Nhiễm Salmonella: Chớ nên chủ quan

Nhiễm Salmonella là một tình trạng nhiễm trùng đường tiêu hóa. Đây là tình trạng thường gặp ở Việt Nam và có thể lây lan thành dịch. Triệu chứng của nó rất đa dạng và có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy Salmonella là gì, cơ thể người sẽ ra sao khi bị nhiễm và làm cách nào để phòng tránh? Hãy cùng YouMed tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!

1. Đặc tính của vi khuẩn Salmonella

Salmonella là một nhóm các vi khuẩn sống trong đường ruột của nhiều loài động vật khác nhau. Trong đó, đáng chú ý là Salmonella Typhi và Salmonella paratyphi A, B gây nên bệnh thương hàn ở người. Đây là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa có nhiều biến chứng nguy hiểm. Các loại khác có thể gây nhiễm trùng đường ruột thoáng qua trên người và động vật.

Salmonella nói chung có khả năng tồn tại khá lâu trong môi trường nước (từ 2 đến 3 tuần). Chúng sống lâu hơn hẳn trong nước đá và phân (2 đến 3 tháng). Vi khuẩn này sẽ bị hủy bởi nhiệt độ: 50oC trong vòng 1 giờ hoặc 100oC trong vòng 5 phút. Rất may là chúng dễ dàng bị tiêu diệt bằng các chất sát khuẩn thông thường.

Nhiễm Salmonella: Chớ nên chủ quan

2. Như thế nào là nhiễm Salmonella?

2.1 Cách thức lây truyền

Có 2 đường lây nhiễm vi khuẩn Salmonella.

  • Qua ăn, uống các thực phẩm, nguồn nước bẩn có chứa vi khuẩn. Đặc biệt là khi chưa chế biến kỹ, nấu chưa chín. Đây là đường lây quan trọng nhất, thường gây nên dịch lớn.
  • Qua tiếp xúc với tay chân và chất thải của người nhiễm Salmonella. Hoặc tiếp xúc với đồ dùng bị nhiễm khuẩn.
Nhiễm Salmonella: Chớ nên chủ quan

2.2 Quá trình xâm nhập

Salmonella có nhiều loại với khả năng gây bệnh khác nhau. Vậy nên các bệnh cảnh của chúng khá đa dạng.

Vi khuẩn gây bệnh thương hàn vào cơ thể qua đường tiêu hóa, xâm nhập vào ruột non. Sau đó chúng bắt đầu sinh sôi và giải phóng các độc tố. Chính các độc tố này sẽ gây ra những triệu chứng tại đường tiêu hóa, hệ tim mạch và hệ thần kinh. Trong trường hợp nặng, vi khuẩn có thể theo máu di chuyển khắp cơ thể, gây nên tình trạng nhiễm trùng huyết nguy hiểm.

Bên cạnh đó, một số chủng Salmonella có thể chỉ gây nhiễm trùng tại đường tiêu hóa. Đây được gọi là tình trạng nhiễm độc thức ăn do Salmonella. Tình trạng này có thể tự khỏi mà không để lại nhiều hậu quả.

>> Xem thêm bài viết: Chảy máu tiêu hóa dưới: Đừng coi thường!

3. Nguồn lây Salmonella đến từ đâu?

3.1 Từ người bệnh (người nhiễm Salmonella và có triệu chứng)

Salmonella có chủ yếu trong phân của bệnh nhân. Ngoài ra chúng còn tồn tại trong nước tiểu, đàm, chất nôn từ người bệnh.

3.2 Người đã khỏi bệnh nhưng còn mang vi khuẩn

Sau khi hết triệu chứng, Salmonella có thể tồn tại và thải ra theo phân của người vừa hết bệnh. Thời gian để vi khuẩn bài tiết ra hết từ một người vừa khỏi bệnh đa số từ 2 đến 3 tuần. Trong một số trường hợp, thời gian này có thể kéo dài vài tháng.

3.3 Người lành mang vi khuẩn (có nhiễm Salmonella nhưng không có triệu chứng)

Phân của nhóm này vẫn có Salmonella và có khả năng lây lan, gây bệnh cho người khác. Chính vì bản thân họ và người khác không hề hay biết tình trạng nhiễm khuẩn nên khó kiểm soát sự lây lan ở nhóm này.

