Những điều bạn cần biết về tình trạng hở van 3 lá

Hở van 3 lá là gì? Liệu chứng bệnh này có nguy hiểm và có điều trị được không? Bạn hãy cùng YouMed tìm hiểu về tình trạng bệnh qua bài viết dưới đây nhé!

Trong cơ thể, máu di chuyển trong các mạch máu thành 2 vòng tuần hoàn với vai trò khác biệt. Ở vong tuần hoàn lớn, máu từ tim thông qua động mạch chủ để tới nuôi các cơ quan. Trong vòng tuần hoàn nhỏ, máu từ tim lên phổi để trao đổi oxy. Các van tim có vai trò đảm bảo cho dòng máu lưu thông đúng chiều, liên tục. Khi các van tim bị tổn thương sẽ dẫn tới bất thường máu lưu thông. Từ đó kéo theo hàng loạt tổn thương của hệ tim mạch. Có rất nhiều bệnh lý van tim với cơ chế phức tạp. Trong phạm vi bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu về bệnh lý hở van ba lá.

1. Hở van 3 lá là gì?

Những điều bạn cần biết về tình trạng hở van 3 lá
Cấu trúc tim bình thường

Van 3 lá là van tim kiểm soát lưu thông dòng máu giữa tâm thất phải và nhĩ phải. Hở van 3 lá là tình trạng bệnh lý, trong đó van 3 lá không đóng đủ kín trong thời kỳ tâm thu. Dẫn đến máu chảy ngược vào buồng tâm nhĩ phải khi tâm thất phải co bóp.

Những điều bạn cần biết về tình trạng hở van 3 lá

Cấu trúc của van 3 lá gồm nhiều bộ phận. Vì vậy hở van 3 lá có thể do một hoặc nhiều bộ phận bị tổn thương làm ảnh hưởng chức năng van 3 lá.

2. Triệu chứng hở van 3 lá 

Bệnh lý hở van 3 lá đơn thuần thường khó nhận biết khi mức độ hở nhẹ. Các triệu chứng xuất hiện rõ ràng khi tình trạng hở trở nên nghiêm trọng.

Các mức độ hở van 3 lá:

  • Nhẹ (hở van sinh lý): hở van tim 3 lá 1/4
  • Trung bình: hở 1.5/4 và 2/4
  • Nặng: hở 3/4 và 3.5/4
  • Rất nặng: hở van 3 lá 4/4

Các triệu chứng có thể xuất phát từ bệnh lý tại chỗ, hoặc từ biến chứng của hở 3 lá. Cũng có thể là từ nguyên nhân nền gây ra hở van.

Những triệu chứng phổ biến thường gặp ở bệnh nhân hở 3 lá là rối loạn chức năng thất phải. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Tim đập nhanh và mạnh; cảm giác hồi hộp và lo lắng
  • Khó thở khi gắng sức
  • Khó thở khi nằm đầu ngang
  • Lên cơn kịch phát khó thở về đêm
  • Tĩnh mạch cổ phồng
  • Ứ dịch ở bụng, gan to
  • Phù chân, tay
  • Mệt mỏi hoặc giảm vận động khi gắng sức
  • Đau tức ngực khi hoạt động mà không do bệnh lý mạnh vành

Các triệu chứng có thể mơ hồ và đa dạng, phối hợp với nhau. Vì vậy, nếu có triệu chứng bất thường nào trên đây, cần đi khám ngay để phát hiện bệnh sớm nhất có thể.

3. Biến chứng hở 3 lá

Hở van 3 lá theo thời gian, nếu không điều trị ổn sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng điều trị bệnh. Chúng có thể là:

  • Xơ gan
  • Suy tim: Hở van 3 lá làm tăng áp lực lên tâm thất phải và phổi. Lâu dần dẫn tới suy tim phải. Từ đó diễn tiến tới suy tim toàn bộ.
  • Rối loạn nhịp tim: Đa phần mạch máu kiểm soát hệ thống dẫn truyền tim phân bố bên thất phải. Suy thất phải dẫn tới tổn thương hệ thống dẫn truyền tim, từ đó tạo nên các rối loạn nhịp nguy hiểm.
  • Tăng áp lực động mạch phổi: Lưu lượng máu bất thường làm tăng áp lực thất phải gây trên động mạch phổi. Lâu dài sẽ dẫn tới tăng áp động mạch phổi.
  • Tạo cục máu đông và thuyên tắc phổi: Các dòng máu xoáy bất thường và tốc độ máu qua van chậm là nguy cơ tạo cục máu đông.
  • Viêm nội tâm mạc: Dòng máu bất thường bào mòn lớp lót trong tim, làm nó nhạy cảm hơn với vi trùng. Điều này dễ dẫn tới viêm nội tâm mạc.

Trong đó suy tim là biến chứng thường gặp nhất, gây triệu chứng nặng nề, giảm sức lao động, và tác động xấu đến chất lượng sống. Đây là thời gian dễ phát hiện bệnh nhất, và bệnh nhân thường đến bác sĩ khám giai đoạn này. Khi có bất kì triệu chứng bất thường, đến bác sĩ khám để chẩn đoán và điều trị sớm nhất.

