Nhiễm virus cytomegalo: có phải nguy hiểm với mọi người?

Virus cytomegalo (CMV) là một loại virus phổ biến mà một khi đã nhiễm thì virus sẽ ở lại trong cơ thể bạn suốt đời. Hầu hết mọi người không biết mình bị nhiễm CMV vì nó hiếm khi gây bệnh ở người khoẻ mạnh.Tuy nhiên, CMV trở thành vấn đề ở những người mang thai hay suy giảm miễn dịch. Hiện nay, chưa có cách điều trị triệt để nhiễm CMV nhưng có những thuốc có thể giúp điều trị triệu chứng.

1. Nhiễm CMV gây ra những triệu chứng gì?

Hầu hết những người khoẻ mạnh bị nhiễm CMV thường không biểu hiện triệu chứng. Một số xuất hiện những triệu chứng nhẹ. Những triệu chứng nhiễm CMV thường xuất hiện ở những cơ địa như:

  • Trẻ sơ sinh bị nhiễm CMV trước khi sinh (nhiễm CMV bẩm sinh)
  • Trẻ sơ sinh bị nhiễm CMV trong hoặc ngay sau khi sinh (nhiễm CMV chu sinh). Nhóm này bao gồm các em bé bị nhiễm qua sữa mẹ.
  • Những người bị suy giảm miễn dịch, chẳng hạn như người đã ghép tạng, ghép tuỷ xương hay ghép tế bào gốc, người nhiễm HIV.

1.1 Ở em bé

Hầu hết các em bé bị CMV bẩm sinh không biểu hiện bất thường lúc sinh. Một vài em bị CMV bẩm sinh có vẻ khoẻ mạnh khi sinh, nhưng theo thời gian các triệu chứng dần dần biểu hiện trong nhiều tháng hay nhiều năm sau đó. Các triệu chứng muộn thường gặp nhất là mất thính lực và chậm phát triển. Một số ít xuất hiện vấn đề về thị lực.

Những triệu chứng dưới đây thường phổ biến ở những trẻ bị CMV bẩm sinh và chu sinh:

  • Sinh non
  • Cân nặng khi sinh thấp
  • Vàng mắt và vàng da
  • Gan to và bị suy giảm chức năng
  • Những đốm tím hay phát ban trên da
  • Tật đầu nhỏ
  • Lách to
  • Viêm phổi
  • Co giật

Nhiễm virus cytomegalo: có phải nguy hiểm với mọi người?
Nhiễm CMV có thể nguy hiểm ở trẻ sơ sinh

1.2 Ở những người suy giảm miễn dịch

Những người suy giảm miễn dịch có thể xuất hiện triệu chứng ở các cơ quan khác nhau trên cơ thể như mắt, phổi, gan, thực quản, dạ dày, ruột hay não.

1.3 Ở người lớn khoẻ mạnh

Hầu hết người khoẻ mạnh khi nhiễm CMV rất ít khi biểu hiện triệu chứng. Một số người lớn khi nhiễm lần đầu có thể xuất hiện các triệu chứng tương tự tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn, bao gồm:

  • Mệt mỏi
  • Sốt
  • Đau họng
  • Đau cơ

2. CMV lây truyền bằng đường nào?

CMV liên quan đến các chủng virus gây bệnh thuỷ đậu, herpes simplex và EBV. Virus cytomegalo có thể thay đổi giữa các giai đoạn ngủ yên và tái hoạt động. CMV chủ yếu ngủ yên ở người khoẻ mạnh. Khi CMV ở thể hoạt động, nó có thể lây truyền cho người khác. Virus này lây lan thông qua các loại dịch trong cơ thể, chẳng hạn như máu, nước tiểu, nước bọt, sữa mẹ, nước mắt, tinh dịch và dịch âm đạo. Tiếp xúc thông thường không truyền CMV.

Những con đường lây lan virus gồm:

  • Bạn đưa tay chạm vào mắt hay bên trong mũi, miệng của mình sau khi tiếp xúc với chất dịch của người bị nhiễm bệnh.
  • Quan hệ tình dục với người bị nhiễm bệnh
  • Thông qua sữa mẹ từ người mẹ nhiễm CMV
  • Ghép tạng, ghép tuỷ xương, ghép tế bào gốc hay truyền máu
  • Sinh đẻ: người mẹ có thể truyền virus dang đứa con trong quá trình sinh đẻ.

