Ngủ ngáy ở trẻ sơ sinh có đáng lo ngại?

Ngủ ngáy là một hiện tượng thường gặp ở người lớn. Đây là một điều gây phiền toái cũng như có thể liên quan tới nhiều bệnh lý. Một điều ít ngờ là trẻ sơ sinh cũng ngủ ngáy. Đôi khi điều này có thể gây lo lắng cho ba mẹ trong việc chăm sóc và nuôi dạy trẻ. May mắn là, trái với người lớn, phần lớn ngủ ngáy ở trẻ sơ sinh không phải là vấn đề đáng lo ngại. Dù vậy thì ba mẹ vẫn nên có những hiểu biết về tình trạng này. Qua đó có thể chăm sóc trẻ một cách tốt nhất.

1. Trẻ sơ sinh có thường ngủ ngáy?

Trẻ sơ sinh khi thở thường tạo ra những âm thanh lớn, đặc biệt là khi ngủ. Những âm thanh này thường được ba mẹ trẻ nghe như tiếng ngáy. Trong phần lớn trường hợp, việc trẻ có những âm thanh này không phải là dấu hiệu nguy hiểm.

Ở trẻ sơ sinh, đường thở nói chung và hốc mũi nói riêng rất nhỏ. Do đó một sự ứ đọng dịch tiết ở mũi cũng có thể làm trẻ ngáy. Hoặc đơn giản là thở như tiếng ngáy. Khi trẻ dần lớn lên, đường thở cũng thông thoáng hơn và trẻ thở cũng êm hơn. Vì vậy, ngủ ngáy nếu không có nguyên nhân bệnh lý nào có thể xem như một phần trong sự tăng trưởng của trẻ. Một số trẻ có thể duy trì tình trạng này cho tới 6 tháng tuổi.

Xem thêm: Trẻ khóc dạ đề và những thông tin liên quan mà bố mẹ nên biết.

Ngủ ngáy ở trẻ sơ sinh có đáng lo ngại?
Hình 1. Ngủ ngáy thường gặp ở trẻ sơ sinh và thường không phải là một vấn đề nghiêm trọng – Nguồn ảnh: FirstCry Parenting .

2. Nguyên nhân ngủ ngáy ở trẻ sơ sinh

Trẻ ngủ ngáy ngoài nguyên nhân sinh lý còn có thể do một số bất thường về cấu trúc hay chức năng khác. Một số nguyên nhân có thể kể tới là:

2.1. Nghẹt mũi

Là nguyên nhân thường gặp nhất. Chủ yếu là do ứ đọng dịch tiết trong mũi của trẻ. Đây có thể là dịch nhầy mũi sinh lý hoặc dịch tiết do trẻ bị cảm lạnh. Những trường hợp này thường chỉ cần nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý là có thể giải quyết được. Tình trạng này biến mất dần khi trẻ phát triển và hốc mũi trẻ rộng hơn.

Xem thêm: Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi phải xử trí như thế nào?

2.2. Mềm sụn thanh quản

Là một tình trạng trong đó các mô vùng thanh quản của trẻ chưa đủ độ cứng. Do đó các cấu trúc của thanh quản bị biến dạng và sa xuống. Chúng có thể che lấp một phần đường thở làm trẻ ngủ ngáy. 90% trẻ sẽ tự cải thiện triệu chứng mà không cần điều trị đặc hiệu nào. Những triệu chứng này thường cải thiện khi trẻ từ 18 tới 20 tháng tuổi. Một số ít trẻ có tình trạng nặng nề ảnh hưởng tới việc hít thở và ăn uống. Khi đó trẻ có thể được đặt nội khí quản để thở hoặc phẫu thuật tạo hình lại thanh quản.

2.3. Vẹo vách ngăn

Tình trạng này khiến cho một bên hốc mũi trẻ bị tắc một phần. Khi đó bên còn lại có xu hướng bù trừ. Lượng không khí hít thở nhiều và mạnh hơn dẫn tới tiếng ngáy.

2.4. Dị ứng

Trẻ có thể dị ứng với bụi từ gối, chăn mền, đồ chơi hay lông chó mèo…

2.5. Các nguyên nhân khác

Một số bệnh lý như: Amidan hoặc VA phì đại hiếm gặp ở trẻ sơ sinh, thường thấy ở trẻ 4 – 5 tuổi.

Các bất thường cấu trúc vùng hầu họng: nang vùng họng, bất thường khẩu cái…

Ngủ ngáy ở trẻ sơ sinh có đáng lo ngại?
Hình 2. Đôi khi trẻ ngủ ngáy do dị ứng với bụi từ chăn mền hay đồ chơi – Nguồn ảnh: Kingdom of Baby.

3. Làm thế nào để cải thiện tình trạng ngủ ngáy ở trẻ?

Ngủ ngáy dù là hiện tượng sinh lý hay bệnh lý thì cũng ít nhiều gây ra khó chịu cho trẻ cũng như cho ba mẹ. Do đó, có một số biện pháp có thể thực hiện tại để giảm tình trạng ngủ ngáy. Tuy nhiên nếu có điều kiện, ba mẹ nên đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa nhi để tìm ra cách điều trị phù hợp.