3.4 Các động vật khác

Ngoài 3 nhóm kể trên, một số loài động vật có thể lây Salmonella cho người, bao gồm:

  • Bò sát (rùa, thằn lằn và rắn).
  • Động vật lưỡng cư (ếch và cóc).
  • Gia cầm (gà con, gà, vịt con, vịt, ngỗng và gà tây).
  • Các loài chim khác (vẹt và chim hoang dã).
  • Loài gặm nhấm (chuột đồng và chuột lang).
  • Nhím.
  • Heo, bò, dê, ngựa và cừu.

4. Nơi nào dễ xảy ra tình trạng nhiễm Salmonella

Tình trạng nhiễm Salmonella thường gặp ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém. Đặc biệt, khi một trong các vấn đề sau đây không đạt tiêu chuẩn vệ sinh sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn lây lan, có thể tạo thành dịch lớn:

  • Vệ sinh nguồn nước.
  • Vệ sinh an toàn thực phẩm.
  • Nhà tiêu, hố xí.
  • Hệ thống thoát nước.

5. Ai là người dễ nhiễm Salmonella?

Bất kỳ ai cũng có thể nhiễm bệnh từ Salmonella. Nhưng, có sự khác biệt trong khả năng mắc bệnh giữa các nhóm đối tượng khác nhau. Những nhóm người sau đây có hệ miễn dịch yếu, sức đề kháng kém. Vì vậy, họ gặp nhiều nguy cơ nhiễm Salmonella hơn và độ nặng của bệnh có thể trầm trọng hơn:

  • Trẻ dưới 5 tuổi.
  • Người lớn trên 65 tuổi.
  • Những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân có hóa trị chữa ung thư hay đã ghép tạng. Bệnh nhân đái tháo đường hay suy giảm chức năng gan, thận.

>> Xem thêm: Bệnh truyền nhiễm là gì và những căn bệnh phổ biến cần lưu ý

6. Những triệu chứng thường gặp khi nhiễm Salmonella

Đa số các triệu chứng nổi bật khi nhiễm Salmonella là triệu chứng của nhiễm trùng đường tiêu hóa.

  • Tiêu chảy (đi tiêu ra phân lỏng từ 3 lần trở lên trong 1 ngày).
  • Nôn ói.
  • Sốt.

Ở bệnh thương hàn, triệu chứng có thể đa dạng hơn. Những chủng Salmonella gây bệnh thương hàn có thể xâm nhập vào hệ thần kinh, phổi và xương,… Các triệu chứng có thể gặp trong thương hàn bao gồm:

  • Sốt cao liên tục (từ 39oC trở lên).
  • Tiêu chảy hoặc táo bón.
  • Bụng to căng trướng.
  • Phát ban.
  • Nhức đầu, ù tai.
  • Mệt mỏi chán ăn.
  • Ho khan.
  • Li bì, hôn mê (ít gặp).

Các triệu chứng sẽ nặng hơn ở những người chưa chủng ngừa Salmonella, chưa tạo được miễn dịch hoàn toàn chống lại vi khuẩn.

8. Hậu quả khi không điều trị đúng và kịp thời

Tình trạng nhiễm độc thức ăn do Salmonella thường thoáng qua và ít biến chứng ở người lớn. Tuy nhiên, ở trẻ em, tình trạng có thể diễn tiến nặng nề hơn rất nhiều. Trẻ dưới 5 tuổi nhiễm Salmonella có thể bị nhiễm trùng máu, viêm não và viêm xương.

Với thương hàn, bệnh có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng ở người lớn và trẻ nhỏ. Nguy hiểm nhất là chảy máu đường ruột, thủng ruột hay nhiễm trùng máu. Tỉ lệ xảy ra các biến chứng này khoảng 5%. Thủng ruột có thể gây nhiễm trùng toàn ổ bụng nặng nề, nhanh chóng và đe dọa tính mạng người bệnh hoặc để lại di chứng. Chảy máu đường ruột quá nhiều sẽ dẫn đến sốc do mất máu, có thể tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Ngoài ra, các cơ quan khác như phổi, tủy sống, thận,.. có thể bị ảnh hưởng do Salmonella.

9. Khi nào cần gặp bác sĩ?

  • Tiêu chảy không cải thiện sau 2 ngày.
  • Nôn ói kéo dài hơn 2 ngày.
  • Dấu hiệu mất nước, bao gồm đi tiểu ít hơn những ngày trước hoặc không đi tiểu, khát nước quá nhiều, miệng rất khô, chóng mặt.
  • Nước tiểu sậm màu.
  • Sốt cao 39oC trở lên.
  • Đi cầu ra phân màu đen, có mùi hôi (phân có máu).