Nhiễm virus cytomegalo: có phải nguy hiểm với mọi người?
Người mẹ bị nhiễm CMV có thể truyền sang con

3. Nhiễm virus cytomegalo có thể gây ra những biến chứng gì?

Những biến chứng xuất hiện tuỳ thuộc và tổng trạng và thời điểm bạn nhiễm virus.

3.1 Ở người khoẻ mạnh

CMV có thể gây ra tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn nhưng rất hiếm xảy ra. Ngoài ra, có những biến chứng dù rất ít khi xuất hiện nhưng vẫn có thể gặp ở các cơ quan tiêu hoá, gan và hệ thần kinh.

3.2 Ở những người suy giảm miễn dịch

Những biến chứng có thể gặp gồm:

  • Mất thị lực vì viêm lớp thu nhận ánh sáng của mắt (viêm võng mạc).
  • Các vấn đề về hệ thống tiêu hoá, chẳng hạn như viêm đại tràng, viêm thực quản, viêm gan.
  • Các vấn đề về hệ thần kinh như viêm não.
  • Viêm phổi.

3.3 Ở trẻ em bị CMV bẩm sinh

Những đứa trẻ có mẹ bị nhiễm CMV trong thai kỳ thường có nguy cơ cao xuất hiện biến chứng, bao gồm:

  • Mất thính lực
  • Chậm phát triển trí tuệ
  • Vấn đề về thị lực
  • Co giật
  • Mất khả năng phối hợp
  • Yếu cơ

4. Lời khuyên của bác sĩ trong phòng ngừa nhiễm CMV?

Giữ vệ sinh cẩn thận là cách phòng chống CMV tốt nhất. Bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:

  • Rửa tay thường xuyên. Sử dụng xà phòng và nước trong ít nhất 15 đến 20 giây, đặc biệt nếu bạn tiếp xúc với trẻ nhỏ, với tã hay nước bọt. Điều này rất quan trọng khi một đứa trẻ đang chăm sóc đứa nhỏ hơn.
  • Tránh tiếp xúc với nước mắt và nước bọt khi bạn hôn một đứa trẻ. Chẳng hạn thay vì hôn lên môi một đứa trẻ, bạn có thể hôn lên trán. Việc này rất quan trọng khi bạn đang mang bầu.
  • Tránh dùng chung đồ ăn hay uống chung ly với người khác. Dùng chung ly và các dụng cụ nhà bếp có thể lây lan CMV.
  • Cẩn thận với những vật dùng một lần. Khi vứt tã, khăn giấy và các vật dụng khác đã nhiễm chất dịch cơ thể, hãy rửa tay thật kỹ trước khi chạm vào mặt.
  • Làm sạch đồ chơi và mặt bàn. Làm sạch bất kỳ bề mặt nào dính nước bọt hay nước tiểu của trẻ em.
  • Tình dục an toàn. Đeo bao cao su khi quan hệ tình dục để tránh lây lan CMV.

Nhiễm virus cytomegalo: có phải nguy hiểm với mọi người?
Rửa tay thường xuyên là biện pháp phòng ngừa tốt nhất

Nếu bị suy giảm miễn dịch, bạn có thể sử dụng thuốc kháng virus để ngừa nhiễm CMV. Hiện nay các vắc xin đang được thử nghiệm cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Những vắc xin này có thể hữu ích trong ngăn ngừa nhiễm CMV ở mẹ và trẻ, giúp giảm khả năng bị khuyết tật sau này.

5. Chẩn đoán nhiễm CMV như thế nào?

Các xét nghiệm như xét nghiệm máu và dịch cơ thể có thể phát hiện CMV.

5.1 Trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh

Khi đang mang thai, các xét nghiệm xác định bạn đã từng bị nhiễm CMV chưa rất quan trọng. Phụ nữ mang thai đã có kháng thể chống lại CMV hiếm khi xuất hiện tình trạng CMV tái hoạt rồi nhiễm cho thai nhi.

Nếu bác sĩ phát hiện bạn mới bị nhiễm CMV trong khi đang mang thai, xét nghiệm tiền sản (như chọc ối) có thể giúp xác định xem thai nhi đã bị nhiễm trùng hay chưa. Trong xét nghiệm này, bác sĩ sẽ lấy và kiểm tra một mẫu nước ối. Chọc dò ối thường được khuyến cáo khi phát hiện trên siêu âm những bất thường nghi do CMV gây ra.

