong đó, người trưởng thành có nhiều nguy cơ mắc hơn cả.

Triệu chứng của căn bệnh này gây ra khá nhiều phiền toái trong cuộc sống hằng ngày. Vậy nguyên nhân của nó là gì, vì sao người trưởng thành dễ mắc phải? Hãy cùng tìm hiểu câu trả lời qua bài viết sau đây nhé!

1. Khái quát về viêm bọng đái

1.1. Chức năng của bọng đái

Bọng đái – một tên gọi khác của bàng quang, là nơi chứa nước tiểu trước khi thải ra ngoài. Thận của chúng ta có nhiệm vụ lọc nước tiểu mỗi ngày. Nước tiểu từ mỗi bên thận sẽ theo một ống dẫn gọi là niệu quản, đổ vào bọng đái.

Có thể tưởng tượng bọng đái như một quả bóng có tính đàn hồi. Quả bóng này thông với một ống tên là niệu đạo để dẫn nước tiểu ra ngoài cơ thể. Bình thường, chức năng của bọng đái là chứa và xả nước tiểu theo sự điều khiển của cơ thể.

1.2. Viêm bọng đái là gì?

Viêm bọng đái xảy ra khi bọng đái bị kích thích bởi một hoặc nhiều tác nhân gây hại. Những tác nhân đó có thể đến từ bên trong hay bên ngoài cơ thể. Sự kích thích này gây ra hiện tượng viêm – một phản ứng sinh lý có tính tự vệ của cơ thể.

Với trường hợp này, bọng đái sẽ sưng lên và có những thay đổi trong cấu trúc để đáp ứng với những kích thích có hại đó. Mặc dù là phản ứng tự vệ, hiện tượng viêm này nếu quá đà sẽ tự trở thành một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Lúc này không chỉ cấu tạo mà chức năng của bọng đái sẽ bị rối loạn. Cụ thể là quá trình xả nước tiểu không còn được kiểm soát tốt theo ý muốn của cơ thể nữa.

2. Nguyên nhân gây viêm bọng đái

Những tác nhân gây ra viêm bọng đái rất đa dạng có thể bao gồm:

  • Vi khuẩn: là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra tình trạng viêm bọng đái. Lúc này viêm bọng đái được xếp vào một dạng của nhiễm trùng đường tiết niệu. Vi khuẩn gây hại xâm nhập vào đường tiểu, phát triển và sinh sôi tại bọng đái.

Vì đường tiểu gồm nhiều đoạn thông nối nhau nên vi khuẩn có thể lan sang các vùng khác. Trong trường hợp nặng, vi khuẩn có thể đi ngược dòng và gây nhiễm trùng tại thận. Nhiễm trùng thận là một tình trạng nghiêm trọng, có thể tổn hại chức năng thận hoặc hỏng thận.

  • Sản phẩm vệ sinh cá nhân: xà phòng, sữa tắm tạo bọt…
  • Chất diệt tinh trùng – biện pháp ngừa thai dùng cho nữ giới: có thể ở dạng thuốc đặt âm đạo, gel bôi hoặc màng tránh thai.
  • Phương pháp điều trị: Sau xạ trị hay hóa trị các bệnh lí ung thư vùng chậu.
  • Tổn thương: sau một cuộc phẫu thuật bọng đái.
  • Đặt ống thông tiểu: quá nhiều lần hoặc lưu ống trong thời gian dài.

3. Yếu tố nguy cơ mắc bệnh

  • Nữ giới: Đường tiểu của phụ nữ vốn ngắn hơn nam giới. Đây là một yếu tố khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập hơn. Những giai đoạn đặc biệt cần lưu ý ở nữ giới là: mang thai, mãn kinh,… Tình trạng rong kinh cũng làm tăng nguy cơ viêm bọng đái
  • Nam giới. Phì đại tiền liệt tuyến ở nam giới có thể tăng nguy cơ viêm bọng đái. Trong bệnh lí này, bệnh nhân thường bị ứ đọng nước tiểu trong bọng đái, phải đi tiểu lắt nhắt. Tình trạng này dễ dẫn đến viêm nhiễm.
  • Bệnh lý sẵn có của đường tiết niệu: sỏi niệu, dị tật bẩm sinh đường tiểu…
  • Sức đề kháng của cơ thể giảm sút hoặc có các bệnh mạn tính: đái tháo đường, ung thư, HIV…

4. Phân loại viêm bọng đái

Trên thực tế, có nhiều cách phân loại viêm bọng đái, có thể sắp xếp theo các nguyên nhân vừa kể. Trong đó viêm bàng quang kẽ là tên một dạng viêm bọng đái chưa rõ nguyên nhân.

Một cách phân loại khác dựa trên thời gian kéo dài của bệnh. Lúc này viêm bọng đái chia làm hai loại:

Viêm bọng đái cấp tính

Thường kéo dài trong khoảng hai tuần. Triệu chứng xuất hiện nhiều, rõ nét.