Một số cách có thể thực hiện tại nhà

  • Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý. Nhỏ khoảng 2 tới 3 giọt mỗi bên mũi, 2 đến 3 lần mỗi ngày. Nước muối làm loãng dịch tiết, thông thoáng đường thở và giúp trẻ dễ thở hơn. Đây cũng là một biện pháp an toàn được các bác sĩ nhi khoa chấp nhận.
  • Hút mũi để làm sạch dịch tiết ứ đọng.
  • Giữ độ ẩm trong phòng ngủ của trẻ vì không khí khô làm dịch tiết của trẻ đặc lại. Ba mẹ cũng có thể xông mũi cho trẻ bằng hơi nước ấm. Đặc biệt xông mũi lúc tắm cho trẻ trước khi đi ngủ. Điều này làm loãng dịch tiết cũng như giúp trẻ dễ chịu và có một giấc ngủ ngon hơn.
  • Thay đổi tư thế ngủ của trẻ. Khi nằm sấp hoặc nằm ngửa trẻ thường dễ ngủ ngáy hơn nằm nghiêng. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khuyến cáo không nên cho trẻ nằm nghiêng khi trẻ còn quá nhỏ. Chỉ nên làm điều này nếu trẻ đã tự mình thực hiện được. Vì vậy, tốt hơn hết nên để trẻ nằm ngửa với đầu nghiêng qua một bên.
  • Ngăn các tác nhân dị ứng. Không khí lạnh, bụi, khói thuốc lá, lông chó mèo…có thể kích ứng đường thở làm trẻ ngủ ngáy. Do đó cần làm sạch phòng ngủ của trẻ và duy trì sự thông khí đầy đủ.
  • Cho trẻ bú và uống đủ nước. Điều này làm dịch tiết mũi loãng hơn và giảm khả năng gây tắc nghẽn.

Ngủ ngáy ở trẻ sơ sinh có đáng lo ngại?
Hình 3. Nhỏ nước muối sinh lý mỗi ngày giúp loãng dịch tiết ở mũi trẻ.

4. Khi nào cần đưa trẻ đi khám?

Ngủ ngáy ở trẻ sơ sinh đa phần là một hiện tượng sinh lý và có thể giải quyết dễ dàng. Tuy nhiên một số trường hợp có nguyên nhân bệnh lý. Do đó ba mẹ cần chú ý và đưa trẻ đi khám nếu có các biểu hiện khác thường như:

  • Ngủ ngáy vẫn tiếp tục sau khi thực hiện các biện pháp thông thường, đặc biệt là nhỏ mũi bằng nước muối.
  • Ngáy nhiều khiến trẻ khó ngủ vào ban đêm. Việc thiếu ngủ có thể dẫn tới các vấn đề về phát triển và tăng trưởng của trẻ. Có thể kể tới như bất thường hành vi kiểu tăng động giảm chú ý (ADHD), tè dầm, chậm tăng cân…
  • Trẻ có biểu hiện khó thở vào ban ngày, ảnh hưởng tới các hoạt động của trẻ.
  • Các bất thường trong ăn uống và tăng cân.
  • Nhịp thở của trẻ bất thường hoặc trẻ ngủ ngáy kèm các khoảng ngưng thở.

Ngủ ngáy ở trẻ sơ sinh là một hiện tượng thường gặp. May mắn thay đây ít khi là biểu hiện của một tình trạng nghiêm trọng. Nguyên nhân trong phần lớn trường hợp là mũi của trẻ vốn nhỏ nên dễ bị nghẹt khi có dịch tiết ứ đọng.Tuy nhiên, nếu trẻ có những biểu hiện đáng lưu ý khác cũng như không cải thiện tình trạng ngủ ngáy khi lớn lên thì ba mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá một cách chính xác và kịp thời.

Bác sĩ Sử Ngọc Kiều Chinh

Ý kiến

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài

Tin tức mới nhất

Hình ảnh tin tức Bị gai sinh dục có quan hệ được không, có nguy hiểm không?
Gai sinh dục là các u nhú gai vùng sinh dục dễ bị nhầm lẫn với những căn bệnh xã hội nguy hiểm khác như: mụn rộp sinh dục, sùi mào gà, u mềm lây… Do
Hình ảnh tin tức Giấy quỳ tím thử nước ối: Cách hay để phân biệt nước ối với nước tiểu?
Hiện trên một số group cộng đồng bầu bí, nhiều mẹ thường chia sẻ với nhau “bảo bối” giấy quỳ tím thử nước ối và cách sử dụng loại giấy này khi có nghi
Hình ảnh tin tức Cách xử lý khi trẻ bị kiến ba khoang đốt và những lưu ý cần nhớ
Khi mùa mưa đến, trẻ có thể đối mặt với nhiều mối nguy từ côn trùng, đặc biệt là kiến ba khoang. Trẻ bị kiến ba khoang đốt có thể gặp phải những hậu
Hình ảnh tin tức Thuốc Oracortia có dùng được cho trẻ em không? Cách dùng ra sao?
Oracortia là thuốc giúp giảm viêm, sưng đau hiệu quả, thường được dùng để điều trị nhiệt miệng. Thế nhưng, vì đây là một loại thuốc thuộc nhóm
Hình ảnh tin tức Uống nước mía mỗi ngày có tốt không? Cần lưu ý những gì?
Nước mía không chỉ là thức uống xua tan cơn khát trong những ngày oi bức mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Chính vì vậy mà nhiều người lựa chọn