Nhiễm virus cytomegalo: có phải nguy hiểm với mọi người?
Chọc ối giúp xác định thai nhi bị nhiễm CMV hay chưa

Nếu nghi ngờ đứa trẻ mắc CMV bẩm sinh, bác sĩ sẽ kiểm tra đứa bé trong vòng ba tuần đầu sau khi sinh. Nếu xác nhận em bé bị CMV, bác sĩ có thể sẽ đề nghị các xét nghiệm bổ sung để kiểm tra chức năng các cơ quan như gan và thận.

5.2 Ở những người bị suy giảm miễn dịch

Nếu bị suy giảm miễn dịch, tầm soát nhiễm CMV là rất quan trọng. Chẳng hạn, nếu bạn mắc HIV/AIDS hay sau khi ghép cơ quan, bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng sức khoẻ thường xuyên.

6. Nhiễm CMV điều trị như thế nào?

Việc điều trị thường không cần thiết cho trẻ em và người lớn khoẻ mạnh. Ở những người không có bệnh nền và xuất hiện nhiễm CMV gây tình trạng tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn cũng thường hồi phục mà không cần dùng thuốc.

Trẻ sơ sinh và những người bị suy giảm miễn dịch cần được điều trị khi xuất hiện các triệu chứng nghi do nhiễm CMV. Phương pháp điều trị tuỳ thuộc vào các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng.

Thuốc kháng virus là phương pháp điều trị phổ biến nhất. Những loại thuốc này có thể làm chậm sự nhân đôi của virus nhưng không thể loại bỏ virus. Hiện nay các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm các thuốc và vắc xin mới để điều trị và phòng ngừa CMV.

7. Khi nào bạn nên đi gặp bác sĩ

Nếu bạn bị suy giảm miễn dịch và xuất hiện các triệu chứng do nhiễm CMV thì nên đi thăm khám. Nhiễm CMV có thể vô cùng nguy hiểm thậm chí đe doạ tính mạng ở những người bị suy giảm miễn dịch. Nguy cơ cao nhất ở những người vừa trải qua ghép tạng hay ghép tế bào gốc.

Nếu bạn bị nhiễm CMV khi đang trong thai kỳ, hãy báo với bác sĩ. Bác sĩ sau đó sẽ đánh giá các vấn đề về thính lực và thị lực cho con bạn.

Đa phần những người khoẻ mạnh nhiễm CMV sẽ không biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên, với một số cơ địa đặc biệt như suy giảm miễn dịch, ghép tạng hay mang thai, nhiễm CMV sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm. Vì thế, nếu bạn nằm trong nhóm đó và nghi ngờ mình nhiễm CMV, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Cách tốt nhất là nên phòng chống nhiễm CMV bằng những động tác giữ vệ sinh, rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc dịch tiết.

Bác sĩ Nguyễn Văn Huấn

 

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Hội chứng siêu nữ là gì? Chẩn đoán thế nào, điều trị ra sao?
Mới đây, thông tin về việc bé gái mắc hội chứng siêu nữ ra đời tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã thu hút sự chú ý của nhiều người, nhất là các mẹ bầu.
Hình ảnh tin tức Cách kiểm tra bao cao su trước và sau khi quan hệ
Bao cao su hết hạn sử dụng, tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng trong thời gian dài hoặc dùng sai cách là những nguyên nhân thường gặp khiến bao cao su bị
Hình ảnh tin tức Ung thư phổi giai đoạn cuối có chữa được không?
Nếu không may được chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn cuối thì người bệnh sẽ lo sợ không biết ung thư phổi giai đoạn cuối có chữa được không, phương
Hình ảnh tin tức Làm sao hết nhạt miệng khi mang thai? Giải pháp nào cho mẹ bầu?
Đắng miệng, nhạt miệng khi mang thai là những triệu chứng phổ biến xảy ra ở các chị em bầu bí. Điều này có thể khiến nhiều mẹ bầu chán ăn, không có
Hình ảnh tin tức Thai máy có nhói bụng không? Tại sao bị nhói bụng khi mang thai?
Việc cảm nhận được thai máy là một trong những trải nghiệm thú vị nhất của các mẹ bầu. Vậy thai máy có nhói bụng không? Bà bầu bị nhói bụng khi mang