Viêm bọng đái mạn tính

Triệu chứng có thể không rầm rộ nhưng kéo dài và gây nhiều phiền toái. Có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Thường liên quan đến các yếu tố nguy cơ, các bệnh lí nền. Khó khăn trong việc điều trị dứt điểm hơn.

5. Triệu chứng viêm bọng đái

  • Sốt nhẹ
  • Cảm giác nặng vùng bụng dưới.
  • Cảm giác nóng rát, buốt khi đi tiểu.
  • Nước tiểu đục, có mùi hôi khác thường.
  • Cảm giác mắc tiểu liên tục, đi tiểu nhiều lần.
  • Tiểu ra máu hay thấy nước tiểu màu nâu đỏ.
  • Mỗi lần thường chỉ tiểu một lượng nhỏ hơn bình thường (tiểu lắt nhắt).

Đối với trẻ nhỏ, nếu mới xuất hiện đái dầm vào ban ngày mà bình thường không có, đó có thể là một triệu chứng. Còn đái dầm vào ban đêm thường không gợi ý đến nhiễm trùng đường tiểu.

Những điều bạn cần biết về viêm bọng đái
Nước tiểu màu nâu đỏ

6. Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Các triệu chứng sau có thể báo hiệu một tình trạng nghiêm trọng. Bạn cần liên hệ bác sĩ ngay khi:

  • Nôn ói.
  • Đau vùng hông lưng.
  • Sốt cao, hoặc cảm giác lạnh run.

Những dấu hiệu này báo động tình trạng viêm nhiễm đã lan đến thận và cần can thiệp y khoa kịp thời, chính xác.

Những điều bạn cần biết về viêm bọng đái
Nôn ói là dấu hiệu nguy hiểm của viêm bọng đái

Một số dấu hiệu cần lưu ý khác bao gồm:

  • Đột nhiên đái dầm vào ban ngày.
  • Các triệu chứng kéo dài trên vài giờ.
  • Tiểu ra máu hay thấy nước tiểu màu nâu đỏ.
  • Sau một đợt điều trị viêm bọng đái với kháng sinh, các triệu chứng tiếp tục quay trở lại.
  • Từng được chẩn đoán viêm bọng đái trước đó và đã khỏi. Nhưng hiện tại lại có những triệu chứng tương tự.
  • Tình trạng viêm bọng đái thường hiếm xảy ra ở người đàn ông khỏe mạnh. Cần tìm ra những yếu tố nguy cơ hoặc bệnh lí tiềm ẩn dẫn đến tình trạng này.

7. Chẩn đoán viêm bọng đái 

Bạn đừng nên bỏ sót những điều khó chịu và các thay đổi trên cơ thể hoặc thói quen đi tiểu. Thông tin càng chính xác, cụ thể về triệu chứng càng giúp khẳng định chẩn đoán sớm hơn. Thông thường, bác sĩ sẽ cho bạn thực hiện các xét nghiệm sau:

Tổng phân tích nước tiểu

Khảo sát tình trạng viêm nhiễm, sự hiện diện của máu hoặc mủ trong nước tiểu.

Soi cặn lắng nước tiểu

Tìm tế bào hoặc các chất có mặt một cách bất thường trong nước tiểu.

Cấy nước tiểu

Nhận diện loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.

Xét nghiệm máu

Xem xét tình trạng nhiễm trùng.

Nếu như bạn thuộc những trường hợp sau, bác sĩ có thể đề nghị những xét nghiệm chuyên sâu hơn. Mục đích là làm rõ nguyên nhân và hỗ trợ điều trị.

  • Trẻ em.
  • Đàn ông (người khỏe mạnh hiếm khi mắc phải viêm bọng đái. Tình trạng này có thể do một vấn đề sức khỏe khác dẫn đến, cần được kiểm tra cẩn thận).
  • Những người có tổn thương thận hoặc bệnh lí thận trước đó.
  • Phụ nữ bị viêm bọng đái từ 3 lần trở lên trong vòng một năm.

Các xét nghiệm có thể cần cho bạn lúc này:

  • Nội soi, X quang: khảo sát đường tiểu của bạn có cấu trúc bất thường nào không.
  • Siêu âm, CT-scan và MRI: có thể phát hiện sỏi niệu, khối u,..
  • Sinh thiết thận: lấy một mẩu mô nhỏ từ thận để xét nghiệm.

Bạn cũng có thể được chỉ định những xét nghiệm chuyên sâu khác về dòng chảy nước tiểu, cấu trúc và chức năng thận.

8. Cách điều trị viêm bọng đái

Việc điều trị viêm bọng đái có thể rất khác nhau, tùy thuộc vào từng nguyên nhân riêng biệt.

  • Kháng sinh: chiếm đa số các trường hợp, khi nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn. Kháng sinh phù hợp có thể cải thiện nhanh chóng triệu chứng của bạn trong vài ngày. Tuy nhiên, bạn đừng chủ quan và tự ý bỏ thuốc. Tuân thủ đúng liều lượng và thời gian sử dụng sẽ giúp điều trị dứt điểm. Từ đó ngăn chặn viêm bọng đái mạn tính và các hậu quả khác.
  • Kem bổ sung nội tiết tố nữ (estrogen): có thể dùng ở âm đạo với phụ nữ mãn kinh.