4. Nguyên nhân hở 3 lá là gì?
Những điều bạn cần biết về tình trạng hở van 3 lá
Triệu chứng suy tim

Hở 3 lá có rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể tổn thương bộ phận khác của tim và ngoài tim. Các bệnh lý thường gặp bao gồm:

  • Sa van 3 lá
  • Viêm cơ tim
  • Hội chứng tim carcinoid
  • Rối loạn chức năng cơ nhú ở tim
  • Bệnh tim bẩm sinh: hội chứng Ebstein
  • Do thuốc: methysergide, pergolide, fenfluramine
  • Bệnh mô liên kết: hội chứng Marphan, hội chứng Ehlers – Danlos
  • Bệnh thấp tim (là nguyên nhân thường gặp nhất của hở van 3 lá ở bệnh nhân 15 tuổi trở lên. Thường đi kèm với bệnh lý van 2 lá và van động mạch chủ)
  • Dãn buồng thất phải (Cấu trúc của lá van còn bình thường, tuy nhiên do buồng thất dãn rộng làn dãn vòng van. Khi đó các lá van không khép kín được. Các nguyên nhân làm dãn buồng thất phải có thể là: Hẹp 2 lá, hẹp van động mạch phổi, hở van động mạch phổi)

5. Chẩn đoán hở van 3 lá 

Sau khi bác sĩ khai thác các triệu chứng từ bệnh nhân. Họ sẽ tiến hành khám các dấu hiệu bệnh lý hiện diện. Kết quả lâm sàng sẽ gợi ý cho bác sĩ nguyên nhân của bệnh. Từ đó bác sĩ sẽ cho kiểm tra lại bằng các xét nghiệm để chắc chắn chẩn đoán.

  • Siêu âm tim doppler: là phương tiện chính để chẩn đoán bệnh lý van 3 lá. Có thể thấy dòng máu phụt ngược từ thất lên nhĩ phải. Đồng thời chẩn đoán chính xác mức độ hở van 3 lá, và các tổn thương đi kèm.
  • X quang ngực: cho thấy các dấu hiệu gián tiếp của hở van 3 lá. Chẳng hạn như lớn nhĩ phải và thất phải, tràn dịch màng phổi…
  • Điện tâm đồ: thường không đặc hiệu cho chẩn đoán. Các dấu hiệu có thể gặp: lớn buồng tim, rối loạn nhịp…
  • Xét nghiệm máu: giúp xác định trong một số trường hợp. Như xét nghiệm chức năng gan, và các bệnh lý do nguyên nhân khác.

6. Điều trị cho bệnh hở van 3 lá

Điều trị hở van 3 lá tùy thuộc vào nguyên nhân, mức độ bệnh và các tổn thương đi kèm. Trường hợp hở nhẹ, không có triệu chứng thì chỉ theo dõi và thay đổi chế độ sống lành mạnh.

6.1. Điều trị bằng thuốc

Chỉ định cho những bệnh nhân hở 3 lá thứ phát sau suy tim. Thuốc giúp kiểm soát lượng dịch qua tải và triệu chứng suy tim. Bệnh nhân nên hướng dẫn giảm lượng muối ăn vào. Nâm cao đầu giường có thể cải thiện triệu chứng khó thở.

6.2. Điều trị phẫu thuật

Chỉ định phẫu thuật van rất nghiêm ngặt, cần sự đánh giá kĩ càng. Nếu thay van thành công, tiên lượng sống của bệnh nhân được cải thiện rõ ràng.

Lựa chọn phẫu thuật bao gồm sửa vòng van và thay van. Các yếu tố gợi ý chỉ định can thiệp phẫu thuật bao gồm:

  • Biến dạng cấu trúc của van
  • Tắc nghẽn van do viêm cơ tim do vi khuẩn
  • Dãn tâm thất nghiêm trọng không thể kiểm soát bằng thuốc

Điều trị theo nguyên nhân. Một số trường hợp sau đây có cách tiếp cận điều trị đặc biệt:

  • Trường hợp do viêm cơ tim: cắt toàn phần van 3 lá mà không thay van ngay được khuyến cáo. Cắt lọc mô van bị bệnh để loại trừ viêm nội tâm mạc, tiếp tục điều trị kháng sinh. Hầu hết các bệnh nhân mất van 3 lá, dung nạp tốt trong vài năm. Nếu các triệu chứng suy tim tồn tại dai dẳng dù đã điều trị thuốc. Lúc đó có thể nghĩ tới chỉ định lắp van nhân tạo.
  • Ở bệnh có hội chứng Ebstein: Hở van 3 lá không có triệu chứng thì không cần phẫu thuật. Nếu ngược lại có triệu chứng thì cần sửa chữa hoặc thay thế van.
 

