Nhiều phụ nữ bị ung thư vú mà không có bất kì triệu chứng nào. Đây là lý do tại sao việc tầm soát ung thư vú thường xuyên là rất quan trọng. Câu hỏi “Ung thư vú sống được bao lâu” là một trong những thắc mắc thường gặp khi bác sĩ chẩn đoán mắc ung thư vú. Ung thư vú được phát hiện càng sớm, khi khối u còn nhỏ và chưa lây lan, sẽ càng có nhiều khả năng điều trị thành công hơn.
Các giai đoạn của ung thư vú
Một khi đã được chẩn đoán mắc ung thư vú, bất kì ai đều muốn biết khối u này đang ở giai đoạn nào. Hay nếu bị ung thư vú sống được bao lâu? Có được câu trả lời này rất quan trọng. Bởi vì sẽ giúp bạn và bác sĩ biết thêm thông tin về quyết định phương pháp điều trị cũng như tiên lượng sống còn.
Có nhiều cách để xác đinh giai đoạn ung thư vú. Thông qua khám vú, sinh thiết khối u, chụp X-quang hay MRI và xét nghiệm máu. Dựa trên những phát hiện này, bác sĩ sẽ quyết định chẩn đoán phù hợp cho giai đoạn của ung thư vú. Các giai đoạn được đánh số 0 và các chữ số La Mã I, II, III hoặc IV. Thường kèm theo sau là các chữ cái viết hoa A, B hoặc C. Hiểu theo nghĩa đơn giản, chữ số càng lớn cho biết giai đoạn ung thư càng tiến triển xấu.
Giai đoạn 0 (ung thư vú không xâm lấn)
Các tế bào ung thư chỉ ở vú. Chúng không có dấu hiệu lây lan đến các hạch bạch huyết. Nghĩa là ung thư vú đã được chẩn đoán giai đoạn từ sớm, chưa di căn.
Giai đoạn I
Bắt đầu từ cấp độ này, ung thư vú được gọi là xâm lấn. Có nghĩa là nó tấn công đến các mô khỏe mạnh xung quanh. Giai đoạn I dành cho khối u có kích thước từ 2 cm trở xuống và chưa lan rộng.
Giai đoạn IA: ung thư đã di căn vào các mô mỡ ở vú.
Giai đoạn IB: ung thư đã di căn vào một vài hạch bạch huyết.
Giai đoạn II
Là giai đoạn ung thư đã phát triển hoặc lan rộng ra ngoài.
Giai đoạn IIA: khối u trong vú vẫn còn nhỏ. Kích thước nhỏ hơn 2 cm và có hạch vùng nách hoặc từ 2 đến 5 cm nhưng không có hạch bạch huyết.
Giai đoạn IIB: khối u có kích thước từ 2 đến 5 cm kèm theo hạch hoặc lớn hơn 5 cm và không có hạch vùng nách.
Giai đoạn III
Ung thư không di căn đến xương hoặc các cơ quan, nhưng nó được coi là đã tiến triển và khó điều trị hơn.
Giai đoạn IIIA: khối u lớn hơn 5 cm đã lan đến các hạch vùng nách hoặc gần xương đòn. Hoặc khối u có bất kỳ kích thước nào đã lan đến các hạch bạch huyết sâu trong mô vú.
Giai đoạn IIIB: khối u có kích thước bất kỳ đã lan đến da hoặc thành ngực. Ngay cả khi nó chưa lan đến các hạch bạch huyết.
Giai đoạn IIIC: khối u có kích thước bất kỳ đã di căn xa hơn. Được tìm thấy trong ít nhất 10 hạch bạch huyết hoặc đã lan rộng đến hạch gần xương đòn.
Giai đoạn IV (di căn)
Lúc này, khối u – bất kể kích thước, đã di căn đến những cơ quan khác. Các vị trí phổ biến nhất là xương, phổi, gan, não hoặc các hạch bạch huyết ở xa. Giai đoạn này được mô tả là “di căn”. Bởi vì tế bào ung thư đã lan rộng ra ngoài vị trí nơi nó được tìm thấy lần đầu tiên.
Giai đoạn ung thư vú
Tỉ lệ mắc bệnh đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, ung thư vú hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu phát hiện sớm. Ngoài ra, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra các phương pháp khả dụng để ngăn ngừa căn bệnh này, tham khảo bài viết: Bí quyết giúp bạn phòng ngừa ung thư vú.
Dấu hiệu nhận biết sớm ung thư vú
Ung thư vú thường không gây cảm giác đau đớn trong giai đoạn đầu. Điều quan trọng là phải đến gặp bác sĩ thật sớm nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi nào sau đây:
Thay đổi kích thước hoặc hình dạng một hoặc cả hai bên vú.
Bạn có thể sờ thấy một khối u ở vú hoặc nách không biến mất trong thời gian dài. Tuy nhiên, sờ thất một khối u bất thường ở vú không phải luôn là biểu hiện của ung thư.
Có một vết lõm trên núm vú hoặc những nơi khác trên vú. Núm vú có thể bị tụt vào trong.
Sưng đỏ, loét, thay đổi màu sắc da hay ngứa, đau vùng vú
Vú tiết dịch bất thường, có thể lẫn máu.