Nếu viêm bọng đái xảy ra do dùng hóa chất, bạn nên ngừng sử dụng ngay các sản phẩm đó. Tùy theo mức độ triệu chứng mà có các biện pháp điều trị cải thiện khác.

Bạn cũng cần thận trọng khi viêm bọng đái có liên quan đến bệnh lí hoặc các phương pháp điều trị khác. Bác sĩ sẽ thảo luận với bạn những thủ thuật phù hợp hơn. Điều trị ổn bệnh lí liên quan cũng rất cần thiết.

Riêng viêm bàng quang (bọng đái) kẽ thì nguyên nhân chưa rõ. Nhưng các biện pháp điều trị triệu chứng sẽ giúp bạn tránh những phiền toái. Bác sĩ có thể kê cho bạn thuốc giảm đau, tập cách kiểm soát thói quen đi tiểu, dùng xung điện nhẹ kích thích thần kinh,…

9. Biện pháp phòng ngừa 

  • Uống nhiều nước: Đặc biệt đối với các bệnh nhân đang phải hóa xạ trị, không nên nhịn tiểu.
  • Mặc đồ lót vừa vặn và khô thoáng: Môi trường bí bách, ẩm ướt ở vùng kín là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
  • Hạn chế tắm bồn: Ngâm nước quá lâu có thể dẫn đến viêm nhiễm. Đặc biệt nếu bạn có cơ địa dễ nhiễm trùng. Đồng thời bạn cũng cần vệ sinh đúng cách.
  • Đừng quên đi tiểu sau khi quan hệ: Uống một ly nước đầy giúp bạn dễ tiểu hơn. Khi quan hệ, vi khuẩn có thể xâm nhập vào đường tiểu. Thói quen đi tiểu sau cuộc yêu sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn, ngăn ngừa viêm đường tiểu nói chung.

Bạn cần cẩn trọng khi sử dụng các thuốc xịt khử mùi, hoặc chứa hương liệu ở vùng tam giác của phụ nữ. Những sản phẩm này có thể gây kích ứng niệu đạo và bọng đái.

10. Cách vệ sinh vùng kín 

  • Sau khi tiểu tiện và đại tiện, hãy lau nhẹ nhàng theo một chiều từ trước ra sau. Nghĩa là bắt đầu lau từ đường tiểu sang hậu môn chứ không làm ngược lại.  Điều này giúp cho vi khuẩn từ hậu môn không nhiễm sang đường tiểu.
  • Khi vệ sinh âm đạo và hậu môn hằng ngày, hãy thao tác nhẹ nhàng với nước sạch. Vùng da ở đây khá mỏng manh và nhạy cảm. Chà xát quá mức, thụt rửa hoặc chất tẩy rửa mạnh có thể làm tổn thương chúng. Từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển. 

Viêm bọng đái là bệnh lý nhiễm trùng thường gặp, nhất là với nữ giới. Triệu chứng bao gồm đi tiểu nhiều lần, tiểu lắt nhắt lượng ít, nóng rát khi đi tiểu… Vì vậy, khi nghi ngờ, bạn hãy tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và kịp thời. Từ đó việc điều trị sẽ đạt hiệu quả tốt hơn. 

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Làm thế nào ổn định tâm lý sau khi đã đẩy lùi ung thư vú giai đoạn sớm?
Người bệnh ung thư vú có thể gặp phải các vấn đề tâm lý vì một số lý do như không chắc chắn về hiệu quả điều trị, các triệu chứng thực thể, sợ tái
Hình ảnh tin tức 4 lưu ý người bệnh cần biết sau điều trị ung thư vú giai đoạn sớm
Ung thư vú là loại ung thư có tỉ lệ mắc cao nhất và là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trong các bệnh ung thư ở phụ nữ trên toàn cầu. Theo
Hình ảnh tin tức Giải đáp nhanh băn khoăn về cách “thích ứng” với những thay đổi của cơ thể và lịch thăm khám sau điều trị ung thư vú
Sau khi kết thúc thời gian điều trị, người bệnh ung thư vú sẽ dần quay lại với cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian hồi phục sau
Hình ảnh tin tức Mẹ sau sinh mổ bao lâu thì ăn uống bình thường?
Việc có một chế độ dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phục hồi cho phụ nữ sau sinh, nhất là các mẹ sinh mổ.
Hình ảnh tin tức Khi quan hệ nam và nữ ai dễ hưng phấn, thỏa mãn hơn? Khám phá cảm giác khi “yêu” của hai phái
Thông thường, trong những “cuộc yêu”, phái mạnh thường đóng vai trò là người chủ động. Chính vì vậy mà nhiều người thắc mắc khi quan hệ nam và nữ ai