7. Cách theo dõi ở bệnh nhân hở 3 lá 

Những điều bạn cần biết về tình trạng hở van 3 lá

Bệnh nhân với tiền sử hở van 3 lá nên được theo dõi một cách cẩn thận. Cần kiểm soát bất kỳ triệu chứng nào của suy tim. Lặp lại siêu âm được chỉ định mỗi 6 tháng cho bệnh nhân đã cắt bỏ van. Siêu âm hàng năm nên được xem xét ở bệnh nhân đã thay van 3 lá.

  • Tuân thủ chỉ định của bác sĩ, không được tự ý bỏ thuốc.
  • Những bệnh nhân hở van 3 lá nhẹ, cần thay đổi chế độ sống, tăng cường sức khỏe. Tập thể dục và ăn uống lành mạnh. Theo dõi các triệu chứng tim mạch để tái khám sớm nhất có thể.

8. Tiên lượng bệnh ở người hở 3 lá

  • Hở van 3 lá nhìn chung có tiên lượng lâu dài tốt hơn các bệnh van tim khác.Tuy nhiên còn tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ hở. Nhất là trong trường hợp phát hiện sớm, mức độ hở nhẹ, chưa có biến chứng. Với những bệnh nhân có tăng áp động mạch phổi hoặc dãn buồng tim. Tiên lượng bệnh liên quan trực tiếp đến mức độ tăng áp phổi và dãn buồng tim.
  • Tỉ lệ tử vong của hở van 3 lá khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân nền. Ở bệnh lý thấp tim, tỉ lệ tử vong của bệnh nhân được điều trị ít hơn 3%. Ở hội chứng Ebstein, tỉ lệ tử vong phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của biến dạng van và khả năng sửa chữa. Hở van 3 lá là kết quả từ rối loạn chức năng cơ tim hoặc dãn buồng tim thì có tỉ lệ tử vong lên đến 50% sau 5 năm.
  • Tỉ lệ tử vong với những người đã có sửa chữa van là khoảng 10%.

9. Phòng ngừa bệnh lý hở van 3 lá

Để phòng ngừa tiến triển hở van 3 lá, cần điều trị dứt điểm nguyên nhân gây hở. Tiếp theo là điều trị ổn định các bệnh lý khác đi kèm; như tăng huyết áp, đái tháo đường…

Những cá nhân chưa có tình trạng bệnh lý. Để có một trái tim khỏe mạnh, cần thay đổi chế độ sống và sinh hoạt hàng ngày. Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, một ngày ngủ đủ 7-8 tiếng, và chế độ ăn ít muối và giàu rau củ quả. Vệ sinh răng miệng hàng ngày, tiêm vắc xin, điều trị đau họng để tránh thấp tim. Với những phụ nữa mang thai, cần tái khám sức khỏe định kì, theo dõi sức khỏe thai nhi.

Hở van 3 lá đơn thuần khó nhận biết sớm nếu ở mức độ hở nhẹ. Tuy nhiên, bệnh sẽ tiến triển ngày càng tệ hơn nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Hậu quả cuối cùng của hở van 3 lá là dẫn đến suy tim và tử vong. Hiểu biết về bệnh lý, theo dõi điều trị, chăm sóc tốt cho bệnh nhân là điều cần thiết. Hơn hết là lối sống và sinh hoạt lành mạnh, ăn uống đúng cách và thể thao điều độ mang lại sức khỏe tốt nhất cho từng người bệnh.

Bác sĩ Lương Sỹ Bắc

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Có nên dùng que thử viêm nhiễm phụ khoa không? Cách sử dụng hiệu quả
Viêm âm đạo là vấn đề phổ biến ở phụ nữ thuộc nhiều độ tuổi khác nhau. Vì cảm thấy ngại ngùng khi đi khám phụ khoa, nhiều chị em phụ nữ đã truyền tai
Hình ảnh tin tức Gan nhiễm mỡ độ 1 có nguy hiểm không?
Gan là một cơ quan quan trọng trong cơ thể mà bạn không thể sống thiếu. Đây là lý do tại sao việc bảo vệ gan lại rất quan trọng, đặc biệt là khi bạn
Hình ảnh tin tức Những ngày cuối kinh nguyệt quan hệ có sao không? Có an toàn không?
Mỗi phụ nữ đều có chu kỳ kinh nguyệt riêng. Trong suốt chu kỳ này, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi về hormone gây  ảnh hưởng đến tâm trạng, sức khỏe
Hình ảnh tin tức Ngâm chân cho bà bầu: 4 cách làm nước ngâm chân và lưu ý cần nhớ
Theo các chuyên gia, việc ngâm chân cho bà bầu với nước ấm và một số thảo dược vào mỗi tối có thể giúp đôi chân được thư giãn, giảm phù và tăng cường
Hình ảnh tin tức Cường giáp kiêng ăn gì? Thận trọng với 7 thực phẩm thường gặp
Cường giáp là bệnh thường gặp ở phụ nữ với nhiều biến chứng nguy hiểm như rung tâm nhĩ, loãng xương, suy tim sung huyết, đột quỵ… Do đó, điều quan