Những điều bạn cần biết về viêm bao hoạt dịch đầu gối

Viêm bao hoạt dịch đầu gối là một trong những bệnh lý xương khớp rất phổ biến hiện nay. Bệnh hay gặp ở những đối tượng là vận động viên thể thao hay người lao động chân tay nhiều. Bạn cần được chẩn đoán và điều trị đúng cách để tránh dẫn đến những bệnh lý xương khớp khác.. Vì vậy, trang bị những kiến thức cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị viêm bao hoạt dịch đầu gối là vô cùng quan trọng. Hãy cùng YouMed tìm hiểu những thông tin đó trong bài viết sau đây nhé!

1. Viêm bao hoạt dịch đầu gối là gì?

Bao hoạt dịch là những túi chứa đầy chất dịch. Chúng nằm ở dưới các gân bám vào xương, giúp cho gân di động dễ dàng và không bị tổn thương khi co, duỗi. Bao hoạt dịch đóng vai trò như là một miếng đệm. Chúng giúp giảm sự ma sát cũng như hấp thụ lực giữa xương và gân.

Viêm bao hoạt dịch được xếp vào bệnh xương khớp. Tình trạng viêm bao hoạt dịch khớp gối xảy ra khi bao hoạt dịch ở khớp gối bị viêm không do nhiễm khuẩn. Có nhiều bao hoạt dịch ở vùng gối của bạn. Bất cứ bao hoạt dịch nào ở gối cũng có thể bị viêm. Tuy nhiên, bao hoạt dịch ở phía trước xương bánh chè hay ở mặt trong, bên dưới khớp gối thường bị viêm nhất.

Viêm bao hoạt dịch đầu gối dễ ảnh hưởng đến khả năng vận động của bạn. Điều trị thường bao gồm sự phối hợp giữa tự chăm sóc và điều trị của bác sĩ. Mục đích để quản lí tình trạng viêm và đau của bạn.

2. Nguyên nhân của viêm bao hoạt dịch đầu gối là gì?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm bao hoạt dịch đầu gối. Một số nguyên nhân thường gặp đó là:

Hoạt động nhiều và liên tục

Những hoạt động thường xuyên và liên tục tác động lên khớp khiến các bao hoạt dịch dễ bị kích thích. Ví dụ: những người thường xuyên phải quỳ gối, đặc biệt trên bề mặt cứng.

Những điều bạn cần biết về viêm bao hoạt dịch đầu gối
Những công việc như thợ sửa ống nước thường xuyên phải quỳ gối trong thời gian dài. Điều này dễ bị viêm bao hoạt dịch đầu gối hơn.

Chấn thương

Khớp gối thường có bao hoạt dịch nằm ngay dưới da. Nên nếu khớp gối bị chấn thương thì rất dễ tổn thương đến bao hoạt dịch.

Do nghề nghiệp, sở thích

Những người có nghề nghiệp, sở thích nào đó mà phải hoạt động khớp gối thường xuyên cũng khiến khớp đó chịu nhiều áp lực. Vì vậy, bao hoạt dịch cũng dễ trở nên tổn thương và gây ra tình trạng viêm bao hoạt dịch.

Biến chứng từ những bệnh lý khác

Thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp hay gút ở vùng gối có thể gây viêm bao hoạt dịch gối.

Người cao tuổi

Những người tuổi cao, xương khớp bị lão hóa mất đi độ chắc khỏe, trở nên suy yếu. Vì vậy họ cũng rất dễ bị viêm bao hoạt dịch.

3. Ai dễ bị viêm bao hoạt dịch đầu gối?

Bạn sẽ dễ bị viêm bao hoạt dịch khớp gối hơn nếu bạn có những điều kiện sau:

Quỳ gối kéo dài

Nếu bạn làm những công việc thường xuyên quỳ gối trong thời gian dài dễ bị viêm bao hoạt dịch hơn. Ví dụ như thợ sửa ống nước, người làm vườn…

Tham gia một hoạt động thể thao nào đó

Đó là những môn thể thao có thể dẫn đến những cú đánh trực tiếp vào gối hay dễ bị ngã vào đầu gối. Ví dụ như: đầu vật, bóng đá, bóng chuyền… Những vận động viên chạy bộ có thể dễ bị viêm bao hoạt dịch phía mặt trong,bên dưới khớp gối (bao hoạt dịch chân ngỗng).

Béo phì và thoái hóa khớp gối

Những phụ nữ béo phì kèm thoái hóa khớp gối dễ bị viêm bao hoạt dịch chân ngỗng ở gối.

4. Triệu chứng của viêm bao hoạt dịch khớp gối là gì?

Các triệu chứng của viêm bao hoạt dịch khớp gối rất đa dạng. Nó còn phụ thuộc vào bao hoạt dịch nào bị và nguyên nhân gây ra viêm là gì.