Các bất thường trên cũng có thể được phát hiện thông qua tầm soát ung thư vú định kì. Bao gồm khám sức khỏe, siêu âm hoặc chụp nhũ ảnh. Đây là cách đáng tin cậy nhất để phát hiện sớm ung thư vú. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ đã đưa ra hướng dẫn sàng lọc cho những phụ nữ có nguy cơ trung bình và nguy cơ cao bị ung thư vú. Nếu nghi ngờ, bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra thêm bằng các xét nghiệm chuyên sâu hơn.
Khi mắc ung thư vú, bạn cần nhắc lợi ích của từng phương pháp điều trị so với rủi ro và tác dụng phụ có thể xảy ra. Thông thường, kế hoạch điều trị ung thư vú sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Xem thêm bài viết dưới đây để đưa ra lựa chọn hợp lý cho bản thân: Điều trị ung thư vú và liệu ung thư vú có chữa được không?
Ung thư vú có chữa được không?
Yếu tố ảnh hưởng đến việc điều trị
Tỷ lệ điều trị thành công ung thư vú phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, cần chú ý đến:
Kích thước, vị trí và giới hạn của khối u
Các thụ thể yếu tố tăng trưởng (thụ thể HER2), estrogen có trong tế bào ung thư
Diễn tiến quá trình đáp ứng của các tế bào ung thư khi điều trị
Mức độ di căn của khối u
Phẫu thuật đã loại bỏ hoàn toàn khối u hay chưa
Tiền căn ung thư vú trước đây
Đôi khi ung thư vú được chẩn đoán lần đầu tiên khi nó đã ở giai đoạn cuối. Trong trường hợp này, tế bào ung thư thường không chỉ được tìm thấy ở vú và các vùng lân cận như hạch nách, hạch cổ. Ung thư vú có thể đã dẫn đến sự phát triển của các khối u khác (khối u di căn) trong xương hoặc các hạch bạch huyết. Nhưng ngay cả khi điều này xảy ra, bệnh vẫn có thể được điều trị. Nếu khối u có thể được loại bỏ hoàn toàn và không có di căn xa thì khả năng hồi phục là hoàn toàn có thể. Ngay cả với trường hợp tái phát ung thư vú thêm lần nữa.
Ung thư vú sống được bao lâu?
Phát hiện sớm ung thư vú rất quan trọng
Tỷ lệ sống sót sau 5 năm cho biết có bao nhiêu người sống được ít nhất 5 năm sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú. Nó dựa trên giai đoạn tại thời điểm chẩn đoán. Tỷ lệ này chỉ là ước tính. Bởi vì một số trường hợp được chẩn đoán ung thư vú có thể sống lâu hơn nữa. Giai đoạn càng sớm, cơ hội sống càng cao. Bác sĩ có thể giải thích kĩ hơn về tỷ lệ sống sót và ý nghĩa của chúng đối với tình trạng bệnh của bạn.
Theo Viện Ung thư Quốc gia, tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với bệnh ung thư vú dựa trên giai đoạn lúc được chẩn đoán là:
Giai đoạn 0 và I: 100%
Giai đoạn II: 93%
Giai đoạn III: 72%
Giai đoạn IV: 22%
Bên cạnh đó, theo thống kê của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, gần 100% phụ nữ chỉ có tế bào ung thư ở vú sẽ sống ít nhất 5 năm sau khi được chẩn đoán. Ở những trường hợp ung thư đã di căn sang các mô lân cận, 91% sống thêm được ít nhất 5 năm và 84% sống thêm được ít nhất 10 năm. Tỷ lệ sống sót của phụ nữ da đen thấp hơn khoảng 9% so với phụ nữ da trắng.
Đối với nam giới bị ung thư vú, tỷ lệ sống sót sau 5 năm trung bình là 84%. Nếu khối u chỉ ở vú, 96% nam giới sống thêm được ít nhất 5 năm. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 83% nếu ung thư di căn đến các hạch bạch huyết gần đó và 22% nếu nó di căn xa hơn ở não hay xương.
Ung thư vú là căn bệnh phức tạp với nhiều yếu tố góp phần gây ra. Không một loại thực phẩm hay thuốc nào hoàn toàn có thể ngăn được ung thư vú. Nhưng việc lựa chọn chế độ ăn có thể góp phần ngăn ngừa nguy cơ này. Bài viết sau sẽ giúp bạn giải đáp được thắc mắc: Ăn gì ngừa ung thư vú?
Kết luận
Bất kỳ căn bệnh nghiêm trọng nào đòi hỏi nhiều đợt điều trị sẽ ảnh hưởng đến thể chất lẫn sức khỏe tinh thần của bạn. Ngày nay, phương pháp chăm sóc giảm nhẹ và tư vấn tâm lý đối với người mắc bệnh ung thư thường được cung cấp như một phần của điều trị ung thư.
Một điều rất quan trọng đối với phụ nữ mắc ung thư vú là cần phải chăm sóc bản thân tốt. Bằng cách tập thể dục thường xuyên, ăn uống những món bạn thích hay làm những việc giúp bản thân thoải mái và chia sẻ khó khăn với người thân sẽ giúp bạn vượt qua giai đoạn này.
Chương trình Siêu khuyến mại tháng 8 - 9/2023