10. Phương pháp điều trị

Khi có những triệu chứng nghi ngờ, xét nghiệm cấy phân và cấy máu có thể phát hiện Salmonella. Ngoài ra, cấy tủy xương, nước tiểu và dịch mật có thể được chỉ định trong một số trường hợp.

Nếu xét nghiệm cho thấy người bệnh có nhiễm Salmonella, cần cách ly và báo cáo trường hợp bệnh để phòng tránh lây lan ra cộng đồng. Nên tổ chức điều trị tại chỗ, tránh vận chuyển xa.

Điều trị chủ yếu là bù nước và các chất muối khoáng hỗ trợ bệnh nhân phục hồi vì mất nước khi tiêu chảy nhẹ. Kháng sinh được chỉ định cho các trường hợp bệnh trở nặng. Hiện nay, Salmonella đã xuất hiện các chủng kháng kháng sinh nên cần cấy máu làm kháng sinh đồ để xác định chính xác chủng mắc, từ đó có kháng sinh phù hợp.

Ngoài ra, bệnh nhân cần được theo dõi và hỗ trợ các vấn đề tim mạch, dinh dưỡng với chế độ ăn phù hợp. Cần tuyệt đối tuân thủ đơn thuốc, đúng liều đúng lượng để ngăn ngừa tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn.

11. Các biện pháp phòng ngừa

 

Nhiễm Salmonella: Chớ nên chủ quan
  • Tiêm chủng vắc xin để tạo miễn dịch chủ động với Salmonella.
  • Rửa tay sạch với nước và xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi chế biến thực phẩm, sau khi tiếp xúc với động vật và bất cứ khi nào thấy tay bẩn.
  • Chỉ sử dụng nguồn nước sạch để nấu ăn.
  • Chỉ mua thực phẩm rõ nguồn gốc, đáng tin cậy, có điều kiện bảo quản tốt.
  • Xử lí và chế biến thật kỹ thức ăn. Hạn chế ăn thức ăn chưa chín, đặc biệt là trứng gia cầm.
  • Rửa sạch rau và trái cây dưới vòi nước chảy.
  • Vệ sinh sạch sẽ nhà bếp và các dụng cụ chế biến thực phẩm để ngăn ngừa sự lây lan.

Nhiễm Salmonella có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi nhưng có nhiều nguy cơ hơn ở trẻ em, người cao tuổi và những bệnh nhân có bệnh mạn tính, suy giảm sức đề kháng. Thói quen ăn uống, sinh hoạt không vệ sinh là mầm mống nguy cơ lớn nhất của tình trạng này. Những người có miễn dịch hoàn toàn nhờ tiêm chủng khi nhiễm Salmonella sẽ có sức chống chịu tốt hơn, triệu chứng nhẹ nhàng hơn. Rửa tay sạch, chế biến kỹ thức ăn là chìa khóa quan trọng để ngăn ngừa bệnh.

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Hội chứng siêu nữ là gì? Chẩn đoán thế nào, điều trị ra sao?
Mới đây, thông tin về việc bé gái mắc hội chứng siêu nữ ra đời tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã thu hút sự chú ý của nhiều người, nhất là các mẹ bầu.
Hình ảnh tin tức Cách kiểm tra bao cao su trước và sau khi quan hệ
Bao cao su hết hạn sử dụng, tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng trong thời gian dài hoặc dùng sai cách là những nguyên nhân thường gặp khiến bao cao su bị
Hình ảnh tin tức Ung thư phổi giai đoạn cuối có chữa được không?
Nếu không may được chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn cuối thì người bệnh sẽ lo sợ không biết ung thư phổi giai đoạn cuối có chữa được không, phương
Hình ảnh tin tức Làm sao hết nhạt miệng khi mang thai? Giải pháp nào cho mẹ bầu?
Đắng miệng, nhạt miệng khi mang thai là những triệu chứng phổ biến xảy ra ở các chị em bầu bí. Điều này có thể khiến nhiều mẹ bầu chán ăn, không có
Hình ảnh tin tức Thai máy có nhói bụng không? Tại sao bị nhói bụng khi mang thai?
Việc cảm nhận được thai máy là một trong những trải nghiệm thú vị nhất của các mẹ bầu. Vậy thai máy có nhói bụng không? Bà bầu bị nhói bụng khi mang