Nhìn chung, những dấu hiệu thường gặp đó là:

  • Cảm thấy sưng, nóng, đỏ, đau khi bạn đè lên khớp gối.
  • Đau có thể xuất hiện khi di chuyển hoặc thậm chí khi nghỉ ngơi
  • Một cú đánh mạnh có thể khiến các triệu chứng xuất hiện nhanh chóng
  • Cứng khớp, gây hạn chế hoạt động
Những điều bạn cần biết về viêm bao hoạt dịch đầu gối
Viêm bao hoạt dịch đầu gối có thể gây đau, sưng, cứng khớp gối.

Các triệu chứng thường xuất hiện dần dần và có thể tiến triển xấu đi theo thời gian. Khi có các biểu hiện này kèm theo sốt cao cần đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán bệnh. Vì nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng như thấp khớp, tràn dịch khớp, tê liệt khớp…

5. Chẩn đoán viêm bao hoạt dịch khớp gối bằng cách nào?

Việc chẩn đoán cần sự phối hợp giữa hỏi bệnh sử, khám lâm sàng và các xét nghiệm chẩn đoán.

5.1 Bệnh sử và khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ hỏi bạn một số câu hỏi để khai thác bệnh sử. Ví dụ như:

  • Các triệu chứng xuất hiện trong hoàn cảnh nào? Bao lâu rồi?
  • Những triệu chứng mà bạn đã và đang trải qua?
  • Mức độ cơn đau mà bạn đang trải qua?
  • Những động tác nào làm cơn đau trầm trọng hơn?
  • Bạn đã được điều trị gì chưa?
  • Hiện tại bạn đang bị bệnh hay uống thuốc gì không?
  • Trước đây bạn có bị chấn thương gì không?

Sau đó, bác sĩ cũng sẽ tiến hành thăm khám cho bạn. Mục đích để đánh giá mức độ sưng, nóng, đỏ, đau, sự biến dạng, mức độ hoạt động tại khớp.Việc so sánh các dấu hiệu này ở hai khớp gối là rất quan trọng.

5.2 Xét nghiệm

Một số xét nghiệm có thể được bác sĩ chỉ định.

Hình ảnh học

Các xét nghiệm hình ảnh học giúp bác sĩ loại trừ những tổn thương ở khớp gối. Bởi vì chúng có thể gây những triệu chứng tương tự như viêm bao hoạt dịch khớp gối. Một số xét nghiệm thường dùng đó là:

  • X – quang: Chụp X – quang có thể có ích với những vấn đề liên quan đến xương hoặc viêm khớp.
  • Cộng hưởng từ MRI: Cộng hưởng từ sử dụng những sóng radio và một từ trường mạnh. Từ đó nó sẽ dựng nên những hình ảnh chi tiết về các cấu trúc của cơ thể. Kĩ thuật này có thể quan sát được các mô mềm như các bao hoạt dịch ở khớp.
  • Siêu âm: Siêu âm sử dụng sóng siêu âm để tạo ra những hình ảnh về cấu trúc cơ thể. Bác sĩ sẽ hình dung rõ hơn tình trạng viêm ở bao hoạt dịch.

 

Những điều bạn cần biết về viêm bao hoạt dịch đầu gối
Chụp X – quang có thể loại trừ một số tổn thương có những triệu chứng giống với viêm bao hoạt dịch đầu gối.

Chọc hút dịch

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị nhiễm trùng hoặc hút ở túi hoạt dịch, họ sẽ lấy một mẫu chất dịch trong bao hoạt dịch. Điều này cũng có thể được sử dụng như điều trị.

6. Điều trị viêm bao hoạt dịch như thế nào?

Viêm bao hoạt dịch có thể cải thiện theo thời gian. Vì vậy, điều trị thường hướng tới mục tiêu giảm các triệu chứng. Tuy nhiên, phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh là gì và bao hoạt dịch nào bị bệnh, bác sĩ sẽ khuyến cáo phương pháp điều trị thích hợp. Các biện pháp điều trị có thể được phân thành không xâm lấn và xâm lấn.

7. Điều trị không xâm lấn

  • Nghỉ ngơi: Ngưng những hoạt động gây nên viêm bao hoạt dịch khớp gối. Tránh những hoạt động khiến cơn đau trầm trọng hơn.
  • Băng ép: Các biện pháp băng ép giúp giảm sưng cho khớp gối.
  • Kê cao chi: Kê cao chân bằng gối để giảm sưng cho khớp gối.
  • Sử dụng thuốc: Bác sĩ của bạn có thể kê một số thuốc giảm đau, giảm viêm trong thời gian ngắn để giảm đau. Một số thuốc kháng viêm không steroids thường được kê toa. Ví dụ: ibuprofen, naproxen, mobic…

Chườm đá

Những điều bạn cần biết về viêm bao hoạt dịch đầu gối
Chườm đá giúp giảm viêm, giảm đau.

Lưu ý không chườm đá trực tiếp lên da. Vì nó có thể gây bỏng lạnh cho da. Hãy cho đá lạnh vào một cái khăn ẩm. Sau đó hãy chườm lên da. Thực hiện khoảng 3 lần/ngày. Mỗi lần khoảng 20 phút.

Vật lí trị liệu

Bác sĩ cũng có thể giới thiệu bạn đến những chuyên gia vật lí trị liệu. Họ sẽ giúp bạn cải thiện sức mạnh và tính linh động của cơ. Trị liệu này có thể giảm đau và giảm sự tái phát của viêm bao hoạt dịch. Việc phối hợp thêm các phương pháp trị liệu vật lí cũng đem lại những kết quả khả quan. Ví dụ nhiệt trị liệu, sóng ngắn trị liệu hay hồng ngoại hoặc laser trị liệu.

8.  Một số biện pháp điều trị xâm lấn

Tiêm corticosteroid

Nếu viêm bao hoạt dịch kéo dài và không đáp ứng với những điều trị cơ bản, bác sĩ có thể tiêm corticosteroid vào vùng bao hoạt dịch đó để giảm viêm. Thủ thuật này cân được tiến hành bởi các bác sĩ chuyên nghành xương khớp. Phản ứng viêm thường nhanh chóng giảm đi. Tuy nhiên bạn có thể cảm thấy đau và sưng sau khi tiêm một vài ngày.

Chọc hút dịch

Những điều bạn cần biết về viêm bao hoạt dịch đầu gối
Mô phỏng quá trình chọc hút dịch trong bao hoạt dịch vùng đầu gối.

Bác sĩ của bạn có thể chọc hút dịch ở bao hoạt dịch. Mục đích để giảm tích tụ dịch quá mức và điều trị viêm. Bác sĩ sẽ dùng kim tiêm đâm xuyên vào bao hoạt dịch và hút dịch vào ống xi – lanh. Việc chọc hút có thể gây đau và sưng ngắn hạn. Và bạn có thể cần phải mang nẹp để bất động gối một thời gian ngắn sau đó.

Phẫu thuật

Nếu bạn có viêm bao hoạt dịch nặng, mạn tính hoặc tái đi tái lại, không đáp ứng với những biện pháp điều trị khác, bác sĩ có thể khuyến cáo phẫu thuật để loại bỏ bao hoạt dịch.

9. Phòng ngừa viêm bao hoạt dịch khớp gối bằng cách nào?

Để dự phòng bị viêm bao hoạt dịch, bạn cần phải:

  • Tránh lặp đi lặp lại một động tác lao động kéo dài.
  • Cần thường xuyên thay đổi tư thế và các động tác để tránh gây tổn thương cho bao hoạt dịch.
  • Thường xuyên vận động, ăn uống lành mạnh. Tránh để cơ thể bị béo phì.
  • Điều trị và kiểm soát tốt các bệnh toàn thân như viêm khớp dạng thấp, tiểu đường, thoái hóa khớp.

>>> Bạn có thể tham khảo thêm một số bài tập dành cho bệnh nhân Cơ Xương Khớp tại đây.

Hy vọng bài viết đã cung cấp được những thông tin hữu ích về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị viêm bao hoạt dịch đầu gối. Đừng ngại để lại những thắc mắc ở phần bình luận, cũng như chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Mong nhận được những phản hồi cũng như đồng hành cùng bạn ở những bài viết kế tiếp. YouMed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!

Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân.

Xem thêm các bài viết liên quan:

>>> Top 7 bệnh viện và phòng khám cơ xương khớp chất lượng tốt và uy tín tại TP.HCM

>>> Đau khớp gối là biểu hiện của bệnh gì?

>>> Đau khớp gối: Nguyên nhân và lời khuyên dành cho người bị đau khớp gối

 

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Giải đáp vì sao quan hệ đúng ngày rụng trứng mà vẫn không có thai
Vợ chồng bạn đang trong cuộc đua “săn rồng” và dù đã canh ngày rụng trứng để quan hệ nhưng vài tháng trôi qua mà vẫn chưa có tin vui. Bạn băn khoăn
Hình ảnh tin tức Mùa nắng nóng uống rau má đậu xanh mỗi ngày có tốt không?
Rau má đậu xanh là thức uống giải nhiệt được nhiều người ưa thích nhờ hương vị thơm ngon và cảm giác thanh mát khi thưởng thức. Song việc uống nhiều
Hình ảnh tin tức Cách kiểm tra ung thư phổi tại nhà và làm sao để nhận biết sớm bệnh?
Ung thư phổi là một căn bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao. Nguyên nhân là bệnh không phải lúc nào cũng gây ra các triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn
Hình ảnh tin tức Thức khuya có đau dạ dày không? Tác hại của thức khuya với hệ tiêu hóa
Việc cân bằng công việc, cuộc sống cá nhân và các mối quan hệ xã hội đôi khi khiến chúng ta phải thức khuya hơn và việc ngủ đủ giấc trở nên “xa xỉ”.
Hình ảnh tin tức 9 cách điều trị đi tiểu ra máu ở phụ nữ tại nhà an toàn, hiệu quả
Phụ nữ đi tiểu ra máu có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nghiêm trọng. Do đó, điều quan trọng là cần tìm ra nguyên nhân chính xác và kịp thời